Góp bàn về tư tưởng học thuật của Trương Tửu

04:46 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Mười Hai, 2009

Đối với GS. Trương Tửu, tôi không những là kẻ hậu sinh, mà về việc nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp của ông, tôi còn là người đi sau so ngay cả với thế hệ sau. Điều này có một phần nguyên nhân ở chỗ ông là người đọc nhiều, hấp thu nhiều tư tưởng học thuật nước ngoài, mà những ngọn nguồn này, ngay chỉ trong phạm vi một học thuyết cũng hàm chứa nhiều nội dung phức tạp và cũng không ngừng diễn biến, nếu không nắm vững, thì dễ đưa ra những liên hệ so sánh chung chung, có vẻ đúng, nhưng chí ít là chưa thật trúng, nếu không muốn nói là nhiều khi sai, rồi cộng thêm với định kiến thì sẽ gây tác hại. Điều này là hiển nhiên, vì chưa hiểu rõ cái dùng để so sánh là thế nào, thì làm sao mà so sánh chính xác được. Tất nhiên thế nào là so sánh trúng, chính xác, thì nói cho cùng, chẳng qua cũng chỉ là nằm trong một động thái ngày càng đúng dần lên mà thôi, tuyệt nhiên không thể có ngay kết luận dứt khoát cuối cùng được.

Tuy không tách rời với tư tưởng chính trị, song chủ yếu ở đây chỉ tập trung vào lĩnh vực tư tưởng văn học, nhưng đã có thể thấy GS. Trương Tửu ít nhiều có bị ngộ nhận trong việc tiếp thu chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa Trotsky, và triết lý nghệ thuật của H. Taine. Nói một cách khác, có phải tư tưởng văn học của Trương Tửu mang tính chất trotskít, phản mácxít, và vận dụng máy móc triết lý của H. Taine hay không? Sau đây là những câu trả lời có kèm theo sự chứng giải.

I) Tư tưởng văn học của Trương Tửu về cơ bản không mang tính chất Trotskít

Về chính trị, Trương Tửu đã từng viết bài đăng trên các báo Quốc gia, Thời thế chống lại Mặt trận dân chủ theo chủ trương của Đệ tam quốc tế. Ông có cho đăng bài phỏng vấn phái Trotskít và đã từng bị Qua Ninh (tức Trường Chinh) phê phán qua các bài Nhân bài phỏng vấn phái Trotskít của ông Trương Tửu: Bọn Trotskít nói lung tung và chửi sự thực (Tin tức ngày 5/11/1938); Trở lại bài phỏng vấn phái Trotskít của ông Trương Tửu (Tin tức ngày 15/11/1938). Như thế thì về mặt chính trị đã rõ, và cũng không thuộc phạm vi bài này. Hơn nữa dù có muốn nói thêm điều gì cũng trở thành bất khả, bởi vì lịch sử không phải chỉ là những cái đã qua, mà còn là điều mãi mãi về sau mới dần dần biết hết được. Trái với giới thống trị tư sản, giữa các đảng phái, giữa những thành viên trong một đảng, có khi xung đột nhau dữ dội, nhưng chả ai bị quy là mất lập trường tư sản cả, còn ở đây lắm khi chỉ cần khác chính kiến với người đứng đầu là dễ trở thành kẻ địch. Trotsky vốn là Chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng, Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Thế nhưng ba năm sau khi Lênin qua đời, ông đã bị khai trừ khỏi Đảng, và năm 1929 bị trục xuất khỏi đất nước, đến năm 1938 sáng lập Đệ tứ quốc tế tại Paris, nhưng đến năm 1940 bị ám sát tại Mehico. Như thế thực chất tư tưởng và bi kịch chính trị Trotsky là gì còn là câu hỏi trước lịch sử! Nhưng điều này không nên bị đẩy đến chủ nghĩa hư vô, hoài nghi tất cả. Nếu quả thực Trương Tửu chống lại Mặt trận Dân chủ thời ấy, thì hoàn toàn sai. Có điều cũng không nên định kiến, vì chỉ cần nhắc lại rằng trong 9 năm kháng chiến tiếp theo, ông đã làm được không ít việc cho nền văn hoá và giáo dục trong chế độ mới.

Dù sao trở lên chỉ là câu chuyện chính trị - mà chính trị tuy có tác động, nhưng không bao giờ được đồng nhất với văn học-, bây giờ sẽ xin đi thẳng vào chính đề là Trương Tửu thời ấy có chịu ảnh hưởng gì tư tưởng văn học của Trotsky không? Nhưng trước hết phải tìm hiểu tư tưởng văn học của Trotsky là thế nào? Tuy là một chính khách, nhưng Trotsky có hoạt động lý luận phê bình văn học, thể hiện qua công trình Văn học và cách mạngcông bố vào năm 1923 và đến năm 1924 khi tái bản có đưa thêm vào bài Chính sách Đảng Cộng sản Nga với văn học phát biểu tại cuộc Hội nghị về văn học của Trung ương Đảng Cộng sản Nga vào ngày 9/5/1924. Văn học và cách mạng vốn có 2 phần, phần hai là Đêm trước gồm những bài viết từ năm 1907-1914 về văn hoá văn học và xã hội Nga và phương Tây. Quan trọng hơn là phần một Văn học đương đại gồm những bài viết trong hai năm 1922-1923 về văn học Nga và Xô Viết sau Cách mạng tháng Mười. Theo ông văn học đương thời gồm có 5 loại. Một là “Văn học lưu vong”bao gồm cả những tác giả “lưu vong ngay trong nước” như Sologup, Rozanov, v.v... dị ứng với tính chất của Cách mạng tháng Mười. Hai là loại “Văn học bạn đường”chính là một khái niệm do chính Trotsky đặt ra và được tồn tại mãi trong nền phê bình và nghiên cứu văn học sử Xô Viết. Đây là loại văn học có chịu ảnh hưởng, nhưng chưa phải là văn học cách mạng đích thực. Ba là chủ nghĩa vị lai vốn có, mặc dù có chuyển biến dần như trường hợp của Maiacovsky mà Trotsky có lưu ý cho đây là nhà thơ “la hét ở chỗ đáng lẽ chỉ nói thoáng qua thôi, nhưng lại đuối hơi ở những chỗ cần la hét”. Bốn là chủ nghĩa hình thức vốn có thì Trotsky cũng phê phán. Cuối cùng là “phái văn hoá vô sản” thì Trotsky phủ nhận. Tuy phân loại chủ yếu dựa vào mối quan hệ với cách mạng, nhưng sự phân tích cụ thể của Trotsky khá tinh tế cả về nghệ thuật. Ông không những biết lưu ý đến nhược điểm của Maiacovsky, mà còn cho rằng Mười hai người của Blok là “một tác phẩm quan trọng nhất trong thời đại chúng ta”. Trotsky quả quyết: “Chúng ta thấu hiểu tính hạn chế, tính thiếu kiên định, tính chưa đáng tin về mặt chính trị của những người bạn đường. Nhưng nếu chúng ta lìa bỏ họ… lìa bỏ cả Maia và Exenhin, v.v... thì còn lại được gì ngoài mấy thứ hối phiếu chưa trả tiền của phái văn học vô sản?”(1) . Có thể thấy tuy có những sắc thái riêng, nhưng quan điểm văn học của Trotsky, nhất là thái độ đối với phái Văn hoá vô sản là phù hợp với tư tưởng chính thống đương thời.

Tuy nhiên mặc dù rất nhất trí với Lênin trong việc chống “Prôlêcun”, nhưng Trotsky đã đi xa hơn và có thể đã dẫn đến chỗ cực đoan. Ông cho rằng khác với giai cấp tư sản trước khi giành chính quyền đã xây dựng được nền văn hoá riêng của mình, và khi giành được chính quyền thì muốn vĩnh cửu hoá nền thống trị của mình, giai cấp vô sản vốn chưa có một nền văn hoá sẵn có như thế, và khi giành được chính quyền thì cũng không hề muốn vĩnh cửu hoá nền thống trị đó. Song song với việc về mặt chính trị và kinh tế xoá bỏ dần những điều kiện khiến cho mình tồn tại như một giai cấp, thì về mặt văn hoá, giai cấp vô sản sẽ đặt nền móng cho một nền văn hoá chân chính, siêu giai cấp của toàn nhân loại. Nền văn hoá mới mà giai cấp vô sản xây dựng nên sau khi giành được chính quyền càng phát triển, thì tính giai cấp vô sản càng phai nhạt. Tuy cách lập luận này còn nằm trong dạng một động thái, có nghĩa là văn hoá vô sản tự triệt tiêu dần trong sự phát triển, nhưng ở một chỗ khác Trotsky lại kết luận dứt khoát hơn cho rằng không những trong tương lai mà hiện nay cũng không có văn hoá vô sản, bởi vì giai cấp vô sản làm cách mạng không phải chỉ lật đổ nền thống trị và văn hoá của giai cấp tư sản mà là nhằm xoá bỏ mọi sự thống trị giai cấp từ kinh tế đến văn hoá. Ông khẳng định: “Những luận điệu mơ hồ về văn hoá vô sản nảy sinh luận cứ từ sự loại suy và đối chiếu với văn hoá tư sản chẳng qua là hấp thu dinh dưỡng từ cách làm không có chút óc phê phán, đã đem đồng nhất vận mệnh lịch sử giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản”(2). Mặc dù trong dây chuyền lập luận này có một khâu không hoàn toàn phù hợp với tư tưởng Lênin là tuy chưa hoàn chỉnh, nhưng trước khi giành chính quyền, giai cấp vô sản vẫn có văn hoá của mình, nhưng nhiều khâu khác lại có căn cứ trong Tuyên ngôn Cộng sản như giai cấp vô sản trong cách mạng “phải tự mình trở thành dân tộc”, chứ không phải chỉ mãi mãi còn là một giai cấp nữa, hoặc công cuộc cách mạng xã hội và cộng sản chủ nghĩa không chỉ xoá bỏ nền thống trị của một mà là của mọi giai cấp, v.v… Dù sao việc phủ nhận văn hoá vô sản không có trong hiện tại càng không có trong tương lai cũng là một kết luận cực đoan, mặc dù chúng tôi chưa tìm thấy sự phê phán gay gắt, nhưng là có sự góp ý khá chân thành lúc bấy giờ. Đó là ý kiến của Bukharin cũng là một Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng biên tập báo Sự thật, được Lênin ca ngợi là “nhà lý luận lớn nhất và đáng quý nhất” của Đảng, nhưng đến năm 1938 cũng bị đàn áp. Có lẽ vì ông cũng là một người rất có đầu óc với nhiều ý kiến sắc sảo như cho rằng giai cấp tư sản trước khi giành chính quyền đã sản xuất ra được bộ bách khoa thư đồ sộ rồi. Cho nên không lấy gì làm lạ, khi đã nắm chính quyền, mặc dù giai cấp vô sản có thể đưa ra “nguyên tắc văn hoá” cao hơn, nhưng trình độ văn hoá lại thấp hơn, cho nên không thể không kế thừa tinh hoa văn hoá tư sản. Tất nhiên cần phải bảo đảm quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, song cần phải thực hiện sự hợp tác văn hoá rộng rãi giữa mọi giai cấp. Và trong quá trình đó “cần tập trung chú ý tiến hành đấu tranh chống lại bệnh kiêu ngạo của người cộng sản”(3). Đây cũng là điều Lênin từng phát biểu chung về chính trị xã hội. Trên tinh thần đó, Bukharin có nhiều khía cạnh chia xẻ với quan niệm của Trotsky. Tuy nhiên ông đã phê bình Trotsky không thấy tính chất lâu dài của nền chuyên chính vô sản và tính không đồng đều (trước, sau, nhanh, chậm) giữa các nền chuyên chính ấy trong các nước khác nhau, cho nên tính lâu dài ở đây nếu xét trong phạm vi toàn thế giới lại càng nhân lên gấp bội, tất nhiên không phải là vô hạn, vĩnh cửu, mà trước sau gì nền văn hoá văn học vô sản vẫn sẽ nhường chỗ cho nền văn hoá văn học siêu giai cấp của toàn nhân loại. Cuối cùng, Bukharin đi đến kết luận rất sắc sảo nhưng cũng rất tế nhị: “Đồng chí Trotsky cho rằng sự tiêu vong của nền văn hoá vô sản quá nhanh so với sự hình thành của nó, còn tôi thì hoàn toàn trái lại, thấy rằng sự hình thành của nền văn hoá vô sản nhanh hơn nhiều so với sự tiêu vong của nó”(4). Trình bày tương đối cặn kẽ như vậy để thấy rằng chỗ duy nhất không thật ổn (đương thời được góp ý) trong tư tưởng văn hoá văn học của Trotsky là hiện thời không có (nếu có thì cũng tiêu vong rất nhanh), cho nên trong tương lai càng không có nền văn hoá văn học vô sản.

Nhưng điều đặc biệt quan trọng ở đây là trong công trình của Trương Tửu không thấy có chỗ nào bộc lộ quan điểm trên của Trotsky, thậm chí có biểu hiện ngược lại, nếu liên hệ một cách gián tiếp. Trương Tửu chủ yếu viết về văn học cổ điển (thơ ca dân gian, Truyện Kiều, Nguyễn Công Trứ, v.v...) rất xa lạ với câu chuyện có hay không có nền Văn học vô sản. Duy chỉ năm 1945, ông cho xuất bản cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam (tháng 7 viết xong, tháng 9 công bố), ông dùng khái niệm Tân văn nghệ, và xác định nó gồm 4 yếu tố: cách mạng, xã hội chủ nghĩa, quần chúng và khoa học. Trong khi triển khai nội dung cụ thể của các yếu tố ấy, Trương Tửu đều nhấn mạnh vai trò của giai cấp vô sản: “Từ khoảng cuối thế kỷ XVIII bước sang đầu thế kỷ XIX đến giờ, trên sân khấu xã hội mới xuất hiện một vai trò do lịch sử đào tạo ra… mà chủ não là giai cấp vô sản… Sức mạnh của nó giống như sức mạnh của bão táp, của dòng thác lũ, của lửa rừng, của những luồng sóng ngầm chạy dưới đáy biển. Nó là kết lực của các bản năng bị dồn ép hàng mấy trăm thế kỷ trong lòng ngàn triệu con người, kết lực của các thành tích hành động, các phát kiến tri thức mà nhân loại đã hái lượm được, đã lưu truyền từ thời này sang thời khác đến nay. Nó đang làm ra lịch sử. Nó là lịch sử”(5). Nếu từ đây và nhiều chỗ khác tương tự mà cho rằng khái niệm “Tân văn nghệ” của Trương Tửu chính là Văn hoá văn học vô sản thì khiên cưỡng, nhưng kết luận nó xa lạ với việc phủ nhận văn hoá vô sản của Trotsky chắc là không sai.

Sau khi bị khai trừ và bị trục xuất, thì dễ hình dung là Trotsky tập trung vào hoạt động chính trị là chính - tập họp những phe nhóm đồng chính kiến trong và ngoài nước, để cuối cùng thành lập Đệ tứ Quốc tế vào năm 1938. Báo Thông tin đối lập (1931-1941) do con trai là L. Sedov làm chủ biên, nhưng Trotsky viết rất nhiều bài, lúc ký tên thật lúc ghi bút danh gọn lỏn là X. Tuy bài về văn hóa văn nghệ cũng không ít, trong đó có những bài hồi đầu thế kỷ chưa kịp đưa vào công trình Văn học và cách mạng, và chủ yếu cũng là phát huy thêm quan niệm xem nhẹ việc xây dựng nền văn nghệ vô sản như vốn có mà thôi. Chỉ có mấy năm cuối đời (1938-1940), sau khi sáng lập Đệ tứ quốc tế đã xác định xong cương lĩnh chính trị, ông mới để tâm nghiền ngẫm thêm về văn hoá văn nghệ, và chắc chắn là còn vì để đối lập gay gắt hơn với ách toàn trị của Stalin, ông đã chủ trương một nền văn nghệ cách mạng, nhưng mang tính độc lập. Nhưng hiện chưa có căn cứ gì chứng tỏ Trương Tửu có theo dõi Thông tin đối lập đến giai đoạn cuối để chịu ảnh hưởng những sắc thái mới này trong quan niệm của Trotsky. Nếu cứ giả định là có thể có, thì nó sẽ nằm chung trong vấn đề rộng lớn hơn là không theo chủ nghĩa Lênin về văn học như sẽ thấy tiếp theo sau đây.

II) Tư tưởng văn học của Trương Tửu mang nhiều khía cạnh tương đồng với lý luận văn hoá nghệ thuât của chủ nghĩa Mác phương Tây (Western Marxism)

Có một điều quá rõ ràng mà chắc không ai có thể phủ nhận là Trương Tửu quả có chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Nhưng vấn đề ở chỗ từ cái gốc Marx Engels đã phái sinh ra nhiều loại chủ nghĩa Marx. Điều này không có gì lạ, cũng như xưa kia, chưa cần nói chi đến Hán nho, Tống nho về sau, mà ngay sau khi Khổng Tử qua đời không bao lâu thì liền xuất hiện nhiều thứ Nho giáo khác nhau giữa Tử Trương, Trọng Lương, Tử Tư, Mạnh Tử, Tuân Tử, v.v... Họ tranh luận gay gắt với nhau, không kém gì khi phê phán các học phái khác. Tuân Tử chẳng đã từng cho Nho giáo của Tử Trương là “tiện nho”, và chê cả Tử Tư và Mạnh Tử là “Lược pháp tiên vương, nhi bất tri kỳ thống”, v.v... Vậy thì ở đây phải đặt ra vấn đề Trương Tửu (xin được chỉ giới hạn trong thời trước cách mạng) theo chủ nghĩa Mác nào? Trước đây ở Sài gòn GS. Nguyễn Văn Trung đề cập đến phương pháp phê bình nghiên cứu của Trương Tửu với những khen chê là bình thường, nhưng xem đó là đặc điểm chung của phương pháp luận mác-xít thì không thoả đáng. Gần đây PGS.TS. Đỗ Lai Thuý cho chủ nghĩa Mác ở Trương Tửu thuộc loại “Mác học”. Nhưng Marxologie theo tôi hiểu là một loại học vấn khá phổ biến ở Tây Âu, nhất là Hoa Kỳ, được nghiên cứu theo tinh thần khách quan, tất nhiên có kèm theo đánh giá ưu khuyết, nhưng không đặt ra vấn đề theo hay không theo một cách tiên quyết. Nếu vốn là muốn chống lại, thì cũng bắt đầu trước bằng một sự nghiên cứu theo tinh thần khách quan. Nhưng rõ ràng Trương Tửu không chuyên nghiên cứu chủ nghĩa Mác như vậy, ông chỉ “tin theo” rồi vận dụng - tất nhiên là theo cách hiểu của ông - qua hàng loạt công trình nghiên cứu cụ thể. Học giả Hoa Kỳ, TS. Peter Zinoman nhân bàn về Vũ Trọng Phụng có cho rằng Trương Tửu có chịu ảnh hưởng tư tưởng cánh tả châu Âu thì rõ ràng là không sai, nhưng chung chung quá. Bởi vì khái niệm “cánh tả châu Âu”, bao gồm một phạm vi rất rộng, trước kia là Đảng Xã hội dân chủ (Đệ nhị quốc tế), về sau là các Đảng Cộng sản (Đệ tam quốc tế), chủ nghĩa Trotsky (Đệ tứ quốc tế). Cả ba đều với những mức độ, hình thức, nhất là với tính chất khác nhau, song đều liên quan với chủ nghĩa Mác. Nhưng còn một loại chủ nghĩa Mác nữa, tất nhiên cũng thuộc cánh tả, thậm chí một thành viên của nó là H. Lefèbvre còn chê Stalin hữu khuynh, và vào nửa sau thế kỷ XX trở thành chỗ dựa về lý thuyết cho phong trào bạo loạn của thanh niên trí thức và một phần công nhân Tây Âu, nhưng căn bản không phải là tổ chức xã hội chính trị, không phải là loại Đệ ngũ quốc tế nào cả, mà căn bản chỉ là một trào lưu tư tưởng mác-xít, đó là chủ nghĩa Mác phương Tây (Western marxism). Thật ra chủ nghĩa Mác phương Tây vốn là được tách ra từ Đệ tam quốc tế ngay từ đầu những năm 20 thế kỷ XX do sự bất đồng trong quan điểm đánh giá về sự thất bại của những cuộc cách mạng vô sản ở Trung đông Âu và tiếp diễn trong những cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt về sau. Một tỉ lệ khá lớn trong mấy thế hệ đầu của họ vốn là trong Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản: Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, thậm chí là lãnh tụ, bị thất bại trên đường chính trị quay sang hoạt động học thuật văn hoá là chính: G. Lukacs, K. Korsch, A. Gramsci, H. Marcuse, H. Lefèbvre, R. Garaudy, E. Fischer, v.v… Tư tưởng văn hoá nghệ thuật của họ chảy xiết trong suốt thế kỷ cho mãi đến ngày nay vẫn ghi đậm những tên tuổi lẫy lừng như T.W. Adorno, L. Althusser, R. Williams, T. Eagleton, F. Jameson, v.v… Tất nhiên còn có thể kể các loại Hậu Mácxít, Tân Mácxít khác nữa, nhưng chỉ có bốn loại kể trên là khởi đầu từ giữa thế kỷ XX trở về trước, mới là “đồng đại” với quãng đời học thuật của Trương Tửu trước năm 1945. Tất nhiên với Trương Tửu thì Đệ nhị quốc tế xa vời quá. Còn Đệ tam thì ông dị ứng như phần nào đã nói ở trên (và sẽ chứng giải tiếp tục ở dưới). Còn với Đệ tứ, thì như đã thấy, ngoài một số biểu hiện dính líu về chính trị, còn tư tưởng văn hoá văn học thì cơ bản là không. Như thế chỉ còn chủ nghĩa Mác phương Tây mà sơ khởi cũng gây liên tưởng về sự “tương đồng”, vì bản thân Trương Tửu chủ yếu cũng chỉ là một nhà nghiên cứu học thuật. Tất nhiên điều này chỉ mới hoàn toàn là hình thức bên ngoài, ít nhiều còn mang màu sắc cảm tính. Vả chăng về chủ nghĩa Mác phương Tây, thì chính người viết bài này cũng lần đầu tiên giới thiệu vào nước ta, dù là dưới dạng chuyên luận (Tư tưởng văn hoá văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Nxb. Thế giới, H, 2007) hay nhiều bài báo lẻ trước đó thì cũng chỉ là mới đây, nằm trọn trong buổi đầu thế kỷ mới này, nay lại đem nó vận vào vấn đề của Trương Tửu sáu bảy chục năm trước đây e là gán ghép khiên cưỡng! Song không phải vậy, cần phân biệt giữa đối tượng với sự nhận thức về nó có khi cách nhau rất xa, như nguyên tử thì mãi đến mấy thế kỷ gần đây mới được chứng giải bằng khoa học thực nghiệm, mặc dù nó tồn tại từ thuở hỗn mang chưa khai thiên lập địa. Tất nhiên phải thú thực rằng tôi vẫn chưa tìm ra cứ liệu nào chứng tỏ Trương Tửu chịu ảnh hưởng trực tiếp của lý thuyết văn hoá văn nghệ mácxít phương Tây. Tuy nhiên phương pháp luận so sánh, nhất là trường phái “Nghiên cứu song song” (Paralell study) của Hoa Kỳ lại hoàn toàn dung nạp việc so sánh những hiện tượng giống nhau không vì có ảnh hưởng giao lưu, mà có thể “ngẫu nhiên”, nhưng xét đến cùng cũng do sự tương đồng nào đó về bối cảnh hoặc tiên đề. Chính vì thế trong tiểu mục này chúng tôi không dùng từ “ảnh hưởng”, mà thay bằng từ “tương đồng”.

Trải qua gần trọn một thế kỷ, chủ nghĩa Mác phương Tây với nhiều giai đoạn chuyển biến và cũng có nhiều dòng phái, nhưng vẫn mang hai đặc điểm cơ bản. Trước hết, vốn từ trong phong trào Cộng sản quốc tế tách ra cho nên có nghĩa là nó xoay lưng lại với chủ nghĩa Lênin, mà thông thường gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này quá rõ, chỉ cần nhắc lại là trong hàng ngũ của nó gồm nhiều nhân vật vốn từng là những nhà lãnh đạo thậm chí là lãnh tụ các Đảng Cộng sản như đã dẫn ra ở trên. Hai là chủ nghĩa Mác phương Tây có xu hướng hội tụ giữa chủ nghĩa Mác với tư tưởng phương Tây hiện đại, cho nên đã diễn biến thành nhiều loại hình: Chủ nghĩa Mác “hiện sinh”, chủ nghĩa Mác “cấu trúc”, chủ nghĩa Mác “thực chứng”, mà trước tiên là chủ nghĩa Mác “phân tâm” sớm hình thành vào những năm 30 của thế kỷ trước. Ấy là do sự bất đồng trong việc giải thích sự thắng thế của chủ nghĩa phát-xít. Cuối những năm 20 đầu những năm 30, kinh tế tư bản khủng hoảng trầm trọng làm cho nhiều người nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản đang rãy chết, sắp đến ngày chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi một cách phổ biến. Nhất là các nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của nguy cơ khủng hoảng như Đức, thì một số lý thuyết gia của Đảng Cộng sản đoán chắc rằng giai cấp công nhân và nhân dân lao động sẽ bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản giành chính quyền, không ngờ chủ nghĩa phát-xít thắng thế. Tình hình đã như thế, nhưng những lý thuyết gia Cộng sản vẫn kiên trì quan điểm “lợi ích kinh tế khách quan là nguyên nhân của các hiện tượng xã hội”, đã giải thích rằng chủ nghĩa phát-xít gắn chặt trước hết với lợi ích kinh tế của các giai cấp trung và tiểu tư sản Đức, họ thấy phải cứu nguy chủ nghĩa tư bản, nếu không thì sẽ mất hết, một khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Mà muốn cứu nguy trong tình huống đó, thì chỉ có thể bằng một nhà nước độc tài. Cách giải thích thuần tuý “kinh tế chính trị học” này, mặc dù có nhiều căn cứ và cũng có những sức thuyết phục nhất định, nhưng những nhà mác-xít phương Tây cho là chưa toàn diện. Bởi vì đâu phải chỉ có các giới trung và tiểu tư sản, mà đại đa số nhân dân Đức lúc ấy tại sao lại rất tự nguyện sùng bái Hitler như vậy? Không hài lòng với lối giải thích theo ý thức thuần lý tính, họ liền vận dụng tâm lý học vô thức của S. Freud, cho rằng mọi người đều muốn bảo vệ quyền lợi dù là nhỏ nhoi của mình, luôn luôn bị ám ảnh trong vô thức một thứ quyền lực, một loại “quyền uy được nội tại hoá”, “một loại quyền uy vô danh”, “một sức cưỡng chế nội tại”. Chính là sự ám ảnh bởi loại “quyền uy nội tại” này đã thăng hoa thành một sự phục tùng vô điều kiện đối với loại “quyền uy bên ngoài” của ách độc tài Hitler. Việc này đúng đắn đến đâu là chuyện khác, chỉ biết khuynh hướng mácxít-phân tâm đã manh nha và hình thành dần trong bối cảnh như vậy. Tất cả những vấn đề này đều diễn ra ở những năm 30, tức là thập kỷ đầu trên con đường văn học của Trương Tửu, một nhà văn rất ham đọc, song không có gì chắc chắn rằng ông đã cập nhật được những điều này. Vả chăng diện quan tâm của ông cơ bản không phải là vấn đề chính trị xã hội, mà chủ yếu là sáng tác và nhất là nghiên cứu văn học. Nhưng đúng như một lý thuyết gia mácxít phương Tây đã từng nói: “Khi gặp… những vấn đề mà một số lý thuyết của Mác chưa thể giải đáp, thì chúng tôi… dùng những điều mà các nhà lý luận tư sản hiện đại nói để bổ sung và hoàn thiện chủ nghĩa Mác” (A. Schmidt). Đầu những năm 40, Trương Tửu đang cố gắng vận dụng phương pháp mácxít để nghiên cứu kiệt tác tiêu biểu của văn học cổ điển nước nhà, và dễ hiểu là sẽ gặp phải những vấn đề không thể nào giải quyết trọn vẹn, cho nên có nhu cầu vận dụng thêm lý thuyết của S. Freud. Tất nhiên vận dụng thêm như thế, kết quả đi đến đâu là vấn đề khác. Nhưng đó vẫn là do nhu cầu nội tại trong thực tiễn nghiên cứu, chứ không phải tuỳ hứng chơi trò “thể thao trí tuệ” (gymnastique intellectuelle) mang tính chất phô diễn. Và không biết có chịu ảnh hưởng hay không, nhưng rõ ràng cách làm của ông đã có “tiền thân” ở phương Tây. Dù thế nào qua trường hợp Trương Tửu vẫn có thể nói lý luận phê bình mácxít phân tâm đã xuất hiện trước năm 1945 ở nước ta. Và điều này không phải là vô bổ, vì mặc dù không tán thành “hội tụ”, nhưng ngày nay chúng ta đã có thể khẳng định trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử hoàn toàn có thể dung nạp một số không ít phạm trù tư tưởng hiện đại phương Tây, trong đó có phạm trù vô thức vào nền lý luận phê bình của chúng ta, miễn là phải xác định đúng vị thế của nó, mà như bản thân chúng tôi đã từng thể nghiệm (6).

Tất nhiên vừa trên mới chỉ là về đặc điểm thứ hai của chủ nghĩa Mác phương Tây. Còn về đặc điểm thứ nhất của nó là không theo chủ nghĩa Lênin thì lại càng rõ ở Trương Tửu, tất nhiên ở đây chỉ nói trong phạm vi tư tưởng văn học mà cũng là trong thời trước Cách mạng tháng Tám mà thôi. Ngay năm 1905, trong bài Tổ chức đảng và văn học có tính đảng, Lênin đã nêu lên nguyên lý tính đảng trong văn học với tiền đề là chịu sự lãnh đạo của Đảng không những về mặt tư tưởng mà cả về tổ chức. Nhưng trong Tương lai văn nghệ Việt Nam, Trương Tửu chủ trương xây dựng một nền Tân văn nghệ mang tính chất cách mạng xã hội chủ nghĩa hẳn hoi, nhưng tổ chức nòng cốt của nó là Đoàn kiến thiết Tân văn nghệ sẽ “hành động không theo mệnh lệnh của một Đảng phái nào, chỉ theo sự quyết nghị của đa số đoàn viên”(7). Song điều đáng nói hơn là về tính dân tộc. Biến khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” của Marx, Engels thành “Vô sản toàn thế giới cùng tất cả các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại”, Lênin rất chú ý vấn đề dân tộc ở các nước thuộc địa, đã viết hẳn ra một luận cương về vấn đề này, mà khi tiếp xúc được, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc xiết bao xúc động. Sau này Bác còn kể lại, những năm 1920 ở trời Âu không những có Đệ nhị và Đệ tam Quốc tế, mà còn loại Quốc tế “hai rưỡi”, v.v… nhưng chỉ có Đệ tam Quốc tế theo chủ nghĩa Lênin mới chú ý đến vấn đề dân tộc ở các nước thuộc địa mà thôi. Tất nhiên vấn đề đang bàn ở đây chủ yếu là về văn hoá văn nghệ. Mặc dù sự quán triệt chủ nghĩa Lênin về vấn đề này ở các Đảng Cộng sản cũng có chỗ phức tạp như công thức của Stalin thật ra không chính xác lắm, nhưng dù sao cũng có đề cập đến “hình thức dân tộc”. Nhưng ở Trung Quốc thì nêu ba phương châm “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng”. Còn trong Đề cương văn hoá 1943 ở ta thì nêu “dân tộc hoá, khoa học hoá, đại chúng hoá”, nghĩa là rất thống nhất ở chỗ đều đưa vấn đề “dân tộc” lên hàng đầu. Tiếc rằng trong Tương lai văn nghệ Việt Nam viết sau đó 2 năm, Trương Tửu không những nêu lên các tính chất cách mạng và xã hội chủ nghĩa, mà còn có cả các tính chất quần chúng và khoa học nữa, duy chỉ có điều không hề nêu tính chất dân tộc. Cố gạn lọc cho kỹ, thì thấy trong Tương lai văn nghệ Việt Nam, có mấy câu như thế này: “Tiền đề thứ hai là sự độc lập hoàn toàn của xứ sở. Thiếu sự độc lập này, không cứ gì sự kiến thiết Tân văn nghệ rất khó tiến hành, mà đến cả mọi sự kiến thiết khác cũng đều sẽ bị bóp ngay từ trong trứng…”(8). Khách quan mà nói ở đây Trương Tửu đã đề cập đến vấn đề độc lập của dân tộc, nhưng chỉ xem nó như một tiền đề để kiến thiết Tân văn nghệ mà thôi, chứ không xem xét dân tộc trên bình diện nội dung, phẩm chất của nền văn nghệ mới đó. Tóm lại, đã không tán thành tính đảng, lại xem nhẹ tính chất dân tộc, tư tưởng văn hoá văn học của Trương Tửu trước cách mạng rõ ràng là không theo chủ nghĩa Mác Lênin của Đảng Cộng sản, nhưng không nên cho nó phản mácxít. Tuy không theo tư tưởng Lênin, nhưng trên cơ sở rất thành tâm vận dụng nhiều luận điểm của Mác, có kết hợp với phân tâm học, tư tưởng văn hoá văn học của Trương Tửu trước cách mạng, có thể là ngẫu nhiên, không chịu ảnh huởng trực tiếp, nhưng vô hình trung rất tương đồng với lý luận phê bình của chủ nghĩa Mác phương Tây.

III) Tư tưởng văn học của Trương Tửu không vận dụng nguyên si mà có cải biến lý luận nghệ thuật của Hypolyte Taine bằng chủ nghĩa Mác và phân tâm học.

Mặc dù phải tự học, nhưng là với chương trình Tú tài Tây, thì chắc chắn chàng thanh niên Trương Tửu đã sớm tiếp xúc với công trình Lịch sử văn học Pháp của G. Lanson vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Hypolyte Taine như ông đã xác nhận vị học giả này là “lãnh tụ tinh thần của cả một thế hệ nhà nghiên cứu phê bình trưởng thành sau năm 1860”(9). Chúng tôi muốn nói thật ra Trương Tửu bắt đầu tiếp xúc với lý luận nghệ thuật của H. Taine từ khá sớm, có lẽ là sớm nhất đối với các học thuyết văn học phương Tây. Nhưng thế thì tại sao vấn đề này đến cuối cùng mới được nhắc đến ở đây? Thật ra, chính vì Trương Tửu hấp thu sớm nhất quan điểm của Hypolyte Taine, cho nên tính chất động thái với một quá trình ít nhiều có tiếp biến được biểu hiện rõ nhất ở đây. Bởi vì sau đó ông đã tiếp xúc với chủ nghĩa Mác và phân tâm học, v.v… mà một khi mang nhiều nguồn như vậy, lại qua một chủ thể có đầu óc thật sự, thì cái đọng lại không phải là một đại lượng rời rạc của sự tổng cộng, mà là sự tương tác xuyên thấm, nhào nặn lẫn nhau giữa các nguồn. Trong trạng thái đó, những nguồn mạnh chi phối các nguồn khác là tự nhiên. Hai nguồn tư tưởng mạnh nhất ở Trương Tửu là chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Freud đã chi phối điều chỉnh sự vận dụng quan điểm của Hypolyte Taine mà ông đã sớm tiếp thu trước đó là hiển nhiên vậy.

Nhưng chi phối điều chỉnh ra sao thì chúng ta phải tỏ tường quan điểm của Hypolyte Taine vốn là như thế nào? Trong Triết lý nghệ thuật, ông cho rằng những động lực chung nhất cho sự phát triển văn hoá và nghệ thuật của mọi thời đại là “các sức mạnh nguyên khai” (forces primordiales) bao gồm chủng tộc, môi trường và thời đại. Ba lĩnh vực này không phải rời rạc, mà thật ra là ba cấp độ hàm chứa một lôgic nội tại chặt chẽ đi từ rộng đến hẹp dần. Trước hết, chủng tộc là bao quát nhất: văn hoá văn nghệ khác nhau vì chủng tộc khác nhau. Nhưng cùng trong một chủng tộc mà văn nghệ khác nhau thì vì môi trường khác nhau. Còn chung cả chủng tộc lẫn môi trường mà văn nghệ khác nhau là bởi vì thời đại khác nhau.

Trước hết về nguyên văn chữ race còn có thể dịch là “nòi giống”, nhưng phải dịch là “chủng tộc” mới đúng với tư tưởng của Hypolyte Taine. Ông cho đó là một “nhóm dân tộc”, “nhóm bộ tộc”, thí dụ như Ý và Pháp thì thuộc chủng tộc Latin, còn Hà Lan và Anh thuộc chủng tộc German, v.v... Chủng tộc sẽ có những đặc tính chung rất bền vững về mặt lịch sử như thể chất (vóc dáng, khí chất), tâm lý (thiên về lý trí hay tình cảm), cách tư duy và ngôn ngữ, những sinh hoạt cộng đồng (tập quán và hứng thú), thái độ đối với lao động, tình yêu và hôn nhân, tôn giáo và nghệ thuật, v.v… Trong Triết lý nghệ thuật, Hypolyte Taine cho rằng có sự trái ngược nhau giữa hai chủng tộc Latin và German. Như về tính cách thì chủng tộc Latin cởi mở hơn, nhưng có thiên về sự ỷ lại và hưởng thụ. Chủng tộc German dũng cảm hơn, ham lao động, nhưng tính tình có phần chặt chẽ. Về chính trị, thì chủng tộc Latin thích đạp đổ luôn mọi cơ cấu, nếu thấy nó xấu, còn chủng tộc German cố vá víu sửa chữa nó lại... Kết tinh tất cả những điều đó lại, nghệ thuật của chủng tộc Latin thường thiên về tính chất cổ điển với những hình thức hoàn mỹ, còn nghệ thuật của chủng tộc German lại thiên về tính chất lãng mạn, mà ở đó nội dung vượt tràn qua hình thức, v.v... Nhưng trong sự vận dụng của Trương Tửu thì hiểu race là nòi giống, rồi chuyển dịch dần sang dòng dõi, huyết thống, di truyền, v.v... như khi phân tích về Nguyễn Du. Như thế là đã dần dần lồng thêm phân tâm học vào, chứ không còn giữ nguyên ý của Hypolyte Taine nữa.

Còn về “thời đại”, nguyên văn là “moment”, cũng có thể dịch thành “khoảnh khắc”, nhưng thật ra được Hypolyte Taine hiểu theo nghĩa rộng như những thời kỳ lịch sử khác nhau, mà có lúc ông gọi đó “tổng số hoàn cảnh xã hội”, “những tình huống chung về trí tuệ và đạo lý của môi trường chung quanh”. Như khi giải thích sự chuyển biến của hội hoạ Hà Lan từ tính chất tôn giáo sang tính chất quý tộc (tức thời kỳ thứ nhất sang thời kỳ thứ hai), Hypolyte Taine đã đưa ra những nguyên nhân như sự cải cách của phái Luther, sự phát minh ra nghề in, sự phát hiện ra châu Mỹ, v.v… Nghĩa là ông kể ra hết mọi sự kiện quan trọng trong thời đại đó, và tất nhiên không có cái gì vô bổ, nhưng tất cả chưa được gắn kết xoay quanh một nền tảng chủ đạo. Nhưng khi phân tích “thời đại” của một hiện tượng văn học cụ thể, thì Trương Tửu đã đi sâu thêm vào cơ sở kinh tế xã hội, sự đấu tranh của các lực lượng và khuynh hướng xã hội, nghĩa là đã bổ sung và nâng cao bởi phương pháp luận mác-xít. Hẳn đây là chuyện tất nhiên ở Trương Tửu, nhưng cũng cần nêu ra để thấy rõ triết lý nghệ thuật của Hypolyte Taine không còn nguyên dạng trong tư tưởng văn học của ông.

Song nguyên tắc phân tích từ “môi trường” (milieu) của Hypolyte Taine, thì Trương Tửu vận dụng nguyên vẹn, thể hiện từ sự phân tích cảnh trí quê hương nội ngoại của Nguyễn Du đến sự so sánh những lối tả cảnh khác nhau giữa Thế Lữ, Lan Khai, Lưu Trọng Lư, v.v… bắt nguồn từ những nét riêng về cảnh trí quê hương của họ là Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Bình. Tất nhiên điều này cũng thấy rải rác ở nhiều nhà phê bình khác, nhưng chỉ là tự phát bởi trực quan, trực cảm, còn ở Trương Tửu dường như rất tự giác với một chiều sâu nhất định của lý thuyết.

Tóm lại, khác với xu hướng chính trị, tư tưởng văn học của Trương Tửu thời trước cách mạng về cơ bản không theo chủ nghĩa Trotsky, nhưng cũng không theo chủ nghĩa Lênin, mà chủ nghĩa Mác ở ông kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa Freud, hai khía cạnh này đã chi phối và điều chỉnh sự vận dụng triết lý nghệ thuật của Hypolyte Taine mà ông đã sớm tiếp xúc. Lâu nay chúng ta thường đồng nhất chủ nghĩa Mác Lênin với chủ nghĩa Mác và cho Trương Tửu là phản mácxít, hoặc mácxít giả hiệu. Không phải vậy, tư tưởng văn học của Trương Tửu vẫn mang tính chất mácxít, cụ thể hơn là tính chất mácxít-phân tâm, một dạng của chủ nghĩa Mác phương Tây với tất cả ưu nhược điểm của nó mà chỉ có thể trình bày trong dịp khác.


(1), (2) L. Trotsky: Văn học dữ cách mạng, Ngoại quốc văn học xuất bản xã, Bắc Kinh 1992, tr.103, 73.

(3), (4)N.I. Bukharin: Cách mạng và văn hoá: Tiểu luận và diễn văn 1923-1936, Hội bảo trợ Bukharin, Maskova 1993, tr.45, 69.

(5), (7), (8) Trương Tửu: Tương lai văn nghệ Việt Nam, Nxb. Hàn thuyên, Hà Nội 1945, tr.48, 98, 83.

(6) Phương Lựu (chủ biên): Lý luận văn học, tập I, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội 2002, tr.285-293.

(9) Phương Lựu: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb. Văn học, Hà Nội 2001, tr.74.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Cách mạng tháng Tám: những con người làm nên lịch sử

    01/09/2014Đoan TrangCách mạng tháng Tám 1945 là một cuộc hồi sinh vĩ của một dân tộc đoàn kết: thực sự đoàn kết, biết đoàn kết và đoàn kết đúng lúc, kịp thời. Hồi tưởng lại những tháng ngày sôi sục khí thế đấu tranh đó, chúng ta không thể bỏ qua vai trò lịch sử của những con người đã góp phần hội tụ của các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân tộc tại thời khắc bước ngoặt lịch sử...
  • Luận bàn về trí thức

    17/06/2014TS. Nguyễn Quang AVài tháng nay các trí thức Việt Nam (trong và ngoài nước) sôi nổi đóng góp cho Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế" mà Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua.