Bảy câu hỏi về việc chặt hạ 6700 cây xanh ở Hà Nội
NHỮNG CÂU HỎI
1/ Lấy gì đảm bảo loại cây vàng tâm sẽ sống và phát triển tốt trên đường phố Hà Nội? Ai dám cam kết? Ông Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy ư? Hay một quan chức Sở xây dựng? Hay một "nhà khoa học" cỡ NguyễnLân Hùng?
2/ Quan sát việc chặt hạ cây, người ta thấy khá nhiều cây bị chặt hạ là cây mới trồng 4-6 năm, đang có vòm lá trung bình, đường kính thân chỉ 20-40 cm; loại cây này các Cty làm đang làm các dự án nhà ở (ví dụ Cty Vincom) đã đi mua từ nhiều nơi, đánh gốc, bó bầu... rồi chuyển đi tập kết các chỗ cần trồng. Vậy tại sao Công ty công viên cây xanh Hà Nội là chỉ đơn giản chặt hạ, cưa khúc, trong khi có thể đánh cả gốc bó thành bầu đem bán cho những nơi cần; tức là để cho cá thể cây ấy được sống ở một vị trí khác? Trồng và nuôi lớn một cây đâu có dễ dàng nhanh chóng? Sao lại phí phạm đến thế?
3/ Vì sao quan chức Hà Nội, ví dụ quận Long Biên, đã từng mua cây "cổ thụ" từ những nơi rất xa, nghe nói là từ Cambodge sát biên giới với Thailand, tốn rất nhiều tiền chuyên chở, đem về trồng ở Công viên trước cửa UBND quận Long Biên; thế mà lại chủ trương chặt hạ những cây đang độ phát triển? Cách quan chức tiêu tiền nhà nước như thế có hợp lý không? Ứng xử trước các nguồn lực như thế có đáng bị phê phán không?
4/ Chuẩn mực gọi là "cây đường phố" là gì? có còn chấp nhận thực tế lịch sử về mảng cây xanh đã có hay không? Ví dụ mảng cây xanh đường Phan Đình Phùng, phải mất 20-30 năm mới hình thành được. Thử hỏi mảng cây do quý vị đang muốn hình thành ở đường Nguyễn Chí Thanh sẽ mất bao nhiêu năm để hình thành?
5/ Vẫn về "chuẩn mực cây đường phố": Ví dụ trên đường Thụy Khuê có chỗ có 1 cây thị, phía dãy số lẻ, gần Sở Xe Điện cũ, nay đã gần thành đại thụ. Nó sẽ được giữ lại -- vì đó chỉ là cây trong làng từ xưa, vì bất hạnh "làng lên phố" mà phải đứng đường -- hay sẽ bị Sở Xây dựng Hanoi khai tử?
Tương tự, với chiến dịch thực hiện "chuẩn cây đường phố", phải chăng hầu hết những dấu vết cây cối gắn với nét riêng các đường phố -- sẽ bị hủy hoại? Vậy thưa các quan chức, các ngài là gì, có phải là những kẻ tiếp tay cho bọn giặc "Lạ" phá hoại đất nước này?
LẠI ĐẶT NHỮNG CÂU HỎI
1/ Từ đâu mà quý vị lãnh đạo chính quyền Tp Hà Nội chọn lý thuyết "thay thế đồng bộ" cây đường phố? Cái thuyết "mỗi phố trồng thuần 1 loại cây" có chắc là duy nhất đúng? Dân nhiềuthành phố khác đã cho biết, cây hoa sữa trồng dày trên 1 phố đã gây khó cho lỗ mũi người ta mỗi độ thu về hoa nở, -- đó là 1 thực tế! Tôi cũng được bạn bè ở quận Cam, Los Angeles, Mỹ, cho biết, cây phượng hoa tím (là cây "mộng mơ" đối với du khách đến Dalat) ở một vài đoạn phố trong quận Cam, mùa hoa nở có mùi thối khó ngửi. Chưa kể đến những loại sâu bệnh rất dễ lây lan do trồng cùng 1 loại cây trên 1 dãy phố. Vậy "nhà khoa học" nào mà lại đề xuất cái quy tắc khá ngu ngốc như thế?
2/ Tôi đã thấy những cây vàng tâm được trồng ở phố Nguyễn Chí Thanh, nghe nói giống cây khá đắt, vậy mà cây mới trồng chỉ cách nhau 10 m, vậy hẳn sau 4-6 năm sẽ phải chặt bỏ 1 trong 2 cây gần nhau. Vậy tại sao không trồng xem giữa 2 cây đã có, rồi sau sẽ bỏ đi cây nào phát triển kém?
Nghe các thông tin về cây vàng tâm, tôi cho cây này sẽ thất bại 60/40 % trên đường phố Hà Nội.
Nên nhớ lại một "duy ý chí" đối với đất Hà Nội là người Nhật với việc đưa cây hoa anh đào vào đây; đã cách nay hàng chục năm, với nhiều lần đưa cây giống -- cùng với các cuộc trình diễn hoa thật -- lần thì trồng trong vườn Thủ Lệ, lần thì trồng ra giữa dải phân cách đoạn đường gần ĐSQ Nhật, rồi khi chưa mở rộng dường Liễu Giai đã phải đem cây đi chỗ khác, vì quá nửa cây bị chết, những cây còn cũng không thấy lớn thêm. Cho đến giờ chưa có chỗ nào ở Hanoi có thể khoe có hoa anh đào Nhật, tuy cũng có vài ba cây sống được và có ra hoa, ví dụ trong công viên Nghĩa Đô. Thế là bại rồi còn gì?
Người tính không bằng trời tính -- Trời đây là quy luật tự nhiên. Cây vùng ôn đới ưa nhiều lạnh, rất khó sống khỏe ở vùng nhiệt đới.
Cây vàng tâm có thể cũng không khác số phận. Tôi xem người ta khoe ảnh hoa vàng tâm, thấy nó rất gần Mộc Lan (Magnolia) là thứ các nhà chùa Hanoi đã ươm trồng, biếu tặng lẫn nhau như thứ rất quý – mà quý thật, rất quý hiếm; nhưng đến nay ta chỉ thấy 1 cây trong khuôn viên chùa Lý Quốc Sư là đáng kể mà thôi!
Vậy là cây vàng tâm, cũng như cây hoa anh đào, cây mộc lan, ta chỉ nên xin cây giống đem trồng ở các Tp vùng cao như Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa mà thôi. Cái "lãng mạn" trong chọn giống cây trồng đường phố của quan chức Hanoi đã tỏ ra là có hại lắm vậy!
VẪN NÓI VỀ CHUYỆN CHẶT HẠ 6700 CÂY XANH HÀ NỘI
Có ai biết chuyện 1 loại cây ở Hanoi bị bí mật thay thế?
Ấy là những hàng cây chò nâu trên đường Hùng Vương, được trồng sau năm 1975, với lý luận rằng cần đem trồng ở đây thứ cây vẫn sống lâu năm ở đồi Hy Cương, Phú Thọ, nơi thờ các vua Hùng. Hàng cây được trồng rồi, nhiều người chụp ảnh, nhiều người làm thơ, v.v.
Thế nhưng từ lâu đã vốn có lời nguyền rằng thứ cây này ra khỏi đồi Hy Cương là không sống nổi.
Trong khi các nhà khoa học phục vụ ý định kia thì tin rằng đã trồng là được.
Thế rồi chỉ mươi năm là thấy rõ lời nguyền kia ứng nghiệm: các cây chò nâu đều chuyển từ thưa lá đến rụng lá, rồi khô và chết...
Bỗng nhiên hình như các nhà khoa học có phép lạ.
Họ cho trồng lại cây mới, và cây thay mới này hầu hết xanh tốt.
Phép lạ thật chăng? Tôi đến xem kỹ các cây xanh tốt này và tin rằng những cây trồng thay thế này không phải là chò nâu mà chính là cây dầu (đôi khi cũng gọi là dầu nước) ở miền Nam. Trên đường phố Sài Gòn xưa nay vẫn thấy những thân cây cao vươn khỏi các vòm cây xanh khác, -- ấy chính là những cây dầu.
Một lần nhân gặp một vị GS.TS. là chuyên gia sinh học ở ĐHTH Hà Nội, tôi hỏi điều này thì ông xác nhận tôi nói đúng, nhưng ông bảo "đấy là bí mật quốc gia", làm sao anh biết? Tôi phì cười: Chưa bao giờ tôi là quan chức thì làm sao biết bí mật quốc gia? Tôi chỉ nhìn cây mà nhận ra thôi; thoạt nhìn thì khó thấy đấy là hai loại, nhưng biết nhìn thì cây chò nâu và cây dầu là hai thứ cây khác nhau.
Vậy là cái mẹo lấy cây dầu (thấy nhiều ở Trung, Nam, Cambodge,...) thay cây chò nâu đã thành công, nhưng là lấy cái hợp lý (cây dầu có độ phổ cập rộng, cả xứ nhiệt đới, cả một số vùng lạnh cận nhiệt đới) thay cho cái duy ý chí (cây chò nâu có độ phổ biến khá hẹp, khó đem từ vùng đồi núi cao về vùng đồng bằng); và xin nói thêm, nay thì cây dầu đã len ngược lên đến chân núi Nghĩa Lĩnh rồi, các vị ạ!
Chuyện cây dầu thay cây chò nâu, ta cũng nên biết, cho thấy cách ứng xử với cây trồng trên phố.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn