Dịch Corona - Hỏi và đáp chính thức từ WHO
Thông tin về Vi rút Corona mới năm 2019 ở Trung Quốc và những vấn đề được Tổ chức Y tế Thế giới trả lời...
Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Chính phủ Trung Quốc báo cáo về một loạt trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Một loại vi rút Corona mới (2019-nCOV) đã được xác định vào tháng 1 năm 2020. Kể từ đó, đã có thêm các trường hợp bệnh được báo cáo từ các địa phương khác ở Trung Quốc cũng như ở một số quốc gia khác.
Có rất nhiều điều cần tìm hiểu về 2019-nCoV. Hiện vẫn chưa thể kết luận rõ ràng về phương thức lây truyền, đặc điểm lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, cũng như chưa biết về mức độ lây lan và nguồn gốc của bệnh. Dưới đây là một số thông tin mà chúng tôi biết được tính đến thời điểm hiện tại, trong đó có những việc mà bạn có thể thực hiện để tự bảo vệ mình và người thân của bạn.
.
Câu hỏi 1: Người bị nhiễm 2019-nCoV có nghiêm trọng không? Các triệu chứng của bệnh là gì?
Trả lời: Thông tin hiện nay cho thấy nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ và như vậy rất có thể sẽ có nhiều ca bệnh bị bỏ sót vì mọi người lầm tưởng chỉ là cảm lạnh hay cúm mùa thông thường, tự khỏi và không đến khám tại cơ sở y tế. Tuy nhiên vi rút corona mới này cũng có thể gây bệnh nặng và dẫn đến tử vong.
Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy phần lớn những trường hợp tử vong đều có những bệnh mãn tính và có thể đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều chưa được biết về loại vi rút mới này và WHO đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch.
Câu hỏi 2: Ai có nguy cơ bị lây nhiễm virus 2019-nCoV? Ai có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong?
Trả lời: Thông tin hiện tại cho thấy những người có các bệnh lý nền dễ bị mắc bệnh nặng hơn. Người già cũng là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Mặc dù thông tin về dịch bệnh liên tục thay đổi, tỉ lệ tử vong do virus corona gây ra hiện đang ổn định ở mức 2-3%, và tỉ lệ các ca bệnh nghiêm trọng chiếm khoảng 20-25% tổng số ca. Phần lớn những người tử vong đều trên 65 tuổi và có tiền sử các bệnh lý nền nghiêm trọng.
Các bệnh lý nền đã được báo cáo bao gồm tiểu đường, các vấn đề về tim mạch, gan và các bệnh về hô hấp khác. Chúng ta cần thêm thông tin trước khi đưa ra kết luận cụ thể về vấn đề này.
Câu hỏi 3: Tôi hiểu 2019-nCoV là một loại vi rút Corona. Tôi cảm thấy bối rối khi nghe những thông tin về vi rút Corona. Chúng từ đâu đến?
Trả lời: Vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút lớn có thể gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nặng hơn, như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Một loại vi rút Corona mới, chẳng hạn như 2019-nCoV, là một chủng mới mà trước đây chưa thấy ở người.
Các loại vi rút Corona gây bệnh lây truyền từ động vật sang người, nghĩa là nó có thể lây lan từ động vật sang người. Các cuộc điều tra trước đây nghi ngờ rằng SARS-CoV được truyền từ dơi sang cầy hương rồi sang người, và MERS-CoV truyền từ lạc đà một bướu sang người. Một số vi rút corona được biết đến lưu hành ở động vật nhưng chưa gây bệnh ở người.
Câu hỏi 4: Những nguy hiểm tới y tế công cộng khi một tác nhân gây bệnh mới xuất hiện là gì? Cụ thể đối với 2019-nCoV, mối quan tâm nhất của Y tế công cộng là gì?
Trả lời: Sự xuất hiện liên tục của các tác nhân gây bệnh mới là thách thức lớn đối với an ninh y tế toàn cầu. Vì thông tin ban đầu như nguồn lây truyền, các yếu tố nguy cơ, mức độ và phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh v.v. còn hạn chế, do đó chúng ta phải đối mặt với một số thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh ở giai đoạn đầu tiên.
Trong trường hợp của virus corona mới 2019 (2019-nCoV), vẫn còn nhiều điều chưa biết hết về virus mới xuất hiện này. Tin tốt là tác nhân gây bệnh đã nhanh chóng được xác định và kết quả giải trình tự gen của virus đã được chia sẻ, do đó các quốc gia khác có thể chẩn đoán nhanh chóng các trường hợp bệnh mới tiềm ẩn.
Câu hỏi 5: Tôi thấy trên truyền thông đăng tin có nhiều người bị nhiễm 2019-nCoV. Họ đã bị nhiễm vi rút này như thế nào?
Trả lời: Tới nay đã rõ ràng có sự lây lan của vi rút từ người sang người. Tuy nhiên cần thêm các phân tích dịch tễ học để hiểu rõ hơn mức độ và quy mô của sự lây lan từ người sang người này.
Câu hỏi 6: Chúng ta hiện chỉ có ít thông tin về loại vi-rút này, vậy có cách nào để giảm nguy cơ lây nhiễm không?
Trả lời: Cần giữ tay và đường hô hấp sạch sẽ. Khi chúng ta đang bước vào dịp lễ hội, du lịch cuối năm, bao gồm cả Tết, chúng tôi nhắc nhở mọi người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sau.
· Rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc chà (xoa) tay bằng cồn khô;
· Che miệng và mũi bằng khẩu trang y tế, khăn giấy, ống tay áo hoặc lấy khuỷu tay che khi ho hoặc hắt hơi;
· Tránh tiếp xúc gần mà không có mặc đồ bảo hộ với bất kỳ ai có các triệu chứng cảm lạnh hoặc giống như cúm; đi khám bệnh nếu bạn bị sốt, ho và khó thở;
Những người mua hàng ở chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giữ sức khỏe:
· Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật
· Tránh sờ vào mắt, mũi hoặc miệng
· Tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh và thịt hư
· Tránh tiếp xúc với động vật thả rông, rác và dịch thải trong chợ
Những người làm việc trong chợ dân sinh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để giữ sức khỏe:
· Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật và các sản phẩm từ động vật
· Khử trùng dụng cụ và chỗ làm ít nhất một lần một ngày
· Mặc áo choàng, đeo găng tay và tấm che mặt khi xử lý động vật và các sản phẩm động vật tươi sống
· Bỏ quần áo bảo hộ sau khi làm việc, giặt hàng ngày và để lại nơi làm việc
· Không để các thành viên trong gia đình tiếp xúc với quần áo làm việc và giày dép bẩn
Câu hỏi 7: Nguy cơ dịch 2019-nCoV xảy ra ở Việt Nam với các trường hợp bệnh trong nước và nguy cơ dịch ở cộng đồng, không chỉ các trường hợp bệnh xâm nhập từ các quốc gia khác như thế nào?
Trả lời: Tính đến ngày 30/1/2020, Bộ Y tế đã công bố thêm 3 ca mới có khả năng nhiễm virus 2019-nCoV. Cả ba trường hợp này đều từng đến Vũ Hán, Trung Quốc. Cho tới nay, Việt Nam đã có tổng hợp 5 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới dựa trên kết quả từ các công cụ xét nghiệm hiện có trong nước. Mẫu bệnh phẩm của 5 bệnh nhân trên hiện đang được tiếp tục xét nghiệm thêm tại một phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế.
Tất cả các bệnh nhân đầu được chăm sóc y tế khi mới xuất hiện các biểu hiện của bệnh và ngay lập tức được cách ly tại các bệnh viện có đủ năng lực đối phó với dịch.
Khi dịch bệnh chưa kết thúc, vẫn có thể xảy ra các trường hợp bệnh mắc 2019 n-CoV đơn lẻ tại Việt Nam. Chúng ta nên tiếp tục cảnh giác với diễn biến của tình hình dịch.
Câu hỏi 8: Việt Nam đang làm gì để phòng ngừa và đáp ứng với dịch bệnh do virus nCoV? Các vấn đề mà Việt Nam nên tập trung trong phòng ngừa và kiểm soát nCoV là gì?
Trả lời: Việt Nam đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để kiểm soát, phòng ngừa và đáp ứng với 2019-nCoV, như tăng cường sàng lọc hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, tăng cường giám sát, tăng cường công tác xét nghiệm, tăng cường tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính, và điều tra và theo dõi các trường hợp tiếp xúc với các trường hợp bệnh nhiễm 2019-nCoV.
Chính phủ đã cam kết kiểm soát hiệu quả 2019-nCoV ở cấp cao nhất. Hiện tại Văn phòng và các cơ quan Chính phủ đã tham gia vào công tác đáp ứng quốc gia. Các thông tin cập nhật hàng ngày được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của Bộ Y tế.
Các cơ quan truyền thông lớn đóng vai trò là đối tác của chúng tôi trong việc cung cấp thông tin chính xác tới cộng đồng, bao gồm cung cấp các biện pháp bảo vệ nhằm giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus.
Dự kiến các trường hợp bệnh lây lan trên toàn cầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, tất cả các quốc gia bao gồm Việt Nam cần tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị kiểm soát lây nhiễm 2019-nCoV.
Những biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bao gồm phát hiện sớm, cách ly và quản lý trường hợp bệnh với các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm thích hợp, tăng cường giám sát và chia sẻ thông tin minh bạch, kịp thời với cộng đồng quốc tế dựa trên yêu cầu trong Điều lệ Y tế Quốc tế (2005).
Câu hỏi 9: WHO đang làm gì?
Trả lời: WHO có một lịch sử lâu năm hỗ trợ các quốc gia trong việc phòng chống và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm các dịch bệnh mới như cúm A(H7N9), A(H5N1) và SARS.
WHO sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các quốc gia và hỗ trợ những nội dung cần thiết để có thể hiểu rõ hơn về loại vi rút mới này, cũng như việc giám sát, phát hiện các ca bệnh và giúp ngăn ngừa lây nhiễm.
Câu hỏi 10: WHO có khuyến nghị đóng cửa biên giới không?
Trả lời: Dựa trên thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào về du lịch hoặc thương mại.
Câu hỏi 11: WHO đã triệu tập họp Ủy ban Khẩn cấp đối với 2019-nCoV. Việc này nghĩa là thế nào?
Trả lời: Ủy ban Khẩn cấp là một cuộc họp với các chuyên gia quốc tế nhằm cung cấp tư vấn chuyên môn cho Tổng Giám đốc của WHO để quyết định một sự kiện y tế công cộng có đủ điều kiện công bố là một "Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu" (PHEIC) hay không.
Thuật ngữ Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC) được định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) (2005) là một sự kiện được xác định khi:
i. Gây ra mối nguy cơ về y tế công cộng cho các quốc gia khác thông qua việc lây lan dịch bệnh quốc tế; và
ii. Cần sự đáp ứng quốc tế có điều phối
Định nghĩa này phản ánh một tình huống: nghiêm trọng, bất thường hoặc ngoài dự đoán; mang theo những ảnh hưởng về y tế cộng cộng ra bên ngoài biên giới của quốc gia bị ảnh hưởng; và có thể đòi hỏi các hành động của quốc tế.
Tổng Giám đốc đưa ra quyết định cuối cùng về Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu và các Khuyến nghị Tạm thời cho sự kiện đó, dựa trên tham vấn của Ủy ban Khẩn cấp, thông tin do các nhà chức trách quốc gia cung cấp, các chuyên gia khoa học và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người, nguy cơ lây lan quốc tế của bệnh và nguy cơ ảnh hưởng tới việc đi lại quốc tế.
Vào ngày 31/1/2020, Tổng Giám đốc WHO tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là "sự kiện y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu" (PHEIC). Việc tuyên bố PHEIC không có nghĩa là đã có những thay đổi đặc biệt về mặt nguy cơ hay mối đe dọa đã trở nên lớn hơn.
Thay vào đó, tuyên bố này giúp tăng cường phối hợp, hợp tác và đoàn kết toàn cầu. WHO muốn nhấn mạnh rằng việc tuyên bố PHEIC không phải do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc mà do những diễn biến về dịch bệnh tại các quốc gia khác.
WHO ghi nhận những biện pháp quyết liệt mà Trung Quốc đã thực hiện nhằm đối phó với dịch viêm phổi do nCoV mặc dù những biện pháp này đã có những ảnh hưởng to lớn về kinh tế và xã hội đối với người dân Trung Quốc.
Tuyên bố PHEIC phản ánh mối quan ngại lớn nhất của WHO – đó là virus có khả năng lây lan sang những quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển hơn và chưa sẵn sàng đối mặt với nó.
Đây là lần thứ 6 PHEIC được tuyên bố. Từ trước tới nay đã có 5 lần PHEIC được tuyên bố kể từ năm 2006 khi Điều lệY tế Quốc tế - IHR(2005) có hiệu lực, bao gồm: đại dịch cúm H1N1 (2009), Bại liệt (2014), Ebola tại Tây Phi (2014), Zika (2016), và Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô (2019).
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)