Chân trời có người bay

04:16 CH @ Thứ Hai - 08 Tháng Mười Hai, 2008

Tôi khóc
những chân trời không có người bay

lại khóc
những người bay không có chân trời
(Trần Dần)

Quả thực đã có thời có những người bay mà không có chân trời. Và thời nào cũng có những con người đã bay ở những chân trời của tự do, của sáng tạọ, của khát vọng sự thật và họ yêu mến cái đẹp đến vô bờ!

Ý thơ của nhà thơ Trần Dần đã được Đỗ Lai Thúy đặt tên cho cuốn sách hơn 500 trang viết về 17 nhà văn hóa, nhà nghiên cứu Việt Nam mà công việc của họ đã tác động tới hành trình tư duy của dân tộc ta.

Đôi lời thưa trước

Tôi vốn là người tự đào tạo. Sự không được học hành một cách chính quy khiến tôi không có cái may là được làm học trò chính truyền hay trực truyền của một ông thầy. Bù lại sự thiệt thòi đó, tôi phải học ở rất nhiều thầy. Sự không có học vấn nhà trường tuy vậy, lại làm tôi dễ tiếp thu hơn những tri thức từ các kênh khác nhau mà khỏi phải qua một quá trình tự làm rỗng bản thân. Hơn nữa, sự khác nhau của chính các thầy, một khi được để cạnh nhau, sẽ tạo ra sự đối thoại chí ít cũng là ở trong tôi. Tôi lắng nghe và học hỏi được nhiều điều từ những lời thinh lặng ấy.

Guru của tôi, trước hết là những học giả, những nhà khoa học mà dấu ấn của họ còn đậm in trên hành trình tư tưởng của thế kỷ. Do là các cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy... Những người mà chỉ học sách của họ. nghe các giai - huyền thoại về họ cũng đã điểm hóa cho tôi. Rồi những bậc thầy khác mà trong cuộc đời làm biên tập ngoại văn tôi đã may mắn có dịp cùng làm, có dịp gặp gỡ như Nguyễn Khắc Viện, Từ Chi, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Thái Bá Vân... Cá tính khoa học của họ đã ấn tượng tôi sâu đậm. Trong đó có những người như Đỗ Đức Hiểu, Đoàn Văn Chúc, Lê Hồng Sâm đã coi tôi như một bạn vong niên. Nhờ sự xóa bỏ “khoảng cách sử thi” này, đôi khi tôi đã có dịp nhìn họ từ bên trong. Cuối cùng, những bạn bè tôi. Tôi biết ơn họ từng nhận xét, từng lời nói. Và quan trọng hơn, một thái độ cảm thông những khi vấp ngã, những lúc cô đơn.

Đọc họ, tiếp xúc với họ, tôi thu nhận được nhiều kiến thức, nhưng cái chủ yếu là phương pháp, cách đặt và giải quyết những vấn đề chủ chốt của khoa học. Chính ở chỗ này, tư chất học thuật của họ được bộc lộ một cách trọn vẹn. Có người thành công, và không ít người thất bại. Với một hậu nhân như tôi, lý giải sự thất bại này từ nhiều góc độ sẽ là một bài học thiết thực. Biết không phải để né tránh, mà để tìm một lối giải quyết khác. Lịch sử chỉ nhớ đến các nhà khoa học ở những thành công của họ, nhưng với những người muốn tạo dựng lịch sử thì phải nhớ thêm những thất bại của họ nữa.

Viết về họ, quả thực tôi không viết chân dung văn học theo cách hiểu của số đông: văn là người, con người xã hội. Đây chỉ là những chân dung tinh thần, chân dung học thuật. Nếu có nhắc đến đôi nét tiểu sử, đến cuộc đời thì cũng chỉ để nhằm soi sáng cho một luận điểm khoa học, lý giải một ứng xử học thuật. Tôi viết cũng là để có dịp đọc sâu một tác phẩm, đền đáp một tấm lòng tri kỷ. Cho nên trong bài viết của tôi có ấn tượng, ký ức, cảm nghĩ, tán thưởng, tranh luận, thóc mách và đôi lúc vượt quá cả khoảng cách sử thi.

Đây là tập tùy bút chân dung viết về các nhà nghiên cứu những người âm thầm làm việc trong bóng tối. Một công việc nặng nhọc, khổ sai. Những đóng góp học thuật của họ, dẫu có tác động tới hành trình tư duy dân tộc đi nữa, thì cũng ít được bạn đọc rộng rãi biết đến, hoặc hiểu đúng, kể cả trong giới hẹp. Bởi vậy, để tăng cường thông tin về các tác giả này, tôi cung cấp thêm đôi nét tiểu sử, hoặc niên biểu, danh mục tác phẩm và một công trình hoặc trích đoạn. Tuy nhiên, tôi không có tham vọng nói hết về họ. Ai có thể đưa ra được lời nói cuối cùng về một con người, kể cả khi người ấy đã chết? Đây chỉ là những chân dung nhìn nghiêng theo biệt nhãn của tôi. Bởi vậy, cũng khó mà tránh khỏi đôi khi có những lời lẽ chủ quan. Nhưng cả sự chủ quan này như cũng đều ra đi từ lòng kính trọng, mến yêu, thành thực của tôi. Tình cảm này cũng dành cho nhiều nhà khoa học khác mà tôi chưa kịp viết. Và sẽ viết.

Tháng 4 - 2001



Đỗ Lai Thúy và 17 bức truyền thần
(Người Viễn Xứ, Thu Phong)

Giới thiệu 17 con người trong 502 trang sách, "Chân trời có người bay" - theo tác giả Đỗ Lai Thúy - là một tập tùy bút chân dung về các nhà nghiên cứu, những con người mà công việc của họ đã tác động tới hành trình tư duy của dân tộc Việt Nam.

Chúng ra sẽ được gặp nơi đây một Đào Duy Anh "ngậm đá lấp biển"; một Nguyễn Văn Hiên "từ dân tộc chí đến nhân học văn hóa"; một Hoàng Xuân Hãn "đọc giữa dòng"; một Trương Tửu và "phương pháp phê bình khoa học khách quan"; một Trần Đức Thảo với "sự lựa chọn của người trí thức"; một "Nguyễn Khắc Viện và "một hành trình tư tưởng" một Cao Xuân Huyvới "lời thinh lặng"; một Nguyễn Ngọc Chương và câu hỏi: "Việt Nam anh là ai?"; một Trần Đình Hượu "như một cơn gió"; một Đoàn Văn Trúc với hành trình; "đi tìm những tiếng nói đã mất"; một Đỗ Đức Hiểu băn khoăn "hình dung người đổi mới phê bình văn học", một Phan Ngọc ngắm nhìn "tấm huy chương nhìn từ mặt trái"; một Thái Bá Vân uyên thâm "là hiện tại"; một Trần Quốc Vượng luôn là "người theo nết đất"; một "Lê Hồng Sâm ngơ ngác với "một cách cư trú giữa chợ trời"; và một Trương Đăng Dung với "những con chữ không đồng hành".

Điều độc đáo trong "Chân trời có người bay" là tác giả Đỗ Lai Thúy đã không viết chân dung văn học theo cách hiểu của số đông: văn là người, con người xã hội mà đây là những "chân dung tinh thần, chân dung học thuật được viết bằng ấn tượng, ký ức, cảm nghĩ, tán thưởng, tranh luận, thóc mách và đôi lúc vượt cả khoảng cách của sử thi". Bằng cách tiếp cận này, chân dung mười bảy nhân vật nghiên cứu trên đã được Đỗ Lai Thúy tập trung tô đậm khía cạnh phương pháp tiếp cận, cách đặt và giải quyết những vấn đề chủ chốt trong khoa học của họ với không chỉ thành công mà còn những thất bại của họ nữa. Bởi vì theo tác giả - "Lịch sử chỉ nhớ đến các nhà khoa học ở những thành công của họ, nhưng đối với những người muốn tạo dựng lịch sử thì phải nhớ thêm những thất bại của họ nữa"...

Điều độc đáo thứ hai, cũng là điều quan trọng góp phần làm tăng giá trị học thuật của tập chân dung này là cùng với mỗi chân dung từng nhân vật Đỗ Lai Thúy còn cung cấp cho bạn đọc một tiểu sử vắn tắt, danh mục các tác phẩm và đặc biệt là phần trích dẫn một chương sách, hoặc một phần công trình nghiên cứu của họ để người đọc có thể cảm nhận trực tiếp về tư tưởng học thuật, tầm vóc tư duy, lĩnh vực tâm đắc... của từng nhà nghiên cứu đó. Về góc độ này, có thể nói "Chân trời có người bay" đã tập hợp được khá nhiều tư liệu có giá trị như:

- Khổng giáo với hiện đại của Đào Duy Anh.

- Con người và những cái nhìn con người trong văn hóa của Trần Đức Thảo.

- Phương pháp chủ toàn và phương pháp chủ biệt của tư tưởng của Cao Xuân Huy.

- Con người theo truyền thống nho giáo với vấn đề hiện đại hóa của Trần Đình Hượu.

- Phương pháp tự sự của Nguyễn Du của Phan Ngọc.

- Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng con mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng của Thái Bá Vân....

Tập chân dung "Chân trời có người bay" là một tác phẩm mới về cấu trúc và cách tiếp cận, sâu sắc về nội dung, tinh tế trong cảm nhận, là một tập hợp "những chân dung nhìn nghiêng theo biệt nhãn của tác giả", những chân dung đã được vẽ theo phong cách truyền thần với cái "tâm", cái "tài", cái "thần" của từng nhân vật trong hành trình tư tưởng của họ.

"Chân trời có người bay" là một cuốn sách xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập của những người quan tâm đến tư tưởng văn hóa Việt Nam và trong tủ sách của mọi gia đình.


Những người tìm chân trời để bay

Thu Hà

Tên cuốn sách - và cũng là nguồn cảm hứng để tác giả viết nên một cuốn sách cầm nặng tay (không chỉ vì dày 502 trang) như vậy - là một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ quá cố Trần Dần: "Tôi khóc những chân trời không có người bay – Lại khóc những người bay không có chân trời".

Lịch sử, xã hội và tính cách người Việt cũng đã có khi dẫn người trí thức đến chỗ phải âm thầm ngửa mặt lên trời mà khóc như vậy, nhưng cũng vẫn có những con người - dù thân xác phàm tục phải trải qua những hoàn cảnh hoặc nghiệt ngã hoặc hết sức tẻ nhạt, tầm thường - vẫn luôn tìm được những chân trời cho khát vọng của mình bay lên. Vì thế, Đỗ Lai Thúy đặt tên cho tác phẩm mới nhất của mình là Chân trời có người bay?

Cuốn sách là tập tùy bút chân dung mà Đỗ Lai Thấy viết về "các nhà nghiên cứu, những người âm thầm làm việc trong bóng tối. Một công việc nặng nhọc khổ sai. Những đóng góp học thuật của họ, dầu có tác động tới hành trình tư duy dân tộc đi nữa, thì cũng ít được bạn đọc rộng rãi biết đến, hoặc hiểu đúng, kể cả trong giới hẹp". Cuốn sách có 17 chân dung, chín người đã ra người thiên cổ: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện. Cao Xuân Huy, Nguyễn Ngọc Chương, Từ Chi; tám người còn lại đang tiếp tục con đường lao khổ âm thầm của mình: Trần Đình Hượu, Đoàn Văn Chúc, Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Thái Bá Vân, Lê Hồng Sâm, Trương Đăng Dung. Sở dĩ phải nhắc một cách cẩn thận tên tất cả những nhà nghiên cứu được viết trong cuốn sách vì họ không phải và không bao giờ là người của đông đảo công chúng.

Và Đỗ Lai Thúy, với nhiều tư cách: học trò, đồng nghiệp, bè bạn vong niên... đã dựng những chân dung vô cùng khó nắm bắt ấy một cách khá hấp dẫn, hấp dẫn mà vẫn khoa học, không hễ bị sa vào chuyện thóc mách đời tư, kiếm chuyện làm quà hay xoi mói, châm biếm. Ngược lại, ông cũng không làm cho nhân vật của mình hấp dẫn hơn bằng cách tô đậm những bi kịch trong cuộc đời trong sự nghiệp mà họ gặp phải do hoàn cánh lịch sử do va chạm với các quan điểm học phiệt, do tư tưởng đi trước thời đại... Ông viết về họ như là ông nhìn, thấy, cảm, hiểu, thương và trọng. Nhà văn hóa Đào Duy Anh, nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà dân tộc học Từ Chi và Nguyễn Văn Huyên... qua cách quan sát và chia sẻ ấy đã hiện lên với tất cả dáng vẻ sinh động của tài năng và tâm huyết.

Cũng có những chân dung Đỗ Lai Thúy viết khô khan, chỉ dừng ở phân tích các tác phẩm nghiên cứu của - đối tượng, thêm một số nhận xét của cá nhân, có những chân dung thì chỉ thấy tình cảm quí mến của người viết mà không thấy được tầm vóc của người được viết cũng như giá trị công trình của người đó. Có thể do người được viết có vậy, cũng có thể do những gì hay nhất về tác phẩm và con người của họ thì tác giả lại chưa thể viết, vì tránh né, e ngại, hay bất khả kháng?

Dù sao đi nữa khi sách đã gấp lại càng thấy lao động của người viết và người được viết cực nhọc và đáng trân trọng biết bao nhiêu.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để có những người bay: Thầy dạy bay và bầu trời bay

    16/06/2019Nguyễn Đức LamKhông có lẽ năm này qua năm khác ta cho ra trường đời những "chú gà công nghiệp" mãi sao? Đâu rồi những chú chim ưng dũng cảm, kiêu hãnh, tung cánh vào bầu trời khoáng đạt, bao la? Làm thế nào để có những chú chim ưng biết bay và dám bay?
  • Trí thức là ai?

    10/04/2015Phạm Xuân NguyênTrí thức là người có tri thức và biết suy nghĩ khác biệt và độc lập, và là người chỉ truy cầu một mục đích: chân lý. Từ vị thế này, trí thức mới có thể tác động và ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn vong của xã hội và quốc gia...
  • Theo vết chân những người khổng lồ & Sự đỏng đảnh của phương pháp

    12/12/2014Hai cuốn sách nghiên cứu, biên khảo về những trường phái văn hoá tư tưởng phương Tây quan trọng, giới thiệu một cách tương đối hệ thống các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu trong văn hóa nghệ thuật suốt hai thế kỉ qua ở phương Tây...
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • Ngô Tự Lập và “Hàn thử biểu tâm hồn”

    03/10/2008Phạm KhảiNgô Tự Lập có lẽ đã "đi xa" hơn Trần Đăng Khoa (về sự pha trộn thể loại) khi trong cuốn sách dày ngót 300 trang này, anh cho tập hợp rất nhiều dạng bài: Từ các bài khảo cứu văn hóa, tiểu luận, phê bình, chân dung văn học, các bài báo về nhiều lĩnh vực nghệ thuật, thơ (sáng tác) và thơ dịch; truyện dịch, một đôi bài điểm báo… và cuối cùng là loạt bài phỏng vấn mà tác giả lại là người… được hỏi....
  • Con người văn hóa trong tư tưởng của một số doanh nhân dân tộc

    01/01/1900Nguyễn Bình YênSo với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như TrungQuốc, Ấn Độ và một số nước TâyÂu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia...
  • Trò chuyện với nhà thơ Lão Thực

    09/12/2006Vũ Ngọc TiếnCó một thời ấu trĩ, hễ ai nhắc đến Hiện sinh còn bị chuốc vạ vào thân, đã kìm hãm sự phát triển văn học Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX. Đáng tiếc, bước vào đổi mới, có một số người, để tỏ ra mình cấp tiến hơn các bạn viết, đã cố gồng cây bút lên cho có vẻ Hiện sinh, mà có khi Hiện sinh là gì họ còn chưa hiểu hết, sách Hiện sinh chắc gì đã đọc cho nghiêm túc. Ngược lại, có không ít người lại tỏ ra dị ứng, ác cảm với Hiện sinh. Triết học nào lập ra cũng vì con người, hướng dẫn con người đi tìm đến cội nguồn của hạnh phúc...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam qua các trước tác của Nguyễn Văn Huyên

    05/03/2006GS. TS. Phạm Minh HạcNgoài đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Huyên với nền giáo dục và khoa học giáo dục của nước Việt Nam độc lập, ông đã đề cập nhiều đến vấn đề con người, nhân cách con người và cách hình thành, phát triển nhân cách con người thế hệ trẻ Việt Nam...
  • Nguyễn Đình Chiểu nhân cách của một nhà văn hóa lớn

    08/11/2005Nguyễn Văn ChâuNhân cách của Nguyễn Đình Chiểu là một minh chứng sống động về tính năng động của con người. Cuộc đời dù nghiệt ngã, nhưng sự nghiệp của con người ấy không vì thế mà buông xuôi theo số phận. Vượt qua số phận để đứng vững trước sóng gió của cuộc đời, chính là thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu.
  • xem toàn bộ