Việc sử dụng thời gian rảnh rỗi
Thưa tiến sĩ Adler,
Thời gian nhàn rỗi tăng lên, kết quả của tuần làm việc ngắn hơn, đem đến cho những người Mỹ hiện đại một vấn đề nan giải: Họ làm cách nào để lấp đầy những giờ ở không? Chẳng phải những giai cấp lãnh đạo trong các xã hội cổ xưa trở nên yếu đuối và suy đồi vì có quá nhiều thời gian nhàn rỗi đó sao? Tôi tự hỏi sự rảnh rỗi có phải là điều tốt hay điều xấu đối với hầu hết mọi người không.Việc làm của một người không quan trọng hơn sự rảnh rỗi của anh ta trong việc tạo dựng tính cách anh ta hay sao?
F.F.
F.F. thân mến,
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, cho tôi làm rõ một điểm về cách dùng từ ngữ. Như khá nhiều người ngày nay, bạn nói về “thời gian nhàn rỗi” khi điều bạn thực sự muốn nói là thời gian rảnh–khoảng thời gian tự do thoát khỏicông việc bạn phải làm để kiếm sống.
Rảnh để làm gì?Thư nhàn là một câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng đa số người Mỹ hiện nay đưa ra câu trả lời đó đều muốn nói rảnh để chơi, vui, giải trí, thậm chí ngủ. Người bạn già dặn Aristotlecủa tôi muốn nói ngược lại với tất cả những điều này. Trong tất cả những tác gia thời xưa, ông là người có thể mang đến cho chúng ta lời khuyên tốt nhất về vấn đề nhàn rỗi trong xã hội chúng ta ngày nay và sẽ trở nên một vấn đề thậm chí nghiêm trọng hơn trong những năm tới khi tuần làm việc chỉ còn ba mươi hoặc thậm chí hai mươi lăm giờ.
Tạm thời không để ý đến chuyện chơi đùa hay giải trí, Aristotlephân biệt hai hoạt động nghiêm túc mà con người có thể tham gia vào. Một là lao động, làm lụng vất vả, hoặc công việc thường ngày – loại công việc tạo ra tiền của và giúp cho con người tồn tại. Loại thứ hai ông muốn nói tới là “những hoạt động thư nhàn” – loại công việc tạo ra không phải những lợi ích của thể xác, không phải những thoải mái và tiện nghi của cuộc sống, nhưng là những lợi ích của tinh thần và của văn minh. Chúng gồm những nghệ thuật khai phóng và các khoa học, và tất cả những thiết chế quốc gia, tôn giáo.
Cũng như lao động, làm lụng vất vả, hay công việc thường ngày, thư nhàn là một việc khó khăn, trong ý nghĩa của một hoạt động nhọc nhằn. Con người cần chơi đùa hay giải trí để xua tan mệt mỏi của sự thư nhàn cũng nhiều như họ cần hồi phục sức khoẻ sau khi làm lụng vất vả. Để tránh sự lẫn lộn phổ biến hiện nay giữa sự thư nhàn với sự chơi đùa, tôi đề nghị nói về “công việc thư nhàn” và “công việc mưu sinh” để biểu thị cả hai đều là hoạt động nghiêm túc, và hoạt động này cũng khác biệt với chơi đùa như hoạt động kia.
Trong khi xem xét ba phần việc này của một đời người, Aristotleđặt chúng trong một trật tự nào đó. Bởi vì ông cảm thấy kiếm sống là để có thể sống đàng hoàng hay sống một đời tốt đẹp, ông nói rằng công việc thường ngày hay làm lụng vất vả là để có sựthư nhàn. Công việc thường ngày hay làm lụng vất vả chỉ là vị lợi. Nó cần thiết nhưng, trong và vì chính nó, nó không làm phong phú hay làm cao quí cuộc sống con người. Sự thư nhàn, trái lại, cốt ở tất cả những hoạt động đúng đắn mà qua đó một người thăng tiến về mặt đạo đức, trí tuệ, và tinh thần. Chính điều đó làm cho cuộc đời đáng sống.
Theo quan điểm của Aristotle, những người có đủ của cải để không phải làm việc kiếm sống là những người may mắn nhất. Tất cả thời gian tỉnh thức của họ đều là thời gian rảnh. Họ sẽ sử dụng nó như thế nào? Câu trả lời của Aristotle là: “Những người ở vào địa vị không phải làm lụng vất vả vì có gia nhân lo toan hết mọi chuyện gia đình của họ trong khi họ bận rộn với triết học hoặc chính trị.” Nói cách khác, một người đúng đắn có nhiều thời gian rảnh sẽ hiến mình cho nghệ thuật và khoa học và những vấn đề của công chúng.
Về chuyện chơi đùa hay giải trí, Aristotle thừa nhận rằng, cũng như giấc ngủ, nó có ít nhiều lợi ích về mặt sinh học: nó đem lại sự thư giãn và khoẻ khoắn; nó rũ sạch những mệt nhọc và căng thẳng do công việc gây ra – công việc sinh kế hay công việc thư nhàn. Do lẽ đó, cũng như làm lụng vất vả là để thư nhàn, chơi đùa cũng là để vất vả và thư nhàn. Aristotle viết:
“Chúng ta chỉ nên làm quen với chuyện giải trí vào những lúc thích hợp, và chúng phải là những liệu pháp của chúng ta, vì xúc cảm mà chúng tạo ra trong tâm hồn là sự thư giãn, và từ niềm khoái cảm mà chúng ta đạt được sự nghỉ ngơi… Ráng sức và làm việc vì sự giải trí coi bộ xuẩn ngốc và ngây ngô. Nhưng tự giải trí sao cho mỗi người có thể ráng sức thì dường như đúng đắn”.
Bây giờ hãy để tôi diễn đạt lại câu hỏi của bạn như sau: “ Có nhiều thời gian rảnh có tốt cho xã hội hay không?” Câu trả lời là nó hoàn toàn tùy thuộc vào cách con người có dư thời gian sử dụng nó ra sao. Nếu họ sử dụng nó, như rất nhiều người Mỹ hiện nay sử dụng, vào những trò chơi không mục đích, những hình thức giải trí thụ động, và những phương cách bạt mạng để giết thì giờ đang trôi qua chậm chạp, thì rõ ràng nó không tốt cho họ hoặc cho xã hội. Nó có thể đưa đến sự thoái hóa và mục nát. Nhưng nếu mọi người dùng thời gian rảnh của họ để khai mở những khả năng của họ, để phát triển về mặt tinh thần, và để cùng góp phần vào xã hội và văn hóa, thì họ càng có nhiều thời gian rảnh, càng tốt.
Dĩ nhiên, có một sự khác biệt to lớn giữa vấn đề thư nhàn ở thời của Aristotlevà thời chúng ta. Ở thời ông chỉ một bộ phận nhỏ tạo thành “giai cấp thư nhàn”, đó là những người đủ tiền của để có thời gian rảnh cho sự thư nhàn. Số còn lại là những người nô lệ và những người làm lụng vất vả. Nhưng trong xã hội chúng ta mọi người chúng ta làm việc để sống cũng thuộc về “giai cấp thư nhàn”. Tất cả chúng ta có dư thời gian rảnh rỗi cho sự thư nhàn, nếu chúng ta chỉ sử dụng nó cho mục đích đó.
Chúng ta sẽ làm vậy không? Đó là vấn đề nghiêm túc nhất mà xã hội chúng ta phải đối mặt. Theo ý tôi, chúng ta có thể kiểm soát thành công xu hướng nghiêng về những ham mê vô nghĩa và giết thì giờ thụ động chỉ khi nào nền giáo dục khai phóng thực sự của học đường sửa soạn cho lớp trẻ những hoạt động thư nhàn có tính khai phóng trong đời sống trưởng thành. Ngoài ra, những việc như các lớp học đại tác phẩm có thể giúp họ dùng thời gian rảnh của mình đúng cách, bởi vì sự học hành liên tục trong đời sống trưởng thành là một trong những ví dụ thuyết phục nhất của hoạt động thư nhàn
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh