Đàn bà bốn mươi

05:19 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Ba, 2014

1. Sau chương trình phỏng vấn tôi trên Đài phát thanh, chị biên tập viên cùng tôi rời Studio. Trên đường đi về phòng làm việc, chị nói:

- Tất cả các cô trong phòng văn nghệ của chị đều là fan trung thành của em. Ngày nào cũng vào đọc blog em. Rất thích “Đàn bà ba mươi” của Trang Hạ. Nên em có thể viết tặng bọn chị một bài được không? Coi như là chị và các cô cùng phòng đặt hàng Trang Hạ viết một bài theo yêu cầu!

Tôi hỏi viết về cái gì? Chị biên tập viên nói:

- Viết về chuyện, giờ đây còn có thứ gì khiến đàn bà lứa tuổi bốn mươi như bọn chị thấy cuộc sống có gì đáng sống, đáng hy vọng!

- ?

Tôi nghĩ thầm, không lẽ có một thứ gọi là sự-buồn-chán đang lây lan trong những người đàn bà thành thị, tóc đúng kiểu, váy áo hợp màu, nhìn từ vẻ ngoài đều rất hạnh phúc, yên ổn, công việc và gia đình đều tốt?

Chị biên tập viên giải thích:

- Thực sự khó giải thích. Ngày xưa mới ra trường thì mong có việc ổn định, mới cưới thì mong có nhà riêng, con ngoan học giỏi. Nhà có rồi thì mong “phấn đấu” được cái xe bốn bánh để đưa đón con khỏi trời mưa. Đi đó đi đây, du lịch nước ngoài vài chuyến cho đổi gió. Công việc thành đạt đôi chút, con cái đã lớn được chút, mọi thứ ngày xưa mình mong ước phấn đấu, giờ đã đều đạt được. Cuộc sống bây giờ đúng là mơ ước của ngày xưa! Nhưng từ giờ trở đi, hình như không còn cái gì cho mình mơ ước nữa! Thấy cái gì mình cũng như đã có, đã nếm trải, đã sở hữu!

Tôi nói đùa:

- Hay là chị nhảy việc đi, chuyển sang một cơ quan mới, từ sếp trở thành nhân viên tập sự, bỗng nhiên thấy ngay có những mục đích to đùng phải phấn đấu, phải cạnh tranh!

Chị chia tay với vẻ bối rối:

- Rất khó nói rõ là vì sao, tại sao bây giờ mình không còn thấy háo hức với cuộc sống nữa, thấy chẳng còn gì phải mong chờ nữa! Giá như nó chỉ là một thứ cụ thể như mức lương, đổi việc, dự định mua sắm thêm cái này cái kia cho gia đình… thì đã đơn giản, và chị đã chẳng phải nghĩ ngợi xem làm thế nào để mình lại thấy vui sống, giữa một cuộc sống cứ bình bình như thế này!

Và chị kết một câu chắc nịch:

- Em phải viết một bài cho chị, làm sao để những người phụ nữ bốn mươi nhận ra đời này còn có cái gì mà ta vẫn còn thiếu, vẫn cần phải đạt tới!

Tôi đã nghĩ mãi về cái đơn đặt hàng viết tới từ độc giả nữ bốn mươi kia. Bởi tôi biết mình cũng đang đi về phía cột mốc tuổi bốn mươi của một người phụ nữ.

Làm sao để truyền cho họ được niềm vui sống của bản thân tôi? Những cảm giác đầy màu sắc về cuộc sống quanh tôi? Những niềm vui thích mỗi ngày thường, dù nắng hay mưa, rét gió hay u ám mù mây thì vẫn luôn thấy hôm nay thời tiết thật tuyệt vời, bởi nó cho ta cảm giác tận hưởng sống?

Tôi chưa cảm nhận nổi cảm giác buồn chán của tuổi bốn mươi, chỉ bởi tôi chưa kịp buồn chán với công sở này thì tôi đã nhảy việc chỗ khác, tôi chưa kịp no đủ đã thấy thiếu thốn, tôi chưa kịp hết yêu người này thì đã được gặp những người khác thú vị hơn, và tôi chưa bao giờ đủ thời gian để làm những gì tôi thích, lấy đâu ra thời gian ngẫm ngợi buồn chán?

Nhưng bốn mươi có gì làm đàn bà sợ hãi thế? Tôi sực nhớ hồi lâu rồi, trong một bài tôi viết về “Đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu”, tôi có nói rằng, đàn bà không hiểu sao thường là sau tuổi bốn mươi không còn muốn bỏ chồng nữa!

Còn đàn ông thì ngược lại, sau tuổi bốn mươi bắt đầu có ý định đổi vợ!

Tại sao tuổi bốn mươi khiến đàn bà trở nên nhẫn nại buồn phiền và đàn ông trở nên hăng say táo tợn?

2. Phải chăng trong đời ta, có những thời điểm mà khả năng cặp đôi của giới tính đã khiến ta thay đổi cả bản chất và khao khát?

Vì thế, đàn bà lờ mờ hiểu rằng, nếu hai mươi tuổi mình không chinh phục được một người đàn ông tốt, e rằng bốn mươi mình không thể gặp được người đàn ông tốt hơn. Còn đàn ông lại tự tin rằng, bốn mươi phong độ hơn hẳn, giàu có hơn hẳn, và quyến rũ được người phụ nữ đẹp đẽ thú vị hơn hẳn cái thời họ đôi mươi non nớt và gầy nhẳng?

Tôi có cảm giác thứ duy nhất làm đàn ông say mê là chinh phục, bởi thế họ không bao giờ đánh mất niềm hứng khởi vì họ luôn đi trên con đường ấy. Còn đàn bà lại tự hào về sự sở hữu, còn trẻ thì tự hào vì sở hữu tuổi trẻ nhan sắc và sự lãng mạn quanh nàng. Tuổi đàn bà chín – ba mươi ba lăm – sẽ tự hào về của cải, về người đàn ông trong vòng tay mình, những mối quan hệ thú vị trong đời, con cái và sự nghiệp.

Còn đàn bà bốn mươi, khi tưởng như đã có đủ mọi niềm vui, của cải đời người trong vòng tay, bỗng nhiên thấy hoang mang, như một người giàu ngồi khư khư trên đống vàng của mình mà thấy lòng trống rỗng. Tôi cho rằng, chính cảm giác trống trải trong tâm hồn ấy đã biến những của cải trong vòng tay người đàn bà bốn mươi trở thành sự buồn chán. Họ phải ngồi giữ gìn đống chiến lợi phẩm của đời sống, nên từ lâu đã phải bỏ quên thú vui chinh chiến săn bắt của một kỵ sĩ tự do.

Họ phải giữ gia đình, họ phải giữ con. Không có gia đình và con cái, tài sản chẳng còn quan trọng mấy. Họ phải giữ cân bằng cho đời sống, giữ phong cách bản thân, giữ nhịp sống quen thuộc, giữ thu nhập ổn định, giữ những thói quen tốt. Họ phải giữ người đàn ông trong vòng tay, họ phải giữ gìn những thứ mà họ đã kiếm được trong hai mươi năm tuổi trẻ. Nếu không làm thế, chẳng lẽ họ đã phí công sức và tay trắng khi từ một cô gái thanh xuân đôi mươi biến thành người đàn bà bốn chục nhát, hay sao?

Nhưng thật quá quắt khi đàn bà bốn mươi đòi, có được mọi thứ lại phải có cả niềm vui sống, khao khát, háo hức, yêu đời nữa!

Tôi tin người đàn bà bốn mươi đang chiếm giữ và trân trọng nhiều thứ của cải trong vòng tay mình ấy, chắc chắn sẽ có những giây phút thèm một vòng ôm chặt. Một nụ hôn phải chờ đợi. Một lời tỏ tình. Thứ mà khi đàn bà bốn mươi loại mình ra khỏi những cuộc theo đuổi chinh phục, họ tự tước của mình nhịp tim đập nhanh, sự hồi hộp ngọt ngào và những khao khát, từ rất lâu rồi!

Tôi tin rằng ngay cả những người đàn bà bốn mươi không có ý định ngoại tình, cũng có những giây phút thèm được biết, trên đời này có một người nào đấy yêu họ, như cách của tuổi hai mươi họ từng nếm trải!

3. Tôi có một ông cậu, ông là người Hà Nội, tất nhiên, cao lớn, vất vả và cá tính!

Năm trước, ông gần năm mươi tuổi, trên đường đi áp tải hàng, theo xe ô tô từ miền Nam ra miền Bắc, khi xe dừng ở một giao lộ đường sắt với đường nhựa để chờ đoàn tàu hỏa đi ngang, ông bỗng nhìn thấy một người đàn bà bốn mươi đứng ở bên đường. Đấy là người gác chắn.

Chỉ một cái nhìn trong khoảnh khắc ấy thôi. Cậu tôi nhảy từ xe ô tô xuống. Và cậu ở lại luôn cái điểm gác chắn tàu hỏa ấy cho tới ngày hôm nay, hai người yêu nhau, cưới nhau, nuôi bò, trồng rau, chặt phi lao, làm những việc mà một người đàn ông Hà Nội cả đời chưa từng biết làm.

Tất nhiên, cũng phải có một lần cậu ra Hà Nội. Để li dị vợ, bán nhà rồi quay lại cái gác chắn tàu hỏa heo hút một tỉnh miền Trung ấy, để sống với người đàn bà cậu yêu. Vì cậu có khả năng yêu! Và người đàn bà bốn mươi ấy có khả năng đón nhận tình yêu.

Liều thuốc tình yêu đắng lắm, đàn bà chín, tuổi bốn mươi, có ai dám uống không?

Trang Hạ, 2012
(Đăng trên Người Đẹp số 15/5/2012)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người đàn bà trong xã hội “An Nam”

    07/03/2018Hữu NgọcPhong trào đòi nam nữ bình quyền trên thế giới xuất phát từ Pháp với Cách mạng 1789. Từ đó, các cuộc đấu tranh nổ ra khi nơi này, lúc nơi khác. Phong trào đã đạt được những kết quả toàn vẹn lần đầu tiên ở các nước Bắc Âu vào cuối thế kỷ 20. Thí dụ như ở Đan Mạch, nam nữ hoàn toàn bình đẳng, không những do pháp luật và những biện pháp cụ thể của nhà nước, mà cả ở trong phong tục tập quán và tâm lý xã hội.
  • Siêu lý đàn bà nhìn từ góc độ nữ giới

    19/10/2017Trần Huyền SâmLịch sử của nữ giới là một lịch sử câm lặng và giông bão. Tính từ thời điểm mà nhà Nữ huyền học người Italia - Catherine de Sienne ở thế kỷ XIV, đã lên tiếng đòi nhân quyền cho nữ giới, bằng cách viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội, đến thời điểm 1960, với phong trào giải phóng nữ giới ở phương Tây, đó là một hành trình dài để gắn vấn đề nữ quyền với nhân quyền.
  • Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà

    20/03/2015Phan Huyền Thư"Thay cho mẹ tôi, thơ Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà, cách trở thành người biết yêu người khác vô điều kiện và phi ngụy biện" - nhà thơ Phan Huyền Thư viết.
  • Thời đại "đàn bà con gái"

    06/03/2015Thời Trang TrẻLà đàn ông, ai cũng biết tai hoạ kinh khủng nhất đối với thế giới đàn ông là gì. Xếp hạng nhất là tai hoạ: nam giới phải phục tùng phụ nữ...
  • Đàn bà là gì?

    07/03/2014Nguyễn Việt HàĐàn bà đương nhiên chỉ giản dị hoặc là vất vả mẹ hoặc là tần tảo chị. Họ cũng có thể là cần mẫn vợ hoặc là bạc bẽo người tình. Họ đôi khi tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều, lại có lúc thỉnh thoảng xấu xí ít học như thị Nở...
  • Phút nói thật về…đàn bà!

    01/03/2014Với những cuộc tình khi thăng hoa bay bổng lên tận chín tầng mây xanh; lúc tuyệt vọng tưởng chừng đã sa chân xuống tận chín tầng địa ngục thì nỗi ám ảnh về phụ nữ càng hằn sâu da thịt, xuyên qua ký ức lẫn thời gian. Tôi quan niệm rằng, cứ trình bày hết những suy nghĩ về phụ nữ ắt có nhiều thú vị cho chính mình và người bạn đọc...
  • Chuyện đàn bà

    08/08/2013Giả Bình AoNgày xưa, đàn bà có nết là những kỹ nữ có tiếng tăm lừng lẫy. Thời ấy, kỹ nữ là vật phụ thuộc sống nhờ đàn ông, song đã trở thành kỹ nghệ cao cấp thông thạo cầm, kỳ, thi, họa, lại cũng là những người tự do nhất, sống bình đẳng với đàn ông, cho nên có nết nhất. Ngày nay, đương nhiên không cần phải hy sinh bản thân, không cần phải sống giữa bùn nhơ mà chẳng hôi tanh mùi bùn như bông sen, không cần phải qua vực thẳm máu và nước mắt. Đàn bà có khí chất, có phong độ mỗi ngày một đông...
  • Đàn ông và "tám", cafe, xe, đàn bà

    01/04/2009Phan AnĐàn ông có hay đi café không? Một phần đời của nhiều đàn ông trôi trong những quán café. Có nhiều đàn ông, trước khi lên giường phải café như một phần tất yếu của cuộc sống… lên giường rồi, lúc thức dậy lại café. Đàn ông chat với người đẹp, biết nick này đang ở cùng thành phố với mình thường buông lời: “Café nhá”...
  • Văn chương trải nghiệm đàn bà

    30/07/2008Ngô BenLessing được xem là biểu tượng của phong trào bình đẳng giới. Những trang viết của bà thấp thoáng những trải nghiệm từ cuộc sống riêng với 2 lần kết hôn rồi ly dị, có 3 đứa con…
  • Đàn bà là khổ?

    31/05/2008Hà ThịLàm đàn bà đã khổ, làm đàn bà Việt Nam càng khổ. Lý do kể ra thì nhiều, đất nước mấy nghìn năm phong kiến lạc hậu, thế nên tâm lý trọng nam khinh nữ tồn tại có lẽ cả nghìn năm nữa may ra mới hết. Rồi chiến tranh liên miên nhiều đời, từ đời cụ của cụ sang đời bà đời mẹ chúng em, đàn bà Việt Nam chẳng lúc nào đó thời gian làm đàn bà một cách an nhàn, để mà trau dồi tam tòng tứ đức, sửa sang công hạnh ngôn dung...
  • Những chiếc bẫy của đàn bà

    07/05/2008Dương dươngBộ não của phụ nữ giới khác nhiều so với phái nam chúng ta. Họ không bao giờ thỏa mãn với hạnh phúc. Họ luôn nghĩ ra những mâu thuẫn, những bi kịch, những điều đâu đâu. Chính vì vậy họ luôn muốn trắc nghiệm với bạn thông qua những câu nói tưởng như rất ngây thơ. Xin hãy cẩn thận vì nhiều khi, đó là những “ chiếc bẫy” dành cho bạn đấy...
  • xem toàn bộ