Điện ảnh Việt Nam phản ánh hiện thực cuộc sống như thế nào?
Ngay cả khi đất nước đã thống nhất, dân tộc bước vào cuộc sống hòa bình thì phần lớn những tác phẩm điện ảnh thành công nhất vẫn là bộ phim phản ảnh chiến tranh hoặc khai thác những vấn đề ngóc ngách sau chiến tranh, những bi kịch chiến tranh.
Cánh đồng hoang, Mẹ vắng nhà, Bao giờ cho đến tháng mười, Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Tuổi thơ dữ dội, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Ai xuôi vạn lý, Cây bạch đàn vô danh, Hoa của trời, Ngã ba Đồng Lộc… sau một chút là Đời cát, Bến không chồng, Thời xa vắng và gần đây nhất là Đừng đốt.
Như vậy, phải chăng không có nhiều phim phản ánh hiện thực cuộc sống đương đại? Hoặc nếu có nhiều phim loại này thì tại sao các phim phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay lại không tạo nên được dấu ấn đậm nét bằng phim chiến tranh?
Trên thực tế, kể từ sau giải phóng miền Nam, bên cạnh những bộ phim tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh thì những bộ phim phản ánh hiện thực cuộc sống hòa bình ngày càng nhiều. Trong số đó, có những phim được xem là thành công, ở các mức độ khác nhau được trao thưởng tại các liên hoan phim quốc gia và quốc tế. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước có thể kể đến Vị đắng tình yêu, Canh bạc, Thương nhớ đồng quê, Giải hạn, Những người thợ xẻ, Chung cư…
Những phim phản ánh hiện thực cuộc sống khá đa dạng về chủ đề, đối tượng phản ánh và phong cách thể hiện. Xin được điểm một số bộ phim để phần nào có được sự hình dung khái quát. Cách đây mười mấy năm, những phim như Thương nhớ đồng quê, Giải hạn, Những người thợ xẻ phác họa sinh động đời sống ở làng quê khi cơn lốc kinh tế thị trường tràn vào lay động luỹ tre làng.
Thân phận những người nông dân có nhiều đổi thay, họ phải đối mặt với sự giằng co cả trong cuộc sống hằng ngày lẫn trong thế giới nội tâm đầy những khát khao, đòi hỏi một sự thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm sinh lý. Có những phim như Vị đắng tình yêu, Canh bạc phản ánh cuộc sống sinh viên với những khát vọng đầu đời, những khoảnh khắc hạnh phúc luôn song hành với những dằn vặt và trớ trêu của số phận.
Khai thác đề tài chống tham nhũng một cách khá mạnh bạo và quyết liệt phải kể đến phim Lưới trời. Các nhà làm phim lấy ý tưởng từ những vụ án từng rúng động xã hội như vụ Năm Cam, vụ Tamexco để vạch trần con đường dẫn đến "căn bệnh ung thư" của xã hội - quốc nạn tham nhũng mà việc chống lại nó mặc dù đã được Đảng và Nhà nước phát động trong toàn xã hội nhưng vẫn còn đầy gian nan.
Gái nhảy lại là một bộ phim tạo nên những dư luận khen chê rầm rộ ngay sau khi "ra lò". Một mảng cuộc sống mang gam màu tối của những cô gái bar lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh một cách trần trụi, bạo liệt và cũng rất sống động. Điều đáng lưu tâm là bên trong những thân thể trẻ trung hằng đêm hành nghề trong hộp đêm là những tâm hồn còn vương lại chút tình cảm trong sáng, sự cô đơn và nỗi buồn thấu ruột của hoàn cảnh, của số phận.
Gần đây, hai bộ phim Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi được đánh giá là thành công với một số giải thưởng trong nước và tại một vài liên hoan phim quốc tế. Đây có thể xem là hai cách phản ánh đề tài cuộc sống đương đại lên màn ảnh. Trăng nơi đáy giếng là bi kịch của người đàn bà xứ Huế yêu chồng đắm đuối mà không thể có con, cố nuôi hạnh phúc bằng việc tìm người sinh con cho chồng, nhưng hóa ra sự hy sinh mù quáng lại khiến chị hoàn toàn trắng tay.
Rồi như một sự xui khiến, cuộc đời chị rẽ sang một ngả khác khi chị "kết duyên" với một ông tướng dưới cõi âm! Số phận "lộng giả thành chân" dẫn chị theo đuổi cái bóng của "vầng trăng nơi đáy giếng". Đạo diễn đã cố gắng để nét trầm buồn, u uẩn mà da diết của xứ Huế quyện vào tình cảm và tâm linh của nhân vật, tạo nên một giọng điệu, màu sắc riêng, đủ sức chuyên chở nghịch lý của nhân vật trong phim và hóa giải thành những nghịch lý của cuộc đời.
Chơi vơi phác họa được vài lát cắt cuộc sống trong một thành phố đang đô thị hóa của một đất nước nghèo đang phát triển. Ở đó có cặp vợ chồng mới cưới mà anh chồng vô tư hơn cả trẻ con, cô vợ vẫn tiếp tục tình bạn với một người bạn gái già dặn vốn yêu quý cô đến si mê; có gã "tay chơi" đầy bản năng đàn ông trong cái vỏ đẹp trai, có sức hút hồn bao cô gái; có bà mẹ đơn thân luôn thiên vị cậu con trai cả hơn hẳn những đứa con khác; có bà mẹ góa cặm cụi chăm sóc con gái từng nồi lá xông mà chẳng để ý đến sự héo mòn của mình bên chiếc khung thêu; có cô bé hàng xóm mới lớn chỉ ao ước được tắm dưới vòi hoa sen… Phim đã cùng lúc thể hiện hai trạng thái. Một là, hiện hình hóa những cảm xúc và tâm trạng nhân vật. Hai là, đẩy cảm xúc và tâm trạng ấy vào một hình thái rất… chơi vơi!
Có thể nói Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi là hai hiện tượng điện ảnh trong thời gian qua. Hai bộ phim này, nhất là Chơi vơi, được công luận đặc biệt quan tâm và ý kiến về phim cũng rất khác nhau, thậm chí rất trái chiều. Như vậy, nên nhìn nhận thế nào về cách phản ánh cuộc sống hôm nay trong những tác phẩm điện ảnh như thế này?
Tôi không cho rằng nên lấy Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi làm những hình mẫu thể hiện hiện thực cuộc sống đương đại để khuyến khích các nhà làm phim học theo đặng cho ra đời những bộ phim tương tự. Bởi chưng hai bộ phim này, bản thân chúng đã khác xa nhau cả về chủ đề tư tưởng lẫn phong cách thể hiện, nên có định học theo thì biết học theo cái gì, trong bộ phim nào? --PageBreak--
Hơn nữa, mỗi bộ phim chỉ đi vào một vài lát cắt cuộc sống (của Huế trong Trăng nơi đáy giếng và Hà Nội trong Chơi vơi), nhân vật trong phim khá là riêng biệt, mấy khi người ta có thể gặp trong cuộc đời! Vả lại, nếu đem "ốp" phim vào đời thật thì phim nào cũng đầy rẫy sự vô lý: Tình huống vô lý, nhân vật vô lý, mối quan hệ vô lý…, vì bao trùm lên cuộc sống và nhân vật trong phim là quan điểm và xúc cảm chủ quan của tác giả - nhà làm phim (đây cũng là một trong những đặc trưng của loại phim tác giả).
Có lẽ từ những lý do nêu trên, bên cạnh những ý kiến khẳng định và khen ngợi hết lời, không ít ý kiến đã chê và phê phán hai bộ phim, nhất là Chơi vơi. Nhưng hãy thử đặt một câu hỏi ngược lại: Có phải cứ làm phim về đề tài đương đại là những gì thấy trên màn ảnh phải trùng khít, phải giống hệt cuộc đời? Câu trả lời dĩ nhiên không phải như vậy, bởi nếu như vậy thì phim khác nào một sự sao chụp máy móc, mà chắc chắn chỉ có thể "giống hệt cuộc đời" ở khía cạnh này, chứ làm sao có thể "giống hệt" được ở khía cạnh khác, "cao hơn" nữa là ở mọi khía cạnh?
Tôi nghĩ điểm mạnh của hai bộ phim Chơi vơi và Trăng nơi đáy giếng là đã thể hiện được khá thuyết phục những cái riêng biệt (nói đúng hơn là cá biệt) trong cuộc sống đương đại: Nhân vật với tính cách riêng biệt, những khao khát tình cảm riêng biệt, cách hành xử riêng biệt, những mối quan hệ riêng biệt… Cái riêng biệt ấy góp phần làm cho diện mạo điện ảnh thêm phong phú, đồng thời kích thích người sáng tác - nhà làm phim hướng đến những tìm tòi mới lạ, đồng thời gợi mở cho khán giả khám phá những khoảnh khắc bí mật trong cuộc đời.
Bản thân sự khai thác những khía cạnh riêng biệt và cá biệt trong đời sống và nội tâm con người đối với điện ảnh Việt Nam nói riêng và văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung cũng là mới, bởi trong nhiều thập kỷ, tính tập thể của văn học nghệ thuật chiến tranh (có thể liên hệ như một sự kế thừa của tính cộng đồng truyền thống) dường như đã trở thành nét đặc trưng cố hữu. Cho nên, khi nhà sáng tác quan tâm và chia sẻ đến cùng với những tình cảm và khát vọng mang tính cá thể thì ở mức độ nào đó, điều này toát lên một ý nghĩa nhất định về sự cách tân!
Nhưng điểm hạn chế của hai bộ phim nói riêng và của các bộ phim theo dòng phim nghệ thuật - phim tác giả là chúng không tìm được sự ủng hộ của công chúng rộng rãi trong xã hội, nghĩa là đối tượng của những bộ phim này khá hạn chế - có thể chỉ là một phần những người làm nghề, một số những trí thức hoặc những khán giả "chịu khó" xem phim và am hiểu về điện ảnh.
Nếu nói cụ thể hơn về nội dung thì những nhân vật trong hai bộ phim trên tuy có cá tính nhưng chưa đủ sức mạnh để vượt lên cái bản năng của chính họ (ví dụ bản năng của người đàn bà trong Trăng nơi đáy giếng là sự hy sinh đến mức cam chịu, mù quáng; bản năng của các nhân vật trong Chơi vơi là sự dễ dàng lao theo những ý thích, thậm chí là những thôi thúc cảm tính của mình).
Chính vì chưa đủ sức mạnh nên họ chưa thể đủ sức thuyết phục số đông người xem tin tưởng và cảm thông với tình cảm và hành động của họ. Hơn nữa, về khía cạnh tâm lý, khán giả vẫn thường yêu thích những bộ phim toát ra sự ấm áp, nhân hậu, mà điều này dường như hơi thiếu ở những tác phẩm chúng ta đang bàn.
Nhưng phải khẳng định rằng đây là loại phim có cơ hội trở thành "đặc sản" tại các LHP quốc tế tùy theo chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Bản thân các nhà làm phim - những người ấp ủ thai nghén và sinh hạ ra chúng - cũng thường lấy các liên hoan phim làm đích nhắm đầu tiên.
Với những phân tích trên, tôi chỉ muốn rút ra một điều rằng trong một "giàn phim" hằng năm khoảng trên dưới hai chục bộ phim, rất nên có những phim nghệ thuật - phim tác giả để đưa thi thố và làm cho diện mạo chung của điện ảnh thêm đa dạng.
Nhưng cũng cần xác định rằng chỉ nên dừng lại ở con số một - hai phim mỗi năm, và càng ngày càng phải có sự chăm chút từ các phía (nhà làm phim, công luận, nhà quản lý… để những bộ phim ấy dù mang màu sắc khác biệt, độc đáo thì cũng không thể vượt qua giới hạn để trở thành dị biệt hoặc đi ngược lại quan điểm thẩm mỹ chung của xã hội.
Nguyên nhân là do hầu hết các phim đều chưa đạt đến "tầm", chưa đáp ứng được yêu cầu của cả giới làm nghề lẫn của khán giả…
Ở góc độ một người làm lý luận phê bình, từ thực trạng còn nhiều hạn chế trong những bộ phim khai thác và phản ánh hiện thực cuộc sống, tôi mạo muội khái quát những nguyên nhân chính khiến cho những bộ phim ấy chưa tạo nên được dấu ấn đậm nét đối với xã hội, chưa trở thành những "tác phẩm để đời" của điện ảnh Việt Nam.
Một là, phim ta chưa xây dựng được những nhân vật có sức sống mạnh mẽ, bản lĩnh Việt Nam thời đại ngày nay chưa được bộc lộ rõ nét trong phim nói chung, trong các nhân vật chính nói riêng (nếu liên hệ với các nhân vật trong phim Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ sẽ thấy sức mạnh và bản lĩnh dân tộc trong các nhân vật rõ nét đến mức nào!).
Hai là, phim ta phản ánh hiện tượng nhiều hơn đi vào bản chất cuộc sống, vì vậy, phim thiếu sự sâu sắc, chưa đạt đến tầm triết lý cuộc sống để người xem phải chiêm nghiệm và nhớ mãi. Ba là, tính dự báo của phim ta chưa cao, chủ yếu là mô phỏng hiện tại, còn thì rất ít (hoặc thậm chí không có!) sự gợi mở xu thế phát triển của xã hội, rất ít thông điệp gửi đến tương lai.
Tôi cho rằng nếu các nhà sáng tác khắc phục được mấy hạn chế nêu trên thì phim Việt Nam, nhất là những phim phản ánh hiện thực đời sống, sẽ thực sự có sức sống và vị trí trong đời sống tinh thần của xã hội.
Nguồn:An Ninh thế giới
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá