“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”...
Trong kho tàng thơ tình Việt từ truyền thống đến hiện đại đã hiện diện một dòng thơ tình khá riêng biệt, xuôi theo những bước chân mùa đi mải miết, theo tuần hoàn đất Việt bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông.
Chẳng ngẫu nhiên, những câu thơ Việt lại thường là thơ tình, đặc biệt thơ về mùa xuân và mùa thu, với điểm rơi tự nhiên trúng vào dịp nông nhàn của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, với hai lễ hội theo mùa, mà dân gian thường nhắn nhủ: Xuân thu nhị kì đến hẹn lại lên. Người người rủ nhau, già trẻ lớn bé tấp nập đi trẩy hội mùa xuân và hội mùa thu. Đó là hai nhịp lễ hội trong chu trình sản xuất nông nghiệp khép kín của một năm lịch âm dương, tính theo hệ Can chi cổ truyền phương Đông.
Mùa xuân – mùa khởi đầu yêu đương cho thơ tình Việt
Cảm nhận thơ tình về mùa theo cách “trữ tình” ấy, tôi như được lắng nghe ngoài kia, trong nước non dặm dài châu thổ sông Hồng, khe khẽ bước chân mùa đi cùng tháng năm, hài hòa nhịp sông biển: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh, nhóm “Xuân Thu nhã tập”, chủ trương lối thơ tượng trưng). Song, hình như đấy lại là một câu thơ lộng lẫy nhất của ông, miêu tả độc đáo về biến thiên mùa trong trời đất Việt. Và là câu thơ dễ cảm, khiến ta có thể kéo dài nó bởi trí tượng tưởng phong phú của mình. Trong cái nhịp hải hà ấy, mùa xuân là mùa khơi gợi những cảm xúc tình ái trong khá nhiều tâm hồn thi sĩ Việt.
Kìa, “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đấy thôi, mênh mang đến cuối trời một không gian mùa xuân rực rỡ: “Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Và khi đôi lứa Kim Trọng – Thúy Kiều chạm mặt lần đầu trong không gian tràn ngập ái tình ấy, tình yêu đã nở bùng “tiếng sét ái tình”, khiến cho cả “Một vùng như thể cây quỳnh cành giao”.
Mùa xuân vốn là mùa sinh sôi nảy nở, mùa hẹn hò yêu đương, mùa thức dậy những giấc mơ hoan lạc ngủ vùi suốt mùa đông giá lạnh. Không hề làm dáng, nguyên Tổng thống Mỹ B.Clinton trong lần đầu tiên thăm Việt Nam, trò chuyện với sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, đã khéo dẫn nguyên bốn câu thơ của Nguyễn Du và hóm hỉnh nhận xét: thi hào Nguyễn Du quá uyên bác khi tả 4 mùa thiên nhiên Việt Nam chuyển động, chỉ bằng hai câu thơ hàm súc. Và trong cuộc vận hành ấy, mùa xuân là mùa lộng lẫy nhất, vừa khởi đầu lại vừa kết thúc vòng quay tự nhiên của trời đất Việt: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Hẳn nào, thi sĩ Thanh Hải chăng, không nén nổi tiếng kêu hân hoan: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó! Thắm đỏ ngàn hoa cháy rực trời!”. Mùa xuân đến, khát khao tình ái nương theo cánh cung Thần Ái tình, nhân vật trong Thần thoại Hy Lạp, cậu bé giương cung bắn tình yêu vào những trái tim thổn thức trong mùa xuân đầy hoa trái.
Mùa xuân, Huy Cận cùng người tình trên “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi đi dạo giữa mùa thơm” và đôi lứa cùng ngất ngây câu hỏi: “Lên bề cao hay đi xuống bể sâu? Không biết nữa – có chút gì làm ngợp/ Trong không khí... hương với màu hòa hợp...”. Giữa đường làng thơm mùi rơm, hoa dại, cặp tình nhân khoan khoái “cho da thở hương tình”, rồi cùng nhau “nhận vào một lúc/ cả không gian hồn hậu rất thơm tho/ Gió đưa hương mùi dìu dịu phất phơ/ Trong cảnh lặng vẫn đưa mùi gió thoảng”. Trong thời khắc xuân lai láng đó của Huy Cận, thi sĩ Thơ Mới Thế Lữ cùng thời, lại một mình lang bạt kì hồ “Năm nam theo tiếng gọi lên đường/ Tóc lộng tơi bời gió bốn phương”, đã dừng nơi lữ quán “Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”, với nỗi nhớ diệu vợi “Tưởng người trong chốn xa xăm ấy/ Chẳng biết vui buồn đón gió xuân”.
Ngược mãi về thơ dân gian, mùa tình – mùa xuân giản đơn mộc mạc nhưng cũng thật sâu sa tình dân dã giữa trai làng và gái làng xưa. Người con trai ví mình như mận ướm hỏi đào: “Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Người con gái tình tứ đáp: “Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”, và nghĩ thế nào đấy, đã bằng lòng cầu viện... chiếc yếm thắm lót mình, để đong đưa âu yếm mà đồng ý làm vợ: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Song, có lúc, thật tiếc vì người con trai chậm muộn, khi đã quyết lòng “bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân” thì nụ đã viên mãn “nở ra xanh biếc/ Em đã có chồng anh tiếc lắm thay”...
Tình yêu trong thơ xuân của đại văn hào Nguyễn Trãi lại nghiêng về chiều hướng “bác học” tuy ít mang sắc tháu hồn hậu, giản đơn như thơ dân gian, những cũng không kém dạt dào tình ý. Nguyễn Trãi đã gửi rất sâu cái tình riêng tây của mình vào biểu tượng hoa đào hồng rực sắc xuân của kinh thành Thăng Long (theo giả định của cố GS Trần Quốc Vượng, Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi có thể đã có riêng một nhà vườn Việt, loại hình nhà vườn đã thịnh từ kinh thành Huế xưa, năm 1429, cho đến nay). Ức Trai từng đắm mình trong không gian nhà vườn để di dưỡng tính tình và để... thơ, với cử chỉ thật phong nhã, quân tử: “Hé cửa đêm chờ hương quế lọt/ Quét hiên ngày đợi bóng hoa tan”. Dễ hiểu vì yêu hoa đến điều, trong cõi thơ Ức Trai, ta còn thấy muôn hồng nghìn tía hoa lá cây cảnh đất Thăng Long: tùng, trúc, cúc mai, lan, thiên tuế, mộc, nhài, liễu, sen, hòe, sói, mẫu đơn,... Đặc biệt là hoa đào, thứ hoa ta đã nghiêng mình bởi vẻ chói chang trong bóng hoa đào của thơ Đường “Đào hoa y cựu tiếu đông phong”, lần nữa hiện ra buồn thấm thía trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy, người đâu không thấy, chỉ thấy “Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”.
Thế nên, trong “Quốc Âm thi tập” của Nguyễn Trãi, thi sĩ lòng sáng như sao Khuê này có đến 6 bài thơ chỉ viết về hoa đào, chưa kể các bài khác thi thoảng rơi rớt bóng hoa đào. Riêng một bài đào hoa còn ẩn hiện trong tâm thức nhiều kẻ yêu thơ Ức Trai: “Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong ắt có tình chăng nữa/ Kiện tiễn* mùi hương dễ động người”. (* Đào Duy Anh chú giải: Tiếng Việt cổ, kiện tiễn là quý mến phi thường)...
Cho đến thế kỉ 20, các thi sĩ Việt vẫn yêu hoa đào và lấy hoa đào làm biểu tượng xuân của thi ca, làm dấu mốc cho dòng thời gian chảy trôi qua kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Như Vũ Đình Liên đấy thôi, nhìn vào cõi riêng chỉ thấy, “lòng ta là những hàng thành quách cũ”. Nhìn ra ngoài đời, chỉ thấy một hình ảnh chẳng chịu phai mờ: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua”...
Chạnh thương nhớ hoa đào Hà Nội, thập niên đầu thế kỉ mới này càng ít thấy bóng hình lộng lẫy hào hoa trong thơ xuân. Có lẽ vì trong đời thường nhật đầu thế kỉ 21, hoa đào đã phải lùi chỗ sống co những kiến trúc hiện đại ở Thủ đô mọc lên. Và có khi, hoa đào chỉ còn trong nhớ thương về những chợ hoa đào đặc hiệu Thăng Long như chợ hoa Hàng Lược, từng có lịch sử hơn 500 năm. Thôi thì hãy nhớ hai ông già nhà văn Nguyễn Tuân và Văn Cao, từng hình dung chợ hoa đào Hàng Lược như một “dòng sông hoa đào”, chảy từ Đào Nguyên tiên cảnh trên núi Thiên Thai về giữa lòng Hà Nội. Rực rỡ trên tiên cảnh ấy, là giấc mơ lãng mạn của Văn Cao: “có một vườn đào dòng ngày tháng không tàn qua một lần”...
Mùa thu vào hoa cúc – chỉ còn anh và em
Trong sự trôi chảy thuận theo trời đất bốn mùa biến động bể dâu “vật đổi sao dời” của mảnh đất hình chữ S thì mùa thu chính là mùa ngắn nhất, trôi qua mau nhất, đẹp não nùng nhất trong chan chan gió heo may ngập trời châu thổ sông Hồng. Và mùa thu đặc biệt điển hình trong lòng phố cổ Hà Nội. Những luyến lưu tình tự của người Hà Nội, phải rời bỏ đô thành nghi ngút khói sau lưng, không gì khác, lại là những nỗi niềm mùa thu. Khoác ba lô rời Thủ đô lên rừng núi Việt Bắc kháng chiến chống Pháp 9 năm trường, người trai Hà Nội chỉ hoài nhớ mùa thu qua những vần thơ sáng ngời trong trẻo của Nguyễn Đình Thi: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”...
Ngắn nhất, chóng qua nhất là mùa thu nhưng đẹp diễm huyền nhất với mùa nắng vàng rực, với vòm trời xanh đắm đuối, vời vợi cao cũng là mùa thu. Mùa thu còn là mùa cưới, mùa hạnh phúc kết trái ra hoa, mùa tình tự gái trai trong se lạnh gió heo may về thổi ngập phố phường Hà Nội.
Và biểu tượng huy hoàng của mùa thu là hoa cúc.
Hoa cúc – mùa thu khiến thi sĩ Tế Hanh giang hồ lãng tử tận đất Hàng Châu, Trung Hoa, mà lòng vẫn ngoái thương về quê cha đất Tổ, tình tự thấm đượm “Bài thơ tình ở Hàng Châu”: “Anh xa nước thêm yêu đất nước/ Anh xa em càng nhớ thương em/ Trăng Tây Hồ vằng vặc thâu đêm/ Trời Hàng Châu bốn mùa êm ái/ Mùa thu qua đi còn để lại/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vàng trong lá trong cây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ”... Nhưng cái ánh vàng trong veo tinh tế nhất của mùa thu còn đọng lại thơ Tế Hanh chính là “Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa” – câu thơ tình đẹp nhất mang ánh vàng hoa cúc của thơ Tế Hanh.
Mùa thu Hà Nội se sẽ nhè nhẹ vào “Vườn trong phố” của thi sĩ Lưu Quang Vũ. Thơ Vũ từ đời đầu thơ đã hiện hữu một mảnh vườn yêu, vườn ấy vừa là Thiên Đàng yêu đương, vừa là vườn hoa lá cỏ cây của cõi trần: “Trong phố có một vườn cây mát/ Trong triệu người có em của ta/ Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/ Vào vườn rồi ong chẳng biết lối ra/ Vườn em là nơi ngọn gió thường qua/ Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng/ Con nhện đi về giăng tơ trắng/ Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi/ Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi/ Một hạt nhỏ mơ hồ trên má/ Hơi lạnh nào ngón tay cầm se giá/ Suốt cuộc đời cũng chẳng hiểu vì sao?”. Lưu Quang Vũ không hiểu vì sao ngón tay Em lạnh trong sương giá mùa thu, nhưng Trịnh Công Sơn lại hiểu rất rõ nỗi nhớ mùa thu Hà Nội, chính là nhớ một người Hà Nội và nhớ một người ấy là để nhớ mọi người Hà Nội. Và ca từ của nhạc phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ họ Trịnh có vẻ đẹp phóng khoáng của một bài thơ tự do, được phổ trong giai điệu ngọt ngào của riêng nhạc Trịnh, qua giọng hát đặc hiệu của Hồng Nhung, ca sĩ người Hà Nội gốc, đã thành thi phẩm trong nhạc phẩm hay nhất về Hà Nội. Những kẻ tha hương, xa xứ thường mang theo ca khúc này trong chùm ca khúc về Hà Nội và thường nhớ về Hà Nội theo tiếng hát Hồng Nhung: “Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/ Mái ngói thâm nâu... Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay/ Bờ xa mời gọi/ Màn sương thương nhớ/ Bầy sâm cầm nhỏ/ Vỗ cánh mặt trời...”.
Nhưng thơ yêu đau đáu thương nhớ mùa thu – mùa yêu vẫn phải là thơ tình của Xuân Quỳnh, người – đàn – bà – làm – thơ – yêu – cho – đến – chết, sinh thời được thi sĩ Lưu Quang Vũ tặng một cái tên đẹp nhất trong thơ mình, khi Xuân Quỳnh trở thành hiền thê của Lưu Quang Vũ: “Biết ơn em từ miền cát gió/ Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng”.
Thơ Quỳnh gửi niềm khao khát được yêu đương đến mức yêu luôn cả bông hoa cỏ may bé xíu nở chi chít ven đường vào mùa thu. Thu về, thơ Quỳnh như lắng dịu trong không gian thu phấp phỏng chờ đợi yêu, cảnh vật như lặng đi, mơ màng. Không reo lên như Xuân Diệu: “Đây mùa thu tới mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”, Xuân Quỳnh nghĩ miên man, khi ngắm cảnh “Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ/ Không gian xao xuyến chuyển sang mùa/ Tên mình ai gọi sau vòm lá/ Lối cũ em về nay đã thu...”. Và nữ sĩ thấy lòng mình dâng tràn một tình yêu đơn phương mãnh liệt, song hầu như không có hồi âm: “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em vô ý cỏ găm dày/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết tình ai có đổi thay...”.
Với Xuân Quỳnh, ngay khi đã có cuộc đoàn viên cùng Lưu Quang Vũ, nữ sĩ vẫn cứ phải nghĩ về sự ngắn ngủi của mùa thu và hoa cúc: “Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn em và anh cùng mùa thu ở lại/ Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may...”. Đây có lẽ là một trong những bài thơ cuối của Xuân Quỳnh được coi là hay nhất về tình yêu và hạnh phúc, nhất là về hình ảnh người đàn bà cô đơn trong săn đuổi hạnh phúc, trong chính sự ngắn ngủi và chóng qua của mùa thu cuộc đời: “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/ Cánh cửa sổ con tàu chẳng đóng ai/ Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm/ Em lạc loài giữa sâu thẳm lòng anh/ Em bâng khuâng trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn...”
Mùa xuân và mùa thu của riêng trời đất Việt, như thế, mãi còn in dấu ngời ngời trong thơ tình Việt. Và hoa đào, hoa cúc đã không chỉ là biểu tượng của mùa thu với thơ ca mà hai hình ảnh rực rỡ này chính là biểu tượng của tình yêu. Tình yêu vẫn chảy dào dạt như một vườn đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh