Sức cám dỗ của tình yêu công sở
Tại sao cô gái trẻ tuổi xinh đẹp này lại phải lòng một ông già hơn cô đến vài chục tuổi? Tại sao người đàn ông có vợ trẻ đẹp như thế lại đi ngoại tình với một bà nhan sắc đã phai tàn? Thế nhưng những chuyện tương tự đầy bí ẩn của tình yêu vẫn thường xảy ra trong cuộc sống mà không sao lý giải được, khiến người ta đành tặc lưỡi: Tình yêu mà...
Câu chuyện dưới đây ghi được từ một trung tâm tư vấn hôn nhân. Một đôi vợ chồng đã gần 50 tuổi mà bỗng nhiên ông chồng phát hiện vợ ngoại tình với một anh chàng trẻ hơn bà ta đến 12 tuổi. Hai người làm cùng một phòng trong cơ quan và thường xưng hô chị - em trước mặt mọi người.
Sự nghi ngờ của người chồng bắt đầu từ một cú điện thoại của anh chàng kia gọi đến nhà. Người vợ tưởng chồng không có nhà nên nói chuyện thoải mái với người tình và hẹn hò nhau trưa mai đi ăn uống ở đâu với cách xưng hô mình - ta rất tình cảm. Không ngờ người chồng nghe thấy hết vì trong nhà có nhiều máy mắc song song cho tiện sử dụng.
Từ đó, anh ta bí mật theo dõi và ngày càng thấy nhiều dấu hiệu khả nghi, tuy nhiên vẫn không phải là bằng chứng xác thực. Vì thế khi anh ta góp ý thẳng thắn với vợ, chẳng những đã không được tiếp thu mà còn bị lên án là ghen tuông bệnh hoạn, hoang tưởng.
Tức mình, anh ta thuê thám tử tư theo dõi và bắt quả tang người vợ lẳng lơ với chàng nhân tình trẻ trong “nhà nghỉ”. Điều khó hiểu là anh chàng trẻ tuổi này cũng có vợ con đàng hoàng, mà vợ lại trẻ đẹp, có học thức hẳn hoi.
Hình như có một quy luật về sự hấp dẫn hai giới vượt ra ngoài sự suy đoán logic của chúng ta. Có nhà khoa học cho rằng con người có thể bị cuốn hút bởi hình thức của nhau. Thí dụ một cơ thể mảnh mai, đầy nữ tính lại bị hấp dẫn bởi một cơ thể thô ráp, mạnh mẽ. Cũng có khi bên không có thế mạnh hình thức đem một số ưu điểm về phong thái bù vào và đối phương không thể nào dứt ra được.
Có lẽ do người ta tìm thấy ở nhau những sóng điện sinh học trùng hợp và các bước sóng khớp vào nhau theo kiểu cài răng lược. Chính vì thế mà ngay cả những người đầy nhược điểm về hình thức cũng như đạo đức vẫn không sợ bị cô đơn vì họ có những điểm hút mà người tốt bụng và xinh đẹp đang thiếu.
Tuy nhiên sự hấp dẫn giới tính phát triển tự phát như vậy không bao giờ bền lâu, bởi vì bản chất của nó giống như phản ứng hóa học, sự bùng cháy không thể kéo dài.
Một người đàn bà đẹp có thể bị chinh phục bởi người tình già và hơi xấu nhưng uyên bác, bởi vì chắc hẳn cô ta không có ý định sưu tầm thêm một anh chàng đẹp mã nữa mà không có trí tuệ. Bản thân cô ta đã là người đẹp rồi nên chỉ cần tìm một người hâm mộ tận tụy. Người đàn ông đứng tuổi tuy không còn cơ bắp cuồn cuộn của tuổi thanh niên nhưng ông ta lại có những cử chỉ ân cần, dịu dàng mà đám thanh niên cường tráng không bao giờ sở hữu.
Một anh chàng ăn chơi sành điệu có khi lại phải lòng một quý bà chín chắn, điềm đạm, trông có vẻ hơi “quê”. Cô nàng dữ dội chưa chắc đã thích một anh chàng cũng quyết đoán như mình mà có khi lại “chết” vì những cái vuốt ve nhẹ nhàng và những lời thì thầm êm ru bên tai của một anh chàng trông hơi “ai ái”.
Hóa ra ngay cả tình yêu cũng không thoát ra ngoài quy luật bù trừ. Theo thống kê của một trung tâm tư vấn hôn nhân ở Hà Nội, 76% số vụ ngoại tình được các nhà tư vấn can thiệp trong năm 2005 xảy ra giữa những người làm cùng một cơ quan, xí nghiệp.
Chủ một nhà nghỉ ở Hà Nội cũng xác nhận buổi trưa chính là giờ cao điểm làm ăn của họ, vì nhiều đôi khách hàng cùng một cơ quan rủ nhau đi ăn trưa rồi tranh thủ vào “nghỉ”, thường chỉ độ một giờ đồng hồ. Ma lực của tình yêu công sở đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với nhiều gia đình đang yên ấm.
Thông thường, sau chừng 10 năm chung sống, tình yêu lãng mạn trong hôn nhân lặng lẽ ra đi nhường chỗ cho tình cảm vợ chồng bình lặng. Nói chung, đàn ông khoảng độ trên 40 tuổi, sau gần 20 năm công tác đã có một chút địa vị, nhiều người phải chỉ đạo các cô gái trẻ làm việc dưới quyền mình.
Trong mối quan hệ này, lúc thì chỉ đạo, lúc lại giúp đỡ, che chở làm cho họ cảm thấy ngày càng thân thiết với nhau và tình yêu nảy nở lúc nào không biết. Bởi vì đàn ông ở độ tuổi này thường đang độ sung sức, họ trở về nhà chẳng qua là để ăn cơm rồi đi ngủ, sáng hôm sau lại vội vã xách cặp đến công sở. Thành thử thời gian họ ở bên vợ ngắn hơn rất nhiều so với thời gian họ tiếp xúc với đồng sự.
Mặt khác, ít khi vợ đánh giá đúng chồng mình, trong khi đến nơi làm việc họ lại được các cô nhân viên ngưỡng mộ và kính trọng với tình cảm thành thật của cấp dưới, đó là điều đàn ông dễ xiêu lòng.
Đã thế, các cô này lại ăn mặc, trang điểm hấp dẫn hơn vợ họ ở nhà, vì vậy đàn ông thích ngắm các cô gái ở cơ quan hơn ngắm vợ là điều không có gì lạ, nếu các cô lại có chút nhan sắc nữa thì đa phần các “sếp” đều quý, kể cả chị em đã có gia đình.
Sức cám dỗ của tình yêu không loại trừ người có gia đình. Trái lại người có gia đình có khi còn dễ thân thiện với bạn khác giới hơn là hai người độc thân. Bởi vì nam nữ độc thân một khi đặt quan hệ tình cảm với nhau tất nhiên phải có mục tiêu dẫn tới hôn nhân, mà nam giới độc thân ngày nay nhiều người chỉ muốn yêu, còn kết hôn họ rất thận trọng.
Nhưng đàn ông đã có gia đình biết rằng họ không phải chịu trách nhiệm về việc cưới xin nữa, vì vậy họ có thể tiếp xúc phụ nữ một cách thoải mái mà không phải cân nhắc, đắn đo gì lắm.
Sau khi tan sở, họ có thể mời đi ăn cơm, uống cà phê hay hát karaoke với lý do “khao quân” hoặc thư giãn thần kinh sau khi làm việc căng thẳng. Qua những dịp đó, hai bên thổ lộ nỗi lòng, đàn ông có dịp nói ra quan hệ với vợ họ làm gì có tình yêu mà chỉ là nghĩa vụ. Hóa ra trong trái tim những người đàn ông có vợ, “cái ngăn tình yêu” vẫn bỏ trống.
Một hiện tượng khá phổ biến ở nhiều nước phát triển hiện nay là quan hệ bồ bịch giữa “sếp” và nữ thư ký. Không phải chỉ vì họ thường trẻ và đẹp hơn vợ “sếp” mà họ hơn hẳn ở chỗ không bao giờ cãi “sếp”, trong khi vợ rất hay nói ngược lại với chồng.
Không những thế, nữ thư ký còn phải là người luôn đồng quan điểm với “sếp” trong mọi vấn đề, phải suy nghĩ bằng cái đầu của “sếp”. Một điều rất thường thấy là “sếp” có thể giao cho nữ thư ký viết các văn bản thay mình và chỉ trình “sếp” ký duyệt, chứng tỏ hai người phải rất tâm đầu ý hợp.
Cũng nên nhớ rằng các nữ thư ký làm việc bên cạnh “sếp” khá nhiều thời gian mỗi ngày, thường là 8 - 10 giờ, có khi còn hơn thế, ngay cả những lúc tiếp khách khứa ngoài giờ làm việc, nữ thư ký cũng hay phải đi cùng.
Trong thời gian đó, chính cô ta là người chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn với “sếp” trước nhất. Có thể nói cô ta vui niềm vui của “sếp”, buồn nỗi buồn của “sếp”, hỏi có mấy bà vợ được như vậy?
Đó là chưa kể đôi khi, nữ thư ký còn được giao những nhiệm vụ tế nhị đại loại như nếu có ai muốn gặp ông ta sáng nay, cứ bảo là đi vắng hoặc thư ký gọi điện cho “sếp” vào lúc đang họp để ông ta có cớ thoát khỏi những cuộc họp không cần thiết.
Sự thân mật này rất dễ trở thành sức cám dỗ của tình yêu. Bởi vì lúc đó nhiều người tỏ ra đáng yêu hơn. Không ít đàn ông chẳng bao giờ dùng những lời hoa mỹ, ngọt ngào với vợ nhưng với người tình, những lời ấy tuôn như suối.
Khi quan hệ chăn gối với người tình dĩ nhiên họ dốc hết nhiệt tình và sinh lực để cả hai cùng đạt tới khoái cảm cao nhất, trong khi với người vợ đã chung sống nhiều năm làm sao có được tình cảm lai láng như vậy. Chính điều đó làm cho sức cám dỗ càng thêm ma mị.
Có người cho sự cám dỗ của tình yêu là kẻ thù số một của năng suất lao động, kẻ lại cố tìm ra những khía cạnh tích cực của nó. Nhưng dẫu sao những hệ lụy do nó gây ra thì không có cách gì bào chữa được.
Con người thường bị hấp dẫn bởi cái mà mình không có. Một chị có người chồng chỉnh chu, lo toan mọi thứ cho gia đình có khi lại thấy nhàm chán và dễ bị cuốn hút bởi anh chàng trông có vẻ lãng tử.
Sống với người chồng lúc nào cũng đi về đúng giờ như cái đồng hồ, áo quần bao giờ cũng nghiêm chỉnh com-plê, cra-vat, tóc chải mượt, rẽ ngôi thẳng tắp có thể lúc nào đó lại thấy thích một anh mặc quần bò, áo bỏ ra ngoài, tóc tai bù xù, tính tình phóng khoáng, cởi mở, hơi tùy tiện.
Sức cám dỗ của tình yêu bắt đầu từ chỗ người ta đi tìm “của lạ” để tránh cái nhàm chán trong hôn nhân. Nhưng ở đời chẳng có cái gì cứ “lạ” mãi. Nó sẽ trở thành quen và sức cám dỗ sẽ lụi tàn. Tuy nhiên những hậu quả do nó gây ra vẫn còn mãi, cho dẫu ân hận cũng muộn rồi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng