Vì sao người Việt không có thói quen viết?
1. Nguyễn Hưng Quốc, trong một tiểu luận, có nêu một ấn tượng xuất phát từ điểm nhìn của một người Việt: ở châu Âu, hình như người ta viết rất nhiều. Tuyển tập in hết tập này đến tập kia, trong đó có biên khảo nghiên cứu đã đành mà thư từ, tự truyện, nhật kí, những ghi chép về sinh hoạt ... cũng đủ hết. Lí giải đó là một thói quen văn hóa thì có lẽ là khả thủ hơn là từ sự cần thiết của những lợi ích trực tiếp.
Cũng theo Nguyễn Hưng Quốc thì cái thói quen văn hóa này bắt nguồn từ chỗ: ở châu Âu, văn tự từ lâu đã được phổ thông. Đây là điểm khác với ở Việt Nam: văn tự, cho đến tận đầu thế kỉ 20 chỉ dành cho tầng lớp đặc tuyển. Thêm nữa, chữ Hán là chữ thánh hiền – một thứ văn tự tao nhã, thậm chí thuộc về phạm trù thiêng, nên dùng để sáng tác văn chương, viết khảo cứu ... lưu lại danh tính cho hậu thế còn được chứ để gi chép về những sự nôm na, thường ngày e không thích hợp. Đấy là với nhà Nho, kẻ sĩ. Còn như người bình dân thì chỉ biết đến hình thức truyền miệng. Hơn 90% dân số ngoài văn tự, nên văn hóa Việt là văn hóa truyền miệng. Viết vì thế, dễ hiểu, là một hoạt động rất không quen thuộc, nếu không muốn nói là xa lạ với người Việt.
Đấy là một nhận xét chính xác, thú vị nữa. Người Việt đúng là thích nói hơn viết. Nhiều người nói hay. Nhưng nói hay không hẳn đã là viết hay. Ngay trong môi trường đại học – một môi trường hàn lâm – thì không ít người được các thế hệ học trò thừa nhận là giảng hay (nói hay) nhưng đọc những gì họ viết ra thì thấy sơ sài và ... nhạt.
Từ một góc độ khác, Hoàng Ngọc Hiến có lần nhận xét: người Việt thích nghe hơn đọc. Trong đọc thì thích đọc báo hơn đọc sách. Giữa hai sở thích này: thích nói, thích nghe và giữa hai sự ngại: ngại viết, ngại đọc chắc chắn là có những quan hệ qua lại mật thiết.
2. Tuy nhiên, trước một hiện tượng thì lí do không bao giờ chỉ là một. Cái lí do để người Việt không có thói quen viết, ắt hẳn, không thể chỉ được lí giải bởi duy nhất lí do từ văn tự.
Hãy thử nêu một lí do khác. Người Việt (mà rộng hơn là người phương Đông – dù đây là một khái niệm nhiều khi mang tính diễn ngôn hơn là một tồn tại thực như E. Said lưu ý) không có thói quen viết, thổ lộ những điều gan ruột của mình ra cho kẻ khác đọc hiểu. Văn hóa Việt / văn hóa phương Đông là thứ văn hóa “để bụng”. “Sống để dạ, chết mang đi” là dành cho những tị hiềm, ẩn ức, thù hận nhưng những kinh nghiệm sống quý giá, những trải nghiệm, những bài học đường đời cũng không phải là thứ chia sẻ cho cộng đồng. Thường, nó chỉ được “truyền khẩu” cho những người cùng huyết tộc hoặc một số ít những cá nhân đã qua thử thách, chọn lựa. Không hiếm khi chỉ là “đơn truyền”. Cho nên, không chỉ trong lĩnh vực của kỹ thuật sản xuất mới có hiện tượng “phát minh lại” như P. Gourou tổng kết khi nghiên cứu về những làng nghề truyền thống Việt Nam. “Phát minh lại” cũng là hiện tượng phổ biến trong lĩnh vực của những kĩ năng sống, của kinh nghiệm nhân sinh.
Trong trường hợp, chẳng thể đặng đừng, người ta có nhu cầu nói lên những trải nghiệm của mình, thì vẫn có một sự kiềm chế tao nhã: gửi gắm nó vào trong những sáng tác thơ ca, những câu truyện về đời xưa – nghĩa là một thứ ngôn ngữ đã được mã hóa mà không phải ai cũng có thể giải mã được. Khi dụng bút như thế, người nói cũng không hướng đến cộng đồng. Anh ta hướng đến người tri kỉ - người hiểu được bụng mình. Người tri kì có thể là trong hiện tại nhưng cũng có thể chỉ xuất hiện sau 300 năm như một câu hỏi khắc khoải của Nguyễn Du: “tam bách dư niên hậu”.
Đến như thánh nhân thì câu chuyện “tỏ lòng” càng trở nên phức tạp hơn. Luận ngữ của Khổng tử thực ra là những ghi chép của học trò về những lời giảng của ông chứ bản thân nhà thông thái này thì dường như chẳng muốn lưu lại nó dưới hình thức văn tự. Đạo đức kinh và Nam hoa kinh thì thật huyền hồ. Những chú giải về văn bản nếu không trái ngược nhau thì cũng là xa nhau. Người chú giải thông tuệ thuyết phục người đọc bởi kiến văn của anh ta. Còn như bảo đấy có thực là ý của tác giả không thì chẳng ai dám đoan chắc.
Viết, vì thế, là một cách thức tồn tại, một cách thức giao tiếp mà người Việt mới chỉ biết đến và bước đầu làm quen.
Một lí do để viết blog?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015