Đại dịch mới quá và lớn quá nên ta chưa thấy hết mọi hệ quả của nó
Nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả Nguyễn Tường Bách trò chuyện với Tuổi Trẻ về quan điểm, chia sẻ chiêm nghiệm của một nhà khoa học, một tác giả, dịch giả trước cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu...
Cuộc trao đổi này được thực hiện qua email, theo đề nghị của nhân vật là gửi và hồi đáp từng câu hỏi một. Cách chuyện trò nhỏ nhẹ, từ tốn và chừng mực này cũng là phong thái mà chúng tôi cảm nhận được ở TS Nguyễn Tường Bách trong đời thường.
Sự đấu tranh giữa các giá trị tinh thần
* Trong tác phẩm Mùi hương trầm, ông như một hành giả trong thế giới hiện đại, nỗ lực dẫn dắt người đọc trở về suối nguồn thiêng liêng và minh triết từ Ấn Độ đến Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa...
Trong đại dịch COVID-19, truyền thông hằng ngày đang trình thuật bức tranh tai ương bao trùm lên những vùng "đất thánh" và "sông thiêng" trên hành trình mà ông đã từng đi qua. Những hình ảnh thảm khốc đó hẳn gợi lên trong ông nhiều suy tư?
- Mật độ dân cư quá cao và thái độ bất chấp của dân chúng đối với dịch bệnh đã làm COVID-19 lan truyền dễ dàng trong xã hội Ấn Độ. Thật là đau buồn khi thấy số lây nhiễm và tử vong tại đó quá cao.
Nhưng tôi không ngạc nhiên lắm khi thấy các cảnh dân chúng tắm gội và thiêu xác bên dòng sông Hằng. Tâm thức người bình dân Ấn Độ rất khác, họ có khuynh hướng xem dịch bệnh là một chuyển động của vũ trụ tâm linh và cam mình chịu đựng.
* Rõ ràng đại dịch lần này đòi hỏi một cách tiếp cận hiểu biết để giảm thiểu mất mát và vượt qua bằng những nỗ lực nghiên cứu khoa học hướng tới phục vụ nhân sinh trong tinh thần liên đới. Nhìn lại thì các đại dịch trong lịch sử đều thúc đẩy những cuộc định hình lại thế giới...
- Đại dịch lần này mới quá và lớn quá nên có lẽ ta chưa thấy hết mọi hệ quả của nó. Nhưng trước mắt thì nhờ đại dịch mà nhân loại có loại thuốc tiêm chủng mRNA, một đột phá mới trong ngành y khoa để phòng ngừa các bệnh nan y như corona, như ung thư.
Tiếp đến, ngành y học sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong sự tổ chức xã hội. Khoa học kỹ thuật và kinh tế sẽ lấy đó làm tiêu chuẩn đo lường hiệu quả. Các thể chế chính trị cũng phải dùng hiệu quả của ngành y tế để xây dựng tính chính danh của mình.
Xa hơn nữa, con người phải nhìn lại những vấn đề của môi trường sống do mình gây ra, phải xét lại sự tàn phá thiên nhiên, sự biến đổi khí hậu... Còn một mối nguy đáng sợ hơn là trước sự tàn phá ghê gớm của dịch bệnh, không khỏi sẽ có những đầu óc muốn biến nó thành một loại vũ khí sinh học...
* Trong cuốn tiểu luận Lưới trời ai dệt, từ lịch sử tiến hóa của tri thức khoa học và triết học, ông đã có những phân tích tường minh về sự cách biệt đến đối kháng giữa tôn giáo và khoa học, giữa thực nghiệm và tín điều.
Nhưng ông có nghĩ rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi phương pháp thực nghiệm chưa đem lại những giải đáp thỏa đáng về những vấn nạn chung, thì xây dựng lại ngôi nhà tinh thần lành mạnh là cách thế để con người vượt qua những suy kiệt và khủng hoảng?
- Vấn nạn hiện nay của nhân loại là một mặt con người đạt được những thành tựu phi thường về khoa học kỹ thuật, phát hiện những điều bất ngờ nhất về vũ trụ và vật chất, tìm ra rất nhiều khả năng đem lại sức khỏe và ấm no cho con người, nhưng đời sống tinh thần không hề lành mạnh hơn so với thời xưa.
Bạo lực bất công và dối trá lan tràn khắp nơi, trong mọi châu lục. Làn sóng di dân xưa nay từng có, nhưng chưa bao giờ mạnh như bây giờ dù trong nạn dịch. Khi con người bỏ nước ra đi, từ châu Phi qua châu Âu hay từ Nam Mỹ lên Bắc Mỹ, điều đó nói lên sự tuyệt vọng trước sự bế tắc tương lai.
Đặc trưng của thế hệ chúng ta hiện nay là sự đấu tranh giữa các giá trị tinh thần, thể hiện trong các nhà nước, giữa các thể chế. Sự đấu tranh này rất phức tạp, ẩn náu dưới nhiều hình thức và nhân vật chính trị khác nhau. Không ai có thể nói nó sẽ đi về đâu. Ta chỉ có thể nói chung nhân loại sẽ chịu đựng "cộng nghiệp" chung của chính mình.
Nếu cần hành động thì hãy "thuận pháp"
* Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, triết gia Edgar Morin cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ kích thích tính tự lập, sự sáng tạo. Ông nghĩ sao về điều này?
- Sự sáng tạo là một dạng đột biến của tư tưởng. Nó chỉ đến khi ta không bị kinh nghiệm của quá khứ trói buộc, khi tâm thức được tự do.
Sự sáng tạo dễ sinh ra khi tâm hoàn toàn thư giãn nhưng nó cũng xuất hiện khi tâm bị các điều kiện mới mẻ gây bức xúc tột độ. Cuộc khủng hoảng này với con số tử vong gần 4 triệu người và quy mô tàn phá của nó là một chấn động xưa nay chưa có.
Một hệ quả tất yếu của nó là những phát minh về y khoa ra đời như đã nói. Người ta bừng tỉnh trước thái độ của chính mình đối với thiên nhiên, về sự mong manh của sức khỏe con người trong thế giới sinh vật.
Cũng nhờ cơn đại dịch mà người ta thấy mặt trái của sự phụ thuộc lẫn nhau quá mức về kinh tế và xã hội của xu hướng toàn cầu hóa. Một thí dụ là phần lớn thuốc men của thế giới đều được sản xuất tại Ấn Độ và Trung Quốc, chẳng qua là do yếu tố kinh tế.
Sự "phân công" này đã đạt tới mức bất hợp lý. Qua đó con người thấy lại mặt tích cực của tính tự lập, sự tổ chức hoàn thiện trong từng khu vực, từng quốc gia trên thế giới.
* Là một người thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, luận điểm nào đem lại cho ông cái nhìn sáng sủa về hiện tượng cuộc khủng hoảng đang xảy ra?
- Đã nhiều năm tôi nhận thức sự vật theo cách nhìn "Duyên khởi" của Phật giáo. Tức là trước mọi biến chuyển, từ chuyện giản đơn hằng ngày đến mọi hình thái vận hành trên thế giới, tôi thử tìm nguyên nhân nào, điều kiện nào mà sự vật phát sinh và diễn biến. Và dừng lại tại đó.
Không phán đoán đúng sai, không đánh giá tốt xấu hay thiện ác. Tôi nhìn hiện tượng như nhìn một dòng sông, xem tại sao nó chảy đến đây và không phê phán chảy về hướng bắc hay hướng nam là tốt hay xấu.
Kinh nghiệm của tôi là cái nhìn như thế rất thuận tiện để nhìn lịch sử một quốc gia, thí dụ lịch sử Việt Nam. Đối với một vị cựu tổng thống từng gây tranh cãi như ông Trump chẳng hạn, ta cũng có thể gác chuyện thương ghét qua một bên, dùng "duyên khởi" mà nhìn thì có thể giải thích tất cả một cách thỏa đáng...
Cuối cùng, sau quá trình nhận thức, nếu cần hành động thì ta hãy "thuận pháp", tức cố gắng làm sao cho tất cả đều an vui.
TS Nguyễn Tường Bách sinh năm 1948 tại Thừa Thiên Huế; du học Đức năm 1967, hiện sống ở một thị trấn nhỏ, cách trung tâm Frankfurt (Đức) 50 cây số. Ông là nhà nghiên cứu vật lý, tác giả của các tác phẩm được yêu thích như: Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Mộng đời bất tuyệt và là dịch giả của các tác phẩm: Con đường mây trắng (Anagarika), Đạo của vật lý (Fritjof Capra), Đối diện cuộc đời (Jiddu Krishnamurti), Sư tử tuyết bờm xanh (Surya Das), Thiền trong nghệ thuật bắn cung (Eugen Herrigel).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)