Những đề văn kỳ dị
Lời tòa soạn:
Sau kỳ thi văn đại học đầy các bài viết "kinh hoàng" của thí sinh vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân là bản thân đề bài cũng có nhiều thiếu sót, vừa xơ cứng, vừa bế tắc, vừa xa rời thực tế, sáo mòn. Chúng tôi xin tưởng tượng một số đầu bài như trên để giúp bạn đọc có cái nhìn... thương cảm.
Đề một: Có nhà thơ đã viết: "Con ruồi bay lả bay la/Bay từ trong bếp, bay ra cửa hàng". Bằng kiến thức đã đọc và đã học, em hãy chứng minh các ý sau: 1. Ruồi biết bay. 2. Ruồi bay vì ruồi không thích đậu. 3. Nếu ruồi đậu, ruồi không đậu lung tung mà đậu nơi có thức ăn. 4. Ruồi là động vật có hại do chưa nhận thức một cách sâu sắc vai trò của mình trong trào lưu tiến hóa của lịch sử, chưa hiểu được tầm quan trọng của tính hiện đại, tính lãng mạn, tính vệ sinh. Sự chuyển biến của ruồi nằm trong sự chuyển biến lớn lao của muôn loài trước những thay đổi cơ bản nơi thế kỷ mà ruồi đang vinh dự sống. Đề hai: Trong tác phẩm mang tính hiện thực phê phán Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, chị Dậu đã phát biểu với Trương Tuần: "Mày trói chồng bà đi. Bà cho mày xem!". Em hãy phân tích câu này. Chị Dậu muốn gửi gắm thông điệp gì tới Trương Tuần. Thông điệp đó có phản ánh được một cách khách quan những mâu thuẫn chủ yếu của chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến mà chị Dậu cũng như anh Dậu đang chìm đắm hay không? Và tại sao chị Dậu xưng Bà. Chị đã đấu tranh khi không còn trẻ nữa, hay chị nghĩ rằng lên Bà là xu hướng không thể tránh khỏi của công cuộc giải phóng phụ nữ. Đề ba: Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao. Nếu không có Chí Phèo, em cho biết ai sẽ thay thế anh để đóng vai người cùng khổ bị lưu manh hóa trong sách giáo khoa, và sự thay thế ấy có ý nghĩa thế nào khi em và các bạn chuẩn bị bước vào thế kỷ 21. Hãy cho biết bi kịch của Chí Phèo là bi kịch của một thanh niên không đẹp trai nhưng lại trở thành nạn nhân của bọn cường hào ác bá, hay bi kịch của một người muốn uống rượu mà không mua được rượu. Qua bi kịch này, em hãy nêu bật vai trò tiến bộ của việc học Anh văn, vi tính, việc có một cái nhìn mới trong xu hướng toàn cầu. Đề bốn: Nếu trở thành chủ nhân của thế giới, nắm vũ trụ trong tay, em sẽ làm gì để xứng đáng với niềm tin cậy đó. Em có biết cách mang mơ ước của em, hòa với mơ ước của hàng triệu người dân lao động trên khắp thế giới, kết thành một đại dương những điều tốt đẹp, nhấn chìm mọi đêm đen, mọi áp bức tồn đọng hàng bao nhiêu thế kỷ không? Em có dừng lại quá trình không ngừng sáng tạo, không ngừng tu dưỡng về chuyên môn và về đạo đức của em? Đồng thời em có biết cách phối hợp với các cơ quan chức năng, tìm ra một giải pháp đồng bộ, đưa bạn bè, anh chị và thầy cô vượt qua mọi gian lao thử thách, đạt tới các đỉnh cao của khoa học và trí tuệ hay em sẽ đi vào con đường ăn chơi không làm chủ bản thân, để các thế lực xấu lôi kéo, làm giảm một cách đáng kể kết quả học tập của mình? Đề năm: Có một nhà thơ viết: "Tiến lên, ta quyết tiến lên. Tiến lên, ta quyết tiến lên không ngừng. Không ngừng, ta quyết không ngừng. Không ngừng ta quyết không ngừng tiến lên". Em hãy chứng minh câu thơ này bằng những kiến thức đã học trong sách giáo khoa. Em hãy nêu bật các ý: quá trình tiến lên là một quá trình không thể đảo ngược, và thật vinh dự cho em khi được góp một phần nhỏ bé vào quá trình sôi sục đó. Nhân thể, em hãy nói lên vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của môn văn trong nhà trường hiện nay. Tại sao em hiểu môn văn là môn học cao quý, cung cấp cho học sinh các xúc cảm chân thành và sâu sắc với vẻ đẹp về cuộc sống, về tình yêu đất nước, tình yêu con người. Chỉ nhờ môn văn, với sự giúp đỡ tận tâm của vài môn khác, mà em có được nhận thức sáng suốt, mãnh liệt hôm nay. Chinh phục dễ dàng các đỉnh cao mà nhân loại đang hướng tới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường