Sách khoa học là best-seller, tại sao không?
Làng dịch giả ở Việt Nam hiện nay đã có sự phân hạng “chiếu trên”, “chiếu dưới”, với nhiều tên tuổi được các nhà xuất bản và công chúng ưu ái. Ví dụ chúng ta có các “thương hiệu” Dương Tường, Trần Tiễn Cao Đăng, Cao Việt Dũng trong mảng sách văn học, Bùi Văn Nam Sơn trong mảng sách triết học. Còn trong địa hạt các tác phẩm khoa học, đã có một số tên tuổi như Phạm Văn Thiều, Nguyễn Tường Bách, Cao Chi… trong đó Phạm Văn Thiều nổi lên như dịch giả số 1 về sách khoa học.
Năm 1993, ông (cùng với Cao Chi) là người chuyển ngữ tác phẩm Lược sử thời gian (A Brief History of Time)của Stephen Hawking, đưa bạn đọc Việt Nam tiếp xúc với một cuốn sách kinh điển và cực kỳ nổi tiếng của thế giới về vật lý và vũ trụ học.
Từ đó đến nay, ông đều đặn giới thiệu đến độc giả trong nước những tác phẩm khoa học phổ thông với các đặc điểm chung: dễ hiểu, ly kỳ hấp dẫn, và quan trọng nhất là chúng thổi bùng trong lòng người đọc niềm cảm hứng và say mê với khoa học. Hiện nay, Phạm Văn Thiều đã trở thành dịch giả nắm vị trí gần như độc tôn trong lĩnh vực dịch sách khoa học.
- Năm 1993, bản dịch Việt ngữ cuốn “Lược sử thời gian” ra mắt bạn đọc Việt Nam. Thời kỳ đó, ngành xuất bản nước ta chưa được “trăm hoa đua nở” như hiện nay, nền kinh tế thì vừa mở cửa được ít lâu, chưa lấy gì làm khởi sắc. Người ta thường hay bảo “ăn còn chả đủ, nói gì đọc sách”. Vì sao ông lại chọn dịch “Lược sử thời gian”, ông nghĩ sẽ có nhiều độc giả quan tâm tới cuốn sách hay sao?
- Thật sự là hồi đó và ngay cả bây giờ, rất nhiều người nghĩ y như bạn. Đúng là khi tôi dự định dịch Lược sử thời gian, không nhà xuất bản nào muốn in vì sợ sách không bán được. Mãi rồi cuối cùng NXB Khoa học Kỹ thuật mới in cho tôi, với số lượng lần đầu là 1.000 bản. Như thế cũng là liều lắm rồi đấy.
Độ hai năm sau thì tái bản, và sau đó được tiêu thụ đều đều. Khoảng năm 2005-2006, NXB Trẻ chính thức mua bản quyền cuốn này, cả bản quyền tiếng Việt. Tới giờ tính ra sách đã được tái bản ít nhất 6 lần. Như vậy chứng tỏ độc giả rất quan tâm đến Lược sử thời gian đấy chứ.
- Vâng, tuy nhiên, vào thời điểm xuất bản cuốn này, ngay cả ông cũng phải cho rằng việc tổ chức dịch và in “Lược sử thời gian” với lượng ấn bản… 1.000 cũng đã liều lắm rồi. Vậy, điều gì đã thôi thúc ông dịch “Lược sử thời gian” - một cuốn sách về khoa học vũ trụ, rất có thể sẽ khó bán?
- Cuốn Lược sử thời gian ra đời năm 1988, nhưng ở Việt Nam thời đó làm gì có ai nhắc tới nó. 5 năm sau, vào năm 1993, anh Cao Chi được một người đi công tác ở Mỹ về tặng một bản photocopy và tôi xin phép sao lại một bản. Tôi đọc và ngay lập tức thấy mê mẩn, và rất muốn dịch sang tiếng Việt để phổ biến cho độc giả mình. Hồi đó thì vấn đề bản quyền tác giả chưa đặt ra cho Việt Nam như bây giờ.
Bạn biết đấy, Lược sử thời gian là một trong những cuốn sách khoa học phổ thông bán chạy nhất thế giới. Nó được nhà bác học danh tiếng Stephen Hawking viết theo đơn đặt hàng của một nhà xuất bản, và vì nhằm mục đích giải thích nhiều vấn đề về vật lý và vũ trụ học cho độc giả bình thường tiếp nhận, nên nó được viết hết sức dễ hiểu.
Bản thân Stephen Hawking cũng kể rằng biên tập viên đã cảnh báo ông rằng cứ thêm một phương trình vào sách thì số độc giả sẽ giảm 50%, do đó đã “ép” ông phải diễn giải các vấn đề sao cho hấp dẫn và dễ tiếp thu nhất.
Nói vậy nhưng kể ra lúc đó chúng tôi cũng sợ sách dịch và in ra sẽ không bán được chứ. Tuy nhiên, khi ấy một giáo sư vật lý ở King College sang thăm Việt Nam và có gặp tôi. Chính ông đã khuyến khích tôi cứ dịch đi: “Đừng lo, mẹ tôi là người không biết tí gì về vật lý, vậy mà Lược sử thời gian đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của bà”.
Vậy là, sau khi thỏa thuận được với NXB, tôi cùng anh Cao Chi tiến hành dịch Lược sử thời gian từ nguyên bản tiếng Anh sang tiếng Việt. Tổng kết lại thì lý do lớn nhất khiến chúng tôi bắt tay vào công việc dịch thuật là do lòng yêu thích đối với tác phẩm.
- Xin hỏi ông nhuận bút cho hai dịch giả hồi đó là bao nhiêu, có nhiều không?
- Mỗi người được 500.000 đồng. Không nhiều, nhất là so với công sức bỏ ra. Dịch một cuốn sách như Lược sử thời gian là rất khó, đặc biệt là khi đó, có nhiều khái niệm vật lý học hiện đại còn rất mới với chúng tôi, với độc giả Việt Nam.
Điều bất ngờ: Sách khoa học cũng có độc giả!
Dịch giả Phạm Văn Thiều Sinh năm 1946 tại Nam Định |
- Tôi vẫn băn khoăn về sức tiêu thụ của dòng sách khoa học. Nhiều người cho rằng đó là loại sách rất kén độc giả, nhất là ở một quốc gia mà khoa học - công nghệ chưa phát triển như Việt Nam. Theo ông, sách khoa học có thị trường ở nước ta không?
- Tôi tin là độc giả Việt Nam thật sự có nhu cầu về sách khoa học. Bằng chứng là một cuốn sách về vật lý và vũ trụ học như Lược sử thời gian đã được tái bản ít nhất 6 lần. Cuốn Những con đường ánh sáng (Trịnh Xuân Thuận) mới ra một tháng đã được tái bản ngay, theo như NXB thông báo cho tôi.
Cuốn Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ (Brian Greene) được tái bản 3 lần trong 4 năm. Tất cả đều là những cuốn sách nghe có vẻ khó đọc cả.
Một cuốn về lĩnh vực bị coi là rất khô khan là toán học - cuốn Định lý cuối cùng của Fermat (Simon Singh) - cũng đã được tái bản. Tôi biết có những độc giả ở Hà Nội phải đến tận chi nhánh NXB Trẻ ở số 91 Nguyễn Chí Thanh để hỏi mua, mà kho cũng hết sạch, không còn cuốn nào.
- Nhưng rõ ràng là các sách khoa học không gây cảm giác “có mặt trên mọi sạp” như những dòng sách khác (văn học, kinh doanh, thiếu nhi…). Vì sao lại như vậy, thưa ông?
- Tôi cho là vấn đề nằm ở khâu phát hành. Có thể do NXB chưa lưu tâm hoặc chưa đủ sức phát hành sách rộng khắp. Quả thực, những sách này tại các hiệu lớn ở Hà Nội và TP HCM thì có bán, nhưng tôi đi Hải Phòng chẳng hạn, đã không thấy một cuốn nào, nói gì tới những vùng sâu vùng xa.
Đơn vị phát hành có thể tổ chức mang sách vào hệ thống trường học để bán, ví dụ các trường chuyên. Tôi là dịch giả nhưng cũng từng mang sách tới một trường học để giới thiệu, nhân một buổi nói chuyện với trường, và đã bán được hết số sách mang theo.
Bên cạnh đó, còn là vấn đề tiếp thị nữa. Ở nước nào cũng vậy, văn hóa đọc dù cao thì vẫn phải có sự quảng bá, tuyên truyền để cung cấp thông tin định hướng cho độc giả. Nếu không thì sách hay và sách làng nhàng lẫn cả vào nhau mất.
- Ông có thể nói rõ hơn về chuyện tiếp thị sách khoa học?
- Ví dụ tại một số nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp. Trước khi một cuốn sách, kể cả sách khoa học, ra mắt độc giả, người ta tổ chức quảng bá kinh khủng lắm, hẹn ngày nào sách ra. Những tờ báo lớn luôn có các bài điểm sách rất hay, trong đó họ dành một phần đất không nhỏ cho sách khoa học.
Bạn cứ lật bìa sau của bất cứ cuốn sách khoa học nào của họ ra cũng sẽ thấy vậy. Ví dụ cuốn Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử (Simon Singh) đây, được Chicago Tribune nhận xét: “Đọc cuốn sách này là cả một niềm vui sướng lớn lao”.
Ở ta, việc tiếp thị mảng sách khoa học của các NXB cũng như việc quảng bá cho nó của giới truyền thông đều bị xem nhẹ, nhất là so với sách văn học. Mà chính ra, tôi tin là các sách non-fiction (phi hư cấu) có tác dụng xã hội lớn hơn sách văn học chứ, trong bối cảnh Việt Nam. Chúng ta bây giờ đang chạy theo công nghệ mà bỏ quên khoa học cơ bản.
Ai bảo sách khoa học khô khan?
- Vâng, như vậy, việc dịch những cuốn sách khoa học với thứ ngôn ngữ “đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ” hẳn phải rất khó khăn, phải không thưa ông?
- Cực kỳ khó, vì nó đòi hỏi dịch giả phải vừa có kiến thức khoa học, vừa có ngoại ngữ và đam mê văn chương chữ nghĩa nữa. Các sách khoa học của thế giới luôn luôn đề cập tới những vấn đề mới mẻ, hiện đại, sẽ khiến dịch giả gặp khó khăn về bao nhiêu khái niệm và thuật ngữ.
Khi dịch Lược sử thời gian, anh Cao Chi và tôi đã phải lập ra một loạt thuật ngữ mới trong tiếng Việt để diễn tả các khái niệm trong sách: lý thuyết lượng tử vòng (loop gravity theory), vũ trụ lạm phát (inflation of universe), bức xạ nền, bức xạ phông (background radiation)…
- Có bao giờ ông vấp phải những khó khăn về thuật ngữ mà không thể vượt qua nổi không?
- Phải vượt qua chứ. Phải tra cứu, phải làm cho bằng được. Hồi dịch Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Trịnh Xuân Thuận), ngoài việc dịch từ bản gốc, tôi còn phải mua thật nhiều sách Phật về đọc, để tìm cách diễn đạt thế nào cho “có không khí” Phật giáo nhất. (Nhưng lại vẫn phải dễ hiểu, chứ nói chung là nên hạn chế sử dụng quá nhiều thuật ngữ tôn giáo).
- Cuốn khó nhất mà ông từng dịch là cuốn nào? Và ông thích các cuốn nào nhất?
- Khó nhất là Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ. Tôi thích tất cả các cuốn sách mình đã dịch, thích nhất là Lược sử thời gian, Giai điệu bí ẩn (Trịnh Xuân Thuận), và Định lý cuối cùng của Fermat.
Thiếu người dịch
- Hiện nay, đội ngũ dịch thuật sách khoa học ở Việt Nam còn rất mỏng. Tôi chỉ thấy nổi lên vài cái tên: Phạm Văn Thiều (cùng con gái Phạm Thu Hằng, con trai Phạm Việt Hưng), Nguyễn Tường Bách (một học giả Việt kiều), hai vợ chồng Trần Mai Hiên - Ngô Minh Toàn (du học sinh)… Vì sao lại ít người như vậy, có phải do việc dịch… vừa khó vừa nghèo không?
- Nguyên nhân chính là độ khó của công việc. Như tôi đã nói, dịch sách khoa học đòi hỏi quá nhiều phẩm chất: hiểu và yêu khoa học, giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt. Còn nhuận bút thì thật ra các NXB trả cũng được lắm. Ví dụ tôi dịch cuốn Những con đường ánh sáng (Trịnh Xuân Thuận), mất 2 tháng, nhận hơn 50 triệu đồng. Tôi cho là nếu làm việc có chất lượng thì thu nhập không đến nỗi tệ đâu.
Gần đây các anh Vũ Công Lập và Nguyễn Văn Liễn, cùng với tôi, đã lập Tủ sách Khoa học và Khám phá, chuyên dịch sách khoa học để giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Tủ sách ra được một số cuốn rồi đấy: Bảy nàng con gái của Eva, Mật mã - từ cổ điển đến lượng tử, Thế giới lượng tử kỳ bí.Chúng tôi cũng đang tìm kiếm để mở rộng thêm đội ngũ dịch giả.
Nhưng phải công nhận là rất khó, nhiều người biết ngoại ngữ cứ tưởng ngon ăn, vào dịch thử là biết tay nhau ngay.
- Việc chọn sách để dịch do ai đảm nhiệm? Dịch giả giới thiệu, hay NXB lựa chọn và tìm người dịch?
- Hiện nay, chúng tôi cũng đang kiêm luôn công việc tìm kiếm bản thảo và giới thiệu cho NXB. Thường chúng tôi vào mạng sách Amazon hoặc đọc các tạp chí khoa học của nước ngoài, xem họ điểm cuốn gì hay thì báo lại NXB, liên hệ bản quyền và tổ chức dịch.