Cái vô hạn trong lòng bàn tay

10:50 SA @ Thứ Tư - 25 Tháng Mười Một, 2009

UNESCO vừa trao giải thưởng danh giá Kalinga về phổ biến khoa học cho ông Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới đang làm việc tại Đại học Virginia (Hoa Kỳ). GS Thuận là người Việt đầu tiên được trao giải thưởng cao quý này. Ông là một nhà viết sách phổ biến khoa học nổi tiếng thế giới. Sách của ông được dịch ra 20 thứ tiếng trên toàn cầu.

Khoa học cho những "người ngoại đạo"

Cảm xúc của ông thế nào khi nhận được Kalinga - giải thưởng cao quý của UNESCO?

GS Trịnh Xuân Thuận: Tôi thấy rất vinh dự, vì tôi nghĩ đây không những là vinh quang cho tôi mà còn vinh quang cho nước Việt Nam, vì tôi là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế này.

Tôi không chỉ dạy học, làm nghiên cứu, mà còn dành 1/3 thời gian để viết sách, giảng giải những điều tôi khám phá và hiểu về khoa học thiên văn. Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ khuyến khích các sinh viên và học sinh ở Việt Nam đọc các cuốn sách của tôi nhiều hơn, để ý đến khoa học nhiều hơn, và nhiều người sẽ chọn khoa học làm con đường lập nghiệp của mình.

Thế hệ trẻ hiện tại, không chỉ ở Việt Nam, thích theo đuổi những nghề có thể đem lại nhiều thu nhập hơn, như là luật, bác sĩ… hơn là để ý tới nghiên cứu để trở thành nhà khoa học.

Tôi nghĩ một nước chỉ hùng cường và đóng góp cho thế giới nếu có người trong nước đó khám phá những điều mới, cả về khoa học lẫn kỹ thuật. Điều đó là cực kỳ quan trọng .

Tôi rất ấn tượng về cách ông mở các khóa học như "Thiên văn học cho các nhà thơ" để giải thích khoa học một cách dễ đi vào lòng người. Ở Mỹ có những lớp dạy thiên văn cho những sinh viên không chuyên về khoa học?

Tôi dạy thiên văn học cho những sinh viên ở ĐH Virginia không làm về khoa học. Họ sẽ có thể là sinh viên ngành luật, có thể sẽ là bác sĩ y khoa, hay văn học… Tôi thấy việc này rất hay.

Vì sau này, nếu họ hiểu biết nhiều hơn về khoa học thì sẽ chiếm ưu thế hơn khi được bầu và khoa học có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hằng ngày (như vấn đề sự nóng lên của Trái Đất hiện nay là rất cấp bách: mỗi 100 năm, Trái Đất đang nóng lên 2 độ C, nếu cứ đà thế này thì con người không còn nơi cứ trú trong mấy thế hệ nữa) thì mới có những hành động đúng.

Học trò của ông hiện có nhiều người theo nghiệp của ông không?

Có chứ. Nhiều người trở thành giáo sư ở đại học khác, kể cả ở Đại học Virginia - nơi tôi đang nghiên cứu và giảng dạy.

Làm khoa học đã cần phải kiên nhẫn, làm nhà khoa học về vũ trụ lại càng phải kiên nhẫn bội phần khi quan sát hàng tỉ ngôi sao?

Đúng vậy. Làm khoa học là phải rất kiên nhẫn. Trong sự tìm tòi, sáng tạo một người khảo cứu phải bỏ ra rất nhiều thì giờ, để học hỏi xem thiên nhiên cho mình bài học gì. Như vậy cần phải có sự đam mê khoa học thì mới có thể thành công được.

Ở nước ngoài, sinh viên có hào hứng lắm với môn thiên văn học không, thưa ông?

Có chứ! Lớp tôi dạy có 140 chỗ ngồi luôn kín hết. Bao giờ cũng đầy, không bao giờ có chỗ trống cả.

Thế còn những lần ông về nước giảng dạy cho sinh viên ở Việt Nam?

Không khí cũng vậy, người trẻ trong nước rất chú ý đến những khám phá trong không gian và vũ trụ qua đọc sách và Internet.

Điều kiện để một sinh viên có thể theo học với ông được là gì?

Cần nhất là sự đam mê muốn khám phá vũ trụ, làm việc chăm chỉ. Tiếp đến là phải khá về Toán và Vật lý.

Cái khó nhất khi giảng giải về thiên văn học cho "quảng đại quần chúng" là gì, thưa ông?

Cái khó là phải nói thế nào để người ta hiểu được vấn đề một cách dễ nhất nhưng hào hứng nhất. Đối với quần chúng, nhiều người cho rằng khoa học chủ yếu bao gồm các phép tính toán và phương trình, rất là khô khan.

Tôi thì nghĩ rằng, cách nghĩ như vậy là sai lầm, vì những người am hiểu các vấn đề khoa học có thể giảng dạy một cách chính xác mà không cần dùng đến phép toán.

Với tôi, tôi đưa chất thơ vào trong mỗi câu giải thích khoa học, làm cho độc giả hiểu triết lý của khoa học, mối liên hệ giữa con người với vũ trụ.

Khi viết sách bao giờ tôi cũng để ý đến hành văn của mình, cố gắng làm cho mỗi câu văn đậm chất thơ, lãng mạn và bay bổng.

Điều gì khiến ông tâm đắc khi giảng dạy về nhân sinh, về vũ trụ cho các sinh viên "không chuyên về thiên văn học"?

Tôi muốn giảng dạy phương pháp khoa học: Đặt ra giả thuyết, làm thí nghiệm, rồi nếu thí nghiệm không hòa hợp với giả thuyết thì phải thay đổi nó. Khoa học bao giờ cũng đưa vào thí nghiệm và nhận xét chứ không thể cứng nhắc và giáo điều.

Tôi cũng muốn sinh viên để ý đến các vấn đề triết lý: Thường thì cái gì không có sự điều khiển sẽ hỗn độn, nhưng vũ trụ thì lại rất là hài hòa. Vậy cái gì điều khiển vũ trụ?

"Cái vô hạn trong lòng bàn tay"

Trong các cuốn sách của ông, tôi thấy một niềm tin rõ nét về sự liên hệ biện chứng giữa Đạo Phật và vũ trụ. Ông đã quan tâm đến đạo Phật từ lúc nào vậy?

Tôi sinh ra ở Hà Nội, tôi được tắm mình trong môi trường của đạo Phật từ nhỏ. Nhưng lúc đó tôi không biết rõ các triết lý vì tôi không đọc nhiều sách về vấn đề này.

Khi trở thành một nhà nghiên cứu, tôi mới bắt đầu nghĩ là tôi nhìn vũ trụ một cách rất khoa học để thấy được các sự thật trong vũ trụ, vậy thì lúc đức Phật thành đạo (hai nghìn rưỡi năm về trước) thì Ngài nhìn tự nhiên và vũ trụ như thế nào? Tức là tôi muốn biết cái lối nhìn của Đức Phật lúc giác ngộ có giống với khoa học hiện đại không.

Nếu có một đường link giữa Đạo Phật và vũ trụ, thì dấu ấn rõ nhất là gì, thưa ông?

Có mấy điều trong vũ trụ tôi thấy rõ ràng có liên hệ với Đạo Phật: Đầu tiên là vô thường, tức là vũ trụ bao giờ cũng thay đổi. Đức Phật nói là cái gì cũng biến chuyển.

Hồi trước người ta vẫn nghĩ là vũ trụ tồn tại mãi mãi, nhưng sự thực thì ngược lại. Ngôi sao, thiên hà, hành tinh… cái gì cũng biến đổi hết: Ngôi sao cũng được đẻ ra rồi sống và chết trong khoảng triệu năm hay tỷ năm; Thứ hai, cái gì cũng liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau. Đức Phật cũng nói về điều đó.

Theo lý giải ở góc độ vũ trụ học, tất cả chúng ta đều là con đẻ của các ngôi sao, liên hệ mật thiết với các ngôi sao, đó là ông tổ của loài người. Trái đất cũng được tạo thành bởi các nguyên tố sinh ra trong lòng các ngôi sao. Chúng ta là những hạt bụi của các vì sao.

Vì vậy, chúng ta có cùng một lịch sử của các bầy sư tử, ở những vùng đồng cỏ bao la, cũng như các bông hoa ở đồng nội. Được kết nối qua không gian và thời gian, tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau.

Như ông nói thì Trái Đất chúng ta đến một lúc nào đó cũng sẽ diệt vong?

Đúng vậy. Trong 4,5 tỷ năm nữa thì Mặt Trời sẽ không còn nữa, vì lúc đó nó sẽ tiêu thụ hết khí Hydrogen.

Lúc đó, Trái Đất không còn năng lượng nữa. Mà có năng lượng thì sự sống mới tồn tại. Khi đó, nếu con người còn sống thì phải tìm một ngôi sao khác để có năng lượng duy trì sự sống.

Chỉ có một Trái Đất, ấy vậy mà con người cứ dùng chiến tranh để hủy hoại nhau, trong khi chúng ta lại có cùng một nguồn gốc: là con cháu của các ngôi sao. Lại còn phá hoại môi trường trong khi Trái Đất của ta rất quý báu. Đó là điều rất đáng buồn.

Tại sao trong một cuốn sách của mình, ông lại đặt tên là "Vô hạn trong lòng bàn tay"?

Tại vì cái gì cũng liên hệ với nhau hết. Nhà thơ William Blake từng viết: "Nhìn vũ trụ trong một hạt cát/ Và thiên đàng trong một cành hoa hoang dại/ Nắm giữ vô tận trong lòng bàn tay/ Và vĩnh cửu trong phút giây …". Biết được nguyên lý này, nên con người cần phải liên hệ với nhau, và thương nhau.

Và chuyện về người từ hành tinh khác

Dạo này ông có hay đến New Mexico hoặc Arizona để ngắm các tinh tú không?

Không, có thể năm 2010 tôi mới đi. Hiện giờ tôi ngồi ở văn phòng, và ngắm các hành tinh qua máy vi tính.

Máy vi tính của tôi được kết nối với kính thiên văn ở New Mexico. Nếu kính thiên văn thấy được điều gì đó, nó sẽ truyền dữ liệu qua Internet về máy vi tính của tôi. Nếu bầu trời nhiều mây thì về nhà ngủ, như vậy đỡ mệt và đỡ tốn kém hơn nhiều vì không phải đến đài thiên văn. Mỗi lần đi như vậy tiền khách sạn, vé máy bay.v.v… rất tốn kém.

Nhà trường phải bỏ tiền để các giáo sư đi ngắm các tinh tú, thưa ông?

Không phải đại học trả tiền, nhưng mình phải lập dự án xin tiền của Chính phủ, của các cơ quan tài trợ khoa học ở Mỹ, như Quỹ hỗ trợ khoa học quốc gia (National Science Foundation) hoặc NASA. Hơn nữa lại có tiền của các nhà hảo tâm.

Ở Mỹ có nét văn hóa rất hay: những sinh viên sau khi tốt nghiệp, thành đạt và giàu có, sẽ quay trở lại trả ơn nhà trường bằng cách tài trợ các chương trình của trường. Có người tài trợ cả tỉ đôla. Họ cho để các thế hệ về sau cũng được học hành và thành đạt như họ.

Ông có tin là có người ở hành tinh khác không?

Tôi nghĩ là có. Vũ trụ bao la, có cả trăm tỉ thiên hà, mỗi thiên hà lại có cả trăm tỉ ngôi sao, mỗi ngôi sao lại có chừng 10 hành tinh, nên cho rằng mình là duy nhất trong vũ trụ thì rõ ràng là không hợp lý.

Nhưng ông có tin là một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm thấy họ không?

Có chứ! Trong mấy năm vừa qua các nhà thiên văn đã tìm ra hàng trăm hành tinh mới ở ngoài hệ Mặt Trời, tương đối gần Trái Đất (dưới 100 năm ánh sáng). Chúng ta đã bắt đầu tìm ra những hành tinh nào có nước, mà hành tinh nào có nước thì có thể nơi đó có những loài sinh vật khác sinh sống và nảy nở.

Xin cảm ơn ông!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách khoa học là best-seller, tại sao không?

    07/07/2019Đoan Trang (thực hiện)16 năm trong nghề, dịch giả Phạm Văn Thiều đã giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam rất nhiều cuốn sách kinh điển về khoa học thuộc các lĩnh vực “cao siêu”: lượng tử, vũ trụ học, di truyền học, toán học… Ít ai ngờ được điều mà ông khẳng định: Sách khoa học là thứ sách bán chạy, và người dịch có thể sống tốt với nghề.
  • “Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”

    17/06/2016Kim Yến thực hiện, chân dung hội hoạ Hoàng TườngTin giáo sư Trịnh Xuân Thuận, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009 đã như ngọn gió lành làm nức lòng giới khoa học và tất cả độc giả đã từng yêu quý ông qua những tác phẩm viết về vũ trụ với cái nhìn tinh tế, giàu mỹ cảm, thấm đẫm tư tưởng triết lý của đạo học Phương Đông.
  • Thấy Phật

    03/06/2009Cao Huy ThuầnLòng tin đức Phật pháp nhân không phải là lòng tin yếu đuối gửi vào sức mạnh siêu nhiên nào đó từ bên ngoài. Đó là lòng tin ở con người. Trong mỗi chúng ta đều có đức Phật pháp nhân, chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, nên mới tưởng là không có mà thôi.
  • Một số vấn đề triết lý của vật lý hiện đại

    26/05/2009Đỗ Kiên CườngVới tư cách là triết học tự nhiên, vật lý có vai trò quan trọng trong bản thể luận và nhận thức luận. Cơ học Newton hay quyết định luận Laplace từng chi phối nhận thức và hành động của toàn nhân loại. Vật lý hiện đại cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dưới đây là một số nhận thức cá nhân về các vấn đề triết lý, cũng như mối quan hệ giữa vật lý hiện đại với các lĩnh vực khoa học khác.
  • Nhà thơ trong thiên văn học

    11/10/2006
  • "Định mệnh đưa tôi đến với vật lý thiên văn"

    19/08/2005Khánh HàGS. TS. người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Ông đã viết khoảng 200 bài tiểu luận về sự hình thành các yếu tố trong Big Bang và Thiên hà, cùng sự tiến triển của chúng...
  • Nhà vật lý thiên văn gốc Việt nổi tiếng thế giới: Trịnh Xuân Thuận

    19/08/2005Giáo sư - Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt - Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Cả cuộc đời ông dành cho thiên văn học. Ông không chỉ nghiên cứu vũ trụ với tư cách một nhà thiên văn mà còn nghiên cứu nó ở góc độ triết học. Trịnh Xuân Thuận còn là một nhà văn nổi tiếng viết về vũ trụ. Những tác phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu về thiên văn nhưng đẫm chất văn chương và triết học như: Giai điệu bí ẩn (1988); Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... Ông hiện là giáo sư ĐH Virginia (Mỹ)...
  • Về cuốn sách Lượng tử và Hoa sen

    18/08/2005Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật...
  • Cái vô hạn trong lòng bàn tay

    09/07/2005Minh BùiĐề cập đến hai cuộc đời, một của nhà vật lý thiên văn sinh ra đã là Phật tử - người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học của mình, và một của nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư - người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
  • "Tôi tin vào thuyết sáng tạo"

    07/07/2005Bích HạnhNói tiếng Việt không thật chuẩn, thường xuyên phải minh họa bằng tiếng Anh, Pháp và cả "body language", nhưng giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn hấp dẫn hội trường đông kín người tại ĐH Bách khoa Hà Nội suốt 3 giờ đồng hồ sáng nay, với bài nói chuyện về Big bang và con người trong vũ trụ...
  • xem toàn bộ