Những bản nhạc phổ thơ Xuân Quỳnh

05:26 CH @ Thứ Hai - 07 Tháng Mười, 2019

“Thuyền và biển”, “Mẹ của anh”... hòa quyện giữa thơ và nhạc, thấm đẫm chất trữ tình...

Xuân Quỳnh sáng tác bài thơ năm 1967, trong chuyến công tác vùng biển Diêm Điền (Thái Bình). Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ diễn tả tình yêu thủy chung của phụ nữ và khát vọng vượt lên mọi trở ngại.

Ca khúc "Sóng" do nhóm sinh viên thể hiện

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau cũng thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ...

Tháng 4/2017, nhóm sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) đã sáng tác phần nhạc cho bài thơ và quay MV thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trênYoutube. Để khớp với phần nhạc, bài hát có một số thay đổi về lời, cấu trúc thơ. Ngoài ra, nhóm sinh viên còn sáng tạo phần rap khiến ca khúc sôi động, hợp thị hiếu giới trẻ.

"Thơ tình cuối mùa thu"

Bài thơ nằm trong tập Tự hát, xuất bản năm 1984. Thơ tình cuối mùa thungợi ca tình yêu lứa đôi. Xuân Quỳnh không sử dụng hình ảnh ước lệ để khắc họa ý thơ. Nữ thi sĩ đi vào khung cảnh mộc mạc, hình ảnh giản dị, đặc trưng miền quê đồng bằng Bắc bộ.

* Tân Nhàn thể hiện "Thơ tình cuối mùa thu"

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá

.
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mông
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em...

Thơ tình cuối mùa thu được cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Nhạc sĩ dùng tiết tấu chậm và nhẹ tạo nỗi khắc khoải, suy tư. Bài hát từng được nhiều ca sĩ thể hiện như: NSND Thu Hiền, Giao Linh, Anh Thơ, Tân Nhàn...

Sinh thời, nhạc sĩ từng chia sẻ: “Thơ Xuân Quỳnh vừa trẻ trung, vừa sâu sắc. Đã hay về lời văn lại hay cả về tình cảm và âm điệu. Tôi không chỉ hiểu mà còn biết rất rõ về Xuân Quỳnh bởi chúng tôi cùng ở khu nhà tập thể 96 Phố Huế (Hà Nội). Dù thiếu thốn đủ đường, Xuân Quỳnh và chồng đã sống bên nhau cho đến lúc không còn hiện diện trên cõi đời này”.

"Thuyền và biển"

Bài thơ rút từ tập Chồi biếc, xuất bản năm 1963. Thuyền và biểnkhắc khoải nỗi nhớ. Hình ảnh "thuyền" và "biển" không đơn thuần thể hiện tâm trạng của kẻ ở người đi mà là tâm trạng chung của những người đang yêu. Họ luôn hướng về nhau, dù khó khăn cách trở.

* NSƯT Quang Lý hát "Thuyền và biển"

Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu

.
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ

.
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.

Mười hai câu cuối bài thơ được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc vào những năm 1980. Cố nhạc sĩ từng chia sẻ: "Đó là đỉnh điểm cao trào của bài thơ. Hơn nữa, như thế vừa gọn, vừa nói lên được đầy đủ ý nghĩa chính của tác giả và cũng vừa đủ cho một ca khúc trữ tình". Nhiều đoạn trong bài hát có tiết tấu dồn dập như sóng dội, bên cạnh những khoảng ngân dài tạo sự lắng đọng. Ca khúc quen thuộc với khán giả qua giọng hát của Nghệ sĩ Ưu tú Quang Lý, Bảo Yến.

"Mẹ của anh"

Bài thơ nói về mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu. Xuân Quỳnh có cảm nhận sâu sắc về đức hy sinh của mẹ chồng. Mẹ của anh thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của thi sĩ đối với mẹ Lưu Quang Vũ.

* Ca sĩ Thùy Dương hát "Mẹ của anh"

PGS.TS Lưu Khánh Thơ - em chồng Xuân Quỳnh - cho biết mẹ bà từng phản đối tình cảm của anh trai với cố nhà thơ. Tuy nhiên, sau khi Xuân Quỳnh về làm dâu, mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu không xung khắc mà thêm thắm thiết, thuận hòa.

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau...

Bài thơ từng được nhạc sĩ Trịnh Vĩnh Thành phổ nhạc. Nhạc phẩm thuộc thể loại trữ tình dân ca, có tiết tấu chậm rãi, giai điệu đều.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thơ vui về Phái Yếu

    07/10/2019Nhà thơ Xuân QuỳnhChúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
    Sắm cho con đôi dép tới trường
    Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
    Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...
  • Cuộc đời gửi lại trong thơ

    29/08/2019Lưu Khánh ThơXuân Quỳnh (1942-1988) là một gương mặt độc đáo trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Từ giã trần gian đã hơn 20 năm nhưng thơ chị vẫn luôn có mặt trong hành trang tinh thần của nhiều thế hệ bạn đọc...
  • 29-8-1988 ngày định mệnh và tang lễ vô cùng cảm động

    29/08/2016Ngô ThảoCuối buổi chiều, sân 51 Trần Hưng Đạo - Trụ sở của 6, 7 Hội Văn học Nghệ thuật xôn xao, ồn ào rồi bàng hoàng khi nhận được tin: Cả nhà Lưu Quang Vũ chết hết rồi.
  • Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà

    20/03/2015Phan Huyền Thư"Thay cho mẹ tôi, thơ Xuân Quỳnh dạy tôi cách trở thành đàn bà, cách trở thành người biết yêu người khác vô điều kiện và phi ngụy biện" - nhà thơ Phan Huyền Thư viết.