Vượn biến thành người như thế nào?
Chúng ta đều biết theo thuyết tiến hóa thì tổ tiên loài người là các chú vượn châu Phi. Tuy nhiên rất ít người biết cụ thể quá trình kì lạ đó, dù chỉ trên những nét khái quát. Hy vọng bài viết dưới đây có thể khắc phục một phần thực tế đó.
Câu chuyện không thể tin nổi về quá trình vượn biến thành người khởi nguồn từ hơn 6-7 triệu năm trước và điểm xuyết bằng sự xuất hiện các đặc trưng điển hình của loài người như đứng thẳng và đi bằng hai chân, não lớn, vô mao, chế tác công cụ, săn bắt, chế ngự lửa, phát triển ngôn ngữ, phát minh tôn giáo và nghệ thuật, xây dựng văn hóa và văn minh.
Charles Darwin là người đầu tiên giả định nguồn gốc vượn châu Phi của loài người trong tác phẩm Nguồn gốc các loài năm 1859. Tuy nhiên, tại châu Phi không hề thấy một dấu vết hóa thạch nào của tổ tiên loài người cho đến tận năm 1924, khi Raymond Dart tìm được “em bé Taung”, một chú vượn phương Nam (Australopithecine) có niên đại 3-4 triệu năm trước.
Từ đó đến nay, hàng chục loại người cổ khác nhau đã được phát hiện và các nhà cổ nhân học vẫn còn đang tranh cãi gay gắt về mối liên hệ giữa họ với nhau. Cũng không ai ngờ được rằng, đến tận năm 2004 mà giới nghiên cứu vẫn có thể tìm thấy hóa thạch của loại người lùn đặc biệt, Homo floresiensis, tại hòn đảo Flores nằm ở vùng viễn đông Indonesia, giữa Nam Thái Bình Dương.
Đứng thẳng:
Trên thực tế người cũng chỉ là một lòai vượn, vì chúng ta có 98% số ADN giống như tinh tinh, họ hàng gần gũi nhất của loài người. Các bộ môn di truyền và khảo cổ học cho rằng, người và tinh tinh có chung tổ tiên khoảng 7-10 triệu năm trước. Nói cách khác, người và tinh tinh chia tách nhau về mặt di truyền chỉ chưa đầy 10 triệu năm trước.
Bằng chứng khảo cổ cho thấy, khoảng 6 triệu năm trước, loài vượn đi bằng hai chân bắt đầu xuất hiện. Cho dù các chú vượn phương Nam này, cũng như nhiều loại người tối cổ xuất hiện sau đó, có hình thể không lớn hơn tinh tinh và có kích thước não tương tự, việc đứng thẳng và đi bằng hai chân là một bước tiến hóa đặc biệt, có tầm quan trọng không kém việc tăng kích thước não trong sự tiến hóa của con người.
Đứng thẳng và đi bằng hai chân mang lại nhiều ưu thế nổi bật, như có thể mang thức ăn cho đồng loại hay mang về nhà; giảm diện tích bề mặt cơ thể dưới ánh nắng nhiệt đới, do đó giúp giảm thiểu sự tăng nhiệt độ quá mức, nhất là với não; giải phóng đôi tay để dùng công cụ; bế trẻ em đi xa; giảm năng lượng cần thiết khi di chuyển so với đi bằng bốn chân như các loài linh trưởng khác (với cùng một mức năng lượng, tinh tinh đi được 6 dặm, trong khi người đi được 11 dặm một ngày); nhìn rõ hơn và xa hơn khi di chuyển (do đứng cao hơn); tăng vẻ đe dọa khi phải đối mặt với kẻ cạnh tranh…
Hành vi đứng thẳng có thể xuất hiện khi khí hậu khô hơn đã thu hẹp các cánh rừng nhiệt đới châu Phi. Thay vào đó là các bụi cây với những chùm quả nhỏ. Để “hái quả”, do một đột biến ngẫu nhiên nào đó mà vượn phương Nam đã tiến hóa hành vi đứng thẳng (giả thuyết của Clifford Jolly và Randall White, Đại học New York, năm 1995). Đồng thời, vì rừng đã thưa hơn, nên cần phát hiện kẻ thù từ xa, do đó đứng thẳng trở thành một ưu thế sinh tồn được quá trình tiến hóa ưu ái.
Bằng chứng vượn phương Nam đứng thẳng bao gồm việc phân tích hình dạng xương và dấu chân hóa thạch của chúng. Trong đó nổi tiếng nhất là hóa thạch hầu như nguyên vẹn của Lucy, một phụ nữ thuộc giống Australopithecine afarensis sống khoảng 3.2 triệu năm trước, do nhà cổ nhân chủng học Donald Johanson tìm thấy ở Hadar, Ethiopia năm 1974. Cô cao khoảng 1.1 m, và mặc dù đi bằng hai chân, theo kết quả mô phỏng trên máy tính, dáng của cô không thể xem là chuẩn theo tiêu chí hiện đại! Cánh tay dài và ngón tay cong chứng tỏ cô vẫn rất thiện nghệ trong việc leo trèo.
Vượn phương Nam (phục dựng).
Đến nay hàng trăm hóa thạch Australopithecine afarensis đã được phát hiện. Ngoài ra là hóa thạch của các loài liên quan, chẳng hạn như Australopithecine africanus (điển hình là “em bé Taung” 3.5 triệu năm trước).
Chế tác và sử dụng công cụ:
Vượn phương Nam Australopithecine được xem là tổ tiên của người (Homo), một nhóm linh trưởng gồm cả chúng ta, Homo sapiens (người khôn).
Australopithecine cũng là tổ tiên của một số nhóm động vật nhân hình khác, như các loài Paranthropus ăn thực vật. Chẳng hạn khoảng 2.7 triệu năm trước, xuất hiện loài Paranthropus bosei ở Đông Phi có răng hàm lớn và cơ nhai khỏe để nhai rễ và củ.
Khoảng 2.5 triệu năm trước, người khéo (Homo habilis) xuất hiện; đó là loại động vật nhân hình đầu tiên giống con người, theo các kết quả hóa thạch. Họ sống cùng thời với Paranthropus bosei. Cơ thể của người khéo bằng khoảng 2/3 người hiện đại và bộ não lớn gấp rưỡi não vượn, đạt tới 600 cm3. Homo habilis có răng và hàm nhỏ hơn Paranthropus và có lẽ là loại người đầu tiên ăn nhiều thịt. Đó là nguồn năng lượng quan trọng giúp tăng kích thước não.
Người khéo cũng là loài đầu tiên biết chế tác công cụ và dùng chúng để đập vỡ xương lấy tủy. Truyền thống chế tác đó, truyền thống Oldowan (do tìm thấy công cụ tại vùng Olduvai Gorge, Tanzania), kéo dài gần một triệu năm mà không có sự thay đổi rõ rệt nào. Công cụ Oldowan chế tác bằng cách dùng một hòn đá làm búa ghè vỡ một hòn đá góc cạnh khác để tạo ra các mảnh đá sắc; và chúng được dùng để chặt hay cắt.
Người khéo (phục dựng)
Mặc dù cũng tăng kích thước não, nhưng loài Paranthropus tuyệt chủng khoảng 1.2 triệu năm trước. Một số chuyên gia cho rằng, khả năng làm việc theo nhóm để chống lại thú ăn thịt đã giúp con người (Homo) thoát khỏi thảm cảnh diệt vong.
Dáng điệu hiện đại:
Khoảng 1.8 triệu năm trước, xuất hiện người đứng thẳng (Homo erectus) tiến hóa từ người khéo. Đó là loài linh trưởng đầu tiên không biết trèo cây (Homo habilis vẫn còn trèo cây rất thiện nghệ). Một số nhà cổ nhân chủng học dùng thuật ngữ Homo ergaster để chỉ loại người này, còn Homo erectus dùng để chỉ Homo ergaster ở châu Á, do hóa thạch đầu tiên tìm thấy ở Indonesia năm 1891. Người đứng thẳng chế tạo công cụ theo truyền thống riêng biệt, truyền thống Acheul (do tìm thấy công cụ loại này tại Saint Acheul, ngoại ô Amiens phía bắc nước Pháp). Truyền thống này kéo dài đến tận 100 ngàn năm trước. Các công cụ Acheul, như rìu tay, có kích thước lớn và tinh xảo hơn công cụ Oldowan; và vừa là công cụ, vừa là tượng trang trí.
Về hình thể, người đứng thẳng khá giống người hiện đại. Có thể họ là những người đầu tiên rất ít lông và tiết mồ hôi, một chức năng sinh lý thích hợp để hoạt động tích cực dưới ánh nắng mặt trời.
Homo erectus là người đầu tiên rời khỏi châu Phi (khoảng 1.75 triệu năm trước) và sống đến tận 30.000 năm trước. Họ có bộ não lớn khoảng 1000 cm3 và có thể đã tiếp xúc với người hiện đại. Họ cũng là người đầu tiên chinh phục biển cả và tiến hành các cuộc săn bắt lớn, như săn voi ma-mút và ngựa hoang. Họ cũng biết dùng lửa và dựng “nhà” đầu tiên trên thế giới. Đặc biệt, khung chậu của họ cũng hẹp gần theo tỉ lệ của người hiện đại. Điều đó chứng tỏ, phụ nữ bắt đầu khó sinh nở và cần được trợ giúp trong quá trình mang thai, sinh nở và nuôi con. Đó chính là cơ sở sinh học của cấu trúc gia đình trong xã hội loài người sau này.
Năm 2004, dấu vết của một loại người lùn bí ẩn sống khoảng 13.000-18.000 năm trước được phát hiện tại Indonesia. Một năm sau, các nhà khoa học tìm thấy nhiều hóa thạch của loài Homo floresiensis này. Một số chuyên gia cho rằng loài này có bộ não phát triển và là một loài hoàn toàn riêng biệt; nhưng nhiều chuyên gia khác cho rằng, đó chính là người hiện đại mắc bệnh di truyền.
Người đứng thẳng (phục dựng)
Người Âu đầu tiên:
Hóa thạch đầu tiên của người châu Âu, phát hiện tại Tây Ban Nha, có tuổi 780.000 năm. Công cụ đá tìm thấy ở Anh có niên đại 700.000 năm. Chúng được cho là sản phẩm của các loài Homo antecessor hay Homo Heidelbergensis. Có ý kiến cho rằng, người Heidelberg tiến hóa thành người hiện đại tại châu Phi; còn tại châu Âu, người Neanderthal nổi lên như một loài riêng biệt.
Người Heidelberg (phục dựng)
Người Neanderthal để lại dấu vết khắp châu Âu, bắt đầu từ hơn 200.000 năm trước. Dù có một số khác biệt, họ vẫn rất giống chúng ta. Họ có bộ não lớn hơn người hiện đại một chút và có độ tuổi trưởng thành tương tự. Họ có tiếng nói, nhưng có lẽ chưa có ngôn ngữ hoàn chỉnh, dù chỉ đơn giản. Nhưng họ cũng có một số đặc trưng văn hóa giống chúng ta, như chôn người chết kèm lễ nghi, dùng công cụ để tấn công người khác, hay biết tổ chức các cuộc đi săn qui mô lớn.
Em bé Neanderthal (phục dựng)
Khoảng 28.000 năm trước, họ tuyệt chủng tại bán đảo Iberia (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Nguyên nhân của thảm kịch đó vẫn là “quả táo bất hòa” trong giới chuyên gia (không thích ứng với sự thay đổi khí hậu; thua vì kém năng lực sáng tạo trong cuộc cạnh tranh không đổ máu với người hiện đại; tuyệt chủng do bị người hiện đại “ném đá”, vì phân tích xương cho thấy, người hiện đại có khả năng ném đá hay phóng lao tốt, trong khi người Neanderthal không có năng lực đó…).
Rời khỏi châu Phi:
Hiện có hai giả thuyết trái ngược nhau về nguồn gốc người hiện đại. Đó là Thuyết rời khỏi châu Phi và Thuyết tiến hóa đa vùng.
Được thừa nhận rộng rãi là Thuyết rời khỏi châu Phi. Dựa trên bằng chứng khảo cổ và di truyền, nó giả định loài người tiến hóa tại châu Phi rồi lan tỏa khắp địa cầu qua hai làn sóng. Sự thiên di của người đứng thẳng sang lục địa Á - Âu gần hai triệu năm trước tạo thành làn sóng thứ nhất. Hàng triệu năm sau, người hiện đại tiến hóa tại châu Phi từ khoảng 200.000 năm trước, trước khi tỏa sang các lục địa khác chỉ khoảng 50.000-60.000 năm trước theo làn sóng thiên di thứ hai. Những người này thay thế người đứng thẳng ở châu Á và người Neanderthal ở châu Âu.
Ngược lại, giả thuyết đa vùng cho rằng, loài người rời khỏi châu Phi khoảng hai triệu năm trước và không hề bị thay thế bằng các cuộc thiên di muộn hơn (làn sóng thứ hai). Thay vào đó, họ tự tiến hóa thành người hiện đại tại vùng họ sinh sống. Và sự hòa huyết vượt ranh giới địa lý giúp toàn nhân loại thống nhất về mặt di truyền.
