Xác định thái độ
Một xã hội chỉ được gọi là văn minh, tiến bộ chỉ khi mà trong đó mỗi người xác định được dứt khoát thái độ nghề nghiệp của mình. Nếu không xác định được thái độ nghề nghiệp thì sẽ dẫn tới những phiền phức, rối loạn gây cản trở sự phát triển chung.
Người xác định được thái độ nghề nghiệp thì mọi sự sẽ thông suốt, làm việc dứt khoát hơn, tận tụy hơn, hiệu quả hơn. Anh là người phục vụ thì hiển nhiên anh phải đáp ứng tối đa những đòi hỏi, yêu cầu của đối tượng mà anh phục vụ. Sự đáp ứng này chỉ diễn ra hoàn hảo và có chất lượng khi anh xác định rõ ràng rằng anh phải như thế, nghề của anh phải như thế, không thể khác được. Một người làm nghề lễ tân thì phải lịch sự, chu đáo hướng dẫn khách, đưa đồ đạc của khách lên phòng, dù vị khách đó chỉ là một đứa trẻ lên ba, lên bốn. Không thể thấy một người trẻ hơn mình, ăn mặc xềnh xoàng hơn mình mà tỏ vẻ khinh thường, chểnh mảng trong phục vụ. Càng không thể thấy một người giàu có, lịch sự đến mà mình lại tỏ ra quỵ lụy trong khi nhiệm vụ của mình là đĩnh đạc hướng dẫn khách.
Anh làm nghề xe ôm, khách tới dù là bất kỳ loại nào, sang trọng hay nghèo khổ, già hay trẻ, khi họ yêu cầu, khi thỏa thuận tiền nong xong thì anh dứt khoát làm tròn nhiệm vụ và thái độ của một người xe ôm, phải đưa người ta đến nơi đến chốn. Anh có thể là ông giời ở đâu đó cũng kệ anh, nhưng ở trường hợp này anh phải trở về vị trí, vai trò của một xe ôm, phục vụ hết mình, có trách nhiệm. Cũng như tôi thuê anh chở đến chỗ làm để tôi phục vụ người khác. Thái độ xác định này khiến công việc trôi chảy, người vui vẻ, mà ta cũng vui vẻ. Khi anh nhập nhằng thái độ giữa phục vụ với giúp đỡ thì mọi sự sẽ phức tạp lên.
Anh đạp xích lô cho tôi đi dạo phố mà anh lại thấy có vẻ như mình thấp kém, vì nghĩ tôi mới ở tỉnh lẻ về mà ngồi chễm chệ như ông chủ thì rõ ràng là anh đã sai. Ở môi trường tiền triệu thì có thượng đế tiền triệu, ở môi trường tiền chục thì có thượng đế của tiền chục.
Sợ nhất là sự không rõ ràng. Không xác định rõ ràng thì công việc của anh có thểbị ảnh hưởng bởi nó mất đi phần trách nhiệm, mất cố gắng và như vậy thì hiệu quả là thấp. Để xác định được rạch ròi thái độ công việc thì người ta phải có nhận thức rõ nét và thấu đáo về công việc của mình. Khi nhận thức thấu đáo về nghề của mình rồi thì khi ấy tự biết nghĩa vụ, bổn phận của mình thế nào, đến đâu. Người xác định đwọc thái độ với nghề nghiệp cũng đồng nghĩa là người biết chấp nhận cuộc chơi một cách lịch sự. Như vậy hiển nhiên người ấy là kẻ có văn hóa, không bàn cãi gì được nữa.
Tôi làm nghề quét rác, những gì người ta đổ ra đường thì tôi phải dọn bằng sạch và dọn với tinh thần trách nhiệm cao, chẳng chút áy náy này nọ. Ấy là tôi xác định rõ ràng rằng nghề của mình nó phải thế, và tôi chẳng thấy đó là nghề nghiệp kém. Còn anh làm nghề sửa chữa vi tính, một nghề xem ra có vẻ cao siêu, hiện đại nhưng khi khách gọi đến chữa máy thì anh có vẻ ngượng nghịu, khó chịu cho rằng mình cứ phải lếch thếch đến nhà người ta trong khi mình giỏi hơn người ta. Ấy là vì anh không xác định được thái độ nghề nghiệp nên mới nảy sinh sự vướng bận vớ vẩn đó. Nếu anh nghĩ như tôi, rằng nghề này thì phải thế, sự việc sẽ khác đi, khách hàng sẽ vui vẻ thoải mái và lần sau họ lại gọi tới anh. Còn không thì, bái bai, lần đầu cũng là lần cuối, không bao giờ gặp lại nữa. Như vậy cũng đồng nghĩa nghề của anh chẳng ké dài bao lâu được.
Bắt đầu từ chuyên môn
Trong cơ quan người chuyên môn yếu bao giờ cũng là đầu mối của mọi sự phức tạp rắc rối. Vì chuyên môn yếu thì hay mặc cảm tự ty, đã mặc cảm tự ti thường dẫn tới kèn cựa với người khác.
Có kẻ che giấu chuyên môn yếu của mình bằng cách đi nói xấu hạ bệ người có chuyên môn tốt: ôi dào, có quái gì mà phải khen, thằng ấy cũng thường thường bậc trung thôi. Kẻ nào có tâm hơn một chút thì không nói xấu nhưng thay vào đó lại tự ca ngợi, tự thổi phồng mình giống như con ếch ương cố căng bụng to lên: Tôi chả thiết làm, chứ việc ấy tôi chỉ hỉ mũi một cái là xong. Kẻ khác nữa, thường thì là đàn bà con gái thì tìm cách khắc phục hậu quả bằng cách “bắt sống” sếp để làm lá chắn. Khi đã “bắt sống” được xếp rồi thì tự nhiên chẳng ai dám bàn tới chuyên môn của mình nữa, mà có khi còn được vài ba kẻ cơ hội bốc lên là đằng khác.
Đàn ông chuyên môn yếu cũng dựa vào sếp, không phải “bắt sống” như đàn bà con gái mà nấp sau sếp, hoặc khuất thân dưới gầm giầy của sếp. Đàn ông chỉ duy trì được sự yêu mến của sếp bằng cách hót thật hay về sếp, nào là sếp hết ý, sếp thông minh nhất trong cả cái cõi này, có khi còn thông minh hơn cả ông cụ nhà em. Sau đó, nếu giàu có thì đưa sếp đi chiêu đãi cao lương mỹ vị, nghèo thì chiêu đãi sếp bằng cái lưỡi của mình, uốn lưỡi đến sát cuống họng để nâng cáo tài năng và đạo đức của sếp. Theo logic thông thường, muốn ca ngợi người này thì nhất định phải dè bỉu kẻ khác, nếu tâng bốc sếp trưởng thì nhất định phải hạ bệ sếp phó và ngược lại. Thế là hình thành phe phái, dẫn đến tình trạng cơ quan bị “loạn mười hai sứ quân”. Rất nhiều bi hài kịch đã diễn ra khi cơ quan thay đổi sếp, kẻ khóc người cười, kẻ mặt héo như lá hơ trên lửa, kẻ mặt tươi như búp gặp mưa xuân. Kẻ thắng thì lại vênh vang, kẻ thua thì rum cầm cập như sắp sửa bị “cẩu đầu trảm”.
Nếu tinh ý sẽ thấy những vị rình mò nghe ngóng nhau ở cơ quan thì nhất định đó là những vị có chuyên môn yếu. Người chuyên môn giỏi thì dành thời gian vào công việc, không có thời gian đàm tiếu, ngó nghiêng. Khi chuyên môn đã giỏi thì họ càng say mê công việc hơn. Kẻ chuyên môn yếu hễ nói tới công việc chuyên môn là sởn tóc gáy, tìm cách lảng ra xa, thế là cái đà trượt cứ tiếp diễn nó dẫn tới tha hóa nhân cách và hạ cấp văn hóa con người ta. Tất cả những điều trên rèn luyện lên một tính xấu đáng sợ đó là tính trở cờ. Chẳng có ai chuyên môn giỏi mà trở cờ cả. Chỉ có kẻ chuyên môn yếu là trở cờ vì nếu không anh bị gẫy và bị phế bỏ ngay lập tức. Chuyên môn giỏi thì có ương ngạch một tý, có làm sếp khó chịu một tí nhưng ít khi sếp bỏ. Vì sếp nào chả muốn quân mình giỏi. Cái khoái chỉ huy người giỏi lớn hơn cái khoái nghe kẻ kém nịnh nọt mình. Chính vì thế, đa phần những người chuyên môn giỏi được tôn trọng còn kẻ chuyên môn yếu thì thường bị khinh rẻ, nạt nộ dù hay được xếp “ban ơn mưa móc”.
Các cụ xưa tổng kết: Đời người sống chỉ một lần, phải sống cho nó tử tế. Tử tế ở đây nghĩa là phải đàng hoàng, chững chạc, ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào mắt những người xung quanh mà không bợn một chút xấu hổ nào. Muốn làm được điều đó thì đầu tiên là phải có chuyên môn giỏi. Chuyên môn giỏi không quyết định tất cả nhưng nó là gốc rễ cho nhân cách của con người, nhất là những người làm việc trong các cơ quan.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh