Vài nét về Vương Trí Nhàn
Ông quê gốc xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sinh ngày 15/11/1942. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông vào học trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Ngữ văn, khóa 1961-1964. Ra trường, trong hoàn cảnh chiến tranh, ông vào quân đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự và tại ngũ ngót 15 năm cho tới đầu 1979 mới chuyển ngành. Trong quân đội, lúc đầu ông dạy học sau làm báo, làm biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1968. Từ năm 1979 đến khi nghỉ hưu, hơn 20 năm ròng ông làm công tác biên tập sách lý luận phê bình ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Những công trình đã xuất bản của ông có thể xếp vào hai khu vực:
a- Sách khảo cứu biên soạn gồm: Sổ tay người viết truyện ngắn (1980);Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội (1986); Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 (2000)…
Các cuốn sách này cho thấy ông triển khai việc giới thiệu, nghiên cứu về các thể loại sáng tác văn học và chân dung nhà văn một cách có bài bản. Đặc biệt các lời dẫn hoặc nghiên cứu tổng quan về thể loại truyên ngắn, tiểu thuyết đi sâu vào các phương diện bếp núc của nghề viết, về diện mạo, đội ngũ các nhà văn sáng tác về Hà Nội hôm nay... được viết một cách nhuần nhuyễn, sinh động và sáng rõ, là minh chứng về bản lĩnh tư duy học thuật của ông, sự quan tâm thường trực của ông đối với nghề viết và đội ngũ viết văn.
b- Mảng sách thứ hai, có năm quyển đưa ông vào hàng những nhà phê bình ăn khách. Đó là:
Bước đầu đến với văn học (Phê bình - tiểu luận, 1986); Những kiếp hoa dại (Chân dung và phiếm luận văn học, 1993); Cánh bướm và đóa hoa hướng dương(Tiểu luận - phê bình,1999);Buồn vui đời viết(Sổ tay văn học, 2000); Ngoài trời lại có trời(Tiểu luận phê bình về tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài, 2003).
Các tập sách thuộc mảng này cho thấy cách nhìn riêng của ông đối với công việc viết văn, đời sống văn học, nhà văn trong và ngoài nước. Ông dường như xa lạ với lối lý tưởng hóa nghề văn, người viết văn. Với ông, viết văn chỉ là một nghề, bên cạnh những mục đích cao cả, đáp ứng nhu cầu xã hội hướng về Chân - Thiện - Mỹ, nâng cao nhận thức và làm giàu cho tâm hồn con người. Văn học cũng là một nghề như bao nghề khác, nó thỏa mãn nhu cầu tự biểu hiện của con người, nhằm mục đích thực tế về mưu sinh, tồn tại. Nhà văn tất nhiên là người có tài năng đặc biệt, xuất chúng trong sáng tạo những văn bản nghệ thuật bằng ngôn từ, nhưng mặt khác trong đời thường họ cũng có thân phận buồn vui, ứng xử hay dở như bao người. Với lối viết nhiều khi như tọc mạch, soi mói vào những mặt còn khuất lấp của toàn bộ quá trình văn học: đời sống xã hội - nhà văn - tác phẩm - công chúng... ông đưa ra những nhận xét hóm hỉnh, thông minh, bề ngoài như là nói chuyện phiếm, nhưng trong sâu xa của các ý kiến ấy, người đọc buộc phải đối mặt kể cả đối với những thực tế không thuận chiều, trái khoáy, nghịch cảnh... Nghĩa là văn chương cũng như đời thường thật là muôn mặt, phồn tạp, phiền phức, khôn dại , hay dở, thật khó lường.
Về phương diện lý luận, Vương Trí Nhàn xa lạ với lối trình bày lý luận chay. Từ sự quan sát tinh tường các hiện tượng lớn nhỏ thậm chí tế vi, khó nói, ông dần dần dẫn dắt người đọc cùng suy nghĩ với mình về những vấn đề, những khía cạnh có ý nghĩa lý luận đặt ra, nảy sinh từ đó. Lý luận với Vương Trí Nhàn phải được bật ra, chưng cất từ thực tiễn, từ Cây đời xanh tươi của đời sống văn chương, học thuật, từ lao động viết văn và niềm thích thú hay xa lạ với tác phẩm văn chương của công chúng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý