Bài 2: Cái vĩ đại của D. Trump chính là làm chủ một cách thực sự nền chính trị Hoa Kỳ

09:18 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Tám, 2018

Xem bài trước:

.

“Trump làm chủ nền chính trị Hoa Kỳ, ông ấy biết rất rõ về nó, lúc nào cần khuấy đảo nó, lúc nào cần cho nó nghỉ một chút, ông ấy đều làm được. Cái vĩ đại của Trump chính là làm chủ một cách thực sự nền chính trị Hoa Kỳ, làm chủ tiềm năng kinh tế, kỹ thuật, quân sự của Hoa Kỳ”- Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt...


Nguyễn Trần Bạt: Cái vĩ đại của Trump chính là làm chủ một cách thực sự nền chính trị Hoa Kỳ, làm chủ tiềm năng kinh tế, kỹ thuật, quân sự của Hoa Kỳ

Tôi linh cảm Trump sẽ có nhiệm kỳ nữa

Theo ông sự lãng mạn của Trump trong nhiệm kỳ 2 có bị đe dọa không, bởi vì hiện nay ở nước Mỹ đã hình thành nhiều nhóm chống Trump?

- Nước Mỹ là một quốc gia khởi nghiệp, ở đó luôn luôn hình thành các nhóm “kiếm ăn”, cho nên nếu chúng ta tin vào những thông tin như thế thì không thấy được nền chính trị Mỹ. Có thể với tốc độ phát triển rất nhanh thì sự biến động của phát triển sẽ làm cho nước Mỹ có những thay đổi về chính trị.

Liệu chất lượng chính trị của cái cộng đồng mà Trump lấy làm lực lượng ấy có gì biến động ở nhiệm kỳ sau không, chưa ai biết được. Cho đến hết nhiệm kỳ này, Trump vẫn có thể dựa vào những lựa chọn cũ của mình, nhưng sau đó rất có thể ông ấy sẽ phải thay đổi cách thức để có thêm nhiệm kỳ nữa.

Nếu không phải là Donald Trump đắc cử Tổng thống thì ông hình dung nước Mỹ sẽ thế nào ở nhiệm kỳ này?

-Nếu không có nhiệm kỳ này của Trump thì tôi e là nước Mỹ sẽ đi xuống. Bởi vì tất cả các trò chơi vừa qua của các Tổng thống dân chủ là trò chơi không thực chất. Nếu gọi cuộc cách mạng của Trump là cách mạng vô sản thì không chính xác, bởi vì bộ phận Trump chọn làm lực lượng không phải là tầng lớp cần lao mà là tầng lớp trung lưu cấp thấp.

Và chính bằng cuộc cách mạng theo kiểu của mình Trump đã tránh cho nước Mỹ một cuộc cách mạng dữ dội hơn. Đây là một cuộc cách mạng có tính chất cải cách, đại bộ phận nội dung của nó là cấu trúc lại các luật chơi của chủ nghĩa tư bản. Có thể nói đây chính là phương thức tồn tại của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Tôi nghĩ nền chính trị Hoa Kỳ về cơ bản vẫn tiếp tục là một nền chính trị vững chắc và cổ điển, một nền chính trị có những thay đổi ngoạn mục vào những thời điểm cần thiết cho sự phát triển. Tôi linh cảm Trump sẽ có nhiệm kỳ nữa, những năm cuối cùng có thể ông ấy sẽ hãm tất cả những quyết định hơi quá đáng của mình xuống một chút. Ông ấy thay đổi thái độ chính trị thú vị và thông minh hơn nhiều so với các Tổng thống Hoa Kỳ từ Rooservelt trở lại đây.


D. Trump làm chủ nền chính trị Hoa Kỳ

D. Trump làm chủ nền chính trị Hoa Kỳ

Có lẽ Trump sẽ là nhân vật của năm 2018. Ông ấy giải quyết vấn đề Triều Tiên, vấn đề Nga, vấn đề Trung Quốc theo một mô típ dường như giống nhau là đánh phủ đầu xong rồi đàm phán. Chuyện Triều Tiên bao nhiêu đời Tổng thống Mỹ không giải quyết được, mà bây giờ ở nhiệm kỳ của Trump đã có những chuyển biến khả quan. Đầu tiên ông ấy đưa Trung Quốc và Nga vào thế buộc phải ký vào hiệp định phong tỏa kinh tế Triều Tiên, sau đấy ông ấy kéo Kim Jong Un ra đàm phán riêng, gạt Trung Quốc và Nga ra bên ngoài. Theo ông yếu tố nào khiến Trump làm được những việc như vậy?

- Trump làm được như vậy vì ông ấy biết cách làm chủ nền chính trị. Những Tổng thống như B. Clinton hay B. Obama vẫn là những người tá túc trong nền chính trị Mỹ chứ chưa làm chủ nó thật sự. Xây dựng tâm lý làm chủ là cả một chủ thuyết. Trump làm chủ nền chính trị Hoa Kỳ, ông ấy biết rất rõ về nó, lúc nào cần khuấy đảo nó, lúc nào cần cho nó nghỉ một chút, ông ấy đều làm được. Cái vĩ đại của Trump chính là làm chủ một cách thực sự nền chính trị Hoa Kỳ, làm chủ tiềm năng kinh tế, kỹ thuật, quân sự của Hoa Kỳ.

Lâu nay những tiềm lực ấy không được các Tổng thống tiền nhiệm phát huy đúng cách, làm cho uy thế của nước Mỹ đi xuống. Giờ đây Donald Trump xuất hiện và ông ấy chính là người biết cách làm cho nước Mỹ và thế giới thấy khẩu súng ấy có thể bắn, quả mìn ấy có thể nổ, đấy là tất cả tiềm lực ẩn giấu sau các thông điệp chính trị của Donald Trump.

Việt Nam chúng ta cũng đã từng làm được cho người khác sợ, thậm chí là năm đời Tổng thống Mỹ sợ. Vào dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ, tôi đã trả lời Truyền hình quân đội rằng Việt Nam là một quốc gia không có gì ghê gớm xét về mặt tiềm lực, nhưng lại là một quốc gia có năng lực đột phá, năng lực ấy tạo ra uy thế của Việt Nam. 4000 năm nay chúng ta vẫn giữ được sự độc lập tương đối ở bên cạnh Trung Quốc là vì như vậy.


Gạt Trung Quốc và Nga, D. Trump trực tiếp gặp gỡ người đứng đầu Triều Tiên

Ông Trump phân biệt rất rõ cái giữ lại và cái đẩy đi

Bây giờ nhìn lại di sản của Obama để lại có thể thấy không mấy thành công, thậm chí có khá nhiều thất bại, nhất là đối ngoại. Ví dụ, lệnh cấm vận đối với Nga năm 2014 để lại hậu quả là Nga nhảy vào Syria,lấy lại Crưm và xích gần lại với Trung Quốc hơn, còn Trung Quốc thì hoành hành ở Biển Đông, thậm chí khi Philippines thắng trong vụ kiện khẳng định chủ quyền thì chính quyền Obama cũng không có thái độ gì ủng hộ. Bây giờ dường như Trump đang vẽ lại bàn cờ ấy?

-Trump là Tổng thống duy nhất trong tất cả các Tổng thống Mỹ sau Reagan thấy được sức mạnh không cưỡng lại được của nước Mỹ. Rất nhiều hỏa mù được thả ra về sức mạnh của sự lấn át kinh tế, của sự trỗi dậy của Trung Quốc, rất nhiều hỏa mù thả ra về Nga, nhưng tại sao Trump lại chọn Nga để mở đầu chính sách đối ngoại của mình? Bởi vì nếu không đem xung đột ra dọa, thì nước Mỹ cũng chỉ là một đối tác kinh tế, mà kinh tế là phụ thuộc lẫn nhau.

Khi quản trị thì anh phải biết rõ mình có tiềm lực đến đâu, có trí đến đâu. Trump có làm gì thì về cơ bản người ta cũng không tìm thấy rủi ro thật sự của các quốc gia mà nước Mỹ có quan hệ. Trump chỉ làm cho một số nhà chính trị cảm thấy mình có thể bị phế truất chứ ông ấy không làm cho quốc gia nào cảm thấy mình hố. Đấy là chỗ giỏi của Trump. Ông ấy phân biệt rất rõ cái giữ lại và cái đẩy đi. Ngay cả với Việt Nam ông ấy cũng có thái độ à ơi chứ không phải là bỏ đi thẳng.

Trump là một thương gia chuyên nghiệp, biết rất rõ các cấp độ lợi ích trong một quá trình thương lượng chính trị. Tôi không nghĩ ông ấy sử dụng Putin. Chính Putin đã bầy mình ra cho Trump sử dụng, Tập Cận Bình cũng bầy mình ra cho Trump sử dụng. Trump không có uy thế gì trước đó để có thể bầy đặt các kế sách tác động lên Putin hoặc Tập Cận Bình mà Trump nhìn thấy họ một cách thực tế.

Trump là một thương gia chuyên nghiệp, biết rất rõ các cấp độ lợi ích trong một quá trình thương lượng chính trị.

Phải chăng Trung Quốc mới thực là đối tượng lâu dài mà Trump nhắm đến? Người ta dự đoán hàng rào thuế quan chỉ là bước đi ban đầu để chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo ông có đúng không?

-Cho đến hết nhiệm kỳ này, có thể cả nhiệm kỳ sau thì Trung Quốc cũng vẫn chưa lớn đến mức có thể đe dọa Mỹ. Cho nên trước mắt nguy cơ về vai trò của Nga trong chiến tranh hạt nhân hiện hữu nhiều hơn so với sự phát triển không khống chế được của Trung Quốc.

Trump là một thương gia nên biết rất rõ nếu chỉ bằng con đường phát triển kinh tế hiện nay thì Trung Quốc rất khó để vươn lên trở thành một cường quốc khống chế thế giới. Bây giờ người Trung Quốc đã nhận ra sai lầm trong chiến lược vũ khí hạt nhân của mình, vì họ không có đủ lực về hạt nhân để đối đầu với Mỹ.

Quan trọng nhất vẫn là lực lượng vũ trang và xét về mặt này thì Nga là nguy cơ hiện hữu trước mắt đối với Mỹ. Nếu để ngăn chặn Trung Quốc về lâu dài thì Mỹ cần lôi Nga đến gần hơn để trong sự đối đầu với Trung Quốc, Mỹ có Nga bên cạnh. Trump “đánh nước cờ” của những nhiệm kỳ sắp tới đối với Putin và chuẩn bị lâu dài cho các "ván cờ" đối đầu với Trung Quốc.

Mọi người cứ tưởng hòa bình và chiến tranh lạnh là hai trạng thái riêng rẽ, nhưng tôi không nghĩ thế. Chiến tranh lạnh chính là hòa bình, bởi chính trị vĩnh viễn không bao giờ mang đến hòa bình, chính trị cùng lắm cũng chỉ góp phần biến chiến tranh vũ trang thành chiến tranh lạnh.

Trung Quốc chỉ vượt được Mỹ nếu Trung Quốc hấp dẫn hơn nữa chứ không phải là tận dụng lợi thế hơn người của mình để gây sức ép, ví dụ gài các bẫy nợ để ép người ta nhượng bộ trong các dự án cả kinh tế lẫn quốc phòng như hiện nay. Nếu con người không có sự chính đáng về mặt văn hóa thì không hấp dẫn ai. Không hấp dẫn với một vài người thì được chứ không hấp dẫn với số đông thì anh không thể trở thành cường quốc được.

Tôi nghĩ Trung Quốc buộc phải sửa mình. Tôi đã nhìn thấy những tín hiệu thức dậy hơi sớm của Trung Quốc trong các chiến lược của ông Tập Cận Bình. Đấy có lẽ cũng là một sự quá trớn chính trị. Sắp tới chúng ta quan sát xem ông ấy xử lý sự quá trớn này thế nào. Nếu Tập Cận Bình xử lý tốt thì chúng ta có thể chắc chắn là sau Nga, Trung Quốc sẽ trở thành một cực của thế giới.


Trong thời gian tới, mà gần nhất là trong mươi, mười lăm năm tới dẫn dắt thế giới vẫn là bộ ba quyền lực Mỹ - Nga và Trung Quốc.

Chúng ta luôn luôn có cơ hội, nếu…

Trong thời gian tới, mà gần nhất là trong mươi, mười lăm năm tới dẫn dắt thế giới vẫn là bộ ba quyền lực Mỹ - Nga và Trung Quốc. Theo ông trong mối quan hệ này thì Việt Nam chúng ta có cơ hội gì không?

- Chúng ta luôn luôn có cơ hội nếu chúng ta không rời mắt khỏi sự quan sát một cách thấu đáo tình hình bộ ba của chính trị thế giới, diễn biến bên trong của nền chính trị Mỹ và diễn biến bên trong của nền chính trị Trung Quốc. Với nước Nga thì tôi nghĩ họ đã mất cơ hội trở thành cường quốc thật sự.


Nguyễn Trần Bat: Nước Mỹ mà không có một Tổng thống kiểu Donald Trump thì khó răn đe được ai.

Trung Quốc sẽ dần dần thay thế Liên Xô trước đây, nếu Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đủ kiên nhẫn. Trong vòng 10 năm nữa Trump sẽ hết nhiệm kỳ, nước Mỹ có các Tổng thống cỡ Trump nữa hay không cũng là một vấn đề, đấy là một ngẫu nhiên hiếm.

Nước Mỹ mà không có một Tổng thống kiểu Donald Trump thì khó răn đe được ai. Sức mạnh của nước Mỹ là sức mạnh của chiến tranh lạnh, sức mạnh của răn đe. Nước Mỹ mà không có ai đủ gan để răn đe thiên hạ thì chỉ là một “con khủng long” ăn cỏ.

Xin cám ơn ông!

(Còn nữa)

Nguồn:Viettimes
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan