Bản lĩnh văn hóa thời 4.0

06:29 CH @ Thứ Hai - 05 Tháng Ba, 2018

Trong sự đi lên nhiều mặt của xã hội, không khỏi không ái ngại trước những tệ nạn càng ngày phức tạp. Sự suy đồi, sự độc ác, sự vô cảm… đang bủa vây đời sống mà người lạc quan nhất cũng phải băn khoăn...

Phải chăng, đã đến lúc phải quyết liệt lấy văn hóa làm động lực cho hành trình đưa Việt Nam vào thời đại công nghiệp 4.0? Đứng ở thềm năm mới 2018, đất nước có rất nhiều đổi thay về nhịp điệu phát triển. Xe hơi nhiều hơn, biệt thự nhiều hơn, và người đẹp các kiểu cũng nhiều hơn. Thế nhưng, dường như văn hóa không theo kịp tốc độ vùn vụt của kinh tế!

Ví von một cách đơn giản thì văn hóa là những trụ của một cây cầu. Khi những trụ cầu bị suy yếu thì cây cầu sẽ có nguy cơ sụp đổ. Một hiện thực cho thấy, trong không ít xe hơi, những biệt thự và những người đẹp mà ngày ngày chúng ta nhìn thấy, là sự trống rỗng của tâm hồn. Vật chất không quyết định được văn hóa mà chỉ là một trong những điều kiện cho văn hóa. Chưa bao giờ chúng ta phát triển cơ sở vật chất và điều kiện sống tốt như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ sự vô cảm và độc ác lại xâm chiếm xã hội trên một phạm vi rộng như bây giờ.

Nếu nhìn vào biểu đồ của sự tàn lụi những cánh rừng, những con sông, những vùng thiên nhiên cũng như những vùng văn hóa đặc trưng thì không lâu nữa, những vẻ đẹp thiên nhiên và con người mà chúng ta đang nói đến sẽ biến mất. Tất cả sự tàn lụi ấy là do chính con người gây ra. Chỉ khi con người thức tỉnh lương tâm và tri thức thì họ mới dừng lại những hành vi tàn phá ấy. Nhưng tôi nghe thấy quá ít tiếng trở mình của sự ân hận, của nỗi hoảng sợ của con người với những hành động của họ. Họ vẫn đang hung hăng, tự mãn và mù lòa trước cái chết của thiên nhiên và văn hóa.

Mọi con người thiếu ăn thì cảm nhận được sự cần thiết của lương thực, nhưng rất ít người cảm nhận được sự đói khát của tâm hồn họ. Trước kia, khi bổ nhiệm một người làm quan, nhà vua cho người về quê của người đó để tìm hiểu xem ông ta/bà ta có hiếu với cha mẹ mình không. Nếu một kẻ bất hiếu thì không thể làm quan được. Hiếu chính là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa hay nói ngược lại văn hóa làm cho con người biết hiếu nghĩa. Chưa bao giờ chúng ta lại bước vào cuộc chống tham nhũng quyết liệt như bây giờ. Nhưng cuộc chống tham nhũng này mới chỉ làm cho kẻ tham nhũng sợ và chùn lại chứ không làm cho lương tâm chúng dày vò, cắn rứt và sám hối. Chỉ khi những hạt giống của văn hóa trong lòng những kẻ tham nhũng nẩy mầm thì cái gốc của tham nhũng mới thực sự lùi xa.

Mới đây, có người đã đề xuất mở những trường học dạy đạo đức cho quan chức. Ý thức và mục đích là tốt nhưng lại sai về bản chất. Người làng Chùacủa tôi có một câu nói: “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Nghĩa là chỉ khi một con người mang một tâm hồn đẹp, nhân ái mới có được những hành động đẹp và nhân ái. Để có một ông/bà quan tốt thì mọi luật lệ, mọi quy định chỉ có tác dụng kìm hãm chứ không có tác dụng triệt tiêu cái xấu trong họ hay thúc đẩy những hành động tốt từ họ. Sai lầm là một trong những điều rất dễ sửa chữa, nhưng vô cảm thì vô cùng khó. Chỉ khi chúng ta có nền giáo dục vì con người và có hệ thống luật pháp nghiêm minh để trợ giúp, chúng ta mới có được những công dân tốt. Khi có những công dân văn hóa chúng ta mới có được những ông quan, bà quan tốt.

Nhiều năm trước, một phụ huynh hỏi tôi rằng các nhà văn có thể viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy trong cuộc đời để con cháu họ đọc mà tránh không. Tôi nói nếu có một cuốn cẩm nang đưa ra 1.000 cạm bẫy thì khi bước vào đời chúng sẽ gặp cái cạm bẫy thứ 1.001 và chúng sẽ gục ngã. Chỉ khi tâm hồn chúng chứa đựng sự rung động trước cái đẹp và lòng thương người thì chúng mới phân biệt được đâu là tốt đâu là xấu. Và như thế chúng có thể đi qua vô vàn cạm bẫy trong cuộc đời của chúng.

Người làng Chùa tôi cũng có câu “Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người”. Không nhà giáo dục chân chính nào từ cổ chí kim có thể nói người này đã được giáo dục đầy đủ hay giáo dục xong. Những người đức hạnh là những người tự vấn ngày ngày giống như một phép thiền định. Không ít người cho rằng cần phải tăng mức hình phạt với tội phạm ở nước ta hiện nay. Nhưng mọi hình phạt ở mọi mức độ chỉ là răn đe và mang tính trừng phạt chứ rất ít tính giáo dục nền tảng. Nhiều nước trên thế giới đã bỏ án chung thân và tử hình mà nghiêng về khai mở những vẻ đẹp tự có trong con người tội phạm. Một đứa trẻ lên mười tuổi luôn yêu và nhớ mẹ nó khi mẹ đi xa nhưng khi mười tám tuổi nó có thể giết mẹ mình vì mục đích vật chất. Nghĩa là khi sinh ra mọi đứa trẻ đều mang tính người nhưng vì giáo dục sai lầm hoặc không giáo dục cộng với những tác động xấu trong xã hội đã biến nó thành tội phạm.

Cách đây chừng mười năm có một việc xảy ra ở Hàn Quốc mà những ai theo dõi báo chí đều biết. Đó là một cái cổng thành cổ ở Seoul bị hỏa hoạn thiêu rụi. Ngày ngày có rất nhiều người dân đến nhìn đống tro tàn ấy và khóc trong tiếc nuối và đau đớn như khóc một người thân yêu đã mất. Cũng lại một câu chuyện của một nước Phật giáo là Nhật Bản, khi người ta chứng kiến một đứa trẻ xếp hàng nhận phần ăn, đã nhường cho người khác. Đấy không phải là hành động vô thức, đấy là hành động của văn hóa. Chúng ta không cần bắt chước Hàn Quốc hay Nhật Bản, mà chỉ cần phục hồi lại những vẻ đẹp thuần Việt đã và đang chết bởi chính ta.

Khi người ta có “thói quen” làm những việc tốt thì sẽ trở thành người tốt, khi người ta có “thói quen” làm những việc xấu sẽ trở thành một kẻ xấu. Mọi hành động được lặp đi lặp lại một cách có ý thức và có hệ thống sẽ trở thành phong tục. Phong tục không bao giờ có sẵn mà do con người làm nên, cũng như văn hóa. Ông cha ta nói “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Điều đó không phải là đổ lỗi tất cả cho những người phụ nữ đối với nhân cách của những đứa trẻ. Điều đó nói lên ảnh hưởng của người lớn quan trọng đến nhường nào đối với sự hình thành nhân cách của một con người, đặc biệt từ khi là một đứa trẻ. Ở Việt Nam, bà và mẹ là hai nhân vật gần gũi nhất, gắn bó nhất đối với những đứa trẻ. Chính thế mà hành động, lời nói của hai đối tượng này trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của chúng. Hãy làm những điều tốt một cách bền bỉ và đến một ngày chúng ta sẽ có một kết quả tốt đẹp.

Nếu văn hóa chỉ nhăm nhăm tô điểm một mái đình cổ hoặc cách tân một vạt áo dài, thì đơn giản quá. Đừng hiểu văn hóa một cách thương hại và tai hại như vậy. Văn hóa là sự chuyển động một cách kỳ diệu trong đời sống chứ không phải là một xác ướp. Sự bất động đứng về mặt vật lý của những vẻ đẹp kiến trúc, hội họa...luôn chứa đựng sự chuyển động của tinh thần bất diệt bên trong nó. Khi chúng ta làm cho tinh thần ấy hòa vào đời sống đương đại thì ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa mới còn. Nếu không chúng ta lại trở thành kẻ giết chết văn hóa truyền thống Việt.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thói tật và vượt qua thói tật trong tranh luận

    23/06/2019Nhà văn InnasaraDo quá ham thắng, hay phần nào đó – do sợ bẽ mặt trước đám đông, lắm lúc người tham gia tranh luận trở thành ngụy biện, từ đó đẩy cuộc tranh luận vào ngõ cụt, khi quay sang tấn công cá nhân đối phương...
  • Chúng ta đang bỏ quên ngôi chùa thiêng nhất

    27/02/2018Nguyễn Quang ThiềuChúng ta phải thừa nhận rằng: trong dòng người cuồn cuộn như sông mùa lũ đến đền, đến chùa thì số người thực sự đi vãn cảnh, du xuân như một nét đẹp văn hoá, như một đời sống tinh thần là phần nhiều nhưng người đi cầu tiền tài, chức tước cũng không ít....
  • ''Nhục cảm yếu đuối'' của văn nghệ Việt Nam

    20/01/2018Tiểu PhươngĐến tận thế kỷ XXI, các nhà phê bình của chúng ta vẫn cứ loay hoay bàn bạc, tranh cãi xem chủ đề sex là cao quý hay thấp hèn, là mục đích hay là phương tiện của nghệ thuật... Đây chính là lúc chúng ta cần đến hướng đến một thứ “nhục cảm lành mạnh” trong đời thường cũng như trong nghệ thuật...
  • Đi tìm lẽ sống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Khi bạn chỉ còn là những công dân vô dụng

    18/01/2018Thứ công nghệ có thể khiến con người trở nên vô dụng cũng có thể có khả năng nuôi sống và hỗ trợ những người thất nghiệp qua “mức thu nhập cơ bản”. Vấn đề là làm thế nào để khiến đám người này bận rộn và hạnh phúc? Con người phải làm điều gì đó có mục đích, nếu không họ sẽ phát điên lên vì buồn chán?
  • Từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến Xuất bản 4.0

    24/11/2017Trần Phương ThảoNếu những đơn vị xuất bản không bắt nhịp kịp thời với xu thế 4.0 thì chắc chắn sẽ tụt lùi hoặc bị xóa sổ trên bản đồ xuất bản của thế giới...
  • Bàn lại về Thông Minh trong cách mạng công nghệ 4.0

    12/09/2017Nguyễn Tất ThịnhTuần trước ( 8/9/2017 ) chúng tôi có cuộc hội thảo với các chuyên gia và doanh nhân với chủ đề chính : ‘Cách mạng công nghệ 4.0 và định hướng của các tổ chức’. Tôi trích tham luận của mình dạng bài viết ngắn dưới đây để chia sẻ với các bạn đọc...
  • Hãy biến việc đọc sách thành văn hóa

    21/04/2017Nguyễn Quang ThiềuViệc xây dựng một nền tảng văn hóa hay một đời sống văn hóa là theo nguyên lý leo dốc. Nhưng việc phá vỡ một nền tảng hay một đời sống văn hóa lại theo nguyên lý lao xuống dốc. Vận tốc tăng dẫn đều và cuối cùng là vỡ nát...
  • Chuyện lạ tại Làng Chùa

    24/01/2011Bùi Quang MinhTrong tiết trời ngày Tết nơi thôn quê, trong không khí ẩm thực lễ Tết, lúc trà dư tửu hậu, các nhà thơ trao nhau những ý thơ, chủ nhà Nguyễn Quang Thiều thân tặng tôi cuốn tuyển thơ "Châu Thổ" của mình và đọc vài chùm thơ "Hồi tưởng" ... Một không khí thơ ngày xuân tràn ngập khung vườn quê rộng rãi...
  • xem toàn bộ