Vẻ đẹp người phụ nữ trong những bức họa ở phòng tranh nổi tiếng ở Moskva
Phòng tranh Tretyakov nổi tiếng ở thủ đô Moskva có lịch sử từ năm 1856, khi thương gia Pavel Mikhailovich Tretyakov mua tác phẩm của các nghệ sĩ Nga để lập bộ sưu tập và sau này phát triển thành bảo tàng nghệ thuật quốc gia của nước Nga...
Bộ sưu tập hiện nay của phòng tranh gồm hơn 130.000 tác phẩm, trong số này có rất nhiều bức tranh nổi tiếng thế giới. Phóng viên TTXVN tại Moskva xin giới thiệu với độc giả Việt Nam một số tác phẩm nêu bật vẻ đẹp của người phụ nữ tại phòng tranh này.
Bức tranh “Chân dung Maria Lopukhina” của họa sĩ Nga Vladimir Borovikovsky
Vẻ đam mê, mơ mộng và tươi trẻ của nữ Bá tước Maria Lopukhina 18 tuổi thuộc gia tộc Tolstoy được họa sĩ nổi tiếng Nga Vladimir Borovikovsky lưu giữ đến ngày nay từ thế kỷ 18. Chân dung cô Lopukhina được thể hiện một cách duyên dáng, tự nhiên, hòa quyện với phong cảnh. Chủ đề chính của bức chân dung là sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đặc trưng của thẩm mỹ cuối thế kỷ 18, vốn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tình cảm.
Theo các nghệ sĩ đương đại, chân dung Lopukhina là hình ảnh người phụ nữ lý tưởng kiểu Nga, theo các chuẩn mực của chủ nghĩa tình cảm. Tuy nhiên, trong vẻ đẹp thánh thiện và trẻ trung của Lopukhina vẫn có những nét buồn khi cuộc sống của người phụ nữ xinh đẹp này quá ngắn ngủi. Ở tuổi 23, cô đã không còn trên cõi đời do bệnh lao.
Bức tranh “Nỗi buồn của Alyonushka” của Viktor Vasnetsov
Bức tranh dựa trên truyện cổ tích dân gian Nga "Chị Alyonushka và em trai Ivanushka", song trong tranh là một cô gái Nga thực sự. Họa sĩ Viktor Vasnetsov chú ý tới cô gái này tại điền trang Akhtyrka.
Cốt truyện định hình nỗi cô đơn và “khát khao Nga” và họa sĩ Vasnetsov đã mô tả hình ảnh cô chị Alyonushka giản dị với vẻ ngoài hơi buồn bã, mệt mỏi vì tìm kiếm người em trai thất lạc Ivanushka, vốn do không nghe lời đã bị biến thành dê.
Trong tranh Alyonushka, họa sĩ Vasnetsov đã thể hiện trực quan tác phẩm bằng các phương tiện hình ảnh, như trong nhiều tác phẩm phỏng theo truyện cổ tích khác của ông, thấm đẫm sử thi Nga và tinh thần Nga.
Bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của Ivan Kramskoi
“Người đàn bà xa lạ” là một trong những bức tranh nổi tiếng và bí ẩn nhất của hội họa Nga. Nó được ví như “Nàng Mona Lisa của nước Nga”. Người xem bị hút hồn bởi vẻ đẹp của người phụ nữ trong tranh cũng như tên gọi “bí hiểm”.
Bức tranh vẽ một phụ nữ trẻ ngồi một mình trên xe ngựa trên nền Cung điện Anichkov ở St. Petersburg. Người phụ nữ trong tranh không chỉ xinh đẹp, cuốn hút, mà toàn bộ trang phục trên người cô còn thể hiện sự xa xỉ thời bấy giờ.
Kramskoi dường như nhấn mạnh tới vẻ đẹp “ma thuật” với đôi môi và mắt gợi cảm, lông mày cong và dày. Điểm đặc biệt, theo hướng dẫn viên Phòng tranh Tretyakov, đó là tuy có vẻ ngoài hơi đượm buồn song người phụ nữ trong tranh lại thể hiện sự phá cách, thoát khỏi các tư tưởng cỗ lỗ về một người phụ nữ an phận, một “Anna Karenina” của đại văn hào Lev Tolstoi trong tranh.
Bức tranh “Cô gái làm ren” của Vasilyi Tropinin
“Cô gái làm ren” đã giúp Tropinin trở nên nổi tiếng. Thông qua bức tranh này, Tropinin muốn cho thấy một nữ nông nô, người cũng có thân phận giống ông, cũng xinh đẹp, duyên dáng và đỏm dáng không kém gì một nữ quý tộc quý phái. Họa sĩ cũng mở ra cho chúng ta vẻ đẹp của một cô gái nông nô Nga, vốn có cuộc sống vất vả.
Điều quan trọng được họa sĩ thể hiện trong bức tranh là mong muốn cho thấy một cô gái bình thường vẫn đẹp cả về ngoại hình cũng như tâm hồn. Bức tranh được vẽ năm 1847 và thuộc thể loại tranh-chân dung, nghĩa là nó không đơn thuần chỉ là hình ảnh của một người, mà là một cảnh nhỏ trong cuộc sống.
Cô gái làm ren trong một khoảnh khắc đã ngước mắt nhìn họa sĩ. Khoảnh khắc này được ghi lại và như vậy những người ngắm tranh sẽ như cảm thấy như cô gái làm ren đang ngước mắt vui vẻ mỉm cười với họ.
Bức “Tiểu thư cưỡi ngựa” của Karl Bryullov
Các nhà phê bình Italy còn gọi bức tranh là “Thiên thần bay”. Lịch sử của bức tranh khá hấp dẫn và đặc biệt. Như ta đã biết, họa sĩ Bryullov sống ở Italy trong một thời gian dài, nhưng trước khi ông rời đất nước lãng mạn này, nữ bá tước Julia Samoilova đã đặt ông vẽ chân dung hai cô con gái nuôi của mình, Giovanina và Amacilia Pacchini.
Chủ đề chính của bức tranh là sự sống động thể hiện qua các chuyển động. Cô chị cả Giovannina đột ngột ghìm cương chú ngựa đen mạnh mẽ, nhưng vẻ mặt cô không hề thể hiện sự gắng sức. Đây chính là chi tiết Bryullov bị các nhà phê bình chỉ trích.
Sự xuất hiện của cô chị Giovanina tạo phấn khích không chỉ cho cô em Amacilia chạy ra đón, mà cả chú chó với chiếc đai ghi dòng chữ người đặt hàng “Samoilova”. Hình ảnh cô em được mô tả một cách bình dị song rất sinh động và rực rỡ.
Các nhà phê bình đánh giá “Tiểu thư cưỡi ngựa” là ví dụ điển hình của tranh-chân dung, trong đó mọi thứ được hình thành để tôn vinh vẻ đẹp và sự tươi sáng của tuổi trẻ, tôn vinh cảm xúc thanh bình trong cuộc sống, tất cả được thể hiện qua hai khuôn mặt - cô tiểu thư cưỡi ngựa và người em bé bỏng.
Bức “Công chúa Tarakanova” của Konstantin Flavitsky
“Công chúa Tarakanova” của Flavitsky khiến cho bất cứ ai ngắm bức tranh cũng phải ngạc nhiên về sự kịch tính và tự nhiên của tác phẩm, vốn dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra trong thời kỳ Nữ hoàng Ekaterina II trị vì.
Tarakanova tự nhận là con ngoài giá thú của Nữ hoàng Elizabeth Petrovna. Cô sống một thời gian dài ở Italy, thuyết phục mọi người tin về mối quan hệ huyết thống với vương triều. Tuy nhiên, sau một thời gian, Nữ hoàng Ekaterina II phát hiện ra sự gian lận, và kẻ mạo danh bị bắt giam tại Pháo đài Petro-Pavlov, nơi cô chết trong trận lụt như mô tả trong tranh.
Trong bức tranh, cảm nhận về vẻ đẹp và sự sống trên cơ thể cô công chúa tương phản với cái chết đang gần kề và nỗi kinh hoàng thể hiện trên khuôn mặt. Flavitsky tạo điểm nhấn vào chiếc váy sáng cũng như chăn trên giường cô, lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, tương phản với gam màu tối và buồn, làm cho bức tranh trở nên bi thảm hơn.
Tranh tự họa “Trước bàn trang điểm” của Zinaida Serebryakova
Tranh tự họa “Trước bàn trang điểm” được Zinaida Serebryakova vẽ mùa thu năm 1909 tại ngôi làng nhỏ Neskuchnoye thuộc tỉnh Kursk. Nghệ sĩ Zinaida Serebryakova khi đó 25 tuổi. Cô đang đợi chồng trở về từ miền Bắc Siberia. Buổi sáng hôm đó trời nắng và băng giá.
Người phụ nữ trẻ hạnh phúc, tỉnh giấc trong căn phòng đầy nắng, ngồi dậy và trang điểm trước gương. Cô mỉm cười trước hình ảnh phản chiếu ngọt ngào của mình và chải tóc. Không gian căn phòng tràn ngập ánh sáng màu trắng.
Đôi mắt nâu to rực rỡ, khuôn mặt thân thiện của nữ nhân vật chính tỏa ra sự ấm áp. Tay và tóc tạo khung cho khuôn mặt. Bàn trang điểm có một loạt các vật làm đẹp cho phụ nữ. Có cảm giác như Serebryakova tự họa bức chân dung này chỉ dành cho những người thân yêu trong gia đình mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)