Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
09:01 SA @ Thứ Bảy - 14 Tháng Mười Một, 2009

Xem mục lục:

I. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, vấn đề chung của nhân loại

II. Biến hiểu biết về quyền thành khát vọng làm chủ của người dân

III. Nhà nước và giới hạn của hướng dẫn chính trị

IV. Xây dựng xã hội dân sự là khôi phục trạng thái tự nhiên của xã hội

V. Tổ chức phản biện xã hội như là yếu tố phục sinh cảm hứng xã hội


I. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, vấn đề chung của nhân loại

Cùng với những nỗ lực phát triển để theo kịp thời đại, con người ngày càng nhận ra dân chủ là một khái niệm cực kỳ thiết thực đối với đời sống. Bản chất của dân chủ là xác lập các quyền con người, các quyền của người dân đối với thể chế, đối với chính phủ, đối với đất nước của mình. Đó là thể chế duy nhất có khả năng đảm bảo cho các quyền con người được tôn trọng và thực thi. Nếu không có thể chế dân chủ thì con người không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tại sao dân chủ lại là khát vọng và cần phải là khát vọng không chỉ của riêng ai? Chúng ta biết rằng con người có những phần tự nhiên, có những phần được dạy dỗ. Vì thế quan điểm của Rousseau "Con người sinh ra đã có tự do" và quan điểm của tôi "Tự do sinh ra con người" là rất khác nhau. Sự phát triển của nhân loại cho thấy một thực tế là càng ngày con người càng ít tự nhiên hơn, vì càng ngày con người càng chịu ảnh hưởng của giáo dục, của văn hóa, của những yếu tố nhân tạo nhiều hơn. Nói cách khác, tỷ lệ những yếu tố tự nhiên trong đời sống con người càng ngày càng giảm còn tỷ lệ những yếu tố nhân tạo càng ngày càng tăng. Con người ngày càng xa cách tự nhiên và đấy là sự kêu cứu có thật đối với các quyền tự nhiên của con người. Khi tỷ lệ yếu tố tự nhiên trong đời sống con người giảm sút thì con người suy thoái, bởi vì con người trước hết phải là sản phẩm của tự nhiên. Tự do chính là sự bù đắp vào việc con người bị tước đoạt mất tỷ lệ hợp lý mà tự nhiên vốn dĩ đem lại cho mình trong việc hình thành con người và nhân cách con người. Cho nên, con người không có tự do, con người sinh ra không phải là sản phẩm của tự do thì đấy là khuyết tật của con người. Khuyết tật lớn nhất của con người hiện đại chính là thiếu các mối liên lạc với tự nhiên trong quá trình hình thành ra nhân cách của mình. Nếu con người chủ quan, con người chống lại các tiến trình tự nhiên hoặc cưỡng bức các yếu tố tự nhiên để nhồi nhét những thứ được gọi là sáng tạo của mình thì con người sẽ phá hoại sự cân bằng, kể cả sự cân bằng tự nhiên lẫn cân bằng tinh thần. Khi tỷ lệ các yếu tố chủ quan trong đời sống tinh thần con người càng lớn bao nhiêu thì tính không khách quan của đời sống tinh thần con người càng lớn bấy nhiêu. Tính không khách quan của đời sống tinh thần con người là tiền đề của sự suy thoái nhân cách. Một trong những suy thoái nghiêm trọng nhất của con người là không nhận ra tính hữu hạn của các khả năng của mình, hay tưởng rằng mình có năng lực vô hạn trong việc tác động vào đời sống. Suy thoái năng lực con người chính là tăng cường sự chủ quan của con người, con người thấy mình có quyền năng vô tận nên liều mạng trong hành động. Con người liều mạng hay hành động dựa vào sự thúc bách của tình huống thì con người dễ đánh mất sự chủ động. Con người không chủ động thì dù có cảm giác tự do, con người vẫn không có tự do trên thực tế.

Vậy con người khai thác cái không gian tự do của mình, mở rộng cái không gian tự do vốn có bằng cách nào? Bằng cách ý thức rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Như thế, con người hành động theo các đòi hỏi, không hành động theo các cảm giác. Chúng ta biết rằng, khi con người hành động theo các đòi hỏi thì tạo ra một cảm giác yên tâm vì độ có ích của các hành động, và con người yên tâm rằng mình không lãng phí. Sự thúc bách của nghĩa vụ, sự thúc bách của đòi hỏi nội tại trong đời sống tâm hồn làm con người bắt đầu hành động. Con người hành động theo những đòi hỏi như vậy mà không bị ngăn cản và còn thu được thực lợi. Thực lợi của quá trình này có được từ sự thúc bách trong tâm hồn chính là động lực để con người khai thác hết không gian tự do. Không có gì thúc bách từ bên trong tức là không chủ động. Tôi đã nói ở phần đầu cuốn sách này là tự do được biểu hiện đầu tiên ở sự chủ động. Chủ động không phải là cái xuất hiện ngẫu nhiên và tự nhiên, chủ động xuất hiện từ sự thúc bách của cuộc sống, của việc thực hiện nghĩa vụ đối với cuộc sống. Do đó, toàn bộ sự phấn đấu của con người để rèn luyện nền dân chủ chính là khắc phục việc con người để cho ngẫu nhiên điều khiển hành vi của mình trong cuộc sống.

Đối với các quốc gia chậm phát triển, xây dựng nền dân chủ là một nhiệm vụ sống còn. Việc xây dựng nền dân chủ ở những nơi đó không phải vì những đòi hỏi dân chủ thông thường mà là những đòi hỏi dân chủ vì sự phát triển. Vào những thời kỳ mà tốc độ phát triển còn chậm, các nguồn tài nguyên đem so với nhu cầu phát triển là dư thừa thì sự thiếu sức sáng tạo, thiếu năng lực cạnh tranh không ảnh hưởng một cách quyết liệt đến đời sống nhân loại. Nhưng trong thời đại toàn cầu hoá, các quốc gia buộc phải cạnh tranh với nhau bằng độ bùng nổ của các năng lực cá nhân, tức là bằng chính độ tự do của người dân. Chỉ có tự do mới có thể làm con người nở ra, con người có những năng lực, có cảm hứng để phát triển. Xét trên góc độ chính trị học, xây dựng nền dân chủ chính là cách thức quan trọng nhất để giải phóng năng lực con người. Nhưng cần phải thấy rằng, nền dân chủ không phải là kết quả của sự giải phóng đơn giản con người, nền dân chủ có được khó khăn hơn nhiều so với việc giải phóng đơn giản con người bằng việc phê chuẩn hiến pháp hoặc vài ba đạo luật trong đó thừa nhận một số quyền tự do của con người. Nền dân chủ không thể đến ngay lập tức theo ý chí chủ quan của bất kỳ ai mà nó chỉ có thể hình thành bằng một quá trình tổ chức và rèn luyện. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ là giải pháp chính trị có ý nghĩa thời đại đối với mọi quốc gia, đặc biệt là những quốc gia chậm phát triển.

Người ta vẫn cho rằng chỉ ở những nước lạc hậu con người mới bất hạnh vì thiếu tự do nhưng không phải như vậy. Trong thời đại ngày nay, ngay cả ở những vùng phát triển của thế giới như châu Âu con người cũng bắt đầu thiếu tự do. Ở châu Âu hiện nay khái niệm tự do ngày càng trở nên thấp hơn so với đòi hỏi của con người. Khái niệm tự do vẫn được định nghĩa bởi những tiêu chuẩn của những năm đầu của thế kỷ XX, của những cuộc cách mạng thế kỷ thứ XVIII, XIX… và bởi những tiêu chuẩn về quyền con người thông thường mà không được bổ sung bởi những đòi hỏi hiện tại của con người. Những diễn biến mới nhất của tình hình ở châu Âu liên quan đến việc trưng cầu dân ý về Hiến pháp châu Âu vừa qua cũng cho thấy đìều này. Qua sự phủ nhận của người Pháp, người Hà Lan và sự ủng hộ của người Croatia đối với Hiến pháp châu Âu, có thể thấy rằng tính tiên tiến của Hiến pháp châu Âu, tính lo toan, tính quán xuyến của Hiến pháp châu Âu chỉ thoả mãn trí tưởng tượng của người Croatia chứ không đủ để thoả mãn nỗi lo toan của người Hà Lan và người Pháp. Hiện tượng người dân châu Âu phản ứng trước việc các nhà chính trị tự động quyết định việc dùng đồng tiền chung châu Âu, cho thấy các quyền tự do chính trị đang bị vi phạm một cách tương đối phổ biến. Các nhà chính trị châu Âu vẫn quan niệm một cách đơn giản về nền dân chủ. Họ đã chủ quan không rèn luyện để có thái độ thích hợp với những trạng thái phát triển khác nhau của nền dân chủ. Họ chủ quan sử dụng những cơ cấu pháp lý khôn ngoan để thông qua hiệp định về đồng tiền chung, dẫn đến người dân bị tảng lờ các quyền cơ bản của mình. Phải thấy rằng tổ chức và rèn luyện nền dân chủ không chỉ dành cho những nước chậm phát triển mà đã trở thành một vấn đề mang tính phổ quát toàn cầu.

Dân chủ là một loại mô hình thể chế đã được thực chứng và chúng ta phải xây dựng dân chủ dựa vào các tiêu chuẩn phổ quát của dân chủ chứ không phải dựa vào các định nghĩa chính trị cụ thể của từng đảng chính trị. Bất cứ sự cấy ghép nào đối với khái niệm dân chủ đều thể hiện sự thiếu tôn trọng con người.

Con người cần phải được xem như là đối tượng cao nhất và quan trọng nhất. Mục tiêu của việc xây dựng nền dân chủ là vì hạnh phúc của con người chứ không phải vì nền dân chủ. Cho nên, chúng ta chỉ có thể tán thành nền dân chủ với những thực chứng lịch sử đầy đủ, với những bằng chứng phát triển đầy đủ, với những hạnh phúc có thực đối với đời sống của con người, với việc khẳng định đầy đủ các quyền con người. Xuất phát từ quan điểm cho rằng tự do không chỉ là quyền chính trị mà trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay nó đã trở thành quyền phát triển, tôi cho rằng cần phải xây dựng lý thuyết về tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Có thể nói, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tổ chức tiếp cận với sự phát triển hay sự nới rộng một cách tự nhiên của khái niệm dân chủ, cho nên, đây là một công việc cần phải được tiến hành một cách thường xuyên. Để có được một nền dân chủ thực sự, quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, đặc biệt là ở các nước chậm phát triển cần phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản.

Nguyên tắc thứ nhất là phải thừa nhận quy luật tất yếu của việc hình thành xã hội dân chủ, tức là không ai, không quốc gia nào có thể trốn tránh nhiệm vụ dân chủ hóa xã hội được.

Nguyên tắc thứ hai là những người cầm quyền phải đưa ra lộ trình để tạo ra sự hiểu biết về quyền làm chủ của người dân, tức là phải giáo dục, phải tổ chức và rèn luyện các thói quen dân chủ, làm cho người dân ý thức về tự do, dân chủ. Để làm được điều này đòi hỏi phải phi chính trị hoá, tức là không được đưa vào nội dung giáo dục ấy những khía cạnh có tính chất chính trị hẹp hòi của các đảng chính trị. Nói cách khác là phải tổ chức và rèn luyện nền dân chủ dưới hình thức một nhà nước chứ không phải dưới hình thức một đảng chính trị.

Nguyên tắc thứ ba là phải thừa nhận một số nguyên lý cơ bản của cấu tạo nhà nước hiện đại, thừa nhận các quyền con người và phổ biến nó. Nhân quyền đã được khẳng định trong công ước quốc tế nhưng nó phải được pháp chế hóa, dân quyền hóa thành những quyền cụ thể.

II. Biến hiểu biết về quyền thành khát vọng làm chủ của người dân

Chúng ta biết rằng trí tuệ con người có thể nâng cao năng lực khai thác các quyền, mở rộng các không gian tự do và những không gian tự do ấy đôi khi lớn hơn rất nhiều lần so với không gian được phép. Vì vậy, có thể khẳng định, tự do vừa là quyền, vừa là năng lực. Nếu như chúng ta không tổ chức và rèn luyện nền dân chủ thì cho dù có một không gian tự do đầy đủ, con người cũng không có đủ năng lực để khai thác hết. Cho nên, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tạo cho con người khai thác hết không gian được phép, và do đó họ có khát vọng đòi hỏi những không gian lớn hơn. Tất nhiên, dân chủ hoá là bài toán khó, không phải cứ muốn là chúng ta có thể có ngay nền dân chủ, vấn đề là nó có hiệu lực, có tồn tại trên thực tế hay không. Nhiều quốc gia khi tiến hành quá trình dân chủ hoá cũng đặt ra những kế hoạch, những tiêu chí này khác để xây dựng thể chế dân chủ, nhưng trên thực tế thì việc thực thi gặp phải nhiều khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan. Cần phải đặt vấn đề là tại sao nó không tồn tại trên thực tế được? Bởi vì người dân hay là xã hội không có năng lực làm chủ, không có các thói quen dân chủ. Do đó, bước đầu tiên, bước quan trọng nhất của quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tổ chức và rèn luyện năng lực làm chủ của người dân. Người dân ở đây bao gồm cả các nhà chính trị vì bất kỳ một người giữ một chức năng xã hội nào cũng đều có địa vị kép, họ là nhà chính trị khi tham gia cầm quyền nhưng địa vị cơ bản của họ vẫn là một công dân.

Vậy rèn luyện năng lực làm chủ là gì? Chúng ta đều biết rằng để có năng lực làm chủ thì trước hết mỗi người phải biết mình có gì, mình làm chủ cái gì. Rèn luyện năng lực làm chủ của người dân ở mức cơ bản nhất là nâng cao hiểu biết về các quyền con người. Hiểu các quyền con người là hiểu con đường một cá nhân tạo ra giá trị của mình và đóng góp các giá trị ấy cho xã hội. Nếu người dân không biết một cách phổ biến về các quyền cơ bản của mình thì họ không thể có năng lực làm chủ. Tuy nhiên, nếu chỉ có hiểu biết về các quyền mà không có khát vọng làm chủ thì họ vẫn chưa làm chủ được. Mỗi người cần biến hiểu biết về các quyền của mình trở thành một khát vọng mang chất lượng bản năng. Rèn luyện năng lực làm chủ của người dân chính là nâng cao năng lực hiểu các quyền cơ bản và biến các quyền cơ bản không chỉ trở thành kiến thức mà còn trở thành khát vọng của mình.

Trước sức ép của toàn cầu hóa, nhiều quốc gia lạc hậu đã buộc phải mở cửa và đổi mới. Phải nói rằng đó là những thay đổi rất lớn. Người dân đã có một bước tiến khổng lồ về năng lực làm chủ vì họ đã bắt đầu làm chủ nhiều thứ của chính mình. Năng lực làm chủ có ở từng người và trên từng khía cạnh của cuộc sống. Nhân dân đã bắt đầu thấy rằng cần phải có nhà của mình, có tài sản, có phương tiện làm ăn sinh sống của mình, có đầu tư của mình... Tức là con người đã bắt đầu làm chủ trên những khía cạnh đơn giản của cuộc sống. Chất vấn chính phủ về các vấn đề hàng ngày của cuộc sống, chất vấn về sự minh bạch của các cơ quan chính phủ liên quan đến các vụ tham nhũng... là những dấu hiệu của sự bắt đầu quá trình làm chủ của nhân dân.Tất cả những thứ đó xác nhận một điều rằng nhân dân đã bắt đầu thức tỉnh về quyền làm chủ, không phải chỉ có quyền làm chủ hiện nay của mình mà quyền làm chủ của mình từ trước đó nữa.

Điều đó không có nghĩa là nhà nước cho nhân dân quyền làm chủ mà thực chất là nhà nước trả lại cho nhân dân cái quyền vốn có của họ. Tôi cho rằng dần dần xã hội sẽ phát triển đến mức con người sẽ đòi các tiêu chuẩn làm chủ hoặc là xác nhận sự làm chủ vốn có của mình đối với các đối tượng cụ thể họ đã từng có trong quá khứ. Khi người ta truy đuổi các quyền sở hữu có tính chất công dân của mình thì người ta tìm ra bản chất của các quyền công dân chính là các quyền con người. Cho nên, phổ biến các quyền công dân chính là một trong những cách thức tốt nhất để dẫn con người truy nguyên đến trạng thái nhân quyền.
điều quan trọng nhất là khi đi hết cái không gian cần để hiểu được bản chất của dân quyền và nhân quyền thì người ta sẽ đòi chủ quyền, tức là đòi dân chủ, bởi vì chủ quyền của nhân dân được xác lập tập trung ở các quyền dân chủ đối với hệ thống chính trị.

Trong thời đại toàn cầu hoá và số hoá hiện nay, chúng ta phải nhận thức được rằng các quyền con người đang ngày càng trở nên lạc hậu so với đòi hỏi của con người và so với đòi hỏi của sự giao lưu của con người. Tôi lấy ví dụ, hiện nay ở Anh đã xuất hiện một loại hiệp hội của những người có nhà, thành viên là những người có nhà ở Tây Ban Nha, ở Iraq, ở Ireland... Ban Giám đốc điều hành Hiệp hội ấy có thể điều chỉnh để một người ở Tây Ban Nha khi sang Pháp sẽ đến ở nhà hội viên có nhà ở Pháp nhưng đang có mặt ở Tây Ban Nha, họ đổi nhà cho nhau trong một thời gian. Xã hội dân sự đạt đến độ tự cân bằng sâu sắc như vậy, và xét về mặt kinh tế, nó đồng nghĩa với sự tiết kiệm khổng lồ cho con người. Qua đó có thể thấy nới rộng và làm sâu sắc các quyền con người là vấn đề cực kỳ quan trọng để nâng cao hạnh phúc của con người. Có thể kết luận rằng, quyền con người không phải là các quyền chính trị đơn giản, quyền con người là nâng cao tính hiệu lực làm người, nâng cao mật độ hạnh phúc của đời sống con người. Tức là đã đến lúc không thể ỷ lại vào các quyền tự nhiên đơn giản nữa, xã hội ngày càng phát triển đến mức các quyền tự do dân chủ cần phải được cập nhật và phổ biến hàng ngày để con người có thể sống hạnh phúc hơn. Vì thế, trong thời đại này, để nâng cao hiệu lực làm người, nâng cao hạnh phúc của con người thì phải tạo ra các thể chế đủ tinh khôn, đủ mềm dẻo, đủ tế nhị bằng cách tổ chức và rèn luyện nền dân chủ, mà bước đầu tiên của nó chính là tổ chức và rèn luyện năng lực làm chủ của con người.

III. Nhà nước và giới hạn của hướng dẫn chính trị

Nếu con người chừng nào còn lệ thuộc vào sự lựa chọn của người khác, lệ thuộc vào cách mô tả của người khác mới nhìn thấy các vẻ đẹp hoặc nhìn thấy các chân lý thì về cơ bản người đó không tự do. Con người tự do là con người hành động, sáng tạo theo lẽ phải của tâm hồn. Con người sẽ thấy bất hạnh khi luôn phải ý thức mình là công dân hàng ngày, hàng giờ. Vì thế, một hệ thống chính trị hợp lý là con người tự giác nghĩ đến quyền, trách nhiệm công dân của mình khi nào cuộc sống đòi hỏi. Trong hệ thống chính trị đó, công cụ duy nhất để lãnh đạo xã hội là pháp luật, nhưng điều chỉnh hành vi của con người là văn hóa. Nói cách khác, nhà nước là người điều hành xã hội về mặt hành chính chứ không phải độc quyền hướng dẫn chính trị. Và như thế, lãnh đạo là một loại dịch vụ mà con người có thể lựa chọn.

Hướng dẫn chính trị là một trong những nét rất căn bản để thể hiện tính chủ động chính trị của con người. Người ta chống lại sự độc quyền hướng dẫn chính trị của nhà nước chứ người ta không từ chối sự hướng dẫn chính trị. Chính vì thế, bây giờ, sau bao nhiêu năm rồi, con người vẫn còn nghiên cứu Kant, Nietzsche... tức là con người luôn đi tìm các yếu tố để hướng dẫn chính trị. Hướng dẫn chính trị là một đòi hỏi khách quan của đời sống cá thể cũng như đời sống cộng đồng. Tương lai càng cần có hướng dẫn chính trị bởi vì con người chưa có kinh nghiệm về tương lai. Tương lai, từ lâu, đã trở thành khát vọng nghiên cứu của con người. Chủ nghĩa Vị Lai có từ nhiều thế kỷ trước. Khi con người có chủ nghĩa Vị Lai, có tư tưởng tương lai, tức là khát vọng của con người đã đến mức thành thói quen, thành văn hóa. Việc nghiên cứu tương lai đối với những trạng thái phát triển chậm là vô cùng cần thiết bởi vì tương lai là tất cả đối với các dân tộc chậm phát triển.

Nhà nước là người điều hành xã hội về mặt hành chính chứ không phải độc quyền hướng dẫn chính trị. Phải khẳng định rằng hướng dẫn chính trị là công việc của xã hội dân sự. Xã hội dân sự là xã hội mà ở đó tất cả các tổ chức chính trị trừ nhà nước đều có quyền hướng dẫn chính trị trực tiếp. Nhà nước là tổ chức có ưu thế trong việc thu thập, sử dụng các năng lực hướng dẫn chính trị chứ không phải là người duy nhất có quyền hướng dẫn chính trị. Trong xã hội dân sự, tất cả mọi người đều có quyền hướng dẫn chính trị trực tiếp và trên thực tế mỗi hành vi của con người đều là một thông điệp về sự hướng dẫn chính trị của người đó. Nhiệm vụ của mỗi người là rèn luyện năng lực hướng dẫn chính trị của mình. Trong đó, giới trí thức là lực lượng quan trọng nhất tham gia vào quá trình hướng dẫn chính trị dưới hình thức các hoạt động khoa học. Nếu giới trí thức chỉ hướng dẫn khoa học, bất chấp các điều kiện chính trị, bất chấp nhận thức trong đời sống chính trị thì đó là những hướng dẫn không có giá trị thực tế. Cho nên, giới trí thức phải đi cùng với người dân để hướng dẫn họ, nâng cao nhận thức của họ thì mới tạo ra chất lượng của các hướng dẫn chính trị.

Đỉnh cao nhất của các hướng dẫn chính trị là hình thành các khuynh hướng chính trị. Tức là sự hướng dẫn chính trị của nhà nước là một sự hướng dẫn được cân bằng bởi các khuynh hướng chính trị chứ không phải là sự hướng dẫn bởi một khuynh hướng duy nhất. Nhà nước phải biết trộn sự hướng dẫn chính trị của mình vào trong việc cấu thành các quy tắc xã hội, tức là luật pháp. Tôi đã có quan điểm rất rõ rằng các nhà chính trị cầm quyền chỉ được thực hiện những nhiệm vụ chính trị đã được pháp chế hóa, mà bất kỳ sự pháp chế hóa nào cũng là kết quả của những thỏa thuận xã hội. Điều đó có nghĩa, khi một đảng trở thành đảng cầm quyền, đảng đó phải làm mất đi tính cực đoan cá biệt của mình, khi đó thông điệp chính trị của đảng cầm quyền sẽ là thông điệp của sự thỏa thuận. Các đảng chính trị có quyền truyền bá, có quyền hướng dẫn chính trị trực tiếp nhưng nhà nước không được độc quyền làm việc ấy. Nếu xã hội không có quyền tự hướng dẫn chính trị có nghĩa là quyền cơ bản của con người không được tôn trọng, con người không có tự do trên thực tế, mà như thế thì không thể có phát triển. Chính vì vậy, nhà nước pháp quyền là mục tiêu mà mọi xã hội phải phấn đấu xây dựng. Đó là nhà nước mà tất cả các hướng dẫn chính trị đều được cân bằng thông qua việc hình thành các khế ước xã hội hay luật pháp. Sự hướng dẫn của nhà nước phải thông qua các thông điệp chính trị đã được pháp chế hóa và nhà nước phải chịu trách nhiệm thay đổi khi chúng không còn phù hợp với đời sống. Vậy nhà nước nhận ra thời điểm các khế ước xã hội không còn phù hợp với đời sống bằng cách gì? Bằng các phản ứng của con người, của cuộc sống để biểu thị những vấn đề bên trong của nó như hoạt động biểu tình, hay bằng các cách thức chuyên nghiệp hơn như hoạt động phản biện xã hội.

Đối với các quốc gia lạc hậu trong quá trình chuyển đổi nền chính trị, để có thể khôi phục lại trạng thái thông thường của xã hội dân sự thì một trong những việc quan trọng nhất phải làm là ra khỏi tình trạng độc quyền hướng dẫn chính trị của nhà nước. Tôi đã từng nói sự mất mát năng lực của xã hội là kết quả của sự mất năng lực hướng dẫn chính trị, xuất phát từ chỗ nhà nước cho mình là người hướng dẫn chính trị duy nhất. Các nhà cầm quyền hướng dẫn con người không theo đòi hỏi khách quan của đời sống phát triển mà theo nhận thức chủ quan của mình. Kết quả là xã hội được hướng dẫn và rèn luyện những năng lực không phù hợp với đòi hỏi của thời đại, do đó không có sự tương thích về năng lực, nhất là năng lực chính trị. Nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của những người cầm quyền ở các nước chậm phát triển hiện nay là chủ động tham gia vào quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Nếu không tự nguyện làm việc ấy thì họ sẽ phải đối mặt với các cuộc cách mạng. Khi đó, lẽ dĩ nhiên họ sẽ kháng cự với tư cách là kẻ cầm quyền và kết quả mà cách mạng mang đến là một sự đổ vỡ nữa cho các dân tộc này. Vì lợi ích của nhân dân và của cả lực lượng cầm quyền, cần phải tránh các cuộc cách mạng. Muốn tránh các cuộc cách mạng thì những người cầm quyền phải làm cái việc mà cách mạng sẽ làm, đó là phải xây dựng nền dân chủ. Nói cách khác, muốn có mặt trong cuộc sống tương lai thì những người cầm quyền buộc phải xây dựng một lộ trình mà trong đó họ là những người khởi xướng và tiến hành quá trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Cần phải xác định một cách dứt khoát rằng tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là nội dung của cuộc cải cách chính trị mà các nước chậm phát triển cần phải tiến hành. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ là một cách thức di chuyển toàn bộ trạng thái chính trị của các nước chậm phát triển hiện nay trở thành một trạng thái chính trị khác để có năng lực thích ứng với thời đại. Đó là kết luận chính trị quan trọng nhất của thế kỷ XXI đối với các nước chậm phát triển.

Lãnh đạo cộng đồng con người chính là lãnh đạo bằng lẽ phải, và lẽ phải được thể chế hóa bằng dân chủ. Tất cả các nền chính trị dân chủ là nền chính trị mà ở đấy lẽ phải khống chế các quyết định chính trị chứ không phải quyền lực và sức mạnh. Đối với các nước chậm phát triển trong thời đại này, lẽ phải quan trọng nhất là tổ chức và rèn luyện nền dân chủ để con người có năng lực làm chủ thân phận của mình và có năng lực làm chủ xã hội. Tóm lại, cần phải trả cho xã hội quyền hướng dẫn chính trị để đảm bảo cho xã hội vận động theo những quy luật tự nhiên của cuộc sống. Trả lại quyền hướng dẫn chính trị cho xã hội cũng chính là đảm bảo tính đa dạng tinh thần để xã hội là vườn ươm của các khả năng khác nhau, có thể thay thế nhau để đáp ứng những đòi hỏi khách quan của cuộc sống.

IV. Xây dựng xã hội dân sự là khôi phục trạng thái tự nhiên của xã hội

Một xã hội dân sự phát triển là một trong những minh chứng thiết yếu cho sự tồn tại của một thể chế dân chủ. Phấn đấu cho một nền dân chủ là phấn đấu cho sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự.

Xã hội dân sự là xã hội tự cân bằng.Nó có các quy tắc văn hóa để hạn chế tất cả các trạng thái cực đoan, tất cả những hành vi không phù hợp với lợi ích công cộng. Trong xã hội dân sự, con người thương thảo với nhau và tạo ra sự đồng thuận xã hội. Nó có những tổ chức do xã hội lập ra để thể hiện những loại hình ý chí khác nhau của cộng đồng. Chính sự tự cân bằng của xã hội đã tạo ra các tổ chức và đặc biệt là tạo ra chức năng và nội dung hoạt động của các tổ chức đó. Nhà nước là tổ chức cao cấp nhất của một xã hội, thuộc bộ phận thượng tầng của đời sống xã hội. Bản chất của xã hội dân sự chính là tính tự lập của xã hội, tức là xã hội tự giải quyết các vấn đề của nó. Xã hội dân sự tự quản lấy mình và đến một mức độ mà nó không có khả năng để tự quản nữa thì phần còn lại là nhiệm vụ của nhà nước chuyên nghiệp. Hay nói cách khác, nhà nước là bộ phận chuyên nghiệp, là bộ phận nối dài của xã hội dân sự để giải quyết những công việc mà bản thân xã hội không tự giải quyết được. Chức năng của nhà nước là giải quyết những vấn đề có chất lượng chiến lược của đời sống chứ không phải là giải quyết tất cả các vấn đề của đời sống. Hầu hết ở những xã hội đang làm quen với khái niệm dân chủ, với khái niệm xã hội dân sự, người ta mới chỉ hiểu xã hội dân sự như là cái gì đó có tính chất tôn trọng nhân dân nhưng lại quên mất sự tôn trọng đối với quyền tự cân bằng của xã hội. Chính sự thiếu hụt trong nhận thức đã tạo ra tình trạng nhà nước là tất cả, luôn luôn tồn tại nhà nước để giải quyết một loạt các vấn đề mà nhà nước cho rằng xã hội dân sự không làm được. Việc pháp luật không thừa nhận tình trạng không có nhà nước trong các khu vực khác nhau của đời sống làm cho nó mất đi những điều kiện tồn tại của xã hội dân sự.

Một xã hội phát triển một cách đầy đủ và lành mạnh là một xã hội bao gồm hai yếu tố: xã hội dân sự và nhà nước. Nói cách khác: Xã hội = Xã hội dân sự + Nhà nước. Trong một quốc gia mà người ta gán cho nhà nước vai trò quá lớn thì xã hội dân sự bị co lại và lệ thuộc vào nhà nước, tức là Xã hội = Nhà nước. Điều đó có nghĩa là nhà nước trở thành thước đo tiêu chuẩn của mọi hoạt động xã hội hay tất cả những ưu thế trong hệ thống nhà nước trở thành thước đo của mọi giá trị. Con người không tự tin khi tách khỏi nhà nước, con người không có giá trị, không có quyền lợi nếu không gắn với nhà nước. Sự thiếu vắng một xã hội dân sự đã khiến con người không còn cách nào khác là bám lấy nhà nước. Bám lấy nhà nước là con đường sống duy nhất bởi vì con người không có xã hội dân sự, không có chỗ hạ cánh, không có chỗ quay về khi rời khỏi nhà nước. Sự phủ bóng quá lớn của nhà nước xuống xã hội khiến đời sống dân sự của con người bị thu hẹp lại. Chẳng hạn, ở những quốc gia phát triển, một luật sư bình thường có thể trở thành người làm chứng cho các cam kết dân sự của khách hàng và nhà nước thừa nhận giá trị pháp lý của sự làm chứng của luật sư đối với các cam kết dân sự thông thường ấy. Đó chính là biểu hiện của xã hội dân sự.

Nhưng ở những xã hội không phải là xã hội dân sự thì mọi sự làm chứng phải do nhà nước thực hiện. Hay ở một mức độ cao hơn, việc không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần ở một số quốc gia cũng là một ví dụ. Nền kinh tế nhiều thành phần là một tồn tại tự nhiên của xã hội dân sự, theo qui luật tự nhiên nó phải được tôn trọng. Thế nhưng trong suốt một thời gian dài, ở các quốc gia này, nền kinh tế nhiều thành phần không được nhà nước thừa nhận. Trước sức ép của đổi mới, mở cửa, các nhà nước này buộc phải tiến hành quá trình chuyển đổi và do đó họ buộc phải thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Nhưng nếu không ủng hộ và thừa nhận xã hội dân sự thì việc thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần là rất mâu thuẫn. Nền kinh tế nhiều thành phần là cánh tay kinh tế của xã hội dân sự, nếu không thừa nhận xã hội dân sự mà chỉ thừa nhận cánh tay của nó thì giống như không thừa nhận sự tồn tại của một thực thể con người nhưng lại thừa nhận sự tồn tại của một cánh tay của nó.

Khi nhà nước bành trướng hết cỡ thì xã hội dân sự sẽ biến dạng và trong một lãnh thổ sẽ có hai xã hội, xã hội tụ tập xung quanh các quyền lợi của nhà nước và xã hội không đếm xỉa đến nhà nước. Xã hội không đếm xỉa đến nhà nước là xã hội hoạt động không có quy tắc, tức là xã hội vô chính phủ. Nhà nước càng lấn át bao nhiêu thì sự hình thành xã hội bên ngoài ảnh hưởng của nhà nước càng lớn bấy nhiêu, và do đó tình trạng vô chính phủ của đời sống xã hội càng lớn, đó là dấu hiệu của xã hội hỗn loạn. Xã hội dân sự khi đó trở thành đối tượng bất hợp pháp và con người bị đẩy vào tình thế phải phạm pháp để tồn tại. Khi con người có đời sống dân sự không hợp pháp thì người ta sẽ hợp tác với nhau để xây dựng một xã hội dân sự lén lút, tức là một xã hội ngầm với những thế lực ngầm mà chúng ta thấy đang diễn ra ở khá nhiều quốc gia chậm phát triển hiện nay.

Có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh cho sự tồn tại của xã hội dân sự lành mạnh không có sự can thiệp của nhà nước. Chẳng hạn như sự chào mừng của dân chúng Thái Lan đối với nhà vua nhân dịp 60 năm lên ngôi diễn ra trong lúc nhà nước Thái Lan đang ở trong trạng thái khủng hoảng là một bằng chứng về sự tồn tại đúng với nguyên lý của cái gọi là xã hội dân sự. Đại bộ phận 80 - 90% hành vi của con người hằng ngày được tự cân bằng theo các khế ước bất thành văn của xã hội. Xã hội dân sự là xã hội không lệ thuộc vào nhà nước. Nhà nước khủng hoảng mà xã hội vẫn khỏe chính là dấu hiệu tồn tại của một xã hội dân sự. Xã hội ấy không những vẫn khỏe mà còn lành mạnh đủ để biểu hiện tình cảm của nó đối với một đối tượng chính trị khác là nhà vua. Nếu xã hội ấy bị nhà nước hóa thì người ta không thể nào khóc mừng 60 năm lên ngôi của nhà vua được. Tỉ lệ hành vi hàng ngày của con người càng ít lệ thuộc vào nhà nước bao nhiêu thì xã hội càng lành mạnh bấy nhiêu, bởi vì xã hội bao gồm những con người biết tự quản và tự giác. Một xã hội mà con người biết kiềm chế, biết tự quản và tự giác là một xã hội đòi hỏi ít chi phí nhất cho quản lý hành chính. Nhà nước không cần phải đông, không cần phải có đến năm hay sáu triệu viên chức và do đó ngân sách sẽ được tiết kiệm. Tiết kiệm những người làm việc gián tiếp trong cơ quan nhà nước để cho xã hội có thêm lực lượng lao động tức là làm mạnh hơn xã hội dân sự.

Như vậy bài toán đã rõ là cần phải trả lại cho con người đời sống dân sự thông thường, tức là hợp pháp hoá xã hội dân sự, thừa nhận sự tồn tại tất yếu của xã hội dân sự và phải bắt đầu bằng việc xây dựng lại, củng cố lại giá trị và địa vị của nhân quyền và xây dựng nền chính trị dân chủ để bảo vệ các quyền con người. Xã hội dân sự là xã hội giúp con người sống với tư cách là một người tự lập và có quyền lựa chọn những thứ mình thích. Con người khi có quyền lựa chọn thì có thể chọn đúng, có thể chọn sai nhưng con người biết chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Con người có kinh nghiệm về sai lầm của mình thì con người mới nhận thức ra được giá trị của cái đúng. Còn nếu như con người không có tự do lựa chọn thì họ không có cách nào để đi tới cái đúng. Đây chính là bản chất của khái niệm tự do và dân chủ. Dân chủ là một thể chế mà ở đấy con người được hưởng một cách trọn vẹn các sai lầm của mình và biết chỉ trích chính mình. Nói cách khác, dân chủ và tự do chính là không gian giúp con người nhận ra cái đúng, cái sai và phải tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.

Đời sống dân sự chính là vườn ươm cho những yếu tố để làm mới nhà nước. Nguồn phát triển các lực lượng phục vụ trong bộ máy nhà nước là từ xã hội dân sự, nếu không có nguồn để thay thế các lực lượng phục vụ nhà nước thì nhà nước sẽ thoái hoá từ bên trong, đầu tiên là thoái hóa về chính trị, sau đó là thoái hóa về trí tuệ và sau cùng là thoái hóa về đạo đức. Nhiều khi chúng ta nhìn thấy sự lúng túng trên nét mặt của các nhà lãnh đạo mà ngoài đời thì con người phơi phới.

Sự phơi phới ngoài đời thể hiện tính đa dạng của các giải pháp, nhưng tính đa dạng của các giải pháp mà cuộc sống tự nhiên có không được phản ánh đầy đủ vào trong đời sống chính trị làm cho các nhà lãnh đạo tự nhiên thiếu hụt nguồn của các giải pháp. Tất nhiên, những sáng kiến xã hội về các giải pháp chính trị không hoàn toàn chuyên nghiệp, nhưng nó sẽ được chuyên nghiệp hoá bởi các nhà chính trị. Nhà chính trị nào không học được, không trông thấy được các phôi tự nhiên có trong đời sống thì đấy là một thất thiệt lớn về mặt chính trị. Sức sống điều hành của một nhà nước chuyên nghiệp chính là được bổ sung thường xuyên những yếu tố chuyên nghiệp cho mỗi nhà chính trị hoặc là được bổ sung bằng các nhà chính trị chuyên nghiệp. Nếu xã hội dân sự bị co lại thì những nguồn bổ sung như vậy không còn nữa và điều đó sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nhân sự chuyên nghiệp cho đời sống chính trị.

Xã hội dân sự là mục tiêu của tất cả các quốc gia, các cộng đồng, đó là một xã hội mà ở đó mỗi một con người trở thành chủ sở hữu xã hội và có các quyền hiến định và pháp định rành mạch. Một quốc gia muốn phát triển thì ở đó phải tồn tại xã hội dân sự với tất cả tính chất tự quản phổ biến của nó để hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của nhà nước vào những vấn đề của đời sống dân sự. Để đảm bảo cho điều đó, cần phải có một chế độ chính trị dân chủ thể hiện thông qua nhà nước pháp quyền. Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền là những yếu tố không thể thiếu được của một xã hội hiện đại và tiến bộ.

V. Tổ chức phản biện xã hội như là yếu tố phục sinh cảm hứng xã hội

Nuôi dưỡng và khích lệ cảm hứng phát triển của xã hội là một vấn đề vô cùng hệ trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Mỗi một xã hội muốn phát triển đều phải phát triển bằng nguồn lực con người và con người muốn phát triển thì phải có cảm hứng. Nếu con người không có cảm hứng, cả xã hội không có cảm hứng thì không thể có khát vọng đi tìm các giá trị, và do đó không thể phát triển. Nền chính trị tiên tiến là một nền chính trị tạo ra được những điều kiện thuận lợi nhất cho việc nuôi dưỡng và khích lệ cảm hứng của các cá nhân và cảm hứng phát triển của xã hội. Dân chủ chính là một thể chế chính trị tạo cho con người có cảm giác con người nhiều nhất. Suy ra cho cùng, con người là những người trồng vườn, canh tác những sản phẩm khác nhau lên trên những cánh đồng khác nhau trong không gian tinh thần của những người xung quanh. Đó chính là gợi ý để các nhà chính trị biết gieo trồng vào trong đời sống tinh thần của người dân những cánh đồng khác nhau, những mảnh vườn khác nhau, những hoa trái khác nhau, tức là gieo mầm cho sự chung sống với nhau của con người. Đó chính là con đường hình thành cảm hứng xã hội, mà tổ chức phản biện xã hội chính là một trong những cách thức tập trung nhất để phục sinh cảm hứng xã hội của tất cả mọi người.

Chúng ta biết rằng, con người chỉ có cảm hứng sáng tạo, cảm hứng phát triển hay cảm hứng xã hội khi con người có tự do. Nhất là đối với cảm hứng xã hội thì tự do ngôn luận là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tự do ngôn luận rất cần nhưng tự do ngôn luận không phải là một quyền tự do tuyệt đối mà là tự do thỏa thuận. Tự do bao giờ cũng là một khoảng không gian phù hợp với quyền lợi của các lực lượng xã hội trong đó có lực lượng cầm quyền. Nếu như anh vượt quá sức chịu đựng và năng lực quản lý của những người cầm quyền thì không còn tự do nữa mà là hỗn loạn. Phải phân biệt rất rõ ràng rằng tự do và hỗn loạn là rất khác nhau. Quá trình tổ chức phản biện xã hội phải tạo ra được thói quen thảo luận về ranh giới của không gian đó. Toàn bộ nội dung của việc tổ chức ra đời sống tự do và dân chủ không phải là việc các lực lượng xã hội phát ngôn một cách thoải mái các đòi hỏi của mình mà chính là các lực lượng xã hội thảo luận với nhau để có sự đồng thuận giữa các nhóm lợi ích và đó chính là hoạt động phản biện xã hội.

Yếu tố cốt lõi tạo ra sự thành công của quá trình tổ chức phản biện xã hội là sự tham gia của cả ba lực lượng: nhà nước, giới truyền thông và giới trí thức vào việc xác định những giới hạn hợp lý của tự do ngôn luận. Tự do ngôn luận từ xưa đến nay đều được tất cả các lực lượng xã hội nói đến và tán thành. Nhưng mỗi người, mỗi lực lượng quan niệm tự do ngôn luận một cách hoàn toàn khác nhau và cái khác nhau phổ biến nhất khi người ta hiểu về tự do ngôn luận chính là sự khác nhau về mức độ. Bởi vì tự do ngôn luận là một trong các quyền cơ bản thuộc về quyền con người, nhưng các quyền con người được triển khai trong đời sống lại lệ thuộc hoàn toàn vào cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở thượng tầng kiến trúc của xã hội, tức là phù hợp với năng lực xã hội. Nếu hiểu tự do ngôn luận như một quyền tuyệt đối, như một quyền không có giới hạn và không có mức độ thì nó sẽ dẫn đến mất đoàn kết xã hội. Ví dụ, trước khi xảy ra vụ 11-9 ở Hoa Kỳ thì người Mỹ có rất nhiều tự do nhưng sau khi xảy ra sự việc này thì không phải người Mỹ nào cũng có tự do giống nhau và không phải người Mỹ nào cũng có tự do như cũ. Như vậy, độ tự do của các công dân đôi lúc lệ thuộc vào tình thế chính trị, tình thế xã hội. Nói một cách chính xác hơn, tự do ngôn luận chỉ được gọi là hợp lý khi nó phù hợp với ba thứ: thứ nhất là phù hợp với tình thế, thứ hai là phù hợp với năng lực quản lý xã hội và thứ ba là phù hợp với khả năng tự giác của nhân dân về việc sử dụng các quyền tự do.

Có thể thấy rằng thảo luận giữa nhà nước và xã hội về giới hạn của tự do ngôn luận là một vấn đề cực kỳ quan trọng để tổ chức phản biện xã hội. Nếu không tạo ra được những cuộc thảo luận giữa xã hội và nhà nước về những giới hạn có thể, thì nhà nước có thể đưa ra các rào cản quá gần và hạn chế rất nhiều tự do xã hội. Tự do xã hội không phải là vô tận. Tự do xã hội là một khoảng không gian mà ở trong đấy mỗi một người đều có thể chịu đựng được, kể cả nhà quản lý cũng như người dân. Các cơ quan truyền thông khi truyền tải các ý kiến xã hội phải nhận thức được rằng tự do ngôn luận có các giới hạn của nó. Các cơ quan truyền thông là người tổ chức ra các sân khấu của đời sống phản biện, nếu cái sân khấu ấy quá rộng thì người ta có thể không chỉ kê các đạo cụ cần cho đời sống, cần cho vở diễn lên đấy mà người ta còn kê cả những thứ không cần thiết và tạo ra sự nguy hiểm cho xã hội. Các cơ quan truyền thông cần phải ý thức về tính giới hạn, về tính định lượng và tính hợp lý để xác lập một sân khấu các ý kiến có kích thước phù hợp với năng lực quản lý của nhà nước và năng lực sử dụng một cách hợp lý của xã hội, tức là tạo ra các sân khấu đủ tự do nhưng không thừa để kê thêm những thứ không cần thiết. Vậy làm thế nào để xác lập được cái không gian hợp lý đó? Các cơ quan truyền thông phải hợp tác với những người lãnh đạo đất nước, họ có quyền hỏi ý kiến các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo rằng đến đâu là hợp lý. Nếu không thừa nhận công nghệ thảo luận như vậy thì chúng ta chỉ có chỉ thị chứ không có thảo luận. Chỉ thị đưa ra giới hạn nhưng là giới hạn từ một phía. Còn thảo luận cũng đưa ra giới hạn nhưng là giới hạn từ hai phía, giới hạn ấy phản ánh độ tự do mà xã hội cần phù hợp với sức chịu đựng của nhà cầm quyền.

Nếu không tổ chức phản biện xã hội thì các nhà chính trị sẽ không thấy được sự xuất hiện của những yếu tố mới trong đời sống xã hội. Mà các nhà chính trị thì phải luôn luôn biết rằng trong xã hội đang có cái gì manh nha xuất hiện, cái gì trong chúng có lợi, cái gì có hại, phải tạo ra khoảng không gian để cho tất cả mọi thứ xấu tốt bộc lộ ra khi nó chưa kịp gây hại, thậm chí ngay cả khi nó chưa kịp làm lợi. Các nhà chính trị đôi lúc không nhìn thấy tất cả các loại hoa trái ở ngoài đời vì họ nhìn cuộc sống thông qua những bức ảnh mà những người thợ chụp ảnh mang đến. Mỗi người chụp một kiểu, người chụp quất, người chụp đào, người chụp cúc mang đến, cho nên, cuộc sống bị "xé lẻ" để đem đến cho các nhà chính trị. Các nhà chính trị nhìn thấy những bức hình lẻ của cuộc sống chứ không nhìn thấy tổng thể, do đó, chính sách bao giờ cũng phản ánh hoặc cúc, hoặc đào, hoặc quất mà không phải giải pháp cho cả khu vườn. Khi giải pháp mà không phải cho cả khu vườn mà chỉ cho đào hoặc quất thì chúng ta chỉ có thể có quất hoặc đào thôi và đấy chính là tính phi biện chứng của các giải pháp có tính chất chính sách. Phản biện làm cho tất cả các loại hoa trái đều xuất hiện và không những chỉ xuất hiện bằng hình mà nó còn nói tiếng nói của nó. Tất cả những tiếng rì rào khác nhau ấy tạo ra một dàn âm thanh mà ở đấy nhà chính trị nhận ra rằng khu vườn ấy thiếu gì và nó cần thêm cái gì. Cuộc sống là một khu vườn đa dạng và các nhà chính trị phải biết nếm. Ngày xưa, thời phong kiến các vị vua thường hay đi vi hành. Vi hành là đi nếm những hoa tươi, quả ngọt còn dính cả bụi của cuộc sống. Làm thế nào để được hưởng, được trông thấy, được chạm vào những giải pháp còn tươi nguyên của đời sống xã hội là công nghệ và trí tuệ cần có đối với các nhà chính trị, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo.

Đôi khi, những người cầm quyền lầm tưởng rằng họ có thể gieo trồng cảm hứng xã hội bằng những công cụ tuyên truyền của mình. Nhưng kết quả của sự tuyên truyền ấy không phải là cảm hứng phát triển mà lại làm mất đi cảm hứng của con người. Cần phải gieo trồng cảm hứng phát triển xã hội không phải bằng sự tuyên truyền chủ quan mà bằng cách tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện của cảm hứng phát triển mà các điều kiện đó chỉ có thể được đảm bảo trong một thể chế chính trị dân chủ. Ở đó, con người bình đẳng với nhau trong các quá trình thương thảo để tạo ra khế ước xã hội hay các giải pháp phát triển. Con người chỉ có thể bị cuốn vào quá trình ấy, chỉ có thể được khơi dậy hay phục sinh cảm hứng xã hội khi xã hội tổ chức được một cơ cấu phản biện xã hội thành công.

Chúng ta đều biết rằng càng phát triển thì khoảng cách giàu nghèo càng tăng lên, tăng lên trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau, chính vì thế chúng ta buộc phải giải quyết vấn đề dân chủ ở hai cấp độ, cấp độ trong một quốc gia và cấp độ giữa các quốc gia. Nếu như không phổ biến sự nới rộng của khái niệm dân chủ, tức là không tạo ra trạng thái khế ước của từng giai đoạn đối với sự nới rộng các quyền con người, thì con người không có cơ sở pháp lý để hành động và đòi hỏi. Cái đó thể hiện tập trung ở việc mở rộng nội dung về các quyền con người trong các quá trình lập pháp của các quốc gia, và trong các công ước quốc tế về quyền con người. Hiện nay chúng ta đã có các công ước quốc tế về quyền con người, nhưng các công ước này chưa xét đến sự phát triển của khái niệm quan trọng nhất đối với con người là tự do. Vì thế quyền con người bây giờ một mặt trở nên lạc hậu đối với các nước phát triển, mặt khác trở thành lý tưởng phi hiện thực đối với các quốc gia chậm phát triển, do khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng khuếch đại, từ đó nó dẫn đến trạng thái phi dân chủ giữa các quốc gia. Giải quyết mâu thuẫn ấy như thế nào trong nội dung của công ước quốc tế về quyền con người để khắc phục mâu thuẫn ở trong từng quốc gia và trong sinh hoạt chính trị giữa các quốc gia với nhau là một vấn đề lớn của thế giới. Nếu không bổ sung hàng ngày các tiêu chuẩn, các sự nới rộng, các sự diễn biến của đòi hỏi các quyền dân chủ trên thế giới thì các tiêu chuẩn luôn luôn lạc hậu và nó cản trở sự phát triển, nó không những tạo ra sự hiểu lầm lẫn nhau giữa các tầng lớp xã hội trong một quốc gia mà còn tạo ra sự hiểu lầm lẫn nhau giữa các quốc gia.

Do đó, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ là nội dung của cuộc cải cách chính trị không chỉ trên quy mô quốc gia mà còn ở quy mô toàn cầu. Nghĩa là, con người phải thường xuyên điều chỉnh nội dung của các công ước, các quy chế về quyền con người và chủ quyền quốc gia, tổ chức sự đối thoại toàn cầu về khái niệm dân chủ để giải quyết mâu thuẫn chung của thế giới, kéo tất cả các quốc gia cùng tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh

    07/06/2014Nguyễn Đức SựSự thực, chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh là một hiện tượng nổi bật trong xã hội Việt nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nó chứng tỏ Phan Châu Trinh rất quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của nước nhà. Chính vì vậy mà ông muốn cải tạo xã hội Việt Nam lúc đương thời theo con đường cải lương...
  • Nhân loại: Tổ chức và rèn luyện các nền dân chủ

    19/04/2014Nguyễn Trần BạtNếu không có thể chế dân chủ thì con người không có cơ hội, không có cách thức hiện thực hóa tự do của mình. Do vậy, xây dựng nền dân chủ là giải pháp để kéo tự do xuống các tầng hàng ngày của đời sống, để tự do trở thành quyền phát triển của mỗi con người. Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ luôn là vấn đề chung của con người ở khắp mọi nơi trên thế giới...
  • Xã hội dân sự: khái niệm và các vấn đề

    15/04/2014Bùi Quang DũngXã hội dân sự hiện đang là vấn đề được cả giới nghiên cứu khoa học lẫn các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Khái niệm "xã hội dân sự” xuất hiện khá sớm ở Châu Âu. Các đinh nghĩa phổ biến về "xã hội dân sự” hiện nay đều nhấn mạnh tới tinh thần tự nguyện của công dân trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và giá trị của mình. Theo đó, xã hội dân sự được tạo lập bởi các đoàn thể nhằm kết nối giữa những nhóm quyền lợi hiện đại và những tổ chức truyền thông, giữa các tổ chức chính thức và phi chính thức...
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Khát vọng dân chủ

    19/08/2010Tương LaiDân chủ nằm ngay trong tên nước được khai sinh với Tuyên Ngôn Độc Lập 2.9.1945, nhằm xác định rõ tính chất và nội dung quachính thể “cộng hoà” mà Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước thế giới. Trên nền tảng dân chủ đó, độc lập, tự do, hạnh phúc được xác lập vững chắc, với nội dung dân là chủ, dân làm chủ...
  • Chế độ dân chủ (Nhà nước và xã hội)

    21/05/2009Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách giáo khoa được viết một cách rõ ràng, dễ hiểu, với văn phong hài hước sẽ giúp các cháu học sinh đồng nhất mình với các nhân vật được trình bày. Mà nhân vật ở đây chính là Quốc hội, các nhà hoạt động Nhà nước và cả Tổng thống nữa.
  • Xã hội công dân và xã hội dân sự: từ Arixtot đến Hêghen

    08/05/2009Trần Tuấn PhongBài viết phân tích tư tưởng của Arixtốt về cộng đồng chính trị - một khái niệm được coi là khởi thuỷ của khái niệm xã hội công dân/xã hội dân sự sau này. Đồng thời, phân tích tư tưởng về xã hội dân sự trong thời cận đại qua một số đại biểu điển hình. Đặc biệt, tác giả đã làm rõ sự kế thừa và phát triển của Hêghen đối với quan điểm của Arixtốt về xã hội công dân.
  • Xã hội dân sự, tính đặc thù và vấn đề ở Việt Nam

    10/04/2009TS. Hồ Bá ThâmXã hội Dân sự có tính phổ biến, tinh toàn cầu, dù rằng các dân tộc tiến đế nó một cách nhanh chậm khác nhau và phát huy nó khác nhau. Xã hội Dân sự ở Việt Nam cả lý thuyết, đường lối và thực tế đang đặt ra nhiều câu hỏi phải trả lời...
  • Dân chủ đến từ đâu?

    09/03/2009Nguyễn Tiến LậpMặc dù các nền dân chủ trên thế giới đã có bề dày lịch sử trên hai trăm năm, vấn đề Dân chủ vẫn tiếp tục là bài toán khó giải đối với nhiều quốc gia . Thậm chí, còn có sự đặt lại những câu hỏi căn bản như Dân chủ là gì và nó có tính tất yếu - phổ quát hay không, trong đó bao hàm cả tâm lý ngờ vực và sự ngộ nhận... Ngoài ra, từ góc độ thực tiến, các bế tắc về con đường phát triển bên ngoài dân chủ cũng đã bắt đầu được nhận diện. Và đó là lý do để chúng ta nên bàn tiếp về đề tài quan trọng này.
  • Dân chủ hóa về chính trị

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtDân chủ hóa là xu thế tất yếu không chỉ của thế giới thứ ba mà của toàn nhân loại. Trong quá trình tương tác và cạnh tranh giữa các nền kinh tế, bản thân con người cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu và ngày càng khốc liệt. Giá trị cá nhân là sức cạnh tranh và sức cạnh tranh chính là nhân tố quan trọng nhất của một quốc gia...
  • Bàn về xã hội dân sự

    15/08/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsultKhái niệm xã hội dân sự từ lâu đã trở thành một khái niệm quan trọng và ngày càng trở nên quan trọng khi quá trình toàn cầu hoá đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn. Và khi các giá trị cá nhân ngày càng được khẳng định thì một xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của con người ngày càng trở nên cần thiết...
  • Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự

    22/07/2007Tùng ThưLà một trong những danh tác chính trị thế giới, cuốn sách này vừa tiếp nối dòng chảy liên tục của tư tưởng nhân loại về phạm trù “nhà nước”, “quyền lực” từ thời Hy Lạp - La Mã cổ đại đến thời Phục hưng, vừa góp phần tạo tiền đề trực tiếp cho trào lưu Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII và ghi dấu ấn rõ nét trong tư duy và hành động của các nhà lập quốc Mỹ sau này...
  • Dân tâm và dân chủ

    13/12/2005GS Tương LaiDân chủ với dân tâm gắn với nhau như bóng với hình. Để thu phục được dân tâm, để giành dân tâm thì phải thật lòng thực thi dân chủ, thật lòng mở rộng dân chủ. Để giành dân tâm, không có gì đơn giản hơn điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cán bộ của Đảng và Nhà nước ngay từ những ngày mới giành được chính quyền từ cách mạng tháng 8/1945: " Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”...
  • xem toàn bộ