Về sở hữu, vị thế và xã hội hóa
Các bài viết của tôi, hoàn toàn không phải là những bài trích dẫn kinh điển…nhưng đương nhiên được tham chiếu trên những nền tảng tri thức kinh điển về những điều đề cập. Tôi viết theo cách nhìn của mình, nói chung rất ngắn, luôn cần đến ‘ kiến thức đối ứng’ để chia sẻ về tư tưởng và ngụ ý nằm sâu trong những dòng chữ… Hơn hết là chữ Tâm của chúng ta đối với điều muốn bày tỏ...
Đây là ba khái niệm lớn nhất trong đời sống Con người và luôn mang tính Cá thể, tính Thời đại, tính Cộng đồng. Ngày nay những khái niệm đó càng rõ ràng và càng là điều thôi thúc với mọi người hơn cả….dường như có thể coi đó là sự quan tâm xuyên suốt, như sự nghiệp, là chặng đường phấn đấu và được xem là thành đạt hay không của mỗi người….
.
Ba Khái niệm này liên tác với nhau, cái này là phái sinh của cái kia…và Thể chế, Thiết chế của các Quốc gia phải giải quyết bài toán đó cho tất cả những công dân trong cấu trúc Giai tầng của mình
Sở Hữu : là Cái ( hay Điều ) được Pháp luật thừa nhận về Quyền ( sử dụng, chiếm hữu , định đoạt ), bởi vậy người có Quyền ấy có thể hoàn toàn Quyết định về Cái ( hay Điều đó ).
Vị thế: là mức độ ảnh hưởng mang tính đẳng cấp, tính chi phối của một Cá thể, khiến cho Cộng đồng nhận thấy, hay phải thủ thừa hoặc buộc phải tính đến trong sự lựa chọn của mình
Xã hội hóa : là khuynh hướng tương tác, tham gia cùng, bổ trợ hai chiều giữa Xã hội <-> Cá Thể về những mưu cầu cũng như giá trị sống mà mỗi người trong đó nên và phải hội được.
Khái niệm Sở Hữu trở thành một mưu cầu mạnh mẽ nhất của ‘Con người Cá thể’. Và khái niệm Vị thế - một động lực thôi thúc mạnh mẽ nhất của ‘Con người Xã hội’.
.
Chúng ở sâu thẳm và thường trực trong Ý thức của mỗi người – kể từ khi Con người thoát khỏi hang động Nguyên Thủy và cuộc sinh tồn thông qua hoạt động sản xuất, bắt đầu sử dụng Công cụ, cần đến tài nguyên và nguồn lực…mà từ đó sinh ra các Xã hội….để rồi càng về sau này…Sở hữu và Vị thế càng được xã hội hóa nhiều và mạnh hơn !
Sở Hữu thuộc về một Thể nhân hay là thuộc đại diện Pháp nhân, thì dù thế nào thế nào mức độ Quyền (P) và phạm vi Quyết (D) liên quan đến Sở Hữu như định nghĩa nói trên có khuynh hướng tự nhiên hay bắt buộc đi đến sự hội tụ - là Một gắn với một Cá nhân, bởi sự gắn bó giữa (P) & (D) là rất hữu cơ và phải là tương đương.
Người vốn có (P) mà không có (D) gọi là bị ăn cướp, hay Kẻ có (D) lại vốn không thực có (P) thì là đi ăn cướp mà thôi. Bởi vậy sự xung đột về (P) & (D) là điều muôn thưở của Con người từ khi sơ khai. Cơ hội duy nhất để hội tụ được (P) & (D)mà tối thiểu xung đột đó là Xã hội hóa cả (P) và (D). Đó là cách mà Người ta, trên thực tế, có thể giải được bài toán rất khó khăn gọi là ‘WIN – WIN’
(P), vốn dĩ ban đầu, theo luật Trời định, tùy vào Năng lực của Cá thể – ví như Con Hổ trên đồng cỏ ! (P) luôn được ưu ái cho kẻ mạnh về Năng lực. Nhưng (D), dần hình thành, theo luật Người định, tùy vào cái giai tầng của người ta leo lên được – ví như con Vua cháu Chúa ! (D) luôn được ưu ái cho người có Địa vị. Theo mức độ tăng của Địa vị mà dẫn đến nguy cơ giành được (P) vốn không phải của mình, cho dù không có năng lực - lúc này tạo ra nghịch lý với luật Trời ! Bắt đầu của những vòng quay tai họa.
Vị thế, một cách thực sự, hơn cả Địa vị sắp sẵn bởi ý chí xếp hạng Giai tầng, phải là vai trò tích cực của Cá thể trong môi trường sống – xã hội, được thể hiện bởi nỗ lực tự thân đem lại ích lợi cho Cộng đồng, hoặc từ các ưu trội về giá trị phát triển được Cộng đồng thừa nhận. Như vậy Vị thế đó, tự nó khẳng định khả năng xã hội hóa mạnh mẽ giá trị của mình, không bằng cách áp đặt hay chiếm mọi thứ của Xã hội thành Sở hữu riêng. Đồng thời những Cái ( hay Điều ) của nó đã đạt trình độ chia sẻ rất cao trong Xã hội. Do đó Vị thế cần phải được tôn vinh bởi tinh thần dân chủ của Xã hội văn minh, từ đó mới đi đến khả năng Xã hội hóa (D) như là cách làm giảm thiểu được cái nghịch lý đó.
Xã hội hóa! Khi khuynh hướng đó phổ biến, mạnh mẽ, hướng tới văn minh và đem lại thực sự những cơ hội khả thi cho tất cả mọi người thì Sở hữu Cá nhân sẽ nhiều hơn. Vị thế mà mỗi người đạt được trở nên chính đáng và chính thống….Tất cả quay trở lại phục vụ lợi ích Cộng đồng chứ không phải là vinh thân phì gia như những kẻ quan chức ăn trên ngồi chốc, bọn trọc phú xôi thịt, bầy trí thức hư danh …Tất cả chúng đúng là loài Kí sinh của xã hội. và khuynh hướng Xã hội hóa trong một Xã hội tiên bộ phải có khả năng loại bỏ chúng! Nền chính trị của mỗi quốc gia chịu trách nhiệm về điều đó !
Cuối cùng tôi đưa ra công thức sau, theo nghĩa văn minh tiến bộ :
( Sở hữu + Vị thế ) của Cá Nhân = Khả năng ra Quyết định của Cá nhân đó =Mức độ đóng góp của Cá nhân đó thúc đẩy Xã hội hóa ( Sở hữu + Vị thế ) của Cộng đồng = Trình độ Xã hội hóa (Sở hữu + Vị thế ) của Cá nhân đó = Đẳng cấp