Chuyện tản mạn về Cây
Tôi là người đi nước ngoài không nhiều. Nhưng tôi là người thích quan sát, nhất là khi đến mỗi vùng đất lạ. Một trong những thứ mà tôi thích nhất tại mỗi nơi mình đến là xem cây.
Tôi phải nói ngay kể cả có thể gây sốc cho một số người: So với những nơi tôi qua, chưa thấy nơi nào ít cây hơn thủ đô vì hòa bình của chúng ta, nơi từng được ca ngợi là rợp bóng cây xanh và gieo vào suy nghĩ của không ít người rằng Hà Nội nhiều cây nhất thế giới!
Nhưng Hà Nội là thành phố chặt nhiều cây thì không có gì phải tranh cãi. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hàng ngàn cây xà cừ cổ thụ bị đốn hạ hoàn toàn xứng đáng là một kỉ lục.
Nếu điều đó xảy ra ở Ba Lan, nơi tôi có cảm giác cả đất nước của họ là một công viên, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tại đó, như tôi chứng kiến, chỗ nào cũng bạt ngàn cây. Hỏi ra thì mới biết, dù nhiều cây đến nỗi có chỗ đang đi ở Vác-sa-va mà cho cảm giác chả khác gì lạc vào khu rừng, việc bảo vệ cây ở Ba Lan cực kì nghiêm ngặt, nghiêm ngặt như bảo vệ bất cứ loài sinh vật quý hiếm nào có nguy cơ tuyệt chủng. Cây trong vườn nhà bạn, do bạn trồng, chăm bón...chả liên quan gì đến ai. Như ở ta thì thích để hay thích chặt là quyền của chủ nhà. Nhưng ở Vác-sa-va mà nghĩ thế là bạn sắp chuốc tai họa. Bởi vì, ngay cả khi bạn thấy cái cây đó gây phiền nhiễu, muốn chặt phéng nó đi, nhất thiết bạn phải xin phép nhà chức trách và nếu được họ đồng ý. Việc họ có cho bạn chặt hay không, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của họ và họ sẽ chịu trách nhiệm về quyết định đó. Chuyện này tôi nghe kể từ một anh bạn người Việt sống lâu năm ở Ba Lan.
Đảo quốc sư tử Singapore quá gần với bất kì ai trong chúng ta. Chỉ cần mua vé máy bay, không đắt hơn chặng nội địa Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh, là sau vài tiếng bạn đã lọt sang một vùng sinh thái khác. Điều kinh ngạc nhất với tôi không phải chuyện cả quốc gia này tràn ngập trung tâm thương mại, sòng bạc, nhà băng, nhà cao tầng cùng hệ thống tầu điện ngầm sạch nhất thế giới, mà lại ở chỗ cây xanh có mặt ở bất cứ ngóc ngách nào. Tôi không hề nói quá. Sân bay của họ thì khỏi phải nói thêm gì về độ hiện đại. Nhưng ấn tượng mạnh nhất cho du khách là nó gợi đến một khu rừng, hoặc khu vườn cảnh khổng lồ! Tôi tận mắt thấy, chỉ một cái hốc nhỏ trên bức tường căn nhà cu kĩ, cũng thò lên từ đó một cây xanh và được chăm bón cực kỳ cẩn thận. Cây xanh ở đảo quốc sư tử có vị thế không thua kém gì người. Cây sống chung với người, ở mọi độ cao. Cây tươi tốt, óng mượt, như sự tươi tốt óng mượt của người dân với mức thu nhập bình quân 60.000 usd/năm, bởi chúng được chăm bón, nâng niu, bảo vệ bằng các quy định pháp luật vô cùng chặt chẽ. Tình yêu cây của người dân Singapore là không có đối thủ. Trên những con đường đẹp và sạch vào loại hàng đầu thế giới, có khá nhiều loại cây mà các ở các quốc gia lân cận không thể tìm thấy hoặc rất hiếm. Hỏi ra mới biết, chúng được du nhập từ Mỹ la tinh. Loại cây đó có sức chống chịu bão tố tốt, thân thiện, nhưng quan trọng là tán, lá của nó rất đẹp, lại sống dai. Sau này tình cờ tôi được xem một chương trình công phu của Đài truyền hình Mỹ về cách người Singapore đối xử với cây, mới càng phục họ. Có hẳn cả một cơ quan về cây, trực thuộc chính phủ.
Cơ quan đó sẽ đưa ra mọi quyết định liên quan đến cây. Tại đó có đội ngũ bác sỹ thăm khám, chữa bệnh cho cây cũng tận tình chả kém gì chăm sóc người. Việc cắt tỉa hàng năm, bổ sung hay chặt đi những cây xấu xí, nhiễm bệnh, thậm chí đôi khi chỉ là loại bỏ một cành cây nào đó, cũng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.
Tôi có vô số ngạc nhiên khi đến Mỹ lần đầu, trong đó ngạc nhiên nhất là ngay giữa thủ đô Oa-sinh-tơn mà trong quan niệm của tôi phải cực kỳ sầm uất, vẫn có thể tìm thấy một bụi dây leo hoang dại đầy chất “nguyên sinh”. Làm trụ cho nó là một cái thân cây đã mục. Nhìn lâu chút nữa, tôi thấy có mấy con sóc đang nô rỡn. Ngay sau lưng tôi khi đó là vườn đào Nhật Bản, còn xa ra chút nữa là Nhà Trắng, đài tưởng niệm, tháp bút chì, đồi Capiton… cùng những ngôi nhà kiến trúc Pháp sơn mầu trắng, gợi đến sự quý phái. Nước Mỹ vĩ đại ngay từ những chi tiết bé tí tẹo, như tôi vừa kể. Mà nói về rừng và cây nước Mỹ, thì tôi không biết còn nơi nào trên thế giới có thể so được? Vậy mà họ gìn giữ, nâng lưu cả một bụi dây hoang. Thông qua phiên dịch, tôi nói chuyện này với người đưa chúng tôi thăm Bộ ngoại giao, thì anh bảo: Đơn giản cái bụi cây đó có quyền tồn tại khi nó vô hại đến xung quanh và người Mỹ tôn trọng điều đó, như một thứ đạo đức và như một triết lý sống, một quan điểm giáo dục thế hệ trẻ.
Không ít dân tộc trên hành tinh này tin rằng cây cũng có linh hồn, có ngôn ngữ, có tình cảm. Chúng ta có thể bật cười, cho rằng họ mông muội, mê tín. Nhưng hãy nhớ rằng, họ tồn tại qua biết bao thăng trầm của tự nhiên suốt hàng triệu năm cùng với cây. Lý luận của họ thật đơn sơ nhưng không dễ bác bỏ bằng câu hỏi ngược lại:
Chúng ta làm sao biết được là nó, tức cây, không có những thứ đó (những thứ vừa kể)? Vậy thì tốt nhất là hãy trả quyền sống cho nó, chứ chưa nói đến chuyện bảo vệ mà nói thẳng ra thì cây bảo vệ con người nhiều hơn con người bảo vệ cây. Vì vậy, hãy biết ơn nó. Nếu chúng ta tin rằng cây cũng kêu rên khi bị đau đớn, thì việc sử dụng cưa hay lưỡi rìu sẽ khác. Và chắc chắn cuộc sống của chúng ta khi đó cũng khác. Ít nhất nó không bức bối, không đầy nguy hiểm, không ngột ngạt vì thiếu dưỡng khí và không cảm thấy cô đơn trong những khoảnh khắc quan trọng nào đó của cuộc đời.
Có hai chuyện đích thân tôi trải nghiệm, đều khá kì lạ mà tôi muốn kê lại. Chuyện thứ nhất liên quan đến bản thân tôi. Khi còn ở quân ngũ, tôi trồng trước cửa nhà mấy cây hoa hồng, thược dược và đồng tiền. Chúng quanh năm ra hoa, mỗi loại đẹp rực rỡ một kiểu. Sáng và chiều nào tôi cũng ngồi ngắm chúng không biết chán. Kỉ lục cắm một bông đồng tiền và giữ cho nó tươi được 38 ngày do chính tôi thực hiện, vẫn là điều mà cho đến nay không sao lặp lại được và tiếp tục gây cho tôi sự ngỡ ngàng. Nhưng kinh ngạc nhất là khi tôi xuất ngũ rồi có việc liên quan đến thủ tục phải trở lại đơn vị sau đó hai tháng, thì toàn bộ những cây hoa đều chết hết, mặc dù mấy anh em lính ở lại sau chăm sóc chúng không kém gì tôi. Họ cứ buồn rầu và thắc mắc mãi về chuyện đó.
Gần mười năm sau, một câu chuyện tương tự lại xảy ra với gia đình tôi. Sau nhà tôi có một cây sấu và một cây nhãn, đều thuộc hàng “cổ thụ”. Cây nhãn mẹ tôi mang giống từ Hưng Yên về, trồng năm 1958, nhiều hơn tôi một tuổi. Khi tôi lớn lên năm nào cũng được ăn những trái nhãn to, mọng và ngọt chả khác gì đường. Còn cây sấu thì bố tôi được tặng vào năm 1970, lúc ông vừa thôi chức Bí thư đảng ủy xã và về nghỉ. Cả tuổi thơ của anh em chúng tôi luôn lấy cây sấu, cây nhãn làm nơi chơi đùa, leo trèo, bắt cồ cộ và chén quả. Khi chúng tôi xa nhà, bố tôi chăm sóc chúng cực kỳ cẩn thận. Ông thuê thợ đấu lấy bùn ao phơi khô, rồi đắp vào gốc của chúng để chúng không bị “lỏng chân”. Nhờ thế, chúng càng xanh tốt, cành lá đan vào vào nhau rợp cả một góc vườn, đến nỗi cò và vài loại chim khó tính khác tìm về trú đêm.
Năm 1995 bố mẹ tôi chuyển xuống Hải Phòng sinh sống để được ở gần con cái. Nhà và toàn bộ khu vườn bán lại cho một người hàng xóm. Ông ấy nói ra miệng là nếu không có cây sấu và cây nhãn, chắc ông ấy không cố mua bằng được mảnh đất với cái giá bố mẹ tôi đưa ra.
Nhưng chỉ đúng một năm sau, cả cây sấu và cây nhãn đều cứ tự nhiên héo rũ, rồi chết khô.
Tôi hoàn toàn tin cây cũng có linh hồn, có kí ức và có sự yêu ghét. Những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, liên quan đến cách chúng ta vẫn vô tình đối xử với cây, liệu có gợi cho bạn điều gì?Còn tôi, thì tôi thấy sợ mỗi khi cầm cưa hoặc cầm rìu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)