Vì sao người Việt thích công kích cá nhân khi tranh luận?
Công kích cá nhân (ad hominem) là một dạng nguỵ biện phổ biến trong tranh luận đặc biệt là trong những cuộc tranh luận giữa người Việt với nhau ngoài đời lẫn trên mạng xã hội. Đối với những người tôn trọng lý lẽ khi tranh luận, công kích cá nhân là loại nguỵ biện bị khinh rẻ nhất vì nó hoàn toàn không dựa trên lý lẽ, biến vấn đề cần tranh luận thành mâu thuẫn cá nhân và gây tổn thương sâu sắc cho đối phương. Công kích cá nhân khi tranh luận cũng giống như sử dụng những chiêu cấm kị trong võ thuật như móc mắt, đá vào hạ bộ hoặc sử dụng ám khí trong khi đấu võ vậy vì nó gây sát thương một cách không quan minh chính đại.
Công kích cá nhân chia ra làm nhiều loại:
- Chế giễu (humiliate): dựa vào nhược điểm về ngoại hình, nghề nghiệp, gia cảnh hoặc xuất thân của người kia gây tổn thương tâm lý.
- Chụp mũ, vu khống (slander): dựa vào một sơ hở trong lúc tranh luận của đối phương mà gánh ghép cho họ một điều xấu xa nghiêm trọng.
- Xúc phạm (insult): dùng những từ ngữ xấu xa dơ bẩn để hạ thấp danh dự của đối phương.
- Nhục mạ (vulgaritize): dùng những từ ngữ liên quan tới bộ phận sinh dục và hành động giao hợp để làm nhục đối phương.
- Nguyền rủa (curse): trù ẻo những chuyện xấu xa tồi tệ sẽ xảy ra cho đối phương hoặc người thân của đối phương.
Người biết cách tranh luận nghiêm túc và có lòng tự tôn hầu như rất hiếm khi công kích cá nhân khi tranh luận cũng giống như người có tinh thần thượng võ không bao giờ dùng đòn hiểm để kết liễu đối phương. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là người Việt Nam khi tranh luận lại có xu hướng lạm dụng công kích cá nhân một cách vô tình như một thói quen hay cố ý. Tại sao lại như thế? Tôi sẽ trình bày một số luận điểm cá nhân dựa trên tâm lý học để giải thích thói quen xấu này.
1. Bạo hành ngôn ngữ
Chúng ta hầu như đều đã từng là nạn nhân của bạo hành ngôn ngữ (verbal abuse) mà người bạo hành không ai khác hơn là cha mẹ chúng ta. Có rất nhiều cha mẹ Việt Nam, đặc biệt là những người ít học xuất thân tù tầng lớp lao động hoặc ở nông thôn vẫn còn tin vào lối dạy con "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" mỗi khi con cái phạm lỗi lầm đều đánh đập và mắng chửi rất ác miệng. Cả một bộ phận phụ huynh được gọi là có ăn có học cũng mắc phải sai lầm này. Thay vì trách mắng con để con cái nhận sai mà sửa, họ lại chửi bới, chì chiết đay nghiến thậm chí nguyền rủa con cái mình không tiếc lời với mục đích khiến con mình sợ mà không tái phạm. Lớn lên trong một môi trường khi việc bạo hành bằng ngôn ngữ được xem là bình thường, bao nhiêu thế hệ người Việt sẽ tiếp nối sai lầm này trong cuộc sống.
2. Hiểu sai về mục đích và động cơ tranh luận
Phần lớn người Việt hiểu sai mục đích và động cơ của việc tranh luận. Người Âu Mỹ xem tranh luận là một hành động hết sức lành mạnh nhằm làm sáng tỏ vấn đề và tìm ra giải pháp cho vấn đề đó nên khi tranh luận họ quan trọng đúng sai cũng như không đặt cái tôi cá nhân vào đó vì xét cho cùng, tranh luận xong cả hai phía đều sẽ hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn. Trong khi đó, người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng xem việc tranh cãi nhất là giữa người vai vế thấp với người trưởng thượng là một điều xúc phạm không thể chấp nhận được. Khi tranh luận căng thẳng, người Đông thường đặt cảm tính trên lý tính: là người thân hay bạn bè tất nhiên phải đứng về phía mình và bênh vực mình. Nay nó quay ra chỉ trích mình hoặc phản bác mình có nghĩa là nó trở mặt với mình. Hành động đó được xem như là phản bội và vong ân phụ nghĩa, từ bạn trở thành thù. Đồng thời quan niệm thắng thua cao hơn đúng sai sẽ dẫn tới việc người tranh luận không ngần ngại dùng đòn hiểm để tấn công đối phương để giành phần thắng và thoả mãn tự ái cá nhân.
3. Không tin tưởng vào pháp luật
Người Việt có truyền thống không tin vào sự công minh của pháp luật. Đối với chế độ độc tài thì pháp luật chỉ bảo vệ cho một tầng lớp hay giai cấp nhất định chứ không có tính công minh đối với xã hội. Điều này chúng ta đều hiểu rõ. Trong xã hội phong kiến, sự quan liêu của quan lại và sự thiên vị của hệ thống pháp luật trở thành nỗi ám ảnh của dân đen. Trong kho tàng thành ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói lên sự bất tín nhiệm của người dân đối với sự công chính liêm minh của luật pháp như " vô phúc đáo tụng đình", "đa kim ngân phá luật lệ", "chưa được vạ má đã sưng", "con kiến mày kiện củ khoai" hay "phép vua thua lệ làng". Phần lớn khi xảy ra mâu thuẫn tranh chấp, người Việt ít khi nhờ đến pháp luật giải quyết vì thâm tâm họ không tin tưởng vào pháp luật mà phần lớn sẽ chọn cách tự giải quyết với nhau. Một khi của đau con xót lại bất chấp tình lý, việc thoá mạ nguyền rủa nhau cay độc để giải toả uất ức là chuyện dễ hiểu.
4. Từ ngữ để chửi rủa hết sức phong phú
Ngôn ngữ tiếng Việt là một kho tàng phong phú về những từ ngữ chửi rủa. Đó là một điều mà các ngôn ngữ phương Tây khó có thể sánh được. Trước hết, hệ thống đại từ nhân xưng trong tiếng Việt thể hiện cấp bậc rõ ràng trong khi các ngôn ngữ phương Tây đại từ tương đối trung lập và bình đẳng. Trong tiếng Việt có cả một hệ thống kính ngữ rất rắc rối và phân biệt giai cấp sâu sắc. Ví dụ trong tiếng Anh, chỉ có I, you, he, she, we, they dùng cho bất cứ trường hợp nào không phân biệt tuổi tác, địa vị, chức tước thì tiếng Việt có một lô một lốc: tao, tôi, bạn, mày, anh ấy, thằng đó, hắn ta, lão ấy, mụ ấy, con đó, bọn chúng, bọn họ, lũ chúng mày, lũ chúng nó, tụi tao, tụi bây...với mức độ kính trọng hoặc khinh miệt hoàn toàn khác nhau. Tiếng Anh cũng chỉ có yes hoặc no để thể hiện đồng ý hoặc không đồng ý, trong tiếng Việt những từ như dạ, thưa, bẩm vâng, kính thưa, kính gửi, ừ, ờ ... cũng phân biệt sự kính hay khinh rõ ràng. Chỉ cần sử dụng những từ ngữ này với dụng ý khác, mục đích công kích cá nhân được phát huy tác dụng rất mạnh. Ví dụ khi cha mẹ đột nhiên trở giọng nói với con cái: "Con quỳ lạy các ông các bà, làm ơn làm phước tha cho con." Ai cũng hiểu sự tình không còn đơn giản nữa.
Một đặc điểm nữa trong ngôn ngữ tiếng Việt là những từ ngữ dùng để chửi rất có vần có điệu và hết sức phong phú. Ví dụ để xúc phạm nhân thân, người ta hay chửi "đồ trôi sông lạc chợ", "quân sớm đầu tối đánh", "đồ lăng loàn trắc nết", "trốn chúa lộn chồng", "đầu trộm đuôi cướp", "đầu trâu mặt ngựa", "lòng lang dạ sói"... Để nguyền rủa nhau cũng có cả kho từ vựng dùng hoài không hết như "đồ diều tha quạ mổ", "trời đánh thánh vật", "voi giày ngựa xé", "chết bờ chết bụi"... Thậm chí bài chửi "mất gà" kinh điển có ca có kệ của miền Bắc còn được xem là một trong những ví dụ về sự hoạt ngôn và phong phú của dân gian về nghệ thuật chửi.
Nhưng có lẽ điều tồi tệ nhất trong việc công kích cá nhân mà các nền văn hoá khác bị coi là cấm kị tuyệt đối lại bị lạm dụng trong tiếng Việt là việc chửi cha mẹ và dòng họ của người khác, tức những người hoàn toàn không liên quan. Nếu câu chửi phổ biến nhất trong tiếng Anh là "fuck you" thì trong tiếng Việt là "đ. má/mẹ mày". Nặng nhất và xúc phạm nhất trong tiếng Anh cũng chỉ là "bastard" (đồ con hoang) hoặc "motherfucker" thì người Việt không ngại lôi cả tổ tiên mấy đời của người khác ra chửi (tiên sư cha tụi bây, tổ cha chúng mày, mồ tổ cha tụi bây...). Với kho vũ khí hạng nặng mang tính sát thương cao như thế, người Việt không tận dụng để mang ra mạt sát chà đạp nhau thì kể cũng lạ.
Kết luận
Tôi viết bài này không với mục đích bao biện cho thói xấu công kích cá nhân của người Việt mà trái lại muốn mọi người hiểu rằng việc chửi bới công kích người khác là biểu hiện của sự ức chế tâm lý, bất lực về lý lẽ và thiếu tự trọng. Chỉ có những kẻ không cần tới đạo đức và lý lẽ chỉ muốn giành phần thắng cho mình mới công kích cá nhân người khác khi tranh luận. Nếu không loại bỏ thói xấu này trong việc tranh luận, chúng ta khó có thể có được dân chủ thực sự qua việc tranh luận nghiêm túc và văn minh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)