Một cuộc ra đời lần thứ hai

10:31 SA @ Thứ Ba - 27 Tháng Chín, 2005

Trước hết, cần tìm một định nghĩa cho tâm linh. Xưa nay khái niệm ấy dùng một cách mù mờ, chân tình và cơ hội, trắng đen vàng thau để lẫn lộn. Thành thử có khi tôn vinh tâm linh mà thành hạ thấp nó. Còn trong nhiều trường hợp tâm linh trùng với đồng cốt phong thuỷ... Nguyễn Duy trong bài Bao cấp thơ chẳng biết vô tình hay cố ý, nhưng lời lẽ báng bổ thì đã rõ ràng Cứ nòi lẩn thẩn ngàn năm / Vu vơ động cỡn tâm thần tâm linh...

Khi chưa có nổi định nghĩa, cuộc thảo luận về cái tâm linh dễ đi vào ngõ cụt, vì không có chỗ quy về.

Thế nhưng đi tìm một định nghĩa cho tâm linh còn khó hơn thực hiện được lời thách thức này của Mahatma Gandhi: "Bạn hãy nhìn giọt nước đang rơi từ mái tranh xuống kia. Bạn có đoán chắc có thể mô tả được thực sự đúng cái sự kiện giọt nước ấy không" (Giới thiệu sử thi Bhagvad Gita).

Không mô tả chính diện sự kiện, nhưng dùng cách bao vây để định nghĩa cũng được chứ sao?

Qua định nghĩa nghệ thuật là gì trong những bài giảng của Rabindranath Tagore ở Hoa Kỳ năm 1920-1921, cũng có thể hé nhìn thấy tâm linh của con người. Tagore nói: con người muốn sống thì phải giải quyết cái đói cái khát và những nhu cầu vật chất. Đó là những món ăn phải có cho một con người. Sau đó rồi, có tâm linh, và tâm linh cũng tìm thức ăn riêng cho nó. Trong cuộc tìm kiếm đó, vẫn theo Tagore, con người trải qua một cuộc ra đời lần thứ hai. Khái niệm ra đời lần thứ hai có thể đem dùng thích hợp cho trường hợp tâm linh. Đó là điều lâu nay vẫn nói đến như là giác ngộ. Giác ngộ chẳng qua là sự nhận thức ra, tiềm tàng và bừng tỉnh. Một thứ nhận thức không chỉ là Eureka lôgích, trí tuệ, mà trọn vẹn hơn nhiều.

Đành lại phải lấy văn chương để bao vây và minh hoạ những đột biến tâm linh như thế. Martin Luther tản bộ và lầm rầm với thiên sứ Lạy thánh Anne, xin cứu giúp, con sẽ đi vào con đường tu hành, và Ngài đã giữ lời, làm đúng và làm hơn cả tôi đã hứa, Ngài theo con đường tu hành và còn cải cách tôn giáo nữa. Thích Ca Mầu Ni ngồi bên cây bồ đề, và nhận ra cái bể khổ con người đang sống trầm luân, và Đạo của Ngài tiềm tàng từ lâu đã thăng hoa thành tôn giáo.

Cô trinh nữ Jeanne d’Arc nước Pháp cũng từng nghe thấy lời thiên sứ, trời đất thúc giục cô đánh đuổi quân Anh xâm chiếm tổ quốc mình cho dù cô sẽ tuẫn tiết ở Oriéans. Người Việt Nam hiện đại hoàn toàn không xa lạ với những bừng hiểu cách mạng tương tự. Nó khiến cho những con người đương thời thực sự giác ngộ... đã hiến đất, hiến máu, hiến vàng, hiến con, hiến thân mình, hiến tuổi xuân, hiến mái đều bạc, hiến đôi mắt, hiến đôi bàn tay cho cuộc đời, cho dân tộc, cho loài người.

Sự hiểu lầm dai dẳng khi định nghĩa tâm linh, người ta thích dùng chữ "linh" viết bằng chữ Hán để chiết tự về tâm linh. Đúng là "linh" có mang nghĩa linh ứng, linh nghiệm, thông linh... Nhưng cũng đừng nên quên là, vẫn chữ "linh" viết cách ấy tạo nên những từ ghép như linh động, linh hoạt và cả linh tinh nữa. Bám vào chữ "linh" cửa người Tàu để tán nghĩa có thể dại dột. Cũng chớ nên bám vào những tiếng tâm linh có gốc Latinh hoặc Hy Lạp để tán nghĩa. Trong tiếng Pháp, esprit gốc La tinh có nghĩa "hơi thở, hoặc luồng gió", do đó spirituel nghe chừng cũng "tâm linh” đấy, nhưng spiritueux thì lại chỉ là rượu nặng.

Vậy thì, thay vì định nghĩa lối chiết tự để tìm cấu trúc tâm linh, nên chăng đi tìm vào mặt chức năng của nó? Nói cách khác, ta sẽ tự hỏi cái tâm linh giúp con người quan hệ, giao tiếp với cái gì, giúp con người đến được với những gì?

Các nhà đồng cốt phong thuỷ được hỗ trợ đầy cảm thông của một vài nhà khoa học - cho rằng tâm linh giúp con người đến được cả với thế giới huyền vi bên ngoài cõi sống của chúng ta.

Vê điểm này, tuy vẫn tin vào sự huyền vi của Đời, tin rằng rất có thể có một thế giới nào đó khác hẳn thế giới chúng ta quen sống và cảm nhận, nghĩ rằng Ta và cái Thế giới kia cũng chẳng khác mấy những con vi khuẩn bỗng không bị chết hàng ty tỷ chỉ vì một giọt xilin vô cớ nào đó. Rất có thể. Nhưng từ điểm xuất phát hôm nay và nơi đây tới chỗ con người giao dịch được với cái thế giới huyền vi kia, còn cần những bước tiến trí tuệ tạo được cái tần số nào đó khả dĩ để hai bên "đọc" được nhau.

Từ đây tới đó là con đường của những thành tựu khoa học chân chính chứ không thể đi theo định hướng của những thói quen mê tín.

Vậy nếu tạm loại trừ đi cái miền huyền vi chưa kiểm soát nổi, còn lại ít nhất hai miền để tâm linh đối thoại được, đó là đến được chính cõi lòng mình và đến được với cõi lòng kẻ khác. Đó là cuộc gặp gỡ từ hai phía và từ nhiều nguồn xung động của trí tuệ, của tình cảm, của lòng nhân ái, của tính đồng cảm, của rung động nghệ thuật... xung động tạo ra từ mọi nguồn giá trị thực của đời sống thực.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Trần BạtLà một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được...
  • Nhân học triết học hiện đại với vấn đề tồn tại người

    12/09/2005Đỗ Minh HợpTriết học thế kỷ XX đã trôi qua dưới khẩu hiệu "sự phồn vinh của nhân học". Những biến đổi trong cách tiếp cận nghiên cứu con người đã gắn liền với sự hình thành nhân học triết học. Con người trở thành trung tâm của vũ trụ, là chiếc chìa khoá để mở ra mọi vấn đề...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • Giữa con người và con vật khác nhau ở điểm nào?

    21/07/2005Từ thời Darwin, quan điểm ngược lại đã trở nên phổ biến, không chỉ giữa các nhà khoa học, mà cả trong các tầng lớp học thức nói chung. Học thuyết của Darwin về nguồn gốc con người cho rằng con người và loài vượn người đã thừa hưởng từ một dạng tổ tiên chung; và cùng với quan điểm về nguồn gốc tiến hóa của con người này là quan điểm cho rằng con người và những loài động vật có vú cao cấp chỉ khác nhau về mức độ. ...
  • Tâm linh – bản thể con người

    09/07/2005Nguyễn KiênTrong đời sống con người, thiêng liêng là một trong những cái không thể nhận biết bằng lý trí và tất cả những gì là thiêng liêng, là cao cả bao giờ cũng vẫy gọi con người, là cho nó luôn luôn tự vượt mình, hướng tới cái cao hơn (hướng thượng), hướng tới cái siêu việt, tới trạng thái chân hơn, mỹ hơn, thiện hơn. Xu hướng ấy của con người tạo ra một mặt cơ bản của đời sống con người: đời sống tâm linh.