Vấn đề đào tạo nhân tài
Trần Bạch Đằng: Nếu cứ để cung cách đào tạo nhân lực như hiện nay thì sẽ kéo dài tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài...
Giáo sư Hoàng Tụy: Tôi nói nguy kịch là đúng, chất lượng thảm hại. Học tủ, bài mẫu, luyện thi, phao phiếc...cuối cùng là kết quả như vậy. Giáo sư Tụy nhận xét vậy sau khi có kết quả cuộc thi vào Đại học và Cao Đẳng hồi tháng 8-02.
Phan Đức (Báo Người Lao Động ngày 11-10-02) dựa vào tin của Trung tâm Công nghệ Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có tới 67,5% của gần 90% thí sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) dự thi chỉ đạt được từ 0 đến 10 điểm ba bài thi được các Giáo sư coi là 'bám sát nội dung sách giáo khoa và nói chung là dễ'.
Tài liệu cũng cho biết có tới 339,888 thí sinh chỉ đạt điểm bình quân mỗi bài thi 2 điểm trở xuống. Tổng số điểm thi trung bình của thí sinh trên cả nước là 8,3/30 điểm.
Phan Đức viết: 'Ấy vậy mà trong nhiều năm nay, ngành giáo dục thường công bố tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT từ 90% trở lên, có nơi đạt tới 99% !'
Ngoài ra, vẫn theo Phan Đức,Viện Nghiên cứu Giáo dục vừa hoàn tất một cuộc điều tra về mặt kỷ luật, đạo đức cho thấy 'học sinh của ta càng học lên cao càng tệ.'
Đức viết:'Ví dụ tình trạng đi học muộn ở bậc tiểu học là 20 phần trăm, bậc Trung học Cơ sở (Đệ I cấp) là 21%, bậc THPT 58 phần trăm, bậc Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) 85 phần trăm. tỉ lệ học sinh quay cóp bài ở các bậc học: 8 phần trăm, 55 phần trăm, 54,6 phần trăm và 49 phần trăm. Tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ ở các bậc học là 22 phần trăm, 50 phần trăm, 64 phần trăm, 83 phần trăm. Nghĩa là càng học lên cao càng nói dối nhiều. Trong khi đó tỉ lệ học sinh chấp hành luật giao thông càng lên cao càng giảm:96 phần trăm, 65 phần trăm, 30,2 phần trăm và ở bậc ĐH,CĐ chỉ có 16 phần trăm!'
Phan Đức kết luận:'Những con số về chất lượng văn hóa và đạo đức của học sinh, sinh viên như vậy thật sự làm choáng váng các bậc phụ huynh, các nhà giáo và hết thảy những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Đây là kết quả của cách giáo dục yếu kém và cách dạy thì nhồi nhét, cách học thì như con vẹt, vừa quá tải, vừa lạc hậu so với thế giới.'
Giáo sự Hoàng Tụy còn viết bài 'Những nghịch lý giáo dục' trong tập san tia Sáng và được báo Nhân Dân đăng lại ngày 10-11-02, theo đó trẻ em Việt Nam cấp Tiểu học có kỷ luật, giỏi toán, tập trung chú ý, kính trọng thầy cô, đoàn kết với nhau, coi học tập là niềm vui nhưng lại 'không thông minh' bằng học sinh cùng độ tuổi ở nước Đức.
Ông Tụy đã so sánh hai lối dạy của hai nước, sau khi có kết quả của cuộc nghiên cứu của một nhóm nhà nghiên cứu Đức sang Hà Nội điều tra so sánh giữa 20 lớp Tiểu học với 54 lớp Tiều học ở Munich.
Giáo sư Tụy viết:' Sự khác biệt trong phát triển trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào môi trường giáo dục, chứ không phải nguồn gốc dân tộc hay giai tầng xã hội. Vậy khi trẻ em Đức được đánh giá có phần thông minh hơn trẻ em Việt Nam, thì điều đó cũng có nghĩa giáo dục của ta chưa chú ý đầy đủ việc phát triển triủ ´àệ, mà còn nặng nhồi nhét kiến thức, gò bó cá tính, và ít khuyến khích phát triển tính năng động, sáng tạo.'
'Có thể trẻ em ta biết nhiều thứ, nhưng chỉ khi được hỏi về những kiến thức có sẵn mới ứng đáp trôi chảy, còn khi đặt trước những tình huống mới, chưa được học tới ở lớp, mà phải vận dụng thông minh để xử trí, thì thường lúng túng, xoay xở kém; ngay cả những điểm cao về toán cũng chưa phản ánh khả năng thật, mà chủ yếu vì học nhiều, làm nhiều bài mẫu, mà nhiều khi cũng chỉ được hiểu một cách hình thức, giống như các máy tính biết đánh cờ giỏi vì đã được cài đặt những chương trình phức tạp.'
Giáo sư Hoàng Tụy coi cuộc nghiên cứu của Đức là 'một hồi chuông cảnh cáo' với những người lãnh đạo. Ông viết:'Với nền giáo dục kiểu này học sinh Việt Nam học giỏi, ngoan ngoãn, có kỷ luật ở các lớp nhỏ, nhưng càng học lên cao càng đuối sức dần vì đã không biết dành sức chạy đường dài. Khi nhà trường chỉ tập trung nhồi nặn trẻ em theo một mẫu cứng nhắc thì nhiều đức tính có được chỉ là cái bề ngoài không sâu, không thực chất, khi lớn lên có thể dể dàng mất đi hoặc biến dạng thành điều trái ngược. Mặt khác, sự gò bó quá mức ngăn cản sự phát triển tính năng động, tư duy độc lập, đầu óc tưởng tượng, cho nên sau này ra đời dễ bị hẫng hụt, và một khi không đủ tài trí thông minh để cạnh tranh lành mạnh thì có thể dễ dàng nảy ra xu hướng vươn lên bằng mánh khóe, lừa dối, gian xảo.'
Thực Tế
Đem lối giáo dục kiểu này áp dụng vào thực tế đời sống của nền kinh tế Xã hội chủ nghĩa, Nhà giáo Hoàng Tụy viết:'Cuối cùng cũng nên tự hỏi:vì sao con em ta giỏi toán mà đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta về nhiều mặt lại thể hiện một cung cách làm ăn không hề biết tính toán - cứ xem chuyện mía, đường, xi-măng, xe máy, v.v. thì rõ - một trình độ dân trí (đúng hơn là quan trí) quá thấp so với cả những nước như Thái Lan, Malaysia, chứ nói gì Đức hay các nước Tây phương khác ?
Vì sao trẻ em ta có tinh thần kỷ luật cao, mà đời sống công cộng của người lớn trong xã hội lại biểu lộ một ý thức kỷ luật, trật tự thấp kém không thể chấp nhận được ở một nước cần hướng tới công nghiệp và hiện đại hóa ? Vì sao trẻ em được dạy bảo phải thật thà, trung thực, mà xã hội người lớn có quá nhiều gian dối, tham nhũng, buôn lậu ? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu nghịch lý nhức nhối....Xã hội mà con xô bồ, thật giả lẫn lộn, kỷ cương phép nước không được tôn trọng, thì làm sao giáo dục tốt được.'
Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng thực tiễn hiện nay cũng là do hậu quả của lối giáo dục từ chương, giáo điều, học vẹt, thi lậu, bằng gian của đội ngũ.
Diệp Văn Sơn trong bài viết 'Nghĩ về chính sách thu hút nhân tài' trong báo Sài Gòn Giải Phóng được Nhân Dân trích đăng lại ngày 4-10-02 :'Ngày nay bằng cấp thì có đủ, nhưng thực sự là chuyên gia, là người tài đáp ứng được yêu cầu thì không nhiều.'
'Một địa phương được xem là nơi mạnh dạn đi đầu trong việc đề ra 'chính sách thu hút nhân tài', 'trải thảm đỏ', nhưng sau một vài năm, kiểm điểm lại chỉ thu hút được số lượng quá ít ! Có lẽ các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng như vậy. Một điều cũng dễ hiểu, số lượng người được coi là 'có tài thực sự' không phải là nhiều (vì nhiều năm qua việc đào tạo nhân tài chưa hiệu quả).'
Giáo sư Trần Bạch Đằng cũng viết trong Tạp chí Cộng sản số 16/2002 :'Chúng ta không thể công nghiệp hóa, hiện đại hopá theo mô hình kinh tế tự cấp, tự túc, khép kín, với trình độ khoa học kỹ thuật có hạn như các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước kia, bởi vì không thể để một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa lại thua kém trình độ khoa học hiện đại của thế giới.'
'Tình trạng phổ biến trong giáo dục của ta hiện nay là nặng về khoa cử, không khác mấy so với cách tiếp thu sách vở một cách máy móc của Nho giáo thời phong kiến. Học sinh chưa được chú ý dạy dỗ về sáng tạo, để hướng vào phát minh sáng chế, ứng dụng kỹ thuật mới. Nếu cứ để cung cách đào tạo nhân lực như hiện nay thì sẽ kéo dài tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vì sự phát triển khoa học công nghệ để tăng trưởng kinh tế do người khác quyết định, còn Việt Nam chỉ cung cấp công nhân và nguyên kliệu, khó có thể nói đến một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường và hùng mạnh. Phải làm sao từ chỗ nghiên cứu phát minh sáng chế của thiên hạ, dùng trí thông minh sáng tạo để tạo ra cái của mình. Nên chăng, phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với hướng tập trung đào tạo nhân tài để hình thành kinh tế trí thức và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào tất cả các ngành kinh tế...Nếu không có 'quả đấm chiến lược' về đào tạo nhân tài do Nhà nước đảm nhiệm thì khó có bước nhảy vọt.'
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhProtagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm