Cái giá của tức giận

05:24 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Sáu, 2015

Tâm sân hận là tâm muốn gây tổn hại và hủy diệt. Ngược lại, kham nhẫn là tâm biết kiềm chế, không gây tổn hại và hủy diệt. Rất khó đối trị lòng sân hận; rất khó phát triển lòng kham nhẫn. Kham nhẫn là đức tính duy nhất thắng được sân hận.

Có người nói giận dữ không phải là quá xấu xa, đôi khi cũng nên nổi giận để xả bớt cơn đau trong lồng ngực. Một số bác sĩ trị liệu đôi khi còn khuyên nên nổi giận. Tôi không tranh cãi về vấn đề này vì tôi không phải là chuyên gia trị liệu. Sân hận, đố kỵ, và tự hào có thể đưa con người đến chỗ thành đạt các mục tiêu của mình ở trường học, chỗ làm, và trong mọi lĩnh vực khác của đời sống.

Mặc dầu nó đem đến sự thỏa mãn một dục vọng nào đó, bất kỳ thành công nào đạt được bằng các phương tiện như thế sẽ phải trả giá đắt. Mục tiêu không thể nào biện minh cho phương tiện, đó là điều cần nhớ. Sự bùng nổ cơn giận sẽ không đem lại lợi ích nào dài lâu, có chăng chỉ là một chút thỏa mãn ngắn ngủi.

Giá của cơn giận rất đắt, cực kỳ đắt. Nó không chỉ là “viện phí” mà bạn trả cho bác sĩ trị liệu; về tâm linh nó rất tổn hại; và trong đời sống hằng ngày, nó làm mất đi cái tâm trong sáng, yên bình. Tâm bình yên giống như một ly nước tinh khiết, ngon ngọt. Một phút giận dữ giống như bỏ đất vào ly. Giận dữ làm cho bạn khốn khổ và làm cho người xung quanh cũng trở nên khốn khổ – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả xã hội cũng trở thành khốn khổ bởi cơn giận của bạn.

Hãy tưởng tượng đêm qua bạn có một giấc ngủ ngon. Bạn thức dậy, khỏe khoắn, thoải mái, phấn chấn. Bạn hy vọng một ngày tốt lành. Rồi bạn đi ra khỏi nhà và gặp phải một chuyện bực mình. Người nào đó đã đậu xe chắn ngang làm bạn không lấy xe mình ra được và bạn không tìm ra chủ xe để yêu cầu chuyển chỗ. Bạn tức tối. Bạn nghĩ, “Mình sẽ bị trễ việc mất. Mình sẽ thế này, thế nọ. Thật là bực cả mình”, hoặc nghĩ quẩn thế nào đó. Khi bực bội, hãy nhìn lại tâm trí mình. Tâm trạng phấn chấn không còn. Khuôn mặt bạn dài ra. Trong một lát, cơn giận có thể qua đi nhưng tâm trạng vui vẻ không còn. Bạn đâu có thường xuyên có được cảm giác tươi vui như thế. Lâu lâu nó mới đến một lần vậy mà bây giờ nó đã ra đi.

Cơn giận cướp đi của bạn sự thoải mái của cả thân và tâm. Và chừng nào mà bạn còn nuôi niềm sân hận, cơn giận sẽ bùng lên thiêu đốt và hành hạ bạn. Không có niềm vui mới nào sẽ sinh khởi và cả niềm vui đã có cũng tiêu tan. Bạn không thể nào cảm thấy được nghỉ ngơi bất cứ lúc nào trong ngày; thậm chí bạn không thể nào tập trung tư tưởng hay suy nghĩ. Bạn cảm thấy như có người đã bắn một mũi tên xuyên qua tim mình. Nếu trí óc bị xáo trộn thì có nghĩa rằng bạn còn phải trả giá bằng sức khỏe của mình.

Cơn giận ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống tương lai? Theo giáo pháp truyền thống, cơn giận được ví như lửa đốt cháy nhiều nhiên liệu – thứ nhiên liệu được tạo ra từ đức hạnh. Hãy tưởng tượng chỉ trong một phút giận dữ rất nhiều công đức tích luỹ từ bao lâu nay bị đốt cháy. Tạo ra nghiệp thiện thật là khó. Phải nỗ lực rất nhiều, suy nghĩ nhiều và hy sinh nhiều. Ấy thế mà một phút giận dữ có thể làm tiêu tan tất cả.

Giận dữ dễ trở thành thói quen

Cơn giận nổi lên thật dễ dàng giống như nướng bánh mì bằng lò nướng. Đó là một thói quen. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình không muốn nổi giận, nhưng từ sâu trong lòng chúng ta ắt phải có một chút khoái trá nào đó khi làm như vậy. Cơn giận cho chúng ta một chút thoả mãn: “Mình đã trút hết nỗi bực bội. Mình đã cho người ta biết tay”.

Mặc dầu sau đó chúng ta có thể hối tiếc là đã la hét om sòm, sự hối tiếc này không đủ mạnh để kiềm giữ chúng ta. Chính sự thỏa mãn đang giữ chặt chúng ta. Điều này rất khó thấy. Hầu hết chúng ta đều phủ nhận nó. Nếu không có sự thỏa mãn đó thì chúng ta đâu có để mình mắc kẹt vào cơn giận và trở nên bất an. Chúng ta bị thúc đẩy phải lặp đi lặp lại hành vi đó. Nó trở thành một thứ mê hoặc.

Và khi bạn để mặc cơn giận tuôn trào nó sẽ trở lại thường xuyên hơn. Bạn trở nên cáu kỉnh, dễ nổi nóng và sự nóng giận trở thành một thói quen trước khi bạn ý thức về chuyện ấy. La hét, nổi trận lôi đình trở thành một thói quen. Bạn có thể có cảm giác mình chiếm thế thượng phong, đặc biệt là khi những người xung quanh không chống trả lại. Họ giữ im lặng có thể vì họ nghĩ chuyện không đáng phải đôi co, hay vì không thích lớn tiếng cãi vã, hoặc vì phép lịch sự hay ý thức về phẩm giá. Dù lý do nào đi nữa thì cũng không phải vì họ yếu và bạn mạnh. Nếu cơn giận cho bạn cảm giác về sức mạnh thì bạn đã bị cơn giận làm mê mờ tâm trí đi rồi.

Tôi không giận, nhưng mà…
Một người đàn ông đang lái xe trên đường cao tốc vừa mở radio. Thình lình có thông báo:“Trên đường cao tốc như thế như thế, có một người đang lái xe ngược chiều. Hãy cảnh giác tối đa”. Ông ta nhìn quanh rồi nói:“Chỉ một người lái xe ngược chiều thôi sao? Có đến hằng trăm người đang đi ngược chiều đấy chứ!”.
Làm sao chúng ta có thể tìm được tự do? Chúng ta phải nhận thức được các tình cảm bất thiện đang cầm tù chúng ta. Chúng ta có nhận diện cơn giận, có nhận ra lòng đố kỵ, chúng ta nhận ra chúng, nhưng chúng ta không thừa nhận – hãy chỉ tay vào mình – rằng đó là cơn giận của mình.

Chúng ta thường không thừa nhận mình đang nổi giận, không thừa nhận sự ngu dốt của mình. Chúng ta muốn phủ nhận chúng. Chúng ta muốn phủ nhận rằng mình đang giận, mình có lòng ganh ghét, mình ngu dốt. Nếu mình tiếp tục phủ nhận như thế thì làm sao mình nhận thức được nó?

Có người nghĩ, “Vâng, giận dữ là điều xấu; tôi không nên tỏ ra giận dữ”. Và thay vì để cho cơn giận bùng ra thì họ dồn nén nó. Thay vì loại bỏ nó thì người ta cất giữ nó. Bạn phải thừa nhận rằng nó vẫn còn đó. Một vài người, những người chân thật, sẽ nói cho bạn biết rằng, “Tôi đang giận”. Còn hầu hết mọi người thì nói, “Tôi không giận, nhưng…”Phải không? Và nhiều người sẽ sẽ nói, “Tôi không có vấn đề, nhưng… người khác thì có vấn đề”.

Bạn có vấn đề lớn bằng con voi ở bên trong, dù bạn có phủ nhận bao nhiêu đi nữa. Bằng cách phủ nhận bạn lại làm cơn giận tăng thêm một chút. Bạn có thể lôi kéo vài người nữa vào cuộc, tạo ra thêm một chút rắc rối, và thêm một chút nghiệp bất thiện. Đó là những gì chúng ta làm thay vì thừa nhận. Hãy thừa nhận. Nếu bạn có thể thừa nhận rằng mình đang giận và dành hai ba phút để nhìn vào tâm trí mình thì bạn sẽ cảm thấy hơi xấu hổ, hơi mềm yếu, hơi ngượng ngùng. Và khi trải qua cảm giác ấy, cơn giận dịu đi rất nhiều.

Có thể sẽ mất một tuần hay một tháng để thừa nhận, thậm chí là một năm. Một số trong chúng ta giận mẹ của mình, và nuôi mối hờn đó mãi. Chúng ta ôm chặt nỗi giận suốt nhiều năm. Nhưng dù có giận bao lâu đi nữa, hãy thừa nhận. Rồi lần kế tiếp cơn giận sẽ không kéo dài lâu như thế. Cơn giận càng lúc càng yếu, và sẽ có lúc bạn có thể nhận ra nó vào lúc nó nổi lên. Rồi bạn có thể nhận ra nó đang manh nha trước cả khi bạn thật sự nổi giận, và về sau hoàn toàn tránh được nó.

Bực bội là một dạng nhẹ hơn của sự giận dữ hay sân hận. Đó cũng là một loại giận tuy rằng không phải là loại muốn gây tổn hại. Sự bực bội chỉ là luồng gió nóng thổi qua. Chúng ta cảm nhận nó nhưng một sự nóng lên trong cơ thể. Nó làm chúng ta mất đi một chút sáng suốt, vì thế cho nên cũng không tốt. Một sự bực bội có thể sinh ra từ lòng nhân từ: tình thương của bạn đối với con cái, với học trò, hoặc là đối với cha mẹ già và bạn có thể la lối những người ấy. Nhưng nếu bạn tỏ ra bực bội thường xuyên, nó có thể dễ dàng bùng lên thành cơn giận khủng khiếp. Vì thế đừng làm cho nó trở thành một thói quen. Bạn đang chơi đùa với lửa đấy.

Câu chuyện về cơn giận dữ

Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không được hài hòa.


Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm thành tật này. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình.

Một hôm, một người đã nói với bà : “Chùa gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”

Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với thiền sư.

Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.

Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.

Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.

Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không ?”

Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.”

Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?” Nói xong thiền sư lại im lặng.

Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?”

Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”

“Tại sao hết giận !”

“Tôi giận thì có ích gì ? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao ?”

Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.

Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”

Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”

Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”

Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay.

Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.

Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn ? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối ?

Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận ?

Thật ra tức tối không những tự làm cho mình khổ đau, và những người xung quanh cũng theo đó mà buồn lòng. Lúc tức tối tức giận, không gì ngăn cản cái miệng, buông lời quái ác, một số lời lẽ trong đó có thể làm đau lòng người nghe, thậm chí có cả những người yêu thương quan tâm mình.
" Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai “, chỉ một niệm khởi sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sanh.

Cho nên đừng nên vì sự việc nhỏ nhặt mà gây ra chuyện hại người hại mình, tức tối la hét là hành vi của kẻ ngu muội.

Tuy chúng ta chưa thể là một người thông minh, nhưng tối thiểu chúng ta cũng đủ trí tuệ ngăn cản mình làm một con người ngu dại. Xem nhẹ hơn mọi sự việc không như ý, đồng thời tìm thấy ich lợi trong im lặng, giác ngộ ý thiền trong cuộc sống. Từ đó chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống không cần phải mệt mỏi như ta tưởng, cũng không phài khốn khó như ta đã gặp.

Những sự việc nhỏ nhặt cũng giống như những hạt cát trong đôi giày đã làm cho bạn khó chịu.

Thế thì bạn lựa chọn cách giũ bỏ hạt cát hay vứt bỏ đôi giày ? Chúng ta không thể không mang giày, vì còn con đường dài phía trước, thế thì tại sao chúng ta không chịu giũ bỏ hạt cát !
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chiếc bình sứ cổ

    08/04/2020Nguyễn Ngọc BíchKhi tham lam là mầm mống bẩm sinh, từ bé đến lớn, một người không được dạy để chấp nhận thiệt thòi, thì họ sẽ thấy tham lam là hợp lý. Được dạy dỗ không khoan nhượng với kẻ thù thì lúc cần họ sẽ áp dụng...
  • Tại sao Google tìm cầu tuệ giác của Thiền sư Thích Nhất Hạnh?

    30/10/2018Sư cô Tại Nghiêm chuyển ngữTại sao nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, trong đó có Google, lại dành sự quan tâm đặc biệt đối với một vị Thiền sư Phật giáo người Việt đã 87 tuổi.
  • Từ đạo Phật nghĩ về cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa

    13/05/2018Thái Nam ThắngKể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế. Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?
  • Tính chừng mực

    23/04/2018Nguyễn Văn BìnhThời này là thời của những dấu ấn riêng, sống phải có cá tính, có phong cách và thẩm mỹ nhất định phải có “gu”. Nếu bạn sống không có dấu ấn riêng thì khó lòng thu hút được sự quan tâm của người khác. Mà nôm na thì dấu ấn riêng tức là phải khác người ta. Tất nhiên là cái gì cũng phải có chừng mực của nó...
  • Tại sao phải hét to khi tức giận?

    24/08/2017Minh AnhCó một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng:
    - Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?
  • Những niềm vui của việc bị hạ nhục

    14/12/2016Orhan PamukSự độc đáo của Bút ký dưới hầm phát sinh từ khoảng không gian u tối giữa đầu óc duy lý của Dostoyevsky và con tim giận dữ của ông - giữa việc ông chấp nhận rằng Nga hưởng lợi từ quá trình Tây phương hóa và sự phẫn nộ trước những trí thức Nga kiêu hãnh rêu rao các tư tưởng duy vật khách quan...
  • Con đường hạnh phúc

    08/10/2014Viên Minh & Trần Minh TàiThực tế chứng minh, lắm người đã lên đến tột đỉnh của danh vọng hay đã thành công trong việc tạo lập một tài sản to lớn, nhưng vẫn sống một đời sống bất an, vô vị. Hạnh phúc đâu phải xa vời với chúng ta đến thế, chỉ cần hướng tâm về với chính mình để khai thác một nguồn hạnh phúc bất tận luôn sẵn có ở bên trong mà chúng ta lãng quên để chạy theo cái bóng hạnh phúc bên ngoài...
  • Oprah đàm đạo với thiền sư Thích Nhất Hạnh

    19/03/2014Phù Sa chuyển ngữTrên trang nhà Oprah.com, chúng tôi đọc được lời giới thiệu sau đây của Oprah về Thiền sư Nhất Hạnh, người mà cô được đặc cách phỏng vấn vào tháng 9, 2009 tại Nữu Ước, khi thiền sư tới đó hoằng pháp...
  • xem toàn bộ