"Định mệnh đưa tôi đến với vật lý thiên văn"

10:43 SA @ Thứ Sáu - 19 Tháng Tám, 2005

GS. TS. người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Ông đã viết khoảng 200 bài tiểu luận về sự hình thành các yếu tố trong Big Bang và Thiên hà, cùng sự tiến triển của chúng...

"Định mệnh đưa tôi đến với vật lý thiên văn"

GS Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội nhưng lại theo học trung học lần lượt tại trường Yersin (Đà Lạt), rồi trường Jean Jacques Rousseau ở Sài Gòn (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn - TP.HCM). Ông thông minh và ham học nên học giỏi đều cả văn học và các môn tự nhiên (các tác phẩm khoa học của ông sau này cũng mang đậm hơi thở thơ văn, vì thế không hề khô khan chút nào).

Như bao đứa trẻ tò mò khác cùng lứa tuổi, ông vẫn thường nhìn lên bầu trời, ngắm những vì tinh tú, những ngôi sao đổi ngôi, những biến chuyển không ngừng trên nền trời đêm bao la,... và tự đặt ra cho mình vô vàn câu hỏi. Không phải câu hỏi nào cũng tìm được lời đáp thỏa đáng nên ông mang "kho" thắc mắc đấy theo mình trong những năm tháng tuổi thơ, đến tận ngày ra nước ngoài du học.

Say mê khoa học, ông tôn Albert Einstein làm thần tượng. GS Trịnh Xuân Thuận: "Einstein là thần tượng khoa học của tôi". Yêu thích vật lý, ông có nguyện vọng được sang Pháp để tiếp tục nghiên cứu vật lý và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, do bối cảnh thời điểm 1965-1966 có "trục trặc" trong quan hệ giữa Pháp với chính quyền Sài Gòn, ông đành sang Thuỵ Sỹ - nơi có hệ thống trường dạy bằng tiếng Pháp. Năm 1967, dù chưa thạo tiếng Mỹ, ông giành được học bổng lên thẳng năm thứ hai của ba trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Mỹ: MIT ở Boston, Caltech ở Pasadena California và Princeton. Tuy vậy, ông quyết định theo học tại Học viện Công nghệ California (Caltech) vì nơi đây... ấm áp, dễ chịu và cũng là nơi có những giáo sư giỏi nhất thế giới, trong đó có nhiều vị đã đoạt giải Nobel. Đây chính là bước ngoặt lớn nhất đời ông.

Nuôi mơ ước được nối gót con đường nghiên cứu vật lý của Einstein nhưng chàng thanh niên 19 tuổi Trịnh Xuân Thuận lại gặp phải... Palomar, kính thiên văn lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Với 5m đường kính, Palomar thực sự quyến rũ đối với chàng trai vẫn mang trong mình nhiều câu hỏi tò mò chưa được giải đáp của tuổi thơ. Hơn nữa, năm 1967 cũng là thời điểm "thăng hoa" của ngành vật lý thiên văn với vô số những kiến thức mới mẻ như thuyết giãn nở vũ trụ, phát hiện ra nhiều thiên hà ngoài Thái Dương hệ, chuẩn tinh, vụ nổ tia X, tia gamma, v.v... Và Trịnh Xuân Thuận quyết định ngay tắp lự: Thôi không nghiên cứu vật lý lý thuyết nữa để chuyển hẳn sang vật lý thiên văn. Ông cười hiền hậu: "Kể từ đó đến nay, tôi vẫn không ân hận về quyết định của mình".

"Sống ở đời, phải có đam mê"

Chuyến về thăm quê hương lần này, GS Trịnh Xuân Thuận mong muốn đóng góp được một điều gì đấy cho nền giáo dục Việt Nam. Ông rất tâm đắc với những bài học tự vươn lên bằng khoa học, công nghệ của các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc. Không kể Trung Quốc, hai quốc gia còn lại đều "khô cằn sỏi đá", hầu như không có nguồn tài nguyên thiên nhiên nào đáng kể, và đều bị chiến tranh tàn phá đến kiệt quệ. Nhưng khi vừa tan lửa khói chiến tranh, họ bắt tay vào xây dựng lại đội ngũ khoa học - kỹ thuật bằng cách gửi sinh viên ra nước ngoài học tập. GS Thuận phân tích: "Khi trở về, lực lượng này đã đưa Nhật Bản trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới sau Mỹ, hay biến "sỏi đá" Hàn Quốc thành ti-vi màn hình phẳng, điện thoại di động kỹ thuật cao, hoặc như người Trung Quốc đưa Dương Lợi Vĩ lên không gian. Ban đầu, họ chỉ học hỏi những điều chưa biết để làm theo, nhưng dần dần họ đã phát huy được tinh thần sáng tạo để biến kiến thức thành nội lực của đất nước mình...".

Chuyến về thăm quê hương lần thứ tư này, GS Trịnh Xuân Thuận không đặt hẳn vấn đề giảng dạy như ông đã từng làm cách đây bốn năm. Bởi ông hiểu, dù có cố gắng đến đâu thì với quỹ thời gian quá eo hẹp, ông cũng không thể thay đổi được kiến thức chuyên sâu của sinh viên Việt Nam về vật lý thiên văn - môn học đòi hỏi phải có quá nhiều tiền để đầu tư cho các trang thiết bị nghiên cứu, trong khi phần lớn sinh viên ra trường lại chịu cảnh thất nghiệp hay làm việc không đúng ngành nghề đào tạo.

"Đối tượng nghe nói chuyện của tôi không chỉ là những người làm khoa học mà chủ yếu là đại chúng. Tôi muốn truyền cho họ niềm đam mê đối với khoa học - kỹ thuật và nuôi dưỡng ước mơ ra nước ngoài học tập" - GS Thuận nói - "Sống ở đời, phải có đam mê. Hãy đưa thật nhiều người đi du học, và chỉ cần 1% trong số đó học thành tài trở về xây dựng đất nước thì chúng ta cũng đã có cơ hội phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống rồi!".

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà vật lý thiên văn gốc Việt nổi tiếng thế giới: Trịnh Xuân Thuận

    19/08/2005Giáo sư - Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt - Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Cả cuộc đời ông dành cho thiên văn học. Ông không chỉ nghiên cứu vũ trụ với tư cách một nhà thiên văn mà còn nghiên cứu nó ở góc độ triết học. Trịnh Xuân Thuận còn là một nhà văn nổi tiếng viết về vũ trụ. Những tác phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu về thiên văn nhưng đẫm chất văn chương và triết học như: Giai điệu bí ẩn (1988); Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... Ông hiện là giáo sư ĐH Virginia (Mỹ)...
  • Về cuốn sách Lượng tử và Hoa sen

    18/08/2005Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật...
  • Cái vô hạn trong lòng bàn tay

    09/07/2005Minh BùiĐề cập đến hai cuộc đời, một của nhà vật lý thiên văn sinh ra đã là Phật tử - người mong muốn đem những hiểu biết khoa học của bản thân đối chiếu với những nguồn gốc triết học của mình, và một của nhà khoa học phương Tây trở thành nhà sư - người mà những kinh nghiệm cá nhân đã kích thích ông so sánh hai con đường nhận thức hiện thực khách quan đó.
  • "Tôi tin vào thuyết sáng tạo"

    07/07/2005Bích HạnhNói tiếng Việt không thật chuẩn, thường xuyên phải minh họa bằng tiếng Anh, Pháp và cả "body language", nhưng giáo sư Trịnh Xuân Thuận vẫn hấp dẫn hội trường đông kín người tại ĐH Bách khoa Hà Nội suốt 3 giờ đồng hồ sáng nay, với bài nói chuyện về Big bang và con người trong vũ trụ...