Chuyện vui về câu đối và họa thơ
1. Năm 1963, hai nhà viết kịch Hoài Giao và Dương Linh cùng dự trại viết quân đội ở Yên Phụ (Hà Nội) do nhà thơ Xuân Thiêm phụ trách.
Nhân đi qua quán nước thấy cô bán quán xinh đẹp, mắt mũi Hoài Giao chấp chới, Dương Linh ra câu đối vui:
- Chuột bé tí, thử răng ghè lọ mỡ!
Hoài Giao đỏ mặt, đối lại nhanh tuy không hay lắm nhưng cũng tạm được:
- Dê bén mùi, giương mũi gặm cành dâu!
Bốn mươi năm sau (2003), hai người lại gặp nhau dự trại kịch tại Vũng Tàu, Dương Linh bảo: - Có câu đối này do nữ nghệ sĩ Minh Ngọc thách đối, hiện chưa ai đối được, cậu đối thử xem nào?
Hoài Giao: - Đọc thử coi!
Dương Linh: - Bợm nhậu về khuya gọi vợ:
- Mình ơi! mở cửa, mình!
Hoài Giao: - Cực khó! chơi chữ “ác” quá! Nhưng đệ liều đối xem có được không nhé!
Dương Linh: - Cứ thử xem!
Hoài Giao: - Nhà sư tụng kinh, khát nước gọi trò:
- Bớ tiểu, đun nước, tiểu!
Cả hai cười phá lên. Bốn mươi năm tái ngộ là vài câu đố vậy thôi!
.
2. Năm 1996, đoàn tác giả kịch bản sân khấu ba miền đất nước do NSND Lê Tiến Thọ, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa làm trưởng đoàn đi tham quan hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Lúc tham gia liên hoan ở Nhà máy đường Lam Sơn (Thanh Hóa), tiến sĩ Trần Trí Trắc, phó đoàn, có ra câu đối thách đối:
- Đường Lam Sơn từ đất Lam Sơn, ngọt đại nghĩa, đậm chí nhân Đại Việt.
Anh em trong đoàn cử đồng chí Dương Linh thay mặt anh em đối lại. Sau ít phút suy nghĩ, nhớ lại cùng anh em buổi sáng đi tham quan xã Xuân Phú chuyên trồng mía cho nhà máy đường, nhờ đó đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, lấy chuyện đó Dương Linh đối lại:
- Mía Xuân Phú vượt đồi Xuân Phú, phú trùng lai, phú mãn địa Vạn Xuân!
Anh em vui vẻ hoan nghênh vế đối lại tạm được này.
.
3. Xin nhắc lại một chuyện vui: Hồi chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ khoảng năm 1965-1966 gì đó, có một nhà thơ người dân tộc thiểu số khá nổi tiếng trong Ban lãnh đạo một Bộ, có “dan díu” với cô đánh máy tên Thái ở cơ quan văn nghệ, bị tự vệ phường bắt gặp làm ầm lên, khiến giới văn nghệ ra câu đối châm biếm thách đối:
- Kinh thay! Chuyện tày trời, lão Thổ sờ mèo Thái.
Câu này rất khó đối, vì nó nói đến 5 dân tộc trong một câu cụ thể: dân tộc Kinh, Tày, Thổ, Mèo, Thái. Rất lâu chưa có vế đối đáp lại, sau này có người (không biết tên) tạo ra vế đáp lại như sau:
- Khiếp thật! Thời bao cấp, kiệt nguyên liệu mười phương!
Câu này nêu tên 5 ông phó thủ tướng sau giải phóng năm 1975: Võ Văn Kiệt, Đồng Sĩ Nguyên, Vũ Đình Liệu, Đỗ Mười, Trần Phương. Tuy chưa hay nhưng tạm được.
4. Dân gian hồi xưa kể rằng chuyện tình của “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương với anh đồ nghèo Chiêu Hổ có những bài thơ xướng họa rất vui, như hồi mới quen Chiêu Hổ gởi hai câu thơ có ý ghẹo:
- Người “cổ” lại còn đeo thói “nguyệt”
Buồng “xuân” chi để lạnh mùi “hương”
Chiêu Hổ chơi chữ rất khéo, chữ “cổ” ghép với chữ “nguyệt” thành chữ “Hổ” (câu 1), câu 2 có cả tên Xuân Hương.
Xuân Hương đáp lại với ý mắng yêu:
- Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!
Mình là “hổ”, nơi ấy lại bảo là hang “hùm” thì đâu có chịu, Chiêu Hổ đáp lại:
- Nào ai tỉnh, nào ai say
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày?
Hang hùm ví chẳng thò tay được
Sao có hùm con bỗng chốc tay?
Họa lại giỏi thật! Xuân Hương có ý chịu, nhưng còn ngần ngại qua bốn câu thơ:
- Những bấy lâu nay luống nhắn nhe
Nhắn nhe toan những sự gùn ghè
Gùn ghè nên hãy còn chưa dám
Chưa dám cho nên vẫn rụt rè!
Biết Xuân Hương “chịu” rồi nhưng còn ngần ngại, Chiêu Hổ “đớp” luôn:
Hỡi hỡi cô bây tớ bảo nhe
Bảo nhe không được cậy ông ghè
Ông ghè chẳng vỡ ông ghè mãi
Ghè mãi rồi lâu cũng phải rè!
Thế là Hồ Xuân Hương phải chịu anh đồ nghèo này giỏi thật, thơ toàn “tử vận” mà vẫn đối họa lại ngon ơ! Từ đó, họ yêu nhau, có lần Xuân Hương hỏi mượn Chiêu Hổ một quan tiền, Hổ chỉ đưa có ba đồng, Xuân Hương trách nhẹ:
- Sao bảo rằng năm lại có ba
Trách người quân tử hẹn sai ra
Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
Nhớ hái giùm cho nắm lá đa!
Ý Xuân Hương nói Chiêu Hổ hứa cuội, nhưng anh đồ nghèo này đâu có vừa, đáp lại ngay:
- Quan thì năm, quý có ba
Trách người vụng tính, tính không ra
Ừ rồi, đây cũng lên chơi nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa!
Thế là Xuân Hương lại phải chịu thua. Ít lâu sau, Chiêu Hổ thi đỗ sắp ra làm quan, muốn dứt tình Xuân Hương nên gởi hai câu thơ:
- Nay đã mần cha thằng xích tử
Rày thì đù mẹ đứa hồng nhan!
(xích tử là con đỏ, ý nói là con dân).
Xuân Hương tức lắm, gởi lại cho Chiêu Hổ câu đối chửi xưa nghèo khổ, giờ lên mặt:
- Mặc áo giáp, giải cài chữ đinh, mậu, kỷ, canh, mà khoe mình rằng quý!
Nhưng đã nói, Chiêu Hổ không phải tay vừa, lão đáp lại ngay:
- Làm đĩ càn, tai đeo hạt khảm, tốn, ly, đoài mà khéo nói rằng khôn!
Xuân Hương chửi bằng “thập can” (giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỷ, canh, tân, nhâm, quý), còn Chiêu Hổ đáp lại bằng “bát quái” (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài). Thật là “kỳ phùng địch thủ” hiếm có trong chuyện vui dân gian.
.
5. Hồi trước có hai câu đối chưa có người đối (sau này không biết có ai đối được chưa):
- Người nhái ngoài biển mò vào bắt cóc, cóc bắt được ai, bị bắt trói ngồi trơ mắt ếch.
(Báo Quân đội Nhân dân)
- Tập thể giục tập thể tập thể dục tập thể.
(Báo Thể thao)
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi (2019) sắp về, xin góp đôi mẩu chuyện vui về câu đối và họa thơ để làm quà bạn đọc gần xa yêu mến loại nghệ thuật văn học đặc biệt này. Nếu có sơ sót, xin lượng thứ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015