Hầu hết bằng chứng di truyền ủng hộ Thuyết rời khoải châu Phi. Đáng ngạc nhiên là toàn nhân loại hiện nay khác biệt nhau rất ít về ADN ti thể (do mẹ truyền cho con) và ADN nhiễm sắc thể Y (do cha truyền cho con trai). Điều đó chứng tỏ nhân loại tiến hóa từ một nhóm người nhỏ trong quá khứ. Thêm nữa, biến thiên di truyền của người châu Phi lớn hơn ở người xứ khác, chứng tỏ họ đã tiến hóa lâu hơn. Trên thực tế khoa học đã xác định được tổ mẫu và tổ phụ của tất cả những người đang sống trên Trái Đất. Nói cách khác, chúng ta là hậu duệ của người đàn bà duy nhất (nàng Eva ti thể) sống tại Đông Phi khoảng 170.000 nằm trước và người đàn ông duy nhất (chàng Adam nhiễm sắc thể Y), cũng sống tại Đông Phi chỉ 60.000 năm trước. Các chuyên gia cho rằng, một nhóm 50 người có thể sinh ra toàn bộ người Âu; trong khi toàn nhân loại có thể tiến hóa từ một nhóm không quá 200 người.
“Bước nhảy vọt”:
Jared Diamond dùng thuật ngữ “bước đại nhảy vọt” (great leap forward) để chỉ sự xuất hiện các đặc trưng hiện đại trong hành vi của Homo sapiens, trong đó quan trọng nhất là ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ mà các khái niệm trừu tượng có thể được lan tỏa và lưu giữ lâu dài, điều mà người Neanderthal không thể thực hiện.
Người hiện đại về giải phẫu (tức có hình dáng bên ngoài hoàn toàn giống chúng ta) xuất hiện khoảng 200.000 năm trước. Khoảng 100.000 năm trước, họ đã di cư sang Trung Cận Đông nhưng bị người Neanderthal đẩy ngược về châu Phi. Vì thế họ cần thêm 50.000 năm để phát triển các hành vi hiện đại (ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật…) và dùng chúng như hành trang trong cuộc thiên di vĩ đại cuối cùng khoảng 60.000 năm trước. Họ vượt biển Đỏ sang Trung Đông và châu Á theo hai con đường: đường phía Nam men theo bờ Ấn Độ Dương tới tận lục địa Sunda (Đông Nam Á lúc chưa bị chìm ở độ sâu hàng trăm mét dưới mức nước biển hậu kỉ băng hà), trước khi tới châu Úc và Bắc Mĩ; còn đường phía Bắc hướng tới Trung Á trước khi lan tỏa khắp Á - Âu rồi sang Bắc Mĩ. Khoảng 90% số đàn ông ngoài châu Phi hiện nay là hậu duệ của những người chinh phục con đường phía Bắc này khoảng 45.000 năm trước.
Trong suốt thời tiền sử, công cụ đá thay đổi không đáng kể cho đến tận 50.000 trước. Nhưng kể từ thời điểm đó, văn hóa bắt đầu phát triển với tốc độ chưa từng có. Người hiện đại phát triển công cụ mới, chôn người chết theo lễ nghi, tạo đồ trang sức, sáng tạo các kĩ thuật săn bắt hoàn toàn mới, dùng da thú may quần áo, vẽ và xăm mình, vẽ tranh trong hang… Mặc dù một số hành vi đã xuất hiện từ trước, nhưng chỉ đến lúc đó chúng mới được sử dụng một cách rộng rãi và tích hợp.
Những thay đổi đó có thể đi kèm với sự tăng kích thước não (tới khoảng 1.400 cm3) hay cách chúng ta suy nghĩ. Bình minh của văn minh nhân loại được gieo mầm từ khoảng 30.000 năm trước. Cuộc cách mạng thời đá mới - cách mạng nông nghiệp - chỉ xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Các thành phố đầu tiên xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà (Iraq ngày nay) khoảng 4.000 năm trước.
Các cột mốc tiến hóa:
• 55 triệu năm trước: Các linh trưởng đầu tiên xuất hiện.
• 8-6 triệu năm trước: Tinh tinh và người tách nhau trong cây di truyền.
• 5.8 triệu năm trước: Orririn tugenensis, tổ tiên cổ nhất của loài người được cho là bắt đầu đi bằng hai chân.
• 5.5 triệu năm trước: Ardipithecus, “nguyên người” đầu tiên, chung hành vi với tinh tinh và khỉ đột.
• 4 triệu năm trước: Vượn phương Nam xuất hiện, với kích thước não không hơn vượn nhưng đi thẳng bằng hai chân. Tổ tiên đầu tiên của loài người sống tại đồng cỏ miền nhiệt đới.
• 3.2 triệu năm trước: Lucy, thành viên danh tiếng của loài Australopithecus afarensis, sống tại Hadar, Ethiopia.
• 2.5 triệu năm trước: Người khéo xuất hiện. Có bộ não 600 cm3 nhưng vẫn mang nhiều nét khỉ, Homo habilis là loại người đầu tiên biết chế tác công cụ (truyền thống Oldowan, kéo dài khoảng một triệu năm). Do ăn thịt nên phần dư năng lượng được dùng để phát triển bộ não.
• 2 triệu năm trước: Người đứng thẳng (Homo erectus) xuất hiện, với bộ não 1.000 cm3. Đây là loại người đầu tiên đoạn tuyệt hoàn toàn với việc trèo cây.
• 1.8 triệu năm trước: Người đứng thẳng thiên di sang châu Á.
• 1.6 triệu năm trước: Dấu vết khả dĩ của việc dùng lửa tại Koobi Fora, Kenya. Truyền thống Acheul xuất hiện thay thế truyền thống Oldowan trong việc chế tạo công cụ.
• 700 ngàn năm trước: Người Heidelberg sống tại châu Phi và châu Âu.
• 500 ngàn năm trước: Bằng chứng đầu tiên về “nhà” tại Chichibu, Nhật Bản
• 400 ngàn năm trước: Bắt đầu đi săn với cây thương.
• 230 ngàn năm trước: Người Neanderthal xuất hiện khắp châu Âu cho đến khi tuyệt chủng chỉ 28.000 năm trước.
• 195 ngàn năm trước: Người hiện đại từ cánh gà bước ra sân khấu.
• 170 ngàn năm trước: Eva ti thể, tổ mẫu của tòan bộ loài người hiện tại, sống tại Đông Phi.
• 140 ngàn năm trước: Dấu vết đầu tiên về thương mại đường xa.
• 60 ngàn năm trước: Adam nhiễm sắc thể Y, tổ phụ của tất cả mọi người trên địa cầu ngày nay, cũng sống tại Đông Phi.
• 50 ngàn năm trước: “Bước đại nhảy vọt”, với nền văn hóa thay đổi cực kì nhanh chóng.
• 33 ngàn năm trước: Nghệ thuật tranh tường cổ nhất.
• 18 ngàn năm trước: Người lùn Homo Floresiensis, tìm thấy tại Đông Indonesia. Họ cao 1 mét, có bộ não như não vượn nhưng biết chế tạo công cụ.
• 12 ngàn năm trước: Định cư đầu tiên tại vùng Lưỡi liềm phì nhiêu. Tới châu Mĩ qua eo Bering.
• 10 ngàn năm trước: Cuộc cách mạng nông nghiệp xuất hiện tại Cận Đông.
• 5.5 ngàn năm trước: Thời đồ đá kết thúc, bắt đầu thời đồ đồng
• 5 ngàn năm trước: Chữ viết đầu tiên.
• 4 ngàn năm trước: Người Sumer ở Lưỡng Hà phát triển nền văn minh đầu tiên trên thế giới.
Vĩ thanh 1: Con người biết may quần áo từ bao giờ?
Mùa thu năm 1999, Mark Stoneking, nhà nhân chủng học tiến hóa Mĩ, một trong ba tác giả khám phá nàng Eva ti thể năm 1987, được con trai đưa bản thông báo của nhà trường về việc một học sinh trong lớp có chí. Như bất cứ một ông bố hay lo lắng nào, nhà nghiên cứu đang làm việc tại Viện nhân chủng học tiến hóa Mark Planck tại Leipzig, CHLB Đức, mau chóng nhận biết từ bản thông báo rằng, chí không sống quá 24 giờ nếu thiếu hơi ấm từ cơ thể người. Với tư cách một học giả đang nghiên cứu về tiến hóa loài người, Stoneking giả định, nếu điều đó đúng thì có thể dùng chí để nghiên cứu các cuộc thiên di thời tiền sử. Tuy nhiên chỉ sau vài giờ trong thư viện, Stoneking chợt nhận thấy chí có thể lưu giữ trong ADN của chúng một sự kiện thú vị hơn nhiều: thời điểm con người bắt đầu biết may quần áo.
Trên một khía cạnh nào đó, vượn biến thành người là quá trình vô mao hóa, khi lông vượn dần mất đi để cơ thể có thể tiết mồ hôi, cho phép làm việc với cường độ cao dưới ánh nắng nhiệt đới châu Phi. Nhưng với chí thì đó là một thảm họa: thay cho việc tự do du ngoạn khắp cơ thể như trước kia, nay chí chỉ có thể sống trên đầu con người, nơi có đủ tóc để vẫy vùng. Tuy nhiên khi con người biết may quần áo thì chí có cơ may giành lại “vương quốc” đã mất, miễn là chúng tiến hóa thành một loài có thể bám vào quần áo, chứ không phải bám vào tóc như trước.
Stoneking thu thập chí sống trên đầu và ở thân người từ công dân 12 nước, từ Ethiopia tới Ecuador hay New Guinea. Ông phân tích ADN của chúng và vẽ cây phả hệ di truyền. Biết tốc độ đột biến gien, ông tính được tuổi loài chí sống ở thân người đầu tiên là 72.000 năm trước. Đó chính là thời điểm con người bắt đầu biết may quần áo.
Vĩ thanh 2: Chiến lược bí mật của Thành Cát Tư Hãn.
Để tìm phần mộ của Thành Cát Tư Hãn, vị bạo chúa Mông Cổ mất năm 1227, Chris Tyler-Smith và đồng nghiệp tại Đại học Oxford phân tích nhiễm sắc thể Y của 2.000 đàn ông từ vùng nội địa Á - Âu. Họ nhận thấy nhiều nhiễm sắc thể thuộc nhiều vùng địa lý lại rơi vào một nhóm duy nhất. Và nhóm đó cũng rất phổ biến tại Nội Mông. Phân tích tốc độ đột biến gien, các nhà nghiên cứu thấy nhóm đặc biệt đó xuất hiện khoảng 1000 năm trước, đúng thời điểm Thành Cát Tư Hãn leo lên đỉnh cao sức mạnh và quyền lực. Nói cách khác, những người thuộc nhóm nhiễm sắc thể Y đó đều là hậu duệ của vị bạo chúa Mông Cổ.
Sử sách chép rằng, bên cạnh Thành Cát Tư Hãn lúc nào cũng có 500 thê thiếp. Hệ quả của chiến lược bí mật đó là ngày nay tại những nơi từng là lãnh địa của đế chế Mông Cổ, hơn 16 triệu đàn ông mang các dấu gien của vị hoàng đế tàn bạo và khôn ngoan.
Vĩ thanh 3: Ý nghĩa bảo vệ của ngôn ngữ.
Ngôn ngữ có chức năng cơ bản là truyền thông; tuy nhiên nó cũng có một chức năng đáng ngạc nhiên là bảo vệ, khi giúp người nguyên thủy nhanh chóng phát hiện người lạ qua cách phát âm.
Người nguyên thủy sống theo các nhóm từ khoảng 50 tới một vài trăm người, được tổ chức hầu như theo quan hệ huyết thống. Để đảm bảo sự sinh tồn của nhóm, việc phát hiện kịp thời kẻ lạ không cùng huyết thống là yếu tố cốt tử. Đó là lí do các nhóm người có cách phát âm khác nhau, cho dù có cùng một ngôn ngữ. Và đó cũng là lí do mà từ một ngôn ngữ do nhóm người vượt biển Đỏ 60.000 năm trước dùng, ngày nay nhân loại dùng đến hàng chục ngàn ngôn ngữ khác nhau, chưa kể nhiều ngữ điệu và cách phát âm trong cùng một ngôn ngữ.
Vào ngày Phục Sinh năm 1282, người dân đảo Sicily (Ý) vùng lên lật đổ ách thống trị của công tước Charles de Anjou (Pháp). Để phát hiện số người Pháp đang lẩn trốn, người Sicily đặt ra một thách thức về ngôn ngữ. Đó là phát âm từ “ceci” (phát âm là chay-chi), tên một loại đậu theo tiếng Ý. Chỉ trong vài giờ, hàng ngàn người Pháp không vượt qua được thử thách và bị hành quyết.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn