Bàn về an ninh
Mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng điểm khác biệt căn bản nhất phải xét là sự vững chắc, gắn bó, đoàn kết về xã hội, chính trị. An ninh của quốc gia không nằm ở đâu khác. Tiêu chuẩn để phân biệt giữa quốc gia "mạnh" và "yếu" cũng nằm ở trên đó: một quốc gia "mạnh" là quốc gia có nhiều khả năng đối đầu với những đe dọa về an ninh hơn một quốc gia "yếu".
Tuần Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông với tựa đề An ninh tại Hội thảo hè 2009.
Sức mạnh quốc gia
Khuynh hướng áp đảo cho đến gần đây trong lý thuyết quan hệ quốc tế đồng hóa an ninh với quốc phòng, định nghĩa an ninh như khả năng có thể ngăn chặn được một xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài. Cách nhìn này xuất phát từ lý thuyết được gọi là duy thực, theo đó thực tế nổi cộm trong quan hệ quốc tế là sức mạnh của các quốc gia.
Trên tiêu chuẩn sức mạnh đó, ta có thể xếp hạng các quốc gia trên thế giới - nhược tiểu, trung cường, bá chủ, siêu cường… - cũng như nghiên cứu chiến lược của các quốc gia để làm chiến tranh, để bảo vệ chủ quyền - thế liên minh, thế cân bằng lực lượng, thế trung lập, thế không liên kết, thế môi hở răng lạnh, thế đoàn kết anh em vv…
Với cách nhìn đó, quốc gia là chủ thể trên bàn cờ quốc tế và an ninh là nghề của hai chàng, chàng ngoại giao và chàng tướng tá, chàng này đánh, chàng kia đàm. Đánh và đàm, quan hệ quốc tế chủ yếu là như thế: là hòa bình và chiến tranh.
Lúc nhỏ, ta cũng học lịch sử như thế, toàn là anh hùng và trận mạc. Lớn lên với chiến tranh lạnh, lại chạm trán với bom nguyên tử và hai khối, trong đầu sừng sững bức tường Berlin, trước mắt ầm ầm B52 củng cố vĩ tuyến, đâu mà chẳng thấy phô trương sức mạnh quân sự như là yếu tố hàng đầu trong việc đo lường sức mạnh quốc gia? Có lý thuyết nào ăn đứt được lý thuyết duy thực!
Thế rồi chiến tranh lạnh chấm dứt, bom đạn rút lui, nhường đằng trước sân khấu cho thương mãi, hàng hóa, sản xuất, kinh tế. Đe dọa quân sự im lắng, rất nhanh một loạt hiểm nguy xuất hiện, bất kể biên giới quốc gia, bất cần phân biệt lớn nhỏ mạnh yếu, đe dọa bên trong các nước, trong dân chúng, trong xã hội: bệnh dịch, môi trường, khủng bố, ma túy…
Quan tâm về an ninh, do đó, chuyển từ bên ngoài các quốc gia vào bên trong các xã hội, nới rộng khái niệm an ninh ra đến các cá nhân, các xã hội, biến an ninh xã hội thành đối tượng tranh chấp, đối tượng nghiên cứu trong quan hệ quốc tế.
Tác giả đầu tiên nâng an ninh xã hội lên mức đối tượng nghiên cứu độc lập và biệt lập với an ninh quốc gia là Barry Buzan. Để làm như vậy, trước tiên ông phải định nghĩa "xã hội" là gì.
Ông viết: "Chìa khóa để hiểu xã hội là những ý nghĩ và tập quán đồng hóa các cá nhân như là thành phần của một nhóm xã hội. Xã hội là liên quan đến bản sắc, liên quan đến quan niệm về mình của các cộng đồng và của các cá nhân tự đồng hóa mình như là thành phần của một cộng đồng" (1).
Tiêu chuẩn phân định quốc gia mạnh - yếu
Trong định nghĩa đó, bản sắc là khái niệm cốt tủy. Vì sao? Vì di dân đã trở thành một thực tại quốc tế ngày nay, và, dưới mắt các xã hội nhập cư, di dân đe dọa bản sắc của dân tộc tiếp quản. "Xã hội, tận căn bản, là liên quan đến bản sắc", ông nhắc lui nhắc tới (2). Và "an ninh xã hội liên quan đến khả năng của một xã hội để trường tồn trong đặc tính căn bản của xã hội ấy khi hoàn cảnh thay đổi" (3).
Bản sắc và di dân: quả thật đó là quan tâm an ninh hàng đầu hiện nay ở Âu Mỹ sau khi đe dọa chiến tranh lắng xuống. Tại Mỹ, vấn đề đã được đặt ra từ lâu, nhất là đối với di dân từ Mexico, nhưng bây giờ lại thêm lo ngại nữa từ phía thế giới Hồi giáo tiếp theo sự cố 11-9.
Buzan mở đầu cho cả một trào lưu nghiên cứu mới hiện nay, đặt trọng tâm trên an ninh xã hội thay vì an ninh quân sự trong quan hệ quốc tế. Trường phái mà ông hướng dẫn - được gọi là "trường phái Copenhagen" - đưa ra nhiều ý mới. Chẳng hạn trong tương quan giữa di dân và chính sách an ninh của các nước, họ vạch ra hai yếu tố quan trọng: sự khác biệt giữa các quốc gia và việc an ninh hóa những vấn đề chính trị.
Về điểm thứ nhất, ai chẳng biết các quốc gia vốn khác nhau về mọi mặt, nhưng cách nhìn của Buzan không phải là nhìn từ bên ngoài các quốc gia như phái duy thực chủ trương, mà từ bên trong mỗi quốc gia để phân biệt văn hóa, ý thức hệ, chính thể… Mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng điểm khác biệt căn bản nhất phải xét là sự vững chắc, gắn bó, đoàn kết về xã hội, chính trị. An ninh của quốc gia không nằm ở đâu khác.
Tiêu chuẩn để phân biệt giữa quốc gia "mạnh" và "yếu" cũng nằm ở trên đó: một quốc gia "mạnh" là quốc gia có nhiều khả năng đối đầu với những đe dọa về an ninh hơn một quốc gia "yếu".
Về điểm thứ hai, vì mỗi quốc gia mỗi khác như vậy, nên bản chất của vấn đề an ninh cũng thay đổi tận căn bản từ quốc gia này qua quốc gia kia, không phân biệt yếu mạnh. Nói khác, không thể có một định nghĩa chung cho tất cả các quốc gia về vấn đề an ninh, mỗi quốc gia tự định nghĩa lấy khi chạm mặt với những vấn đề cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng không thể định nghĩa các luồng di dân như là một vấn đề an ninh có cùng và có sẵn những biện pháp đối phó bất cứ ở đâu. Ngay cả chuyện di dân, có thể nước này xem đó là một vấn đề an ninh mà nước kia thì không.
Bởi vậy, định nghĩa di dân có phải là quan tâm an ninh hay không còn tùy thuộc vào sự an ninh hóa vấn đề di dân. An ninh hóa có nghĩa là một vấn đề được trình bày như là một đe dọa liên quan đến chính sinh mạng, đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách, tương ứng, khác với những vấn đề chính trị bình thường. Vấn đề đó có thực hay không, không phải là chuyện đáng xét; chuyện đáng xét là vấn đề đó được trình bày như là một đe dọa liên quan đến sinh mạng.
Ba kịch bản của di dân
Điều này hàm chứa ba kịch bản khác nhau. Một, là các nhóm xã hội trong một nước xem một cộng đồng di dân nào đó như là đe dọa trong khi các nhóm khác thì không nghĩ như thế. Hai, là cộng đồng di dân nào đó không tạo nên một đe dọa gì thực sự cho nước di trú, nhưng những nhóm xã hội nào đó trong nước ấy thuyết phục được mọi người xem đó như là đe dọa. Ba, là cộng đồng di dân nào đó thực sự là một đe dọa, nhưng nhà cầm quyền, vì lý do gì gì đó, cứ nguây nguẩy nói không, nghĩa là từ khước, không chịu an ninh hóa.
Từ bên ngoài đi vào, di dân có thể gây bất ổn an ninh cho xã hội bên trong một nước nếu nước ấy thiếu bền vững xã hội; bất ổn ấy, nếu giải quyết không xong, không những loạn xảy ra ở bên trong mà còn có cơ tuôn ra bên ngoài để trở thành tranh chấp quốc tế.
Do đó, muốn nghiên cứu vấn đề di dân, không thể không nhìn tầm cỡ của nước gửi dân đi, vị thế của nước đó trên thế giới, chính sách của nước đó, quan hệ của nước đó với nước tiếp quản. Di dân là vấn đề an ninh số một trong nghiên cứu quan hệ quốc tế ngày nay. Buzan và trường phái Copenhagen trở thành sách giáo khoa trong giới đại học.
Tóm tắt lý thuyết như thế này, tôi biết là quá sơ sài, nhưng tôi đâu có muốn bàn ở đây chuyện di dân ở Âu Mỹ xa xôi? Tôi hạn chế vấn đề vào các nước sát nách chúng ta thôi, nhưng tôi phải trình bày chút lý thuyết như vậy bởi vì, như vừa nói, nước di dân ở trên đầu chúng ta có vai vế quốc tế quá chóng mặt, không thể nhìn nước ấy di dân mà không xét chính sách của nước ấy trên tầm quốc tế.
Nguồn:Tuần Việt Nam
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh