Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Tìm đến sự cân bằng mới, không phải tàn sát lẫn nhau!
Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc đang có những diễn biến kịch tính khi hai bên đáp trả trừng phạt thuế vào nhau. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, cuộc chiến này chưa hẳn đã dừng lại bởi đây mới chỉ dò dẫm nhau trong cuộc chiến đi tìm một trạng thái cân bằng mới của thế giới.
Phóng viên Dân Trí đã phỏng vấn doanh nhân, luật sư Nguyễn Trần Bạt xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và đo lường với Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
.
Dấu hiệu của sự đối đầu toàn diện
Hỏi: Thưa ông, xin ông cho biết cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc liệu sẽ đi đến đâu, đích đến của Mỹ có hẳn là kinh tế hay là do họ muốn kìm hãm sự nổi lên trông thấy của Trung Quốc trên trường quốc tế?
Trả lời:Về hình thức đây là sự xung đột kinh tế, còn bản chất là sự xung đột ảnh hưởng. Bởi mỗi quốc gia có hai loại sức mạnh, sức mạnh cứng thể hiện ở kinh tế, quân sự, sức mạnh mềm thể hiện ở tiếng nói trên trường quốc tế. Nói chung người Mỹ muốn kìm hãm Trung Quốc và người Trung Quốc cũng muốn làm giảm bớt địa vị độc tôn của nước Mỹ trên thế giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ thế giới cho rằng chiến tranh lạnh kết thúc với quan niệm chiến tranh lạnh là một hiện tượng nhất thời, nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ chiến tranh lạnh là một biểu hiện cơ bản của trạng thái cân bằng trong hòa bình của thế giới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ nói đến thế giới đơn cực, tức là nước Mỹ trở thành cường quốc duy nhất, nhưng tôi cho rằng không phải thế. Sau khi cực Liên Xô đã tan rã thì thế giới sẽ hình thành một cực khác để tiếp tục quay trở về trạng thái lưỡng cực. Trạng thái lưỡng cực ấy rồi cũng sẽ tiệm cận đến chiến tranh lạnh một lần nữa. Những biểu hiện ban đầu của cuộc chiến hiện nay đã có dấu vết của sự đối đầu toàn diện chứ không phải chỉ đối đầu về thương mại.
Cuộc chiến tranh thương mại hiện nay là một cuộc chiến để đi tìm một trạng thái cân bằng mới của thế giới. Hai bên đều dò dẫm để tìm đến một sự cân bằng mới chứ không phải là đi đến chỗ tàn sát lẫn nhau. Có lẽ mỗi bên đều sẽ dừng ở một ranh giới phù hợp với thế lực thật của mình. Trên thế giới cũng chưa ai đo thế lực thật của Mỹ, của Trung Quốc hay của Liên Xô trước kia. Mỗi bên đều bịa ra những ưu thế của mình, các ưu thế ấy dường như là sự chém gió của mỗi bên trong đối đầu lưỡng cực. Bây giờ do toàn cầu hóa, do sự đan xen vào nhau của các quá trình phát triển cho nên thế giới có cơ hội đo lường cụ thể hơn. Trước đây trong chiến tranh lạnh có các bức màn sắt, mỗi phe đều có các ranh giới cứng để bên ngoài khó xâm nhập một cách tự nhiên vào mình, nhưng bây giờ do toàn cầu hóa và do sự phát triển kinh tế cho nên mỗi bên đều xâm nhập vào nhau, mỗi bên có điều kiện để đo đạc sức mạnh của nhau trong kinh tế cũng như trong quân sự. Chính vì thế cuộc đối đầu này sẽ kéo dài và toàn diện, không đi đến chỗ tàn phá lẫn nhau nhưng đi đến một sự cân bằng nào đó cùng với thời gian mới rõ dần ra được.
Nhiệm vụ của chúng ta là quan sát kỹ hiện tượng này, bởi nó có ảnh hưởng đến các nước bé như chúng ta. Đối với chúng ta, sự đối đầu của Nga với Mỹ khác sự đối đầu của Trung Quốc với Mỹ, bởi vì chúng ta là hàng xóm sát sườn của Trung Quốc. Do sự sát sườn như vậy cho nên độ tự do của chúng ta trong quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây sẽ khó hơn một chút và chúng ta buộc phải cẩn thận. Trước đây, chúng ta nói là đa phương hóa, đa dạng hóa, nhưng bây giờ trong chiến tranh thương mại các thế lực quốc tế mạnh đã sử dụng công cụ “trừng phạt”. Người ta trừng phạt một cách rất tinh khôn, phạt cả cá nhân lẫn tổ chức, thậm chí không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả cấp độ đảng chính trị. Các diễn biến quốc tế đều rất phức tạp và chúng ta phải cẩn thận, bởi nó diễn ra không phải trong sự cân bằng chính trị thông thường, mà là cân bằng chính trị trong trạng thái trừng phạt của các bên với nhau.
Mỹ không muốn Trung Quốc tranh giành các nguồn lực phát triển
Hỏi: Tại sao sự mạnh lên của Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị lại trở thành mối đe dọa với Mỹ?
Trả lời:Vì hai bên sẽ tranh dành thị trường của nhau, tranh dành ảnh hưởng của nhau, tranh dành khả năng bán hàng của nhau và tranh dành khả năng chiếm dụng các nguồn nhiên liệu trên thế giới. Hay nói cách khác, phát triển là một quá trình tranh dành các nguồn lực phát triển.
Hỏi: Trung Quốc có chiến lược một vành đai, một con đường, họ đổ vốn đầu tư khắp các nước để tăng ảnh hưởng. Họ đầu tư một loạt cảng biển, biến nó thành các cảng biến chính trị phục vụ mục đích quân sự. Điều này có phải là một nỗi lo đối với nước Mỹ và một số nước lớn khác?
Trả lời:Sức mạnh của bên này luôn luôn là nỗi lo của bên kia, đấy là quy luật thông thường. Đấy là chúng ta nói một cách chung chung. Tuy nhiên, các nước trên thế giới quan hệ với nhau thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA. Trong tất cả các hiệp định thương mại tự do đều có một điều không thiếu được là cân bằng lợi ích. Nhưng rõ ràng sự va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là sự va chạm trên các hiệp định hẹp mà là sự va chạm trên quy mô toàn cầu. Đây là hiện tượng rất thú vị để quan sát cũng như rất phức tạp để tìm hiểu, cho nên phải quan sát thận trọng.
Hỏi: Các chuyên gia đều cho rằng Trung Quốc thường lấy kinh tế làm tiền đề để thực hiện các tham vọng chính trị, điều này có khác với Mỹ hay các nước phương Tây không?
Trả lời:Các nước phương Tây làm điều này từ vài thế kỷ trước, trong quá trình thực dân hóa các vùng đất, biến các vùng đất thành thuộc địa của mình. Người Mỹ là một đế quốc mới, cũng chưa có nhiều thuộc địa, nhưng người Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các đế quốc phương Tây đã chiếm dụng các vùng đất này từ lâu. Vì thế cho nên nếu người ta có kêu ca Trung Quốc làm thế này, thế kia thì cũng chưa nhiều bằng những việc các nước phương Tây đã làm trong lịch sử lâu dài hàng thế kỷ. Có những động thái từ phía Trung Quốc thì đấy cũng là mong muốn của họ muốn dành lại những gì đã bỏ lỡ trong lịch sử. Đấy là một quốc gia phát triển đi tìm các thị trường mà trước đây nó không đủ năng lực để có, ví dụ thị trường châu Phi. Nếu cứ bới chỗ đó ra sẽ rất phức tạp vì chúng ta sẽ phải nói đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước đang phát triển, chúng ta sẽ phải lên án từ đầu nhiều thứ, chúng ta không cắt lịch sử ra từng đoạn để nói được.
Hỏi: Theo ông việc áp thuế cao với một lượng hàng hóa lớn của Trung Quốc có phải là cách thức tốt nhất mà Mỹ có thể làm hiện nay để đối phó với Trung Quốc?
Trả lời:Đấy là cách duy nhất có thể dùng ngay được bây giờ. Người Mỹ muốn đòi lại sự cân bằng đã đánh mất do sự mất cảnh giác của họ ở các giai đoạn chính trị khác nhau. Có thể vào những giai đoạn trước thì cán cân thương mại chưa phải là lợi ích chủ yếu của các nước phương Tây ở Trung Quốc. Chỉ cần xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một ít thôi thì cũng đã có lợi cho Mỹ và phương Tây. Tôi đã đến Mỹ từ rất sớm, từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 vàc chứng kiến người ta hô hào nhau đến Trung Quốc như thế nào. Trường đại học Harvard đã có cả một trung tâm nghiên cứu về phương Đông và chủ yếu là nghiên cứu về Trung Quốc, tôi có quen người đứng đầu của tổ chức đấy là giáo sư Jerome Cohen, ông ấy vẫn còn sống và thỉnh thoảng có xuất hiện ở Việt Nam trong các hội nghị về biển đảo.
Nghiên cứu Trung Quốc để thâm nhập vào đấy là một hoạt động có từ lâu và là hoạt động chủ động của người Mỹ. Nhưng giai đoạn ấy hoạt động thương mại chưa rõ, mà chủ yếu là hoạt động đầu tư. Bây giờ, sau 30-40 năm phát triển của toàn cầu hóa thì cân bằng lợi ích cơ bản giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc chính là cân bằng thương mại. Vì vậy mà Tổng thống D.Trump đã chọn thương mại để cân bằng lại lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ cũng không cần tiền như trước đây cho nên họ không kêu gọi đầu tư từ Mỹ mà xem Mỹ là chỗ bán hàng. Cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa thì vấn đề cân bằng thương mại trở thành vấn đề chính trị chủ yếu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hỏi: Có hiện tượng các nhà đầu tư Mỹ sau một thời gian làm ăn ở Trung Quốc thì họ rút đi, vì một số sản phẩm Mỹ không được ưa dùng ở Trung Quốc, ví dụ như Google, Facebook. Điều đó gây ảnh hưởng gì?
Trả lời:Người Trung Quốc không ưa và chính phủ Trung Quốc không ưa là hai việc khác nhau. Google là một loại dịch vụ, không phải là hàng hóa, cho nên nó gắn liền với khái niệm khác là tự do truyền thông. Người Trung Quốc rất ưa dùng các sản phẩm của Mỹ và điều ấy trở thành nỗi khó chịu rất căn bản của chính phủ Trung Quốc. Nói đến các dịch vụ mạng xã hội là nói đến vấn đề tự do truyền thông vào nhau giữa các quốc gia, nó không đơn thuần là bán hàng, mặc dù nó cũng thể hiện dưới hình thức bán dịch vụ.
Hỏi: Nhưng thực tế thì có rất nhiều sản phẩm của phương Tây không được chính phủ Trung Quốc chào mừng như McDonals, Starbuck ở Trung Quốc rất kém phát triển so với các nước ở Đông Nam Á?
Trả lời:Đấy là cái chúng ta buộc phải suy nghĩ. Chúng ta không ngăn cản ảnh hưởng của các sản phẩm phương Tây trên đất nước mình và Trung Quốc ngăn cản ảnh hưởng ấy, cách nào đúng chúng ta chưa biết được. Chúng ta không phải là một nhà sản xuất có ưu thế, chúng ta không cạnh tranh được với các hàng hóa của Mỹ, còn Trung Quốc là một nhà sản xuất, dần dần họ trở thành một nhà sản xuất lớn, công xưởng của thế giới cho nên họ buộc phải ngăn cản người Mỹ bán hàng để còn bán hàng của mình. Có thể vì chúng ta không có hàng hóa để bán cho nên chúng ta không có nhu cầu ngăn cản từ bây giờ.
Hỏi: Việc nhái công nghệ, nhái máy móc hay nói chung là nội địa hóa của Trung Quốc rất tốt, rất mạnh và nhanh, đó có phải là một nguyên nhân dẫn đến chính sách mới này của chính quyền D Trump?
Trả lời:Không phải nội địa hóa. Nội địa hóa một cách chân chính là thay thế các sản phẩm có chất lượng công nghệ của người ta bằng các sản phẩm có chất lượng công nghệ tương đương của mình. Còn cái mà tổng thống Trump đang nói là nói về sự ăn cắp các tài sản có chất lượng trí tuệ của người Mỹ. Trên thế giới này, trong cuộc đấu tranh thương mại với nhau người ta ta gọi hiện tượng ấy là “ăn cắp”. Việc lấy trộm các sáng chế, các mẫu hàng hóa là một vấn đề nhức nhối thường xuyên trong đấu tranh thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc. Nhưng như thế cũng không phải Trung Quốc bất chính hoàn toàn, bởi có một số hiệp định quốc tế được xác lập vào thời kỳ phương Tây có sức mạnh, kể cả sức mạnh trí tuệ, với những nội dung có tính chất ngăn cản các dân tộc chậm phát triển. Bởi vì khi đã có sản phẩm được đăng ký bảo hộ rồi thì mọi cái bắt chước đều sai, trong khi có những sản phẩm mà chất lượng sáng tạo trong đấy đi theo một chuẩn mực chung của sự phát triển. Trong các luật về thương mại trí tuệ có một nguyên lý là “first to file”, cái gì đi trước thì cái đó chiếm ưu thế, đó là một trong số những nguyên tắc rất thực dân. Chính vì thế nên các dân tộc chậm phát triển mới có một cuộc kháng chiến lâu dài phá vỡ các nguyên tắc như vậy của phương Tây, nếu không thì họ khó mà phát triển được. Bởi vì năng lực sáng tạo của loài người là có hạn trên mỗi một khía cạnh khác nhau của đời sống sản xuất, nếu anh buộc người ta phải trả bản quyền mới được sử dụng những sáng tạo ấy thì giá hàng hóa sẽ đắt và không có sức cạnh tranh. Trong tất cả các buôn bán thì giá cả là yếu tố cạnh tranh số một, tính thêm tiền công nghệ thì lập tức giá tăng vọt lên, không còn sức hấp dẫn thương mại nữa. Cho nên có những động cơ, động lực nhất định khuyến khích xã hội vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển. Vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề có thật và rất nghiêm trọng trong giao lưu thương mại toàn cầu.
Hỏi: Liệu chúng ta sẽ tìm kiếm những lợi ích gì và tránh những hậu quả gì trong xung đột thương mại Mỹ-Trung?
Trả lời:Xét về mặt động cơ không nên nói chúng ta tìm kiếm lợi ích trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mà chỉ nên nói chúng ta tránh các thất thiệt thế nào.
Hỏi: Đấy là hai vế khác nhau?
Trả lời:Không phải! “Tìm kiếm lợi ích” trong xung đột giữa người này và người kia là không chính đáng, không được hoan nghênh ở bất kỳ mức độ nào và bất kỳ nền văn hóa nào. Trên báo chí chúng ta nói về chuyện tìm cách tránh các thất thiệt do xung đột thương mại gây ra thì đúng. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình để tránh các thất thiệt bằng cách nghiên cứu nó. Còn tìm kiếm lợi ích là cách nói không chuyên nghiệp.
Hỏi: Vậy theo ông làm thế nào để né tránh những thất thiệt?
Trả lời:Cái gì mà Trung Quốc không bán được ở Mỹ nữa thì liệu họ có bán ở Việt Nam không? Quá trình thương mại quốc tế vận hành theo quy luật bình thông nhau, nước ở chỗ có thế năng cao sẽ tràn ra chỗ có thế năng thấp.
Hỏi: Sức mua của người Việt Nam chắc chắn là không bằng người Mỹ, vì vậy có ý kiến lo ngại hàng chuẩn như hàng Trung Quốc xuất vào Mỹ sẽ không đến Việt Nam mà chỉ có hàng địa phương của Trung Quốc đến thôi?
Trả lời:Cách quan niệm như vậy không đúng. Sức mua cũng là một khái niệm phát triển. Người dân sống ở Hà Nội cách đây 30 năm chỉ mua được hàng Quảng Tây thôi, nhưng 20 năm trước thì hàng Quảng Đông đã bắt đầu đến Hà Nội, 10 năm gần đây thì hàng Thượng Hải đã đến Hà Nội. Hàng bán ở Hà Nội và ở Sài Gòn cũng có sự khác nhau. Sự quan liêu trong việc nghiên cứu các đặc điểm phát triển của quan hệ thương mại sẽ làm thất thiệt các quá trình phát triển. Khi nói không thể nói chung chung. Hàng hóa Trung Quốc mà không bán sang Mỹ thì nó sẽ đến đâu đó, không phải chỉ đến Việt Nam, nó còn có thể được bán sang Hồng Kong, Nhật Bản, EU… Về nguyên tắc hàng hóa không bán được sang Mỹ thì nó có thể tràn sang chỗ có thể tràn sang được, trong đó có Việt Nam.
Có những thứ hàng hóa tràn đến Việt Nam có thể làm ngăn cản việc sản xuất hàng hóa của Việt Nam, vì giá thành sản xuất của Việt Nam cao hơn. Hàng hóa cùng chất lượng mà rẻ hơn thì nó sẽ bóp chết hàng hóa cùng chất lượng và chủng loại nhưng giá thành sản xuất cao hơn. Chắc chắn là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến nền sản xuất Việt Nam, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Hỏi: Theo ông phải làm thế nào để giảm ảnh hưởng hóa của họ sang Việt Nam?
Trả lời: Chúng ta cũng có thể có ảnh hưởng ngược trở lại bởi tất cả các hiệp định thương mại song phương đều có các hàng rão kỹ thuật để cân bằng lợi ích. Quy luật của thị trường tư do chính là họ có quyền bán hàng sang mình, người Trung Quốc cũng có các quyền như vậy. Chúng ta có đủ khả năng, có đủ uy lực để đánh thuế như ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc không? Điều ấy chắc là khó. Trong cuộc chơi này chúng ta phải khôn, vì chúng ta là một nước bé. Việc tìm kiếm các lợi ích cụ thể trong điều kiện toàn cầu hóa là một việc vô cùng khó, đòi hỏi phải có các cơ quan điều tra thật sự chuyên nghiệp. Tôi đã từng cung cấp các dịch vụ điều tra về việc xâm nhập các hàng hóa không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam, cho một số công ty Mỹ, họ có mặt ở đây từ thế kỷ XVIII. Điều tra gian lận thương mại là một hoạt động đã có từ thế kỷ XVIII - XIX.
Hỏi: Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là bị hàng Trung Quốc bóp chết. Ví dụ điển hình là ngành thép đã bị chịu ảnh hưởng, đặc biệt là hàng xây dựng từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam rất nhiều, đấy phải chăng cũng là một nguy cơ có thể giết chết các doanh nghiệp trong nước?
Trả lời: Các doanh nghiệp phải nghiên cứu xem có nên chờ đợi trong khi Chính phủ tìm cách dựng các hàng rào kỹ thuật ngăn cản hàng nhập từ Trung Quốc không? Chắc là không thể chờ đợi. Vậy chúng ta chỉ làm được những gì mà Trung Quốc không làm. Nhưng người Trung Quốc làm tất cả mọi thứ nên sớm hay muộn các công ty của chúng ta cũng phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc. Có thể về mặt lý trí chính trị thì Đảng ta, đất nước ta không muốn lệ thuộc Trung Quốc nhưng các công ty Việt Nam khó tránh được điều đó nếu muốn tồn tại. Trong tình thế chúng ta muốn độc lập về chính trị nhưng kinh tế không thể độc lập thì chúng ta phải làm thế nào. Đây là bài toán khó.
Hỏi: Nhiều người nói đến hiện tượng thời gian qua sản phẩm Trung Quốc đội lốt Made in Vietnam để xuất sang Mỹ. Đây là một trong những bài toán đặt ra cho Nhà nước, Chính phủ và chính sách của Việt Nam, mà nó đã diễn ra trên thực tế, ông bình luận gì về vấn đề này và có gợi mở gì?
Trả lời: Tất cả những kẻ làm ăn không chuyên nghiệp đều tưởng rằng có thể làm như thế, thậm chí báo chí của chúng ta từng nói nhiều về việc chúng ta tham gia TPP thì cái lợi trước mắt của các nhà đầu tư Trung Quốc là bỏ vốn vào đây để sản xuất hàng ở Việt Nam và xuất sang Mỹ. Có lẽ tổng thống Trump không vào TPP là ông ấy thấy được những chuyện như vậy.
Không làm thế được, người ta phát hiện ra ngay sự khác biệt các chi tiết trong động cơ của hãng Rolls-Royce của Anh hay hãng GM của Mỹ. Toàn cầu hóa là sử dụng của nhau dựa trên sự tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ. Người Mỹ không ngăn cấm hàng hóa Trung Quốc nhưng phải rõ ràng về mặt sở hữu trí tuệ thì mới xác lập được sự cân bằng thương mại. Tuy nhiên làm như thế thì rất khó cho các nước như Trung Quốc hay Việt Nam vì chúng ta là những nước đang phát triển. Trung Quốc có định nghĩa nước Mỹ là nước phát triển lớn nhất và Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất. Khi tự nhận mình là nước đang phát triển có nghĩa là anh đi sau và quyền đầu tiên anh bị hạn chế là quyền sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ, anh phải trả tiền cho kẻ đi trước, hay nói một cách khái quát là không thể xâm phạm các quyền của kẻ đi trước.
Tất cả các hãng dược lớn nhất ở trên thế giới này đều là của các nước phương Tây, các nước đang phát triển muốn sản xuất loại thuốc ấy đều phải mua bản quyền. Việc mua bản quyền làm cho các nước đi sau mất đi ưu thế của một kẻ có nguồn lao động giá rẻ. Dù gì thì anh cũng phải trả tiền cho người biết trước, phát hiện ra trước. Đấy chính là vấn đề gay go nhất của tự do thương mại trên toàn thế giới hiện nay.
Hỏi: Người ta nói nếu để người Trung Quốc gắn mác made in Vietnam vào hàng hóa của họ thì chúng ta có thể bị Mỹ kiện, thậm chí Mỹ có thể đối xử với Việt Nam y như họ đã làm với Trung Quốc. Theo ông nguy cơ ấy có lớn không?
Trả lời: Họ đã làm đối với nhôm và thép Việt Nam rồi. Chúng ta là nền kinh tế bé, thậm chí các quốc gia bé vì ngay cả tiềm năng quân sự của chúng ta cũng bé cho nên chúng ta buộc phải suy tính mọi cái trong khi lựa chọn các đồng minh trong đời sống phát triển, nếu đánh giá tình thế sai chúng ta sẽ thiệt. Sự tỉnh táo này là điều mà xã hội đòi hỏi ở các nhà lãnh đạo.
Hỏi: Từ nay đến cuối năm theo dự đoán của ông Mỹ sẽ tiếp tục áp các chính sách thuế đối với các hàng hóa công nghệ của Trung Quốc, thậm chí có thể trừng phạt các hàng hóa dịch vụ như tài chính ngân hàng ?
Trả lời: Bây giờ không nói được, đôi khi nó lệ thuộc vào tâm lý của Tổng thống Trump, đôi khi nó lệ thuộc vào nghị lực bản lĩnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, cho nên chúng ta không nói một cách định lượng các giới hạn quan hệ trong trạng thái hiện nay được. Nếu cuộc xung đột này chỉ dừng ở xung đột thương mại, xác lập lại sự cân bằng thương mại thuần túy thì có mấy trăm tỷ đô la nữa ông Trump phạt nốt thì thôi. Nhưng đấy có phải là tất cả nội dung của sự va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không? Tôi nghĩ không. Sự cấm vận kỹ thuật và công nghệ rất có thể trở thành nội dung mới, mà Trung Quốc đang phát triển rất cần công nghệ. Nếu để dẫn đến trạng thái cực đoan hơn là trừng phạt hay cấm vận công nghệ thì nền sản xuất Trung Quốc phải coi chừng. Anh không bán hàng được chỗ này thì anh mang bán chỗ khác hoặc sản xuất bớt đi, nhưng không sản xuất được nữa là chết. Ví dụ người ta nói 70% con chip sử dụng trong các thiết bị thế hệ công nghệ mới ở Trung Quốc phải mua của Mỹ. Cấm vận là ngay cả khi anh mua một cách chính đáng tôi cũng không bán. Tôi cấm anh ăn cắp của tôi đã đành, nhưng ngay cả việc mua đàng hoàng tôi cũng không bán.
Cho nên chúng ta không nói trước được, phải xem tình thế phát triển đến mức nào. Người Mỹ có nghĩ rằng họ có khả năng bóp chết kinh tế Trung Quốc không? Liệu bóp chết kinh tế hay làm suy giảm nền kinh tế Trung Quốc thì địa vị chính trị của ông Tập Cận Bình có vấn đề gì không? Người Mỹ có định tác động sâu sắc hơn nữa vào đời sống chính trị của Trung Quốc không? Tất cả những chuyện đấy đều có thể xảy ra vì nó đã từng xảy ra và làm Liên Xô sụp đổ. Trong đời sống chính trị toàn cầu, người Mỹ có kinh nghiệm về việc làm cho sụp đổ một Liên Xô và kinh nghiệm ấy liệu có được ứng dụng để làm sụp đổ một Trung Quốc không? Chúng ta nên theo dõi giai đoạn sắp tới người Mỹ thu xếp các xung đột tương tự với các quốc gia khác như thế nào. Nếu họ tung ra các đòn thương mại giống nhau ở các quốc gia có xung đột hay có mất cân bằng thương mại với nước Mỹ thì có lẽ vấn đề chủ yếu ông Trump muốn giải quyết là cân bằng thương mại. Nhưng ngày hôm qua ông Trump vừa đưa ra tuyên bố khá gay gắt chống lại chủ nghĩa xã hội ở Đại hội đồng Liên hợp quốc. D.Trump có biến vấn đề thành chính trị không và chống lại chủ nghĩa xã hội có phải là biểu hiện đầu tiên của cuộc chiến tranh lạnh mới không? Những vấn đề ấy báo chí chuyên nghiệp của chúng ta buộc phải theo dõi một cách cẩn thận.
Hỏi: Không phải đến khi có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại thì nền kinh tế Trung Quốc mới bùng nổ yếu kém, trước đây các doanh nghiệp của Trung Quốc đã phá sản rất nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ.
Trả lời: Chúng ta cứ nói một cách lục bát là nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ các yếu kém mà quên mất rằng đấy là một câu khen. Sự bộc lộ các yếu kém kinh tế là một ưu thế thật sự của Trung Quốc vì nó đang phát triển. Nếu không có gì yếu kém thì có nghĩa là không có kinh tế. Tất cả các nền kinh tế đều có các điểm yếu kém, kể cả Mỹ. Nếu kinh tế Mỹ không yếu kém thì tại sao nước Mỹ lại mất đi công bằng thương mại thông thường đối với tất cả các quốc gia họ quan hệ, tại sao Tổng thống Trump lại buộc phải xóa bỏ những cam kết cũ trong Hiệp định thương mại Bắc Mỹ? Bởi vì nước Mỹ đã bất cẩn trong các cam kết được xây dựng vào thời điểm đầu những năm 1990. Sau một thời gian họ nhận thấy rằng trong khi ký các cam kết của đầu những năm 1990 mình đã hố vì không hình dung ra tương lai phát triển của các quan hệ kinh tế Bắc Mỹ, do đó họ muốn sửa.
Hỏi: Nếu Mỹ cấm vận công nghệ hoặc sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc thì Trung Quốc có lo không?
Trả lời: Họ sẽ xoay sở, nhưng nên nhớ rằng người Mỹ ràng buộc không phải chỉ mình Trung Quốc. Trong một sự cấm vận cụ thể nào đó chúng ta rất có thể rơi vào cái bẫy của sự trừng phạt. Ví dụ Mỹ có thể trừng phạt Việt Nam nếu chúng ta mua vũ khí của một quốc gia mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến mua bán vũ khĩ. Trừng phạt là một nguy cơ toàn cầu bởi vì mọi thứ cần phải trừng phạt đều được ràng buộc rất chằng chịt trên thế giới.
Cho đến bây giờ người Mỹ cũng chưa thật lòng muốn bán vũ khí cho Việt Nam, cách đây chục năm mới bán vũ khí phi sát thương, cách đây hai năm mới bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Như vậy là Việt Nam chưa được khuyến khích thật sự trong việc mua vũ khí của Mỹ, cho nên chúng ta buộc phải mua của nước khác. Việc người Việt mua của người khác có thể là một thói quen thương mại, không biết liệu việc đó có rơi vào vòng trừng phạt của người Mỹ không. Nếu việc ấy không lớn thì người ta lờ đi, nhưng nếu nó ảnh hưởng đến địa vị của người Mỹ thì phải coi chừng. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn cực kỳ phức tạp, ngoài việc xác lập sự cân bằng thương mại thông thường chúng ta còn phải đối phó với các chiến dịch trừng phạt lẫn nhau giữa các nước lớn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015