Tư duy về “những kẻ khác”

Viện Viễn Đông Bác Cổ - Hà Nội
10:09 SA @ Thứ Bảy - 24 Tháng Mười, 2009

Tác giả: Claude Lévi-Strauss
Dịch giả: Ngô Bình Lâm
Số trang: 472 trang
Giá bìa : 99000 VNĐ
Hiệu đính: Nguyên Ngọc
Khổ sách: 16 x 24 cm
Loại bìa: Cứng và Mềm, tay gập
Phát hành: NXB Tri Thức
Năm xuất bản: 2009


Thực tình là tôi đã không đọc lại tác phẩm Nhiệt đới buồn kể từ những năm học đại học ở Aix-en-Provence. Đọc cuốn sách ấy hồi bấy giờ đã là một trải nghiệm có ý nghĩa quyết định đối với việc tôi chọn làm một luận văn tiến sĩ về nhân học; cũng đồng thời là một bài tập bắt buộc đối với mọi người tập sự vào nghề dân tộc học mơ tưởng đi đến những vùng xa lạ, và vì lý do gì thì đã quá rõ! Tác phẩm bắt đầu bằng tuyên bố lạnh lùng và dứt khoát, chắc chắn là câu nổi tiếng nhất trong toàn bộ nền văn học dân tộc học: Tôi ghét các chuyến viễn du và các nhà thám hiểm. (tr. 9)

Hiểu tính chất quyết liệt của cái câu nói ấy và nghịch lý rõ ràng từ những truyện kể về những chuyến du khảo của chính mình, bằng những đoạn viết liên tục suốt tác phẩm, Claude Lévi-Strauss giải thích vì sao ông khinh ghét các du ký và cái lối dựng cảnh đầy chất sân khấu trong đó “các dân tộc man dã” được dùng làm nền, như một thứ trang trí điện ảnh, cho những cuộc phiêu lưu của nhà thám hiểm: “Từ đó mà tôi hiểu ra cái mê muội, nỗi cuồng loạn, sự lừa bịp của các du ký. Chúng mang lại ảo tưởng về những gì không còn tồn tại nữa và lẽ ra thì phải còn tồn tại, để cho chúng ta thoát ra khỏi cái thực tại nặng nề là hai mươi nghìn năm lịch sử đã trôi qua. […]” (tr. 36-37). Công việc dân tộc học phải là đối nghịch của cái thứ giả-khoa học ấy, trong đó “Công cuộc thám hiểm không phải là một chuyến đi, mà là một cuộc đào xới: chỉ một sự việc thoáng qua, một góc nhỏ cảnh quan, một suy tư bắt được bất ngờ cho phép ta hiểu ra và giải thích được những chân trời chừng thật khô cằn.” (tr.48)

Được học về triết học và luật học, Claude Lévi-Strauss khi đang dạy triết học ở một trường trung học tỉnh lẻ thì được mời tham gia một phái đoàn đại học ở Brésil với tư cách là giáo sư trường Đại học São Paulo (1935-1938). Chính trong thời gian đó, ông đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu dân tộc học ở vùng Mato Grosso rồi ở vùng Amazone, mà các truyện kể về diễn tiến nhiều khi đầy xáo động và những trình bày về một số kết quả, là phần trung tâm của tác phẩm Nhiệt đới buồn. Sau khi được giải ngũ vào năm 1940, ông trốn khỏi nước Pháp để thoát sự truy đuổi điên cuồng của bọn phát xít vốn đang được các đạo luật chống Do Thái của chính phủ Vichy hăng hái tiếp ứng. Thời gian sống ở New York, nơi ông dạy tại trường New School for Social Research và Trường Cao đẳng Tự do, đánh dấu sâu sắc một bước ngoặt trong hành trình tư tưởng của ông, cả bằng những mối quan hệ của ông với các nhà khoa học ưu tú lẫn cuộc gặp gỡ của ông với những nền văn hóa đang hấp hối hay đã biến mất - văn hóa Anh-điêng-Mỹ. Chính tại đây, qua tiếp xúc với các nhà ngôn ngữ học và đặc biệt với phương pháp ngữ âm học của N. Troubetzkoy và R. Jackson những người mà ông kết bạn, ông đã tìm ra cảm hứng của mình: nghiên cứu không phải các yếu tố văn hóa hữu thức nữa, mà là các hạ tầng vô thức của chúng; thiết lập các liên hệ giữa những yếu tố văn hóa cô lập để tái lập các hệ thống phức tạp và muốn làm được điều đó, phải phân tích vị trí tương đối đối với nhau của các yếu tố ấy và những tác động qua lại thống nhất hay đối lập chúng, để cuối cùng làm toát ra những quy tắc cấu trúc riêng của các hệ thống tư duy đó.

Cũng chính trong thời gian sống ở Hoa Kỳ, từ năm 1945 đến năm 1948 với tư cách là tùy viên văn hóa của Sứ quán Pháp ở Washington, ông đã viết công trình sáng rỡ và kỳ lạ, tác phẩm Cấu trúc sơ đẳng của quan hệ họ hàng, đó là thời khắc khai sinh ra hiện tượng mà về sau này được gọi là khoa nhân học cấu trúc. Thoạt tiên được bảo vệ như một luận án tiến sĩ (1948), tác phẩm được xuất bản năm 1949, đã đảo lộn một cách căn bản lý thuyết về quan hệ họ hàng cho đến lúc bấy giờ vẫn bị chế ngự bởi khoa nhân học anglo-saxon coi định đề quan hệ về dòng máu là nguyên lý cấu trúc: “Hai con người là có họ hàng với nhau (hay cùng dòng máu) nếu giữa họ có một trong hai mối quan hệ sau đây: hoặc người này là hậu duệ của người kia, hoặc cả hai đều là hậu duệ của một tổ tiên chung. […] Như vậy quan hệ họ hàng dựa trên quan hệ dòng máu và điều đầu tiên quyết định tính chất của một hệ thống quan hệ họ hàng là cách thức nhận biết và tính ra quan hệ dòng máu”(Radeliffe-Brown, 1952: 13).

Trong quan niệm coi quan hệ dòng máu là nguyên lý tổ chức của các nhóm xã hội này, chiến lược xã hội muốn gìn giữ và truyền giao của cải trong nội bộ của nhóm cùng dòng máu (gia đình phụ hệ hay mẫu hệ, thị tộc, dòng họ). Claude Lévi-Strauss sẽ nắm lấy chính cái ngược lại của hệ biến hóa này bằng cách xác định một “lý thuyết về liên minh hôn nhân” mà ông đặt ở trung tâm “lý thuyết cấu trúc về quan hệ họ hàng” của ông. Thực chất là gì? Nói một cách giản lược, nhận thấy tình trạng phổ biến của việc cấm đoán loạn luân, thay vì tìm cách cắt nghĩa sự thể này, ông coi thực trạng đó chính là cốt lõi của quan hệ họ hàng: vì một người đàn ông không thể cưới một người họ hàng gần của mình, chị em gái hay con gái của mình, nên anh ta đem cho người ấy làm vợ của những người đàn ông khác và đổi lại nhận được của những người đàn ông khác người hay những người vợ của ông ta. Việc cấm loạn luân là biểu hiện tiêu cực của một luật về trao đổi, là sự bù lại cần thiết cho việc thiết lập các mối quan hệ xã hội giữa các gia đình. Nối dài việc kiêng cấm loạn luân phổ biến ấy, các quy tắc tích cực về trao đổi cố định việc chọn vợ chồng: nhiều xã hội thực hiện các cuộc hôn nhân giữa những người “anh chị em họ chéo”, nghĩa là những người con của chị hay em gái của cha hay anh hoặc anh em trai của mẹ, và ngăn cấm hôn nhân giữa những “anh chị em họ song song”, nghĩa là những người con của anh hay em trai của cha hay của chị em gái của mẹ, như vậy tạo nên một mạng trao đổi và cũng tức là một mạng quan hệ xã hội ưu tiên. Và nếu các xã hội phương Tây không có hay không còn có cái thay thế tích cực cho quy tắc tiêu cực về sự cấm loạn luân, thì thật may là nhiều nhóm người khác vẫn còn giữ được quy tắc ấy, cho phép tác giả xây dựng trên cơ sở lý thuyết thu hẹp về quan hệ họ hàng đó, một lý thuyết tổng quát về quan họ hàng. Cuối cùng cần chú ý rằng việc trao đổi những người phụ nữ chỉ là một khía cạnh riêng biệt trong một tổng thể các hình thức cống nạp lẫn nhau giữa các nhóm người, những cống nạp tập trung chủ yếu vào việc luân chuyển tài sản vật chất hay phi vật chất trong một hệ thống trao tặng/phản-trao tặng.

Đối với những người đã quen thuộc với khoa nhân học, các khái niệm về trao đổi, cống nạp và trao tặng/phản-trao tặng này lập tức gợi nhớ đến các công trình có ý nghĩa khởi nguyên của nhà xã hội học Marcel Mauss và đặc biệt hơn nữa, là tác phẩm Bàn về sự trao tặng. Claude Lévi-Strauss công khai thừa nhận sự kế thừa tinh thần này mà ông tái khẳng định trong “Lời tựa viết cho các tác phẩm của Marcel Mauss”, cũng như ông nhiều lần nhấn mạnh đến các công trình của nhà Trung Quốc học Marcel Granet, và đặc biệt là tác phẩm Các loại hạng hôn nhân và quan hệ thân thuộc trong nước Trung Hoa cổ (1939), trong việc xây dựng lý thuyết về quan hệ họ hàng của ông (Goudineau Y., 2008).

Như vậy, Claude Lévi-Strauss viết Nhiệt đới buồnvào lúc danh tiếng hàn lâm vững chắc của ông đã vượt ra khỏi giới hạn của riêng lĩnh vực nhân học. Ông là hình ảnh của một nhà khoa học dấn thân ở tầm quốc gia và quốc tế, thuộc thế hệ những người trí thức (như Maurice Merleau-Ponty), những nhà tư tưởng tự do và những nghệ sĩ mà người ta vẫn gọi là “thế hệ 1945” (gồm những nhân vật phần lớn sinh ra trước Thế chiến, đến thời sau Thế chiến họ bắt tay vào một sự nghiệp tái lập tư duy trong một châu Âu bị tàn phá và chấn thương), như đã được chứng minh một cách đầy ấn tượng trong tác phẩm Chủng tộc và lịch sử viết năm 1952 theo yêu cầu của UNESCO. Như là đối âm với các lý thuyết của người cha của chủ nghĩa chủng tộc khoa học là Joseph Arthur Gobineau (1816-1882), và những lý thuyết tiến hóa vẫn chưa hết hấp hối từ một thế kỷ, Claude Lévi-Strauss bảo vệ một tầm nhìn về tính toàn cầu của nhân loại được phân cách bởi sự đa dạng của các nền văn hóa của con người mà thực tại và sức mạnh sáng tạo cần phải được nhận thức và lĩnh hội một cách sinh động chứ không tĩnh tại.

Có thể chính nhận thức vững chắc đó cắt nghĩa phần nào lối viết khá tự do và hình thức ít chất hàn lâm mà Claude Lévi-Strauss đã sử dụng trong Nhiệt đới buồn, văn bản được tư duy và viết cho một công chúng nghiệp dư, hay ít ra, rộng hơn là đôi ba chuyên gia của ngành khoa học này. Là du ký, là tư duy nhân học và triết học, là phân tích dân tộc học, là tự thuật tinh thần, tác phẩm quả không thể xếp vào bất cứ thể loại nào, và lập tức nổi tiếng. Cũng có thể coi nó như là một tiểu luận đầy chất tiểu thuyết, theo kiểu Nơi tận cùng đêm đencủa Joseph Conrad. Tôi muốn đọc thấy ở đây câu chuyện về một cuộc lang thang của một trí tuệ thiên tài mời gọi ta tham gia vào một hành trình thật sự khai mở trong việc tư duy về “những kẻ khác” bằng cách mô tả, chẳng hạn, sự đa dạng không cùng của các mối quan hệ có thể có giữa con người với thiên nhiên, đồng thời đưa ra một phán xét không tha thứ đối với những tàn phá do tình trạng nô lệ hóa của chủ nghĩa thực dân ở Ấn Độ và sự đồng nhất hóa về văn hóa do phương Tây áp đặt. Bạn đọc sẽ tha hồ đi theo hành trình do tác giả đề nghị và đôi khi lạc lối trong đó, để rồi những cuộc đi-về bất tận trong thời gian và không gian cuối cùng sẽ tạo ra một nơi giao hội của những con đường mòn mà chúng ta đã ngỡ là chẳng có lối ra.

Từ cuộc đắm mình này trong những khúc đường quanh co của tư duy và ký ức của Claude Lévi-Strauss, sau hai mươi năm thực hiện những cuộc khảo sát thực địa của ông ở Brésil, tôi xin được dừng lại ở đây trên một khía cạnh đặc biệt, liên quan đến nghề nghiệp của nhà dân tộc học, hay đúng hơn, đến đối tượng của anh ta. Trong “Lời tựa viết cho các tác phẩm của Marcel Mauss”, Claude Lévi-Strauss định nghĩa ngành khoa học này như sau: mục tiêu của khoa dân tộc học là “tìm hiểu những cấu trúc tinh thần vô thức mà ta có thể đạt đến được qua các thiết chế và còn hơn thế nữa trong ngôn ngữ”, qua đó thấu hiểu được sự đa dạng và vẻ bên ngoài lộn xộn của các hình thức. Định nghĩa này nhắc lại một cách thể hiện đã từng được đưa ra trong bài viết “Lịch sử và dân tộc học” đăng ở Tạp chí Siêu hình họcĐạo đức học, năm 1949, nhấn mạnh đến tính chất bổ sung lẫn nhau giữa hai ngành khoa học này, “lịch sử tổ chức các dữ liệu của nó trong tương quan với những thể hiện hữu thức, dân tộc học thì là với các thiết chế vô thức của đời sống xã hội”.Sức gợi cảm mạnh mẽ của những mô tả dân tộc học được trình bày trong Nhiệt đới buồn minh chứng cho định nghĩa thực dụng này, dù đó là cách cắt nghĩa các hình vẽ hay xăm trên cơ thể cũng như bao nhiêu biểu hiện tượng trưng và mang tính vũ trụ chi phối cách tổ chức xã hội và hệ thống tôn ti của các xã hội Caduveo hay Bororo, cách bố trí không gian với các ngôi nhà theo hình vòng tròn trong làng Kejera (Bororo) được cắt đôi bởi một đường kính lý thuyết chia cư dân thành hai nửa riêng biệt là đối tác của các cuộc trao đổi hôn nhân và nhiều cống nạp khác, v.v. Nhưng chủ nghĩa kinh nghiệm của công tác thực địa, vốn xác định tính chất riêng biệt của các khái niệm dân tộc học, lại cũng đồng thời tạo nên một cách nghịch lý những giới hạn tối đa của việc thực hành công tác này. Ngoài những hạn chế do các điều kiện vật chất đặc biệt đối với công tác thực địa và việc một số nhóm người từ chối để cho người ta “nghiên cứu dân tộc học về mình” (xem ở sau), Claude Lévi-Strauss khám phá một cách không che giấu giới hạn cái nhìn của nhà dân tộc học, nghĩa là khả năng của anh ta trong việc xếp hạng ngay tại chỗ giá trị chỉ dấu và có ý nghĩa của các vật liệu cần sưu tập, năng lực thâm nhập được vào một thế giới tinh thần vốn xa lạ với anh ta và cũng tức là nhận dạng và gọi đúng tên các mánh nhỏ của một nền văn hóa khớp nối với nhau trong một tổng thể không thể chia tách. Chính vì vậy mà để khép lại các cuộc khảo sát thực địa ở Brésil, ông đã nhắc đến trường hợp thật bối rối của các nhóm người Mundé, và cuộc sưu tầm vội vã ngữ pháp của họ mà cấu trúc tượng trưng chứa đựng ngay chính trong các từ ngữ của nó cả một thế giới những quan hệ họ hàng, những màu sắc và những đường nét. Đối mặt với bí ẩn ấy, với thứ ngôn ngữ không thể nắm bắt ấy, ông chỉ có thể nhận ra sự bất lực của mình “Tôi đã chạm đến chúng, tôi không thể hiểu được chúng”(Do Imbert dẫn lại, 2008: 91).

Là giáo sư ở Collège de France, giảng viên khoa nhân học xã hội từ năm 1959 đến 1982, được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1973, Claude Lévi-Strauss không ngừng mở rộng phương pháp cấu trúc luận của ông ra nhiều lĩnh vực ngoài vấn đề quan hệ họ hàng, đặc biệt trong phân tích các huyền thoại và tư duy biểu tượng, như ta thấy trong sự nghiệp sáng tạo khoa học đầy ấn tượng của ông. Giả thuyết ẩn ngầm dắt dẫn ông là cấu trúc của các hệ thống biểu tượng cuối cùng lại đưa trở về những ứng xử phổ quát, tự chúng lại gắn với các quy luật hoạt động vô thức của trí óc. Đương nhiên ở đây không thể có tham vọng tổng hợp toàn bộ sự nghiệp mênh mông của Claude Lévi-Strauss, tôi tất sẽ bất lực thôi, tôi chỉ đơn giản muốn nhấn mạnh rằng phân tích cấu trúc vừa là câu hỏi về sự tồn tại của một nền tảng chung cho toàn thể nhân loại, nói cách khác là cơ sở của một logic khởi nguyên sản sinh ra một sự đa dạng văn hóa không cùng, đồng thời là một gợi mở có ý nghĩa phương pháp luận và đầy tính phát hiện quyết định cho nghiên cứu nhân học. Tham vọng ban đầu của Claude Lévi-Strauss là đưa vào trong nghiên cứu các sự kiện xã hội một sự chặt chẽ có thể so sánh với nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ, dù không phải vì thế mà lối đi cấu trúc luận có thể bao gộp được toàn bộ các sự kiện xã hội và văn hóa cũng như nó không định bao trùm toàn bộ nền nhân học.

Ảnh hưởng của phân tích cấu trúc luận trong khoa ngành nhân học ngày nay là như thế nào? Dù cực kỳ khó trả lời được một câu hỏi như thế này, trước hết chúng ta nhận thấy ít nhà nhân học nào áp dụng toàn bộ phương pháp luận cùng các châm ngôn và khái niệm vốn làm cơ sở cho phương pháp này. Nhưng cũng nghịch lý là phân tích cấu trúc luận đã trở thành một quy chiếu không thể bỏ qua ngay đối với chính định nghĩa của ngành nhân học, một bằng chứng hàng đầu là nhu cầu của các nhà nhân học phải không ngừng xác lập chỗ đứng của mình trong tương quan với nó, và trong thực tế nó đã thật sự trở thành một trong những cột trụ của khoa xã hội học trong chương trình giáo dục đại học. Sở dĩ như vậy, có thể là vì, như là đối âm với những lý thuyết cổ điển mang tính tất định hơn (những cách tiếp cận chức năng học, văn hóa học, marxist v.v.), do chiều kích triết học của nó, cấu trúc luận, đúng như chính lời Claude Lévi-Strauss, đã cố gắng hòa giải giữa "cái cảm nhận và cái hiểu được, giữa nghệ thuật và logic". (dẫn lại theo Izard và Lenclud, 1992 : 679). Kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của tác giả đã tôn vinh ông lên thành huyền thoại.

Để kết luận Lời giới thiệu có phần rời rạc này, ta hãy dừng lại đôi chút ở phần cuối của tác phẩm, phần “Đường về”. Ở đây trộn lẫn, mà không phải lúc nào cũng có đối ứng với nhau, những mô tả liên quan đến một chuyến đi gần đây của Claude Lévi-Strauss ở Pakistan và cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với những đô thị quá đông dân cư của Ấn Độ, những suy tư của ông về Phật giáo và sự chiếm lĩnh được một cân bằng căn bản vượt qua mọi tầng cấp giá trị và ý nghĩa, và những suy xét, với tư cách là người biện hộ, về cái nghề dân tộc học vốn đối nghịch một cách lạ lùng với cái nhìn dẫu là ít vỡ mộng nhất về sự áp đặt ngày càng tăng của mô hình phương Tây lên cả thế giới. Về điểm này, điều nhận ra được thật cay đắng: sự sản xuất ra một nền văn hóa đại chúng, giống như một nền canh tác độc canh thay thế một cách dữ dằn một đa dạng thực vật, dẫn đến một sự chuẩn mực hóa các “kiểu thức” và đồng nhất hóa về văn hóa đồng nghĩa với đánh mất bản sắc, sự khác biệt và năng lực sáng tạo, và cuối cùng, là tính nhân văn. Ta những muốn tiếp tục các suy nghĩ này của ông mà nhấn mạnh rằng tiến trình bi thảm đó đã tăng tốc từ năm mươi năm nay: khắp nơi trên hành tinh, các dân tộc bản địa thiểu số hoặc bị lôi kéo vào một chu kỳ suy thoái về xã hội và văn hóa không thể đảo ngược bắt đầu từ thời kỳ thực dân, sự tan rã tất yếu sẽ đưa họ đến chỗ bị thải loại như là thực thể con người đặc biệt, hoặc được “folklor hóa”“hàng hóa hóa”, được lưu giữ trong trạng thái bảo tàng, để cuối cùng tạo ra một cái vỏ rỗng thực chất và ý nghĩa, giống như một trái quả quá đẹp mà người ta đã khoét hết ruột chỉ còn lại lớp da bên ngoài. Có phải dân tộc học sẽ bị biến mất vì không còn có thực địa để mà khai phá, trở thành một khoa học không có đối tượng giống như một loại tử ngữ mà người ta cố sức hồi sinh? Claude Lévi-Strauss đã đặt câu hỏi ấy ngay từ khóa giảng đầu tiên của ông ở Collège de France năm 1959-1960.

Câu trả lời hay đúng hơn những câu trả lời vào cuối những năm 50 đã tiên đoán sự phát triển của ngành khoa học này trong phần nửa thứ hai của thế kỷ XX. Trước hết, ông nhận ra rằng công việc thực hành trên thực địa của dân tộc học truyền thống, chuyên chú vào quan sát trực tiếp và điều tra bằng lời, và dựa trên một lối tiếp cận theo thống kê để tìm hiểu các xã hội gọi là “nguyên thủy” và không có chữ viết, đã suy thoái và điều đó là do hai nguyên nhân. Chúng ta đã nói đến nguyên nhân thứ nhất: các dân tộc bản địa tàn lụi và biến mất theo một nhịp độ kinh hoàng, như 90 bộ lạc đã biến mất ở Brésil từ những năm 1900 đến 1950 kéo theo sự biến mất của 15 ngôn ngữ. Nguyên nhân thứ hai thật đáng kinh ngạc: ở vùng Trung Mỹ, ở châu Phi và châu Á, các dân tộc biểu lộ một thái độ bất dung ngày càng cao đối với công việc điều tra dân tộc học. Thái độ từ chối mang tính đạo đức này là do sự mất cân bằng mà khoa dân tộc học khiến cho nó kéo dài, dù là ngoài ý muốn, giữa người đi điều tra và kẻ bị điều tra: Trong khi muốn làm kẻ tôn vinh tính đa dạng của nhân quần như ta có thể mong ước, nhà dân tộc học bị các dân tộc này coi như là kẻ bảo vệ một tình trạng bất công không thể chịu đựng nổi nối dài sự bất công đã được chính bản chất của quan hệ thực dân tạo nên. Nhưng đối với Claude Lévi-Strauss, ngay cả trong những điều kiện đó, khoa dân tộc học truyền thống “vẫn phải đeo đuổi chắc chắn là trong nhiều thế kỷ công việc khai thác cái khối khổng lồ những tư liệu đã tích lũy được”. (Lévi-Strauss C. , 1984; 21).

Phần lớn nhất trong các bài giảng của ông sau đó tập trung vào sự phát triển thiết yếu của ngành này, việc cải tiến các mục tiêu nghiên cứu và các phương pháp của nó, sự mở rộng của nó hướng về những cách thức tiếp cận khác mang nhiều tính liên ngành hơn. Nếu ta có thể trình bày ở đây những con đường ông đã tính đến, thì cần chú ý là sự chuyển động đó hiện đang diễn ra: những đối kháng giữa các xã hội có Nhà nước với những xã hội không có Nhà nước, có chữ viết với theo truyền thống truyền khẩu, xã hội dựa trên chế độ lịch sử hay trên quy chế cá nhân phục tùng đối với toàn xã hội không còn có giá trị loại hình học nữa, nghĩa là ngày nay những xã hội đó không còn đối lập như những tiêu chí của sự khác biệt về khu vực văn hóa và địa lý. Khoa nhân học xã hội ngày càng quan tâm hơn đến các xã hội phức hợp, ở phương Tây hay không ở đó, bằng cách đa dạng hóa các lĩnh vực nghiên cứu của nó: nhân học về sức khỏe, dân tộc học thực vật, dân tộc học khoa học, dân tộc học âm nhạc, dân tộc học tâm thần, nhân học về luật, nhân học kinh tế, v.v. Chính trên âm điệu lạc quan đó mà chúng ta mong muốn kết thúc bài viết này, và dành lời cho Claude Lévi-Strauss như ông đã tuyên bố trong kết luận ở bài giảng của ông đã được nhắc đến trên kia: “Như là một khoa học “nằm giữa các khe hở”, nhằm khám phá cái đường viền nhỏ luôn di động ấy chia cách cái khả thể với cái bất khả thể, khoa dân tộc học sẽ còn tồn tại cho đến khi nào nhân loại vẫn còn, và theo nghĩa đó, nó là vĩnh cửu […] sự đa dạng có thật của các xã hội con người đã cung cấp cho suy tư dân tộc học một thứ bậc cấp. Tùy thuộc ở việc nó nhằm đúng cái đích đến với một cái nhìn vững tin để không đánh mất đà tiến lên của mình nếu một ngày nào đó có thiếu mất đi cái giá đỡ ấy”. (Lévi-Strauss C., 1984; 36).


Mục lục sách

Penser les "autres"
Tư duy về “những kẻ khác”

Phần thứ nhất: Kết thúc những chuyến đi

I. Khởi hành
II. Trên tàu
III. Quần đảo Antilles
IV. Đi tìm quyền lực

Phần thứ hai: Nhật ký hành trình

V. Nhìn lại phía sau
VI. Người ta trở thành nhà dân tộc học như thế nào?
VII. Hoàng hôn

Phần thứ ba: Tân thế giới

VIII. Đảo Pot-au-noir
IX. Guanabara
X. Qua vùng chí tuyến
XI. Sao-Paulo

Phần bốn: Đất và người

XII. Thành thị và nông thôn
XIII. Khu vực tiên phong
XIV. Tấm thảm bay
XV. Đám đông
XVI. Chợ

Phần năm: Caduveo

XVII. Parana
XVIII. Pantanal
XIX. Nakike
XX. Một xã hội thổ dân và kiểu thức của nó

Phần thứ sáu: Bororo

XXI. Vàng và kim cương
XXII. Những người man dã tốt bụng
XXIII. Những người sống và những người chết

Phần thứ bảy: Namikwara

XIV. Thế giới hẻo lánh
XV. Ở khu Sertão
XVI. Trên tuyến đường dây
XVII. Trong gia đình
XVIII. Bài học chữ viết
XIX. Đàn ông, đàn bà và thủ lĩnh

Phần thứ tám: Tupi-Kawahib

XXX. Đi thuyền độc mộc
XXXI. Robinson
XXXI. Trong rừng
XXXIII. Làng Dế mèn
XXXIV. Vở kịch con chim Japim
XXXV. Vùng Amazone
XXXVI. Seringal

Phần thứ chín: Đường về

XXXVII. Auguste được phong thần
XXXVIII. Một cốc nhỏ rượu "Rum"
XXXIX. Taxila
XL. Thăm Kyong

Thư mục
Ảnh phụ bản

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bàn về Tự do

    09/01/2011Bùi Văn Nam SơnCuốn sách đề cập đến một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đó là quyền của các cá nhân trong mối quan hệ của họ với cộng đồng và với xã hội. Toàn bộ nội dung tác phẩm Bàn về tự do toát lên quan niệm chủ đạo của tác giả cho rằng, tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; rằng, tự do xã hội là ranh giới giữa sự kiểm soát xã hội và sự độc lập của cá nhân...
  • 150 năm "Bàn về tự do"

    18/10/2009Nguyễn Trang NhungBàn về tự do của J. S. Mill đã phần nào tạo nên lực đẩy cho bước tiến ấy, khi góp phần không nhỏ vào những chuyển biến xã hội mang sắc màu dân chủ ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước Tây phương. Toàn bộ tác phẩm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do của con người đối với sự phát triển của toàn xã hội. Một xã hội thực sự tự do là một xã hội đảm bảo không gian cho tính đa dạng của ý kiến, hành vi, và lối sống. Nhận thức đầy đủ về tự do là nhân tố căn bản để mỗi người đạt được cho mình sự tự do thực sự. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ tích cực tạo nên những giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, cho quốc gia, và cho cả thế giới.
  • Tính tất yếu của tư duy phức hợp

    25/07/2009Phạm Khiêm ÍchTư duy phức hợp do Edgar Morin khởi xướng. Nhưng xét đến cùng thì đây là sản phẩm của cả một chặng đường phát triển lịch sử, văn hóa, văn minh nhân loại. Nó thể hiện một tổng thể các quan niệm mới, tầm nhìn mới, khám phá mới, suy tư mới và mong ước của tác giả "tìm kiếm sự thống nhất giữa khoa học và lý thuyết về tính phức hợp nhân bản ở trình độ rất cao".
  • Đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa Tư bản của Max Weber

    23/07/2009Trần Hữu Quang - Bùi Văn Nam SơnQuyển sách mà độc giả đang cầm trên tay bao gồm công trình chính là "Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" mà Max Weber viết vào năm 1904-1905 (in trong "Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik", tập XX, 1904, quyển 1, tr. 1-54, và tập XXI, 1905, quyển 1, tr. 1-110), và có sửa chữa, bổ sung vào năm 1920.
  • Cuối cùng Weber đã tới!

    01/07/2009Phạm XuânThạchTừ khi thị trường sách được phó thác cho những quy luật của thị trường tự do “thiếu tính thuần lý” (xin được mượn lối nói của chính Max Weber) thì những chuẩn mực này bắt đầu bị coi thường và đáng buồn thay, đôi khi bởi chính những nhà xuất bản có uy tín trong việc làm sách. Việc tái lập lại những chuẩn mực này, thiết tưởng, sẽ góp phần lành mạnh hóa trở lại đời sống sách ở Việt Nam.
  • Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học

    30/03/2009Chu Lan ĐìnhCho đến cuối thế kỷ XX, cuốn Cấu trúc các cuộc Cách mạng Khoa học có lẽ là cuốn sách triết học bán chạy nhất ở châu Âu và Mỹ, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng và số lượng phát hành bằng tiếng Anh lên đến hàng triệu bản. Cho đến nay, theo thống kê của một số tạp chí, đây là một trong những cuốn sách được các tác phẩm triết học trích dẫn nhiều nhất. Sự ra đời của nó vào năm l962 đã đánh dấu sự cáo chung của những tư tưởng triết học khoa học thịnh hành từ những năm l930 cho tới thời điểm ấy. Nó đồng thời đánh dấu sự mở màn của một tư tưởng triết học mới, ít thiên về phân tích logic và phân tích khái niệm mà chú trọng thích đáng hơn đến lịch sử và xã hội học khoa học.
  • Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    29/09/2008Minh Bùi tổng hợpQuyển "Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản" của Max Weber, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng, và cho đến nay có lẽ là quyển được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học. Tác phẩm này trở thành một tài liệu giáo khoa không thể thiếu trong các phân khoa học xã hội ở các đại học trên thế giới. Trong công trình này, Weber đi tìm nguồn gốc của sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản cận đại Âu châu nơi ethos và nền đạo đức khổ hạnh duy lý Tin Lành...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • xem toàn bộ