Dân chủ đến từ đâu?
Mặc dù các nền dân chủ trên thế giới đã có bề dày lịch sử trên hai trăm năm, vấn đề Dân chủ vẫn tiếp tục là bài toán khó giải đối với nhiều quốc gia . Thậm chí, còn có sự đặt lại những câu hỏi căn bản như Dân chủ là gì và nó có tính tất yếu - phổ quát hay không, trong đó bao hàm cả tâm lý ngờ vực và sự ngộ nhận... Ngoài ra, từ góc độ thực tiến, các bế tắc về con đường phát triển bên ngoài dân chủ cũng đã bắt đầu được nhận diện. Và đó là lý do để chúng ta nên bàn tiếp về đề tài quan trọng này.
Hàng thập kỷ nay, thế giới đã đưa ra một khái niệm mới và luôn luôn bàn luận xung quanh nó, đó là "Tăng trưởng bền vững". Về thực chất, bảo đảm sự bền vững của tăng trưởng tức phải gắn tăng trưởng với phát triển, đồng nghĩa với cách thức tiếp cận toàn diện đối với vấn đề đặt ra, xét về phương pháp luận. Quan sát thực tế, người ta đã và đang rút ra các bài học và tiếp tục tranh luận để đi đến tổng kết. Lấy Trung Quốc làm điển hình, quốc gia đạt được sự tăng trưởng kinh tế tới mức "thần kỳ" chẳng khác nào "Huyền thoại Nhật Bản" những năm 60 và 70 của Thế kỷ 20. Tuy nhiên, tất cả sự quan sát đối với Trung Quốc đều kèm theo sự quan ngại bởi hai yếu tố. Thứ nhất, mức độ công bằng và dân chủ công khai hoá về chính trị và xã hội không tăng tương xứng, thể hiện qua sự gia tăng hằng năm các vụ khiếu kiện và bạo loạn của người nghèo ở khu vực nông thôn cũng như mức độ trầm trọng của các vụ án quan chức lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Thứ hai là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tệ hại tới mức có đánh giá tiêu cực cho rằng hầu như không còn cứu vãn nổi, theo đó vụ động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 đang được coi là sự cảnh tỉnh về cái giá phải trả cho sự "tăng trưởng không bền vững".
Để giải quyết bài toán khó trên, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc quan sát một hiện tượng có tính phổ quát, đó là ở tất cả các nước Dân chủ hay có quá trình Dân chủ hoá thành công thì vấn đề phát triển bền vững nói chung và môi trường nói riêng luôn luôn được giải quyết tốt hơn. Như vậy, phải chăng vấn đề trọng tâm và căn bản chính là Dân chủ hoá. Bài toán này, tuy nhiên, lại không dễ dàng, thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều. Có thể quan sát một số "diễn tiến ngược" đã và đang chống lại mọi nố lực của con người để xây dựng và gìn giữ nền dân chủ như trường hợp Iraq hay phong trào cánh tả ở Nam Mỹ gần đây.
Trong bối cảnh đó, với khuôn khổ của bài viết này, tác giả muốn đặt lại một câu hỏi, vốn có vẻ rất sơ đẳng, nhưng để góp phần lý giải một cách thận trọng hơn các khó khăn hiện nay: Dân chủ đến từ đâu (hay như thế nào) ?
Tổng kết lại lịch sử, có ba cách tiếp cận đối với câu hỏi này. Đó là Dân chủ là một Thiết chế (set-up), một Lộ trình (roadmap) và một quá trình (process).
Dân chủ là "Thiết chế"
Nói Dân chủ là một Thiết chế, tức các cấu trúc mang tính tổ chức do con người tạo dựng nên. Các thiết chế và cấu trúc này có thể nhìn thấy đang hiện hữu ở các quốc gia phát triển hiện nay, với mô hình chính trị tam quyền phân lập, tự do ngôn luận và kinh tế thị trường. Vấn đề là các hiện tượng mang tính sản phẩm đó có phải là kết quả của hành vi tạo dựng của con người sau các cuộc cách mạng xã hội hay không, mặc dù nó đã từng được nêu cao thành mục tiêu, khẩu hiệu và động lực của các cuộc cách mạng. Trong cuốn sách "Cải cách và Sự phát triển"[1], tác giả Nguyễn Trần Bạtđã từng đưa ra một kết luận, đại ý nếu coi linh hồn của nền Dân chủ là Tự do thì không có cuộc cách mạng nào mang lại Tự do cho con người, mà Tự do chỉ đến từ các hoạt động cải cách. Ở đây, tác giả muốn nhắc lại sự thật lịch sử của cuộc Cách mạng Pháp 1789, (mà thành quả vĩ đại của nó vốn được coi là điểm khởi đầu của nền dân chủ thế giới), rằng bản thân các thiết chế của một Nhà nước Dân chủ đã không thể được thiết lập ngay sau đó. Những người yêu âm nhạc cổ điển đều biết một sự kiện là vào năm 1804, tức 15 năm sau cuộc Cách mạng Pháp, Beethoven ngay trong đêm khi nghe tin Napoleon Bonaparte lên ngôi hoàng đế, vì thất vọng đối với sự thoái trào của nền Dân chủ và Cộng hoà Pháp, đã xoá tên đề tặng Napoleon và đổi tên bản giao hưởng số 3 "Anh hùng ca" nổi tiếng của mình. Có thể kể tên nhiều cuộc cách mạng xã hội khác nữa đã xảy ra trong các thể ký 17, 18 và 19 ở các quốc gia khác nhau, và thậm chí ngay cả các cuộc cách mạng Dân chủ ở Trung Quốc đầu thế kỷ 20, là các cuộc đấu tranh với sự đổ máu của hàng triệu con người vì mục tiêu Dân chủ, nhưng cũng không dẫn đến việc xây dựng được ngay hay nhanh chóng nền Dân chủ.
... từ thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Pháp, Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần Pháp luật ra đời năm 1748 đã vạch ra các nguyên tắc và cơ sở tồn tại của ba loại hình chính thể chủ yếu là Quân chủ, Chuyên chế và Dân chủ. Đối với chính thể Quân chủ, ông cho rằng nguyên tắc và cơ sở đó là Danh diện, đối với chính quyền Chuyên chế là nỗi Sợ hãi và cuối cùng, đối với chế độ Dân chủ, đó chính là Đạo đức. |
Các hiện tượng lịch sử trên nói lên rằng Dân chủ không thể đến bằng các cuộc cách mạng. Nói một cách cụ thể hơn, dù kết quả của một cuộc cách mạng có thể là việc xây dựng thành công những thiết chế nhà nước mang tính khuôn mẫu của một xã hội dân chủ đi chăng nữa thì điều đó cũng không hề đồng nghĩa với Dân chủ trên thực tế. Đây là sự thật đau đớn mà nhân loại đã hoặc cần rút ra được trong cuộc đấu tranh và hy sinh không mệt mỏi cho cái đích cuối cùng vô cùng cao cả và thiêng liêng, đó là đi tìm ra một giải pháp và cơ chế hữu hiệu nhất để thực thi và bảo đảm các giá trị công bằng và tự do cho con người. Vậy, phải chăng sự khẳng định chân lý nói trên tại thời điểm ngày hôm nay cũng đồng nghĩa với một sự thất vọng lớn rằng sẽ còn rất lâu và rất khó khăn để con người ở những vùng đất chưa có dân chủ trên Trái đất tạo nên được nền dân chủ cho mình ?
Hãy giải đáp câu hỏi này bằng sự phân tích dưới giác độ khoa học trước khi bàn về các cách tiếp cận khác đối với nền Dân chủ. Quay trở lại nền tảng lịch sử có từ thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Pháp, Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần Pháp luật ra đời năm 1748 đã vạch ra các nguyên tắc và cơ sở tồn tại của ba loại hình chính thể chủ yếu là Quân chủ, Chuyên chế và Dân chủ.Đối với chính thể Quân chủ, ông cho rằng nguyên tắc và cơ sở đó là Danh diện, đối với chính quyền Chuyên chế là nỗi Sợ hãi và cuối cùng, đối với chế độ Dân chủ, đó chính là Đạo đức.
Sự phân biệt như trên là các kết luận về khoa học hết sức rành mạch và cốt lõi. Thiết tưởng, không cần giải thích lại các nguyên lý của Montesquieu, tuy nhiên vượt ra ngoài những điều ông viết trong Tinh thần Pháp luật, có những điều cần được suy luận tiếp. Đó là, thứ nhất, mỗi một chính thể đều hình thành và tồn tại trên cơ sở các nguyên tắc và cơ sở mang tính xã hội (hay gọi là nền tảng xã hội) nhất định, vậy thì một khi nền tảng đã hội đã định hình ấy mai một và mất đi thì chính thể đó cũng phải tiêu vong; thứ hai, một nền tảng xã hội không dễ dàng được thiết lập hay mất đi một cách nhanh chóng như việc tạo dựng chính thể (xét về mặt cấu trúc hình thức), và đã là nền tảng xã hội thì luôn luôn có tính pha trộn, đan xen, kế thừa và luân chuyển giữa yếu tố này và yếu tố kia; và thứ ba, trong thời đại ngày nay, khi cách mạng không còn là ước vọng chung của con người [2] nữa thì khi tính việc phá bỏ, thiết lập mới hay chuyển đổi một chính thể, người ta trước hết cần phải tạo lập các nền móng xã hội cho chính thể mới đó. Cuối cùng, điều thú vị và không kém phần sâu sắc rút ra được khi ngẫm lại các nguyên lý của Montesquieu là trên cơ sở phân tích và so sánh giữa ba yếu tố Danh diện, Sợ hãi và Đạo đức là nền tảng xã hội của ba loại chính thể thì có thể thấy rằng, sự bền vững của chính thể Chuyên chế chắc chắn bao giờ cũng ngắn nhất, lâu dài hơn là chính thể Quân chủ và cuối cùng, ổn định nhất là chính thể Dân chủ. Lịch sử của xã hội loài người đã và đang chứng minh như vậy.
Dân chủ là "Lộ trình"
"Lộ trình" là các quá trình mang tính chủ động, được hoạch định, thiết kế và triển khai cho những mục tiêu rõ ràng. Đối với các diễn tiến xã hội, lộ trình mang tính áp đặt, được tạo ra bởi những thế lực lãnh đạo, nắm quyền lực, có thể tồn tại bên trong một xã hội và quốc gia hoặc cũng có thể đến từ bên ngoài. Câu hỏi là có thể đi đến Dân chủ bằng một lộ trình như vậy được không ? Hãy xem xét và đánh giá hai ví dụ điển hình, đó là trường hợp Iraq sau cuộc chiến tranh năm 2003 do Mỹ tiến hành với mục tiêu tiêu diệt chính thể chuyên chế độc tài của Sadam Hussein và xây dựng một nhà nước Dân chủ tại đây, và Myanma, sau khi gần đây, đầu năm 2008, chính quyền độc tài quân sự của Tướng Than Shwe tuyên bố thực thi một "lộ trình Dân chủ hoá" cho đất nước Myanma với bước khởi đầu là trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới.
Về trường hợp Iraq, toàn bộ cái giá phải trả cho tới nay tính bằng con số chi phí chiến tranh và thực thi "lộ trình dân chủ hoá", theo thống kê chưa chính thức, đã lên tới trên 500 tỷ USD và gần 200.000 người chết. Tuy nhiên, mặc dù một Nhà nước Iraq mới được thành lập nhưng không chỉ một tương lai dân chủ cho quốc gia này vẫn còn khá mờ mịt, mà ngay cả một triển vọng sáng sủa hơn về ổn định xã hội cũng chưa thấy khả năng có thể đạt được. Đối với Myanma, có nhiều điều thú vị hơn để phân tích. Trước hết, tại sao chính quyền Myanma lại đưa ra "lộ trình dân chủ" trong khi chính người dân không hề hào hứng và các lực lượng chính đối lập lại tuyên bố phản đối, và liệu rằng lộ trình đó có dẫn Myanma đến nền dân chủ thực sự được không ? Trở lại với nguyên lý về nền tảng xã hội của các chính thể bao gồm Danh diện, nỗi Sợ hãi và Đạo đức để phân tích. Chế độ chuyên chế ở Myanma đã và đang tồn tại dựa trên nỗi Sợ hãi đó, trước hết bằng việc tạo ra nỗi sợ hãi trong dân chúng đối với nhà cầm quyền thông qua kiểm soát, khống chế và đàn áp bởi bộ máy an ninh và quân đội. Nỗi Sợ hãi trên bình diện xã hội đã triệt tiêu mọi yếu tố phản kháng trong một thời gian dài đối với chính quyền. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và những cuộc bạo động trong năm 2007 đã chứng tỏ một bộ phận xã hội đã bớt sợ đi và dám đứng lên. Chính quyền bắt buộc phải đàn áp và bị cả thế giới lên án và tẩy chay. Điều này dẫn đến một hội chứng khác là chính bản thân chính quyền lại rơi vào nỗi Sợ hãi bị sụp đổ, và phải chăng cũng vẫn là một nỗi Sợ hãi khác đó là động cơ bên trong của cái "lộ trình dân chủ hoá" được tuyên bố, trong đó, theo sự xác nhận của giới phân tích quốc tế và chính các lực lượng chính trị đối lập ở Myanma thì có sự nới rộng ít nhiều không gian tự do cho người dân, tuy nhiên vẫn giữ vững nguyên tắc là quân đội nắm quyền tuyệt đối.
Thực trạng ở Myanma có là biểu hiện của sự nổi lên của các giá trị mang tính "Đạo đức" không ? E rằng câu trả lời là "Không", vì những gì thế giới vừa qua chứng kiến trong cơn bão kinh hoàng ở chính đất nước này, gây nên cái chết tới hơn 80 ngàn người và hàng triệu người dân khác bị mất sạch nhà cửa và sản nghiệp, lại chính là thái độ thờ ơ tới mức khó hiểu của chính quyền Myanma trong việc cho phép các lực lượng quốc tế tới cứu hộ. Hơn thế nữa, trong bối cảnh như vậy, chính quyền vẫn thúc ép người dân ở các vùng bị bão đi bỏ phiếu cho bản hiến pháp mới để thực thi "lộ trình dân chủ", một việc làm trái với ý nguyện của họ. Cứ cho là "lộ trình Dân chủ" thể hiện thiện chí dân chủ thực sự đi chăng nữa, thì câu hỏi sẽ là "Dân chủ cho ai ?", nếu một khi chính người dân không mong muốn (!).
Dân chủ là một "Quá trình"
Dân chủ, nếu là một "Lộ trình" thì sẽ đồng nghĩa với sự ban phát, một sự ban phát không phải của Chúa trời, mà của chính Con người cho Con người. Với tâm lý "ban ơn" và "chịu ơn" trong các quan hệ giữa con người và các nhóm xã hội, đồng nghĩa với sự thừa nhận rằng có một tầng lớp người luôn luôn có quyền đứng trên những nhóm người còn lại, không chỉ có quyền lực hơn, có ưu thế hơn mà còn có "đạo đức" hơn nữa, thì đó có phải là thực tế điển hình và được mong muốn của cái gọi là xã hội loài người không ? Khẩu hiệu của Cách mạng Pháp "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" cần được nhắc lại để trả lời cho câu hỏi này.
Vậy nên, hãy lý giải nguyên lý của Montesquieu rằng tại sao Dân chủ lại phải gắn với hay dựa trên nền tảng Đạo đức. Một cách đơn giản, chúng ta có thể hiểu và thừa nhận, đó là vì Đạo đức là một bộ phận căn bản của nhân phẩm và nhân cách của con người. Chế độ Dân chủ, như vậy, có nghĩa là dựa trên nền tảng hay các nhân tố Con người với đầy đủ nhân phẩm và nhân cách; tức trong đó, Con người được tôn trọng, và là cái mà sau này đã được Liên Hợp Quốc pháp chế hoá bằng các tiêu chuẩn Nhân quyền. Con đường để đi tới một xã hội như vậy, trong đó, các giá trị về con người bao gồm các quyền tự do, một đời sống hạnh phúc, sự tôn trọng nhân phẩm, tình yêu thương đồng loại, sự trung thực, lẽ công bằng v.v.. được đề cao và bảo vệ liệu có thể dễ dàng và nhanh chóng được không ?
Hay thử mô phỏng quá trình đi đến nền Dân chủ.
Nhìn lại lịch sử của các nền dân chủ phương Tây, thực chất nảy mầm từ thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 15, 16) sau đó khởi phát ở kỷ Khai sáng (thế kỷ 17, 18). Toàn bộ "sự khái sáng" đó, cuối cùng, chỉ tập trung ở một điểm, đó là thức tỉnh, xác lập và tôn trọng giá trị Cá nhân, hay nói một cách trần trụi, mỗi cá thể cảm thấy một cách tự tin rằng mình là một Con người. Chính với sự bắt đầu như vậy, phương Tây đã phát triển và trải qua một chặng đường dài để đến với nền dân chủ. Trên chặng đường ấy, con người đã lần lượt nhận thức và xác lập các giá trị căn bản liên quan đến đời sống loài người, trước khi thiết kế, xây dựng và hoàn thiện các cấu trúc mang tính thiết chế của Dân chủ. Thức tỉnh về Cá nhân, tức xác lập tư cách chủ thể bình đẳng trong các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội là tiền đề quan trọng để tiệm cận một giá trị căn bản khác là lẽ Công bằng.Và chính là các giá trị về Công bằng đã đẻ ra pháp chế, các luật lệ và Nhà nước. Khác với trật tự trong tự nhiên, nơi quy luật của kẻ mạnh hay "Cá lớn nuốt cá bé" có hiệu lực áp đặt, trong đời sống của xã hội loài người, tức một trật tự văn minh, đối lập với trật tự hoang dã, kẻ có công sẽ được thưởng còn kẻ yếu luôn luôn được bảo vệ. Kẻ mạnh tuy nhiên luôn là số ít và kẻ yếu lại đông hơn. Do đó, trong tương quan giữa "yếu" và "mạnh", giữa "đông" và "ít", Nhà nước và pháp luật đã ra đời để bảo vệ sự ổn định và hài hoà của đời sống, và đó chính là bản chất mang tính phổ quát của giá trị Công bằng. Tuy nhiên, với thời gian và quá trình vận động, con người đã thức tỉnh một nhu cầu cao hơn, là sự phát triển của chính bản thân mình, ít nhất với tất cả các năng lực mà Tự nhiên đã ban cho mỗi cá thể. Sự Công bằng trong phạm vi các quan hệ giữa "người với người" không còn là giới hạn thoả mãn, và khi đó, con người bắt đầu vươn tới sự Công bằng trong quan hệ với Tự nhiên hay Thượng đế, đó chính là Tự do. Tại điểm phân tích này, tác giả cho rằng trong chặng đường dài của sự phát triển chính mình, con người là đi từ các giá trị Cá nhân, tức phát hiện ra mình, của thời kỳ Khai sáng xa xưa, đến một bản chất mới của trạng thái hiện đại của con người là Tự do. Và nói như Nguyễn Trần Bạt, "Tự do sinh ra con người"[3].
Khi không ở trạng thái đối mặt với các mối quan hệ đồng loại, con người sẽ đi vào nội tâm của chính mình và bất ngờ khám phá ra các phẩm chất và năng lực mà Thượng đế ban cho. Sự khám phá ấy tạo ra cảm hứng, khát vọng và nhu cầu hiện thực hoá mọi tiềm năng để tạo ra sự phát triển. Con người được "thăng hoa" và đạt tới bản chất đích thực và giá trị cao nhất của chính mình. Đó chính là quá trình mà con người đi đến Tự do. Tuy nhiên, ngay trong trạng thái phát triển đỉnh cao ấy, con người Cá thể vẫn luôn luôn gắn bó với đồng loại và không bỏ qua đồng loại. Sự ổn định (hay trường tồn) và hài hoà chỉ tồn tại cùng với khái niệm Loài người. Và Hạnh phúc, khái niệm hoàn toàn mang tính xã hội được tạo ra bởi con người cũng chỉ được tạo ra trong các mối tương quan như vậy. Môi trường xã hội cần thiết để nuôi dưỡng và vận hành các mối tương quan ấy chính là thể chế Dân chủ.
Dân chủ, theo nguyên lý của Montesquieu, chính là đi từ Con người và đến với Con người. Con người từ trong sự áp chế hoặc mông muội, trước hết hết cần được thức tỉnh và để bắt đầu quá trình giải phóng và tự giải phóng. Trong thể chế quân chủ, con người cần giải phóng khỏi "Danh diện" tức sự phân biệt đẳng cấp và các giá trị, niềm tự hào mang tính đẳng cấp. Thể chế quân chủ có thể và đã từng tồn tại một thời kỳ dài trong lịch sử vì phù hợp với trạng thái thức tỉnh "thấp" nhưng khá ổn định của con người. Nó không thể tồn tại lâu hơn vì cuối cùng, chỉ có một bộ phận thiểu số trong xã hội được giải phóng. Các chế độ chuyên chế, tồn tại trên nền tảng nỗi "Sợ hãi", tức trạng thái tinh thần tiêu cực của con người, nên có tuổi thọ ngắn hơn. Lý do là nỗi "Sợ hãi" đó, không chỉ làm biến mất lẽ Công bằng, tiêu diệt Tự do mà còn, quan trọng hơn, không thể tạo ra Hạnh phúc, vốn là các giá trị mang tính bản chất của con người và loài người. Các giá trị đó đồng thời cũng là "bản năng gốc" tạo nên sự Thức tỉnh để bắt đầu một quá trình dài cho con người đi tới nền Dân chủ.
Thay lời kết
Đạo đức (hiểu theo nghĩa hẹp và trực tiếp, không chỉ là đạo đức cá nhân mà đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức của nhà cầm quyền, của người trí thức v.v.., còn hiểu theo nghĩa rộng và mang tính bản chất là tôn trọng giá trị và các quyền Con người) chính là nền móng của Dân chủ. Khẳng định điều này để giúp chúng ta tránh được các ngộ nhận, thậm chí "lệch hướng" trong suy nghĩ và hành động khi cho rằng chỉ bằng việc xác lập được một số thiết chế chính trị, Nhà nước hay pháp luật hay có được "thiện chí Dân chủ" của một hay một nhóm người là có thể có được Dân chủ. |
Nói về Dân chủ dưới góc độ của bài viết này, trong đó có sự phân biệt giữa "Thiết chế", "Lộ trình" và "Quá trình", là đề cập đến cách thức và con đường đi đến nền dân chủ. Câu hỏi quan trọng hơn được làm rõ, tuy nhiên, là: giá trị căn bản của nền dân chủ thực chất là gì? Đó chính là Đạo đức. Đạo đức (hiểu theo nghĩa hẹp và trực tiếp, không chỉ là đạo đức cá nhân mà đạo đức xã hội, đạo đức trong gia đình, đạo đức của nhà cầm quyền, của người trí thức v.v.., còn hiểu theo nghĩa rộng và mang tính bản chất là tôn trọng giá trị và các quyền Con người) chính là nền móng của Dân chủ. Khẳng định điều này để giúp chúng ta tránh được các ngộ nhận, thậm chí "lệch hướng" trong suy nghĩ và hành động khi cho rằng chỉ bằng việc xác lập được một số thiết chế chính trị, Nhà nước hay pháp luật hay có được "thiện chí Dân chủ" của một hay một nhóm người là có thể có được Dân chủ.
Ngoài ra, việc coi Dân chủ là "Quá trình" chứ không phải "Lộ trình" sẽ làm nảy sinh một cách tự nhiên câu hỏi: Vậy "Quá trình Dân chủ" đó có mang tính chủ động không ? Câu trả lời là "Có". Tuy nhiên, nếu "Lộ trình" là một chuỗi các hành động chính trị có tính hoạch định cao, được chỉ đạo trực tiếp bới lực lượng xã hội cầm quyền và gắn với các mục tiêu cụ thể, thì quá trình đi tới nền Dân chủ sẽ cơ bản bao gồm các hành vi có ý thức của con người nhằm rèn luyện, tu dưỡng và phát triển bản thân mình, khởi đầu bằng sự thức tỉnh các giá trị Cá nhân, được xúc tiến bởi việc nới rộng không gian tự do hành động cho nhân dân của nhà cầm quyền, và một cách mấu chốt, được bảo đảm bằng một hệ thống giáo dục lành mạnh và tiên tiến. Nói một cách khác, đó sẽ làm một quá trình vĩ đại và rộng lớn nhằm xúc tiến các giá trị đạo đức và giá trị văn hoá trên bình diện xã hội, thay vì một lộ trình mang tính chính trị áp đặt.
[1]"Cải cách và Sự Phát triển", NXB Hội Nhà Văn, năm 2006, tr.78
[2] Xem thêm "Lãnh đạo phi cách mạng" - Suy tưởng, NXB Hội Nhà Văn, năm 2006, tr.139
[3] Xem "Pháp luật - Tài sản tinh thần của nhân dân", Suy tưởng, NXB Hội Nhà văn, 2006, trang 93.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh