Bộ Ngoại giao không chỉ không Ngoại giao...

10:33 SA @ Thứ Năm - 14 Tháng Bảy, 2011
Quyết định khinh suất của BNG không đối thoại với các nhân sỹ trí thức là động thái không ngoại giao, chứng tỏ BNG không hiểu tinh thần yêu nước sục sôi của người dân, không hiểu động lực của thế giới ngày nay và không tính hết hậu quả tai hại mọi mặt do quyết định sai lầm ấy gây ra!

18 nhân sỹ trí thức hàng đầu của Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị yêu cầu BNG cung cấp thông tin về quan hệ VN-TQ. Tuy nhiên, sáng 13/7, chỉ một mình Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh được xe của BNG đón đến làm việc. 17 người còn lại, trong đó có những trí thức cao tuổi như giáo sư Hoàng Tụy đi xe đạp đến tận nơi, nhưng tất cả đã không được mời đàng hoàng (chỉ một số được mời qua điện thoại), đành ngồi chờ ở quán café cạnh cổng Bộ. Và vì chỉ có một mình trong cuộc gặp, tướng Vĩnh quyết định không ngồi lại nghe giải trình và đã ra về.



Hành động đầy tiết tháo của tướng Vĩnh đúng là hành động nghĩa khí, đáng khâm phục. Hành động của Lãnh đạo BNG là đúng là việc làm không quang minh chính đại, đáng chê trách. Chủ trương này của BNG đưa ra trong buổi “tranh tối tranh sáng” giữa ông Phạm Gia Khiêm (ngoại trưởng ra đi) và ông Phạm Bình Minh (ngoại trưởng vừa được chỉ định) nên khó quy trách nhiệm thuộc về ai. Nhưng dù ai là người đưa ra quyết định thì đây là một chủ trương thất bại, cho dù đã được cấp cao hơn phê duyệt!

Thất bại phơi bày trên ba vấn đề căn bản:

Thứ nhất, chứng tỏ BNG thiếu bộ phận nghiên cứu dư luận trong nước đối với ngoại giao. Quý vị cần ý thức rõ về vai trò của xã hội dân sự, của truyền thông đại chúng trong tiến trình hoạch định chính sách. Không chỉ là bức xúc của 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu, việc TQ ra “tối hậu thư” cho VN qua đặc phái viên Hồ Xuân Sơn đã gây ra nỗi uất hận cho cả dân tộc. Vì vậy, BNG không thể đối xử một cách khinh suất như thế đối với tinh thần yêu nước của dân ta! Chỉ một công dân bình thường yêu cầu, quý vị cũng cần mời người dân đó đến để đối thoại bình đẳng!

Thứ hai, chứng tỏ BNG chưa nhận thức được một trong những động lực trong nền chính trị thế giới ngày này là vấn đề dân chủ và nhân quyền. Nói một cách dễ hiểu: quyền thông tin của cá nhân người dân cần được tôn trọng và được bảo đảm một cách đầy đủ. Được tháp tùng các lãnh đạo của ta ra nước ngoài cũng như phục vụ các cuộc đón tiếp lãnh đạo các nước sang ta, có lúc nào quý vị xót xa cho độc giả Việt chỉ được thông tin về các sự kiện đó một cách nghèo nàn qua các tường trình chính thống? Phần lớn các báo đi theo cũng chỉ đưa lại theo bản tin mẫu!

Thứ ba, chứng tỏ BNG không tiên liệu được hậu quả đối nội và đối ngoại do quyết định khinh suất vừa qua. Nhân dân tiếp tục bức xúc trước “tối hậu thư” của TQ. Quý vị đã không tạo điều kiện để nhân dân đồng hành với quý vị trên chặng đường gian nan sắp tới. Quý vị nên nhớ rằng, TQ chỉ sợ dư luận thế giới, chỉ ngán tinh thần yêu nước của dân ta, TQ không sợ quý vị! Hành động như vừa qua, trên thực tế, quý vị đang giúp TQ giữ “mặt nạ” của họ, không để nó rơi xuống! Về đối ngoại, ASEAN và thế giới lại thêm một lần hụt hẫng. Một khi đại họa xẩy ra, bàn tay nào sẽ đưa ra cho VN?

Thật đáng tiếc! Đường lối đối ngoại rộng mở nhưng BNG lại đóng kín cảnh cửa với chính người dân của mình! Không nhẽ lại phải gõ cửa của Bộ Ngoại giao Trung Quốc để hỏi các thông tin nóng. Vì theo tin mới nhất (Lại phải mở đài địch như mở tung cánh cửa!), Tân Hoa Xã cho hay hôm 11/7 tàu ngư chính 46012 với thủy thủ đoàn 22 người đang giong thẳng tới Trường Sa. Chưa thấy BNG lên tiếng về chuyện này, hay quý vị lại quyết định chỉ “giao thiệp nội bộ” đúng như tin thần chỉ đạo của “đồng chí” Đới Bỉnh Quốc, “16 chữ vàng” mới là đại cục, còn Biển Đông là chuyện nhỏ???

(Phóng viên VTX tháp tùng 18 nhân sỹ trí thức tại Café 34 Điện Biên Phủ)





Một số nhân sĩ gửi kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước
Tác giả:Tuần Việt Nam


Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường, nhóm nhân sĩ kiến nghị.



Ngày 13/7/2011, 20 nhân sĩ, trí thức đã gửi bản kiến nghị đến Quốc hội và Bộ Chính trị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.

Bản kiến nghị gồm có 3 phần: phần 1 phân tích sâu về những sự kiện xảy ra gần đây trong quan hệ Việt – Trung, phần 2 nói về thực trạng còn nhiều bất cập trong nước và phần cuối cùng nêu 5 điểm kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Quốc hội.

Trong danh sách ký tên đính kèm bản kiến nghị, có nhiều tên tuổi như ông Hồ Uy Liêm (Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA)), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ( nguyên Đại sứ VN tại Trung Quốc), nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng), GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Linh mục Huỳnh Công Minh, ông Lê Hiếu Đằng, Gs Tương Lai, Luật sư Trần Quốc Thuận, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà văn Nguyên Ngọc, Ts Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn Đình An.

“Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ đang bị uy hiếp“

Trước tình hình Biển Đông nóng lên, nhóm nhân sĩ cho rằng, “Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng”.

“Từ khát vọng trở thành siêu cường, với vai trò là “công xưởng thế giới” và chủ nợ lớn nhất của thế giới, dưới chiêu bài “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục…Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang nghiêm trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông. Trung Quốc tự ý vạch ra cái gọi là “đường chữ U 9 đoạn”, thường được gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần tuyên bố trước thế giới toàn bộ vùng “lưỡi bò” này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định yêu sách trái luật quốc tế này.

Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải quân, chuẩn bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân sự ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với những hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.

Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta; từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng mà các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, liên tục cho các tàu hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng của nước mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện nhiều hành động phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II của ta đang hoạt động trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đó là những bước leo thang nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước ta.

Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc coi là chướng ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu cường…”, bản kiến nghị viết.

Từ phân tích trên, nhóm nhân sĩ cho rằng “xem xét cục diện quan hệ hai nước, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ”.

Kiến nghị dẫn chứng: Nhập siêu của ta từ Trung Quốc mấy năm qua tăng rất nhanh (năm 2010 gấp 2,8 lần năm 2006) và từ năm 2009 xấp xỉ bằng kim ngạch xuất siêu của nước ta với toàn thế giới. Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 80-90% nguyên vật liệu cho công nghiệp gia công của ta, một khối lượng khá lớn xăng dầu, điện, nguyên liệu và thiết bị cho những ngành kinh tế khác; khoảng 1/5 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, chưa kể một khối lượng tương đương như thế vào nước ta theo đường nhập lậu. Đặc biệt nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác ti-tan… được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều hệ quả khôn lường.

Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng vơ vét nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng giáp biên giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của nền kinh tế trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn hai con sông lớn chảy qua nước ta.

Cũng không thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung quanh ta. Nếu Trung Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Việt Nam coi như bị bịt đường đi ra thế giới bên ngoài.

Trong khi đó tình hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn…

Theo các nhân sĩ trên, do “vị trí địa lý nước ta không thể chuyển dịch đi nơi khác, nên toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Là nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc đầy tham vọng đang trên đường trở thành siêu cường, Việt Nam phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, trở thành một đối tác được Trung Quốc tôn trọng, tạo ra một mối quan hệ song phương thật sự vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Mặt trận gìn giữ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển đảo, vùng trời của nước ta trong Biển Đông đang rất nóng do các bước leo thang lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc… Tuy nhiên, mặt trận nguy hiểm nhất đối với nước ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là: thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta…

Sự xuất hiện một Trung Quốc đang cố trở thành siêu cường với nhiều mưu đồ và hành động trái luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, gây nhiều tác động xáo trộn thế giới, tạo ra một cục diện mới đối với nước ta trong quan hệ quốc tế: Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Trung Quốc, đều mong muốn có một Việt Nam độc lập tự chủ, giàu mạnh, phát triển, có khả năng góp phần xứng đáng vào gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, thúc đẩy những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự bình yên và phồn vinh của tất các các nước hữu quan trong khu vực và trên thế giới”.



Các nhân sĩ này cho rằng: “cục diện thế giới mới này là cơ hội lớn, mở ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng đáng trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường

Kiến nghị 5 điểm

Từ những phân tích trên, các nhân sĩ “khẩn thiết kiến nghị với Quốc hội và Bộ Chính trị”

1. Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung; nêu rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của nước ta; khẳng định thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình … Chúng ta luôn phân biệt những mưu đồ và hành động phi đạo lý và trái luật pháp quốc tế của một bộ phận giới lãnh đạo Trung quốc, khác với tình cảm và thái độ thân thiện của đông đảo nhân dân Trung quốc đối với nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước, đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và các nước lớn, cùng với các nước có liên quan giải quyết hoà bình các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất nước. Cải cách sâu sắc, toàn diện về giáo dục và kinh tế ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết, là kế sâu rễ bền gốc để nâng cao dân trí, dân tâm, dân sinh làm cơ sở cho quá trình tự cường dân tộc và nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tận dụng được cơ hội mới, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức mới của tình hình khu vực và thế giới hiện nay.

4. Kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, hãy cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, để từ nay tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau đứng chung trên một trận tuyến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau dốc lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.


Chúng tôi đi gặp Bộ Ngoại giao

Nguyễn Huệ Chi

“Có một câu hỏi rất lớn cho vụ gọi là “thỏa thuận” giữa Hồ Xuân Sơn với phía Trung Quốc là tại sao nói là“thỏa thuận” mà họ lại vạch áo nhau, diễn trò “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”? Kẻ cố kiết ấp úng che đậy, kẻ thì huỵch toẹt ra nghe như đã “đồng thuận” rất ngon lành.Dù đằng sau nó là cái gì, thì phía Trung Quốc cũng đang có được thế thượng phong khi tỏ ra “minh bạch” nội dung cuộc gặp, trong khi phía VN thì ngược lại. Nếu mấy quan chức bộ giao thiệp vẫn cứ tiếp tục lối ứng xử kiểu làng xã này, thì còn phải bẽ bàng không phải chỉ với TQ, mà còn với cả nhân dân trong nước, dư luận quốc tế.

Điều này dễ thấy ngay trong thủ tục cho cuộc gặp với các trí thức, khi không đưa Hồ Xuân Sơn ra (sợ không giữ nổi “bí mật”? Hic!), rồi khi gặp Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, họ đã cố chèo kéo, như muốn xoay xở để mặc nhiên biến đó chính là cuộc gặp các trí thức, nhưng không thành, vì ông cụ U100 xem chừng vẫn rất minh mẫn, không để bị rơi vô thứ bẫy quê mùa.

Và, để tìm sự cảm thông cho cái cơ quan bao lâu nay như “rắn không đầu”, “quyền rơm vạ đá”, đi tìm lời giải đáp và có cái nhìn nhiều chiều, xin đưa ra một giả thiết. Đó là phải chăng họ đang diễn lại màn kịch tương tự như với bức công hàm Phạm Văn Đồng từ hơn nửa thế kỷ trước, tức là làm một cử chỉ nhân nhượng rất nhanh chóng, dễ dãi, nhưng thực chất lại chẳng có chút giá trị pháp lý gì? Bên trong, có thể phỉnh phờ thằng “bạn vàng” chút đỉnh, nhưng một khi nó kiếm cách lôi ra “ánh sáng”, để hợp thức hóa, để cho nhiều mục đích khác, thì rất dễ thành “gậy ông đập lưng ông”.

Có nghĩa sẽ dần lộ ra và sẽ tiếp tục có thêm những thứ thỏa thuận kiểu “xảo thuật” tương tự của kẻ yếu, những tưởng nó “vô hại”, nhưng sẽ vô cùng tai hại khi kẻ trên cơ kia nắm trong tay quá nhiều lợi thế.”



***

Sau khi bản Kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc đề ngày 2-7-2011 do 18 người ký tên được LS Trần Vũ Hải trực tiếp đưa đến Bộ Ngoại giao ngày 4-7-2011 và nhận được chữ ký của người tiếp nhận là ông Nguyễn Văn Vượng, Phó phòng tiếp nhận công văn hành chính của Bộ, hết thảy những người đã ký vào Kiến nghị đều trong tâm trạng chờ đợi, hy vọng một sự đáp ứng chân thành, nghiêm túc của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tối ngày 12-7-2011 tôi đang làm việc thì nhận được một cú điện thoại từ Bộ Ngoại giao gọi đến, xưng danh đầu dây bên kia là một phụ nữ tên Loan trao đổi với tôi. Chị Loan cho biết Bộ có lời mời tôi, một trong những người ký tên vào Kiến nghị đúng 9 giờ sáng mai, 13-7-2011 đến Bộ để được nghe giải đáp về những gì bản Kiến nghị đề xuất. Tôi hỏi lại : “ Tại sao Bộ không gửi giấy mời đến từng người mà dùng hình thức gọi điện ? ” Trả lời : “ Thời gian eo hẹp không gửi giấy kịp khắp tất cả, cho nên đành phải gọi điện cho nhanh ”. Hỏi tiếp : “ Người tiếp chúng tôi trong cuôc họp sẽ là ai ? ”. Trả lời : “ Theo cháu biết thì có một lãnh đạo Bộ ra tiếp và trả lời các bác ”. “ Cũng được ” – tôi nghĩ vậy và cám ơn người gọi rồi ngưng máy. Xong cuộc gọi điện ấy khoảng 15 phút tôi lại nhận được cú điện thứ hai của một thành viên trong số người ký tên là LS Trần Vũ Hải. Anh báo tin : anh em muốn rằng sáng mai, chúng ta có mặt tại 36 Điện biên Phủ lúc 7 giờ 30 sáng để trao đổi xem ta nên đề nghị vị lãnh đạo Bộ cho ta biết những gì, cốt hướng người giải đáp vào mục tiêu cần hỏi của chúng ta, làm cho cuộc gặp thêm phần hiệu quả. Lời anh Hải quả hợp ý tôi. Tôi bèn lướt vội các trang mạng Trung Quốc để tìm thêm một số tin mà các trang mạng chính thống Trung Quốc đã đưa về cuộc họp giữa ông Hồ Xuân Sơn với các đồng nhiệm Trung Quốc trong ngày 25-6-2011. Hóa ra tìm được nhiều vô số, trang nào cũng nói những ý tương tự như văn bản tiếng Anh cúa Tân Hoa xã mà Kiến nghị đã lược trích. Rõ ràng là bên họ có sự “ chúng khẩu đồng từ ”, còn bên ta thì lời lẽ xem ra … tránh né và lúng túng. Tìm xong, tôi in sẵn một loạt đề mục chính làm bằng cứ rồi mới yên tâm lên giường nằm ngủ, bấy giờ đã 1 giờ sáng.

Đúng 6 giờ, còn chưa tỉnh giấc thì đã có một cú điện dựng dậy : điện thoại của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Trọng Vĩnh. Cụ cho biết tối hôm qua cụ cũng nhận được điện từ Bộ Ngoại giao. Bộ còn có nhã ý đưa xe đến đón cụ, ưu tiên người cựu lãnh đạo cao niên của bộ. Cũng vì thế, cụ đổi ý là sẽ lên xe đi thẳng đến Bộ luôn cho tiện, còn anh em chờ nhau tại Café Trung Nguyên thì cứ có mặt ở đấy, đến giờ tất cả cùng vào. Nghe điện cụ xong, không ngủ nán được nữa, tôi trở dậy chuẩn bị làm vệ sinh cá nhân và uống tạm một cốc sữa đậu nành rồi lên đường lúc 7 giờ.

Đến 36 Điện Biên Phủ rất mừng là anh chị em có mặt đã khá đông. Gặp lại các anh Phạm Duy Hiển, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn quang Thạch, và em Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên cáo tại Nhà Hát Lớn trong ngày biểu tình hôm 3-7-2011… Ai nấy đều rất vui. Cảm động nhất là sự hiện diện của GS Hoàng Tụy, người đang có những nỗi buồn riêng trong gia đình thế mà vẫn đến rất đúng giờ.


Từ trái sang : Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Trần Nhương, Nguyễn Văn Phương, người đứng là Trần Vũ Hải

Chuyện trò một lúc chúng tôi xoay vào yêu cầu chính mà bản Kiến nghị đã đề xuất : Rất cần bộ Ngoại giao cho biết nội dung bản thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc gồm những điểm gì ; ngoại trừ những vấn đề thuộc phạm vi bí mật Nhà nước ra còn thì cần được bạch hóa tất cả mọi điều khoản đã ký kết, và càng cần được bạch hoá bản ký kết cuối cùng, ít nhất cũng là trích yếu các điều khoản đó. Vì đây là vấn đề thiêng liêng thuộc phạm vi lãnh thổ lãnh hải muôn đời của Tổ quốc, Chính phủ muốn ký kết bất cứ nội dung gì đều phải trưng cầu ý dân, ký xong phải thông báo cho dân được rõ. Đây cũng là dịp tìm hiểu xem người đóng vai “ đặc sứ ” của ta (cách gọi ông Hồ Xuân Sơn trong các bản tin Trung Quốc) có rút kinh nghiệm đối phó với con cáo già phương Bắc hay không hay là vẫn cứ dẫm phải vết chân người đi trước, hớ hênh này tiếp theo hớ hênh nọ, mắc mưu người mà cứ tưởng mình “ ăn ” được người (“ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây ”).

Ngoài ra, có một đề tài vẫn luôn luôn được Trung Quốc vin vào để biện hộ cho hành vi lấn chiếm biển đảo, trắng trợn bắn giết bộ đội và ngư dân chúng ta trong hàng mấy chục năm nay, đó là bức Công hàm gửi ông Chu Ân Lại của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Bộ Ngoại giao cần cho biết quan điểm chính thức của Nhà nước ta đối với bức công hàm này cũng như những luận cứ Nhà nước đã dùng để trả lời Trung Quốc về bức công hàm này – điều đáng nói là tại sao cho đến nay Nhà nước vẫn chưa công khai hóa quan điểm của Nhà nước về bức công hàm không có giá trị pháp lý đó trước toàn dân ? v.v…

Tuy vậy, khi hỏi nhau rằng ai nhận được điện của Bộ Ngoại giao vào tối hôm qua thì mới biết, chỉ có 4 người : Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển và GS Nguyễn Huệ Chi. Sao lại như vậy chứ ? 4 người trên con số 18 nói lên điều gì ? 4 người có đại diện được cho cả 18 người cùng ký vào Kiến nghị không ? Vì lẽ gì đến một công dân đáng kính như Giáo sư Hoàng Tụy cũng không nhận được điện mời của Bộ ? Chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm ra lời giải cho mấy câu hỏi đầy băn khoăn ám ảnh đó. Ai cũng cảm thấy buổi gặp mặt do Bộ Ngoại giao bố trí có điều gì hơi bất thường, nếu không thì cũng là quá vội vàng, cốt làm cho xong, thiếu một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Anh Phạm Duy Hiển cho biết nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã gọi điện báo tin anh sẵn sàng từ Đà Nẵng bay ra ngay Hà Nội để dự cuộc gặp sáng hôm nay nếu như trong tay anh có một mảnh giấy của Bộ Ngoại giao đến đúng lúc… Những tín hiệu trước cuộc “ hội ngộ ” như thế quả thực gợi lên nhiều nan đề khó mà tự giải đáp với nhau.

Cuối cùng, đành tìm ra một phương án tạm thời như sau : mọi người hãy ngồi lại để LS Trần Vũ Hải và TS Nguyễn Quang A sang trước xem xét tình hình và đề đạt một thỉnh cầu đầy thiện chí : Bộ Ngoại giao đã muốn gặp cả 18 người ký Kiến nghị thì mời Bộ cử một phái viên sang quán café Trung Nguyên nói một lời mời chính thức để anh chị em yên tâm cùng nhau sang, nếu không, người được mời và người không được mời đều rất khó xử. Hai người tức tốc ra đi. Một chốc sau anh Nguyễn Quang A trở về cho biết, trước cổng bộ Ngoại giao là cô Loan cùng với hai cán bộ nữa đang đợi chúng ta. Nhưng cô Loan từ chối sang quán café nói lời mời với đoàn, vì theo cô, nơi đấy là một tụ điểm ăn sáng, sang mời không tiện (Hay nhỉ, gửi giấy mời cho tất cả không tiện, gọi điện cho tất cả không tiện, khi anh chị em đến đông đủ, cần một lời mời chính thức cũng không tiện nốt, thế thì phải thế nào mới tiện đây?). Anh Nguyễn Quang A còn cho biết thêm, xe đón Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã đến, Thiếu tướng đang có ý chờ anh em mình. LS Trần Vũ Hải đã vào theo cụ. Tuy nhiên người giải đáp các yêu cầu trong bản Kiến nghị lại là một Phó ban Biên giới, ông Trần Duy Hải, chứ không phải ông Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn.

Tất cả đều ồ lên một tiếng như một tiếng đáp đồng thanh : Thế thì còn nói gì nữa. Người ta mong là mong nghe những điều đang làm lòng dân xôn xao và nóng hết mọi cái đầu yêu nước, xoay quanh những bản thông cáo báo chí chèo nhau giữa ta và Trung Quốc hơn mười ngày qua, chứ vấn đề biên giới thì các vị đã ký từ đời tám hoánh nào rồi, đâu phải là nhu cầu bức thiết phải giải đáp vào lúc này.

Không cần chờ đợi lâu, đã có ngay một quyết định dứt khoát, dù không ai bàn với ai : TS Nguyễn Xuân Diện thay mặt mọi người sang trả lời với quý Bộ rằng cả 17 người sẽ không sang nếu Bộ không có một lời mời chính thức, vì chúng tôi không cầu mong đến nghe thông tin của Bộ Ngoại giao về biên giới mà theo luật, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ trả lời nghiêm chỉnh Kiến nghị của công dân. Mặt khác, nội dung bản Kiến nghị liên quan đến những vấn đề hệ trọng vượt ra ngoài quyền hạn một Phó ban Biên giới của Bộ, vì thế nếu không có ông Hồ Xuân Sơn đứng ra giải đáp các thắc mắc của nhân sĩ trí thức nhằm làm sáng tỏ những điều vẫn được đồn đại trong dân chúng về việc “ đi đêm ” giữa ta và Trung Quốc quanh chủ quyền biển đảo, thì cuộc gặp gỡ này hoàn toàn không cần thiết. Anh Diện nhận lời đóng vai “ ngoại giao ” cho đoàn và chỉ mười phút sau anh trở lại thông báo nhiệm vụ đã được hoàn thành xuất sắc : anh đã nói lên điều cần thiết có tính chính danh là một lời mời của Bộ, còn không thì đoàn Kiến nghị trước sau cũng có cách để lấy được bản thỏa ước giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là quyền lợi chính đáng của cả dân tộc chứ không phải là một trái núi Făng-si-păng để bày ra thách đố, trong khi, hiện không ít báo chí nước ngoài đang chờ đợi cuộc gặp để hỏi ý kiến về kết quả cũng như tinh thần trao đổi của Đoàn. Nghe anh Diện nói xong, lần lượt GS Hoàng Tụy, GS Phạm Duy Hiển rồi Trần Nhương, Phạm Xuân Nguyên… mọi người đứng lên, nhìn nhau cười một cái - nụ cười trầm ngâm nhiều ý nghĩa – và nhẹ nhàng chia tay.

Còn câu chuyện ở trong Bộ Ngoại giao, theo lời cụ Nguyễn Trọng Vĩnh kể lại thì diễn ra theo kịch bản sau : cụ và Trần Vũ Hải đi vào, phòng họp đã có đại diện các ban phòng vụ viện đủ cả. Ông Trần Duy Hải Phó ban Biên giới nói rằng sở dĩ ông được giao đứng ra tiếp đoàn vì ông ta đích thân đi theo Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nên nắm được đầy đủ diễn biến các cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc. Ông cũng cho hay Bộ Ngoại giao đã quyết định mở cổng chính để mời Đoàn sang, nhưng cử một người đi sang đó mời thì không thể làm được. Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đáp lời ông : “ Bên ấy hiện có những trí thức nổi tiếng, là chuyên gia hàng đầu trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực, các Giáo sư thứ thiệt chứ không phải loại dỏm, cho nên sự tự trọng đối với họ là biểu hiện nhân cách, không có một lời mời thì họ sang sao được ”. LS Trần Vũ Hải tiếp lời cụ Vĩnh : “ Nếu các ông quyết định không sang mời các vị nhân sĩ trí thức thì hay là ông làm văn bản trả lời chúng tôi có được không ? ” Ông Phó ban Biên giới lắc đầu : “ Có cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đây là người biết rõ, trong nguyên tắc ngoại giao, nhiều điều nói được mà viết ra không được. Hay là thôi, cụ Vĩnh đã có mặt đây rồi, coi như cụ là Trưởng đoàn, tôi cứ xin báo cáo, cụ đại diện cho cả Đoàn nghe vậy ”. Cụ Vĩnh xua tay ngay : “ Không được đâu. Nếu anh coi tôi là người cũ của Bộ, dẫn tôi sang một phòng riêng, kể cho tôi nghe tình hình cuộc gặp gỡ giữa ta và Trung Quốc thì nghe cũng chẳng sao, nhưng còn ngồi ở đây để anh báo cáo thì đâu có được, vì tôi chỉ là một cá nhân ký vào Kiến nghị, tôi làm sao mà thay mặt được cho cả Đoàn, tôi cũng có thì giờ đâu đi báo cáo lại với từng người một. Xin nói lại, những bậc trí thức không sang vì không nhận được lời mời chứng tỏ họ là người coi sự tự trọng là một phẩm chất. Vậy thôi, cuộc họp không thành, xin dừng lại ở đây ”. Thế là cụ và LS Trần Vũ Hải bắt tay quý vị trong bộ Ngoại giao và lên xe ra về.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Văn hóa tranh luận là kết quả của một quá trình lâu dài"

    27/05/2018Khi tham gia tranh luận, mà người ta chỉ cố gắng huy động mọi thủ đoạn để “hạ gục đối thủ” thì giá trị học thuật là một khái niệm xa xỉ. Đừng trông đợi giá trị học thuật từ một cuộc tranh luận văn học mà ở đó có quá nhiều bài viết dựa trên suy đoán cảm tính, hồ đồ trong tiếp nhận và xử lý tài liệu, rồi chụp mũ, dựng hiện trường giả, đoạn chương thủ nghĩa...
  • Ý thức và trách nhiệm ở xã hội Mỹ

    12/11/2016Mèo ConCó ý thức thì sẽ có trách nhiệm, mà trách nhiệm thì có liên quan đến pháp luật. Tôi muốn chia sẻ với quý độc giả về ý thức và trách nhiệm ở một góc cạnh liên quan tới những sinh hoạt hằng ngày của một người sống bình thường trên nước Mỹ...
  • Làm bổn phận của mình

    10/11/2015Dr. Mortimer, J. Adler... không có vấn đề nào thiết yếu trong luân lý hơn là vấn đề giữa đạo đức học về bổn phận và đạo đức học về khoái lạc hay hạnh phúc. Theo nguyên lý đạo đức về bổn phận , mỗi hành vi sẽ được phán đoán tùy theo nó tuân thủ hay bất tuân luật lệ, và sự phân biệt đạo đức cơ bản là giữa cái đúng và cái sai. Nhưng ở đâu sự khoái lạc hay hạnh phúc là chủ yếu, thì sự phân biệt cơ bản sẽ là giữa thiện và ác...
  • Không mặc cả với lương tâm

    13/11/2014Phạm Anh TuấnTrong thâm tâm họ biết là tôi đúng. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục bênh vực ý kiến của họ thì chưa chắc đã không gặp rủi ro. Và nếu không ai dám chấp nhận rủi ro thì chuyện gì sẽ xảy ra? Cậu biết tại sao họ không ưa tôi không? Tôi thường buộc họ phải thú nhận là họ đã mặc cả xong với lương tâm của chính họ…
  • Còn bạn sẽ làm gì trong tình hình Biển Đông căng thẳng hiện nay?

    13/07/2011Giáo sư Carlyle A. Thayer- Nếu là một người Việt Nam ông sẽ làm gì lúc này?
    - Nếu là một người Việt Nam tôi sẽ bày tỏ sự lo ngại với chính phủ Việt Nam về nguy cơ về chủ quyền quốc gia do hành vi của Trung Quốc gây ra...
  • Việt Nam cần nhanh chóng thoát ra khỏi Trung Quốc

    09/07/2011Bùi Công TựTrong bài viết này, tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu xem Việt Nam đã và đang bị Trung Quốc đe dọa ra sao, ở mức độ nào và có cần thoát ra không?
  • Biển Đông: Mặt Trận không tiếng súng

    09/07/2011Lê Hồng NhậtTrong chuỗi các tranh chấp về chủ quyền gần đây giữa Trung quốc với Việt Nam và Philippins ngay tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước này, khiến cho dư luận lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang, gây mất ổn định khu vực, và nêu ra sự cần thiết có cơ chế an ninh khu vực đủ hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ này. Người viết bài này cho rằng, nguy cơ chạy đua vũ trang của các nước nhỏ trong vùng quanh Biển Đông sẽ không phải là xu thế chủ đạo...
  • Vấn đề trên biển Đông

    06/07/2011Hồn Việt“Vũ hoàng khai biên ý vị dĩ” (Hoàng đế nhà Hán mở rộng biên giới ý chưa thôi) có ý phê phán các hoàng đế Trung Hoa xâm lấn các nước chung quanh. Từ thời Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… nước Việt ta đều là đối tượng của các cuộc chiến tranh “khai biên”, xâm lược của họ. Lòng tham của các hoàng đế Trung hoa là vô hạn.
  • Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông

    28/06/2011Hạnh NguyênTiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong tư cách Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Một phần của bài trả lời phỏng vấn này đã được phát trong Chương trình liên tuyến "Nhất hổ nhất tịch đàm" được truyền phát đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011...
  • Họa đấy mà phúc đấy!

    23/06/2011Hòa BìnhCái tình thế khắc nghiệt, không còn chỗ để lùi chính lại là thời khắc mà những tầng lớp tinh hoa của dân tộc và toàn thể nhân dân ta không còn phải do dự, không còn phải đắn đo để nhận ra đâu là trắng đâu là đen, đâu là bạn bè, đồng chí, đồng minh, đâu là thứ phải gìn vàng, giữ ngọc, đâu là những thứ phải đoạn tuyệt và dứt khoát đoạn tuyệt không được do dự, không được sợ hãi...
  • Những giả thuyết ngây thơ

    23/06/2011TS Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư ViasaCác nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào...
  • xem toàn bộ