Chuyện trò văn hóa
Nếu bạn định khoanh tìm những định nghĩa thực sự đáng suy nghĩ về văn hóa, bạn sẽ có con số… hàng trăm. Hôm nay ta không vội nói chuyện cầu toàn về hành trang này.
Trong tiếng Hán chữ văn được mô tả như hình xăm vẽ trên cơ thể một con người để họ tự xác nhận cái bản sắc riêng mang tính thần linh của mình, chữ hóa để nói sự truyền dưỡng cái bản sắc ấy. Trong tiếng latinh, chữ cultus có ý nghĩa “thờ phượng”, chữ culter có nghĩa “nuôi trồng”, từ hai chữ này làm nên ý nghĩa chữ “culture”, “văn hóa” hôm nay trong tiếng Pháp, tiếng Anh.
Điều thú vị là các chữ này đều thể hiện một sự vận động: sự tin tưởng thờ phượng những giá trị lý tưởng được hướng tới trong đời sống, và sự dày công nuôi dưỡng cho các giá trị đó.
Vậy ta có thể tạm đưa ra một cách hiểu thật tóm tắt: văn hóa là một phức hệ những lý tưởng về đời sống của cá nhân và cộng đồng, và cùng với nó là những cố gắng bền bỉ để thực hành những lý tưởng đó, từ đó tạo dựng ra nền văn minh.
Sự bền bỉ thực hành là điều gian truân, nhưng dễ hiểu hơn. Chính những lý tưởng về đời sống mới là những cái khó chiêm nghiệm, khó hiểu ngộ, và thật nan giải để làm chúng tiến hóa lên.
----
Khó chiêm nghiệm, bởi lẽ những lý tưởng của đời sống thường được mã hóa trong các tập tục mà con người ta nhiều khi không còn ý thức được chúng nữa.
Lấy ví dụ sáng ra bạn đến sở làm, đùng một cái ai đó người quen, hay bạn bè, hay đồng nghiệp réo liên tục tra tấn bạn cái “tin quan trọng”: ông cụ thân sinh của em vợ của ông giám đốc mới mất hôm qua, và tang lễ sẽ được cử hành vào trưa nay. Tất cả nháo nhác. Đi dự hay không đây? Đi thì phải rủ những ai đi cùng cho có sức mạnh đám đông chứ? Đóng góp phúng điếu thế nào? Xin phép vắng mặt trốn việc ra sao? Mua hương, mua vòng hoa? Viết gì trên đó? Mình đi vào đoàn viếng nào?... Một tỉ công việc rối tung lên. Mới giữa sáng mà cơ quan đã tanh bành như cái chợ chiều… May thay, đến phút chót thì mọi việc cũng tạm đâu vào đó, tuy rằng khi nhìn lại câu cú trên vòng hoa lúc vào viếng thì thật ngượng ngùng cho chính mình cùng gia chủ “Chị em phòng phụ khoa kính viếng hương hồn Cụ”.
Tất cả sự rối loạn này đến từ đâu? Từ cái lý tưởng thờ phượng “sống dầu đèn chết kèn trống”, nó trói người ta mù mịt không thương xót. Cái lý tưởng này lỳ ra đó, ai cũng khiếp sợ và mệt mỏi vì nó, nhưng cũng vô thức về nó, và không một ai dám nhân một hôm đẹp trời mang cái câu chuyện “cấm các nhân viên dùng thời giờ làm việc và các phương tiện của công sở để đi dự tang lễ” ra hội quốc liên mà thảo luận. Người ta đinh ninh rằng những lý tưởng này là những chân lý vĩnh cửu, rằng người ta chỉ có mỗi một việc là cúi đầu mà thần phục chúng thôi. “Khắc kỉ phục lễ vi nhân”, ép mình tuân theo điều lễ, làm người phải là như thế.
Vậy thì một công việc tiền đề để rồi mới mong có thể sắp xếp lại đời sống của mình, là hãy liệt kê tất cả những thứ thờ phượng hữu hình và vô hình của cộng đồng hay của cá nhân mình ra, để mà chiêm nghiệm được cái tình trạng của cải tinh thần của mình hôm nay. Chúng ta sẽ phải sững sờ về số tài sản cọc cạch này.
Cái công việc thứ đến là hãy cùng nhau đánh giá lại trong số các tài sản lý tưởng thờ phượng này, cái nào phải dứt bỏ đi, cái nào phải cất vào kho, cái nào tạm duy trì ọc ạch, cái nào phải đẩy tới, và những cái gì mình chưa từng có và sẽ phải dứt khoát đưa chúng vào hành trang.
Những lý tưởng thờ phượng riêng tư mà không làm tổn hại tới ai khác, thì là câu chuyện của mỗi người, và xã hội cần tôn trọng. Những lý tưởng thờ phượng của các cộng đồng, từ nhỏ tới lớn hơn, thì cần được mở ra thảo luận dần trên các kênh thông tin, nếu không thì đừng mong ngóng gì nhiều về những tiến triển trong tổ chức đời sống. Đó là công việc hiểu ngộ và tiến hóa về “văn”, về thờ phượng, “cultus” .
Thờ phượng không còn là nem nép cúi đầu trước tập tục. Thờ phượng tích cực phải là quá trình liên tục tái kiểm kê các giá trị lý tưởng, tái sàng lọc chúng, làm tiến hóa chúng, bổ sung chúng, tái cấu trúc chúng trong toàn bộ. Nó phải là quá trình lựa chọn và tái lựa chọn các giá trị lý tưởng trên nền tảng khoa học, nhân văn, thực dụng, thẩm mỹ của chính đời sống đang vận động. Một con người, một xã hội có cái văn lành và mạnh là một xã hội có cái bản lĩnh được rèn luyện để biết lựa chọn, để biết kiến tạo và biết tổ chức đời sống của mình sáng tạo, hiệu quả, vui hạnh.
Và còn lại là quá trình kiên trì nuôi dưỡng để hiện thực hóa những lý tưởng thờ phượng luôn luôn được kiểm nghiệm lại và tiến hóa này, là quá trình “văn hóa”, “culter”. Không có đủ hiểu nghiệm và đức tin để thực hành nghiệm sinh, sẽ không có nền văn minh tiến triển.
Nguồn:Tạp chí Tia Sáng
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý