Trung Quốc liệu đã đủ mạnh để làm cường quốc kinh tế thứ hai thế giới?
Tuy nhiên, liệu yếu tố “sức mạnh của cơ bắp GDP” có đủ để cho thấy thể trạng cường tráng tương ứng của nền kinh tế Trung Quốc?
Trung Quốc là mô hình kinh tế tiêu biểu? Quên đi!
Chẳng ai có thể lập một mệnh đề đủ sức thuyết phục để phủ định sự phát triển nhảy vọt của kinh tế Trung Quốc. Cách đây một thập niên, Trung Quốc còn được xếp hạng 6 thế giới xét theo GDP, sau Mỹ, Nhật, Đức, Anh và Pháp. Năm 2000, GDP Trung Quốc là 1,07 ngàn tỉ USD so với 4,84 ngàn tỉ USD của Nhật. Và rồi năm 2005, Trung Quốc qua mặt Anh và Pháp; tiếp đến là Đức năm 2007; và bây giờ là Nhật. Một số dự báo lạc quan thậm chí nói rằng, Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ để chiếm vị trí số 1 kinh tế thế giới trong chừng một thập niên nữa. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc mang ít nhiều màu sắc "thần kỳ" đã khiến giới bình luận nước này hứng khởi đến mức tự tin nhận định rằng thế giới nên đi theo "mô hình Trung Quốc"; và trong thực tế, có vài nước đã "copy nguyên con" (nguyên văn: "complete replication") mô hình Trung Quốc và "nhờ vậy mà thành công".
Tiếp đó, tháng 3/2010, đại tá Lưu Minh Phúc (Liu Mingfu) - Giáo sư, Giám đốc Viện Nghiên cứu xây dựng quân đội thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc - tung ra quyển “Trung Quốc mộng” (Giấc mơ Trung Quốc) trong đó bàn về vấn đề "Trung - Mỹ thế kỷ đối quyết" (Quyết tâm đối đầu Mỹ trong thế kỷ XXI để trở thành siêu cường số 1 thế giới về mọi mặt)... Tuy nhiên, liệu sức bật kinh tế, thể hiện ở những thống kê GDP liên tục tăng trưởng, có hội tụ để trở thành một sức mạnh toàn diện và đồng nhất đủ sức đưa Trung Quốc thăng hoa lên vị trí số 1 như những dự báo đầy lạc quan?
Trong thực tế, GDP chỉ cho thấy Trung Quốc có nhiều tiền hơn chứ không hề giàu có và thịnh vượng hơn. So với tất cả những nước mà Trung Quốc đã qua mặt về GDP, nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển, nghèo nàn và lạc hậu, hơn là một quốc gia tiến bộ đồng đều với lực lượng lao động trình độ cao cùng một diện mạo xã hội ấm no, hạnh phúc và công bằng. Trung Quốc vẫn sẽ ì ạch chạy theo sau Nhật, Anh hay Đức một thời gian rất dài, thậm chí đủ dài để có thể mãi mãi... không theo kịp, bởi những nước trên tất nhiên sẽ chẳng giậm chân tại chỗ.
Theo Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người Trung Quốc hiện nhỉnh hơn 3.600 USD (năm 2009), xếp thứ 124 thế giới (không bằng 1/10 của Nhật và Mỹ; và không bằng 1/6 của Pháp và Anh). Mức GDP/đầu người hiện tại của Trung Quốc thật ra chỉ tương đương Nhật năm 1973! Một số nhà phân tích cho rằng phải đến ít nhất năm 2050, GDP/đầu người Trung Quốc mới có thể bắt kịp mức GDP/đầu người của các nước phát triển vào thời điểm năm 2009. Những thống kê so sánh GDP Nhật-Trung cũng chẳng cho thấy Nhật vì ít hơn mà kém hơn Trung Quốc hay ngược lại. Xét ở góc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc đang thua Nhật ở nhiều lĩnh vực. Trong khi tỉ lệ nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đối với tỉ trọng nền kinh tế tại Nhật là 2%, 30% và 69% (theo thứ tự tương ứng), thì tại Trung Quốc, tỉ lệ trên là 12%, 48% và 40%.
Nói cách khác, trong khi Nhật là nước công nghiệp thì Trung Quốc vẫn là quốc gia mang đậm màu sắc và "phong thái" của nền "văn minh lúa nước". Với Nhật, sức mạnh kinh tế của họ là kỹ thuật cao trong khi công nghiệp Trung Quốc chủ yếu là bán sức lao động với giá rẻ mạt cho gia công làm mướn. Năm 2008, đầu tư nước ngoài của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 25 tỉ USD lên 50 tỉ USD. Tuy nhiên, ngay cả ở yếu tố phủ sóng toàn cầu này, Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ, với 318 tỉ USD...
Môi trường ô nhiễm - vấn đề xã hội nhức nhối và là rào cản cho phát triển kinh tế Trung Quốc lâu dài.
Một cơ thể phát triển mất cân đối
Trung Quốc khó có thể là "mô hình lý tưởng" mà các nước "cần noi theo". Như tác giả Dịch Hiến Dung (Yi Xianrong), Giám đốc Viện Tài chính thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, viết trên Tân Hoa xã (9/8/2010), rằng "chất lượng nền kinh tế Trung Quốc không thể so bì với phương Tây". Từ năm 2003 đến nay, kinh tế Trung Quốc được vận hành theo mô hình dựa vào hai cột chống: thị trường xuất khẩu và bất động sản. Sự bùng nổ thị trường bất động sản, dù "bồi bổ" nhiều cho sự "tăng trưởng chiều cao" GDP trên các biểu đồ hàng năm, nhưng cùng lúc nó cũng cho thấy rõ sự quản lý kém về tài nguyên đất đai dẫn đến hiện tượng đầu cơ và cuối cùng giá bị đội lên đến chóng mặt.
"Nếu sự phát triển của Trung Quốc tiếp tục lệ thuộc vào những lĩnh vực này, sự phát triển kinh tế quốc gia sẽ bị biến dạng nghiêm trọng" - ông Dịch nhận định. Hơn nữa, “lực sĩ kinh tế” Trung Quốc không là một vận động viên có thể hình hoàn hảo. Trong khi “bắp thịt” GDP cuồn cuộn căng phồng, nhiều cơ quan khác lại chứng kiến hiện tượng teo cơ! Trước hết, đó là sự mất cân đối giữa phát triển nông thôn và thành thị, biến thành cái hố không chỉ sâu mà còn rộng, khiến khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa trù phú và xác xơ, trở nên một trời một vực.
Báo cáo chính thức từ Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố đầu năm 2010 cho biết, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn hiện là 3,33/1 vào năm 2009 - mức cao nhất kể từ năm 1978. Sự thiếu hiệu quả và không công bằng trong hệ thống chăm sóc y tế Trung Quốc được Tổ chức Y tế thế giới xếp hạng 188 trong 191 quốc gia (tạp chí Forbes 24/8/2010)! Yếu tố mất cân đối thứ hai là giữa các khu vực. Trong khi kinh tế khu vực duyên hải đang tiệm cận sự ngang bằng với những thành phố tại các nước phát triển, khu vực ở giữa lại tụt hậu đến 10-20 năm. Tỉnh thành càng nằm giữa đất nước Trung Quốc càng còi cọc, èo uột. Yếu tố mất cân đối thứ ba là sự phân phối thu nhập.
Giáo sư Dịch đã nói thẳng ra rằng, "thu nhập của một cá nhân (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng mạnh bởi mức độ gần gũi thế nào của anh ta với quyền lực. Càng xa quyền lực chính quyền, anh ta càng kém giàu". Giáo sư Dịch kết luận: "Nếu những vấn đề trên không được giải quyết, chất lượng phát triển kinh tế Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng trong tương lai. Sự phát triển nhanh GDP sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu những bất cân đối trên không được giải quyết".
Những vấn đề nội tại kinh tế Trung Quốc không chỉ có bấy nhiêu. Sau ba thập niên hùng hục phát triển, kinh tế Trung Quốc đã cùng lúc tàn phá nghiêm trọng môi trường, khiến tình trạng thiếu nguồn nước sạch trở thành vấn đề cấp bách mang tính sinh tử (thiếu nước dẫn đến thiếu lương thực). Còn nữa, đó là tình trạng dân số già nhanh trong khi lực lượng lao động thay thế chưa kịp bổ sung. Đến trước năm 2050, thời điểm mà họ Lưu trong “Trung Quốc mộng” đã "mơ thấy" Trung Quốc hội tụ đủ sức mạnh để phóng chiếu quyền lực của họ khắp thế giới, 31% dân số Trung Quốc sẽ bước sang tuổi lục tuần hoặc hơn, so với 1/4 tại Mỹ. Không chỉ đối mặt với viễn cảnh dân số già, Trung Quốc còn chứng kiến hiện tượng chảy máu chất xám. Năm 2009, 65.000 người Trung Quốc đã xin di trú hoặc được cấp thường trú nhân tại Mỹ, 25.000 tại Canada và 15.000 tại Australia.
Tháng 7/2010, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố Kế hoạch quốc gia trung - dài hạn về phát triển nhân tài (giai đoạn 2010-2020) với mục tiêu "Trung Quốc sẽ bước vào nhóm các quốc gia hàng đầu về nguồn nhân tài kiệt xuất" vào năm 2020. Người lãnh đạo Cơ quan Tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), gần đây hồ hởi loan rằng "Trung Quốc đang bước vào làn sóng thứ ba của việc thu dụng nhân tài từ nước ngoài trở về" (làn sóng thứ nhất gồm những người như Tôn Dật Tiên, Chu Ân Lai...; làn sóng thứ hai là các nhà khoa học chẳng hạn nhà nghiên cứu tên lửa Tiền Học Sâm hay chuyên gia hạt nhân Tiền Tam Cường).
Tuy nhiên, thực tế lại khác. Tính đến tháng 5/2010 (kể từ khi được phát động vào tháng 1/2009), Chương trình 1.000 tài năng (kêu gọi 1.000 Hoa kiều hải ngoại trở về đóng góp cho quê hương) chỉ mới thu hút được khoảng 600 người (theo Asia Times ngày 10/8/2010)...
Giới đầu tư Trung Quốc được thế giới đón nhận như thế nào?
Có lẽ không cần nhắc chi tiết các thương vụ đầu tư Trung Quốc ở mọi ngóc ngách thế giới, từ châu Phi đến Trung Á, chủ yếu khai thác tài nguyên, từ dầu hỏa, đồng đến nickel (từ 2003-2008, đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc tăng từ 75 triệu USD lên 5,5 tỉ USD tại châu Phi; từ 1 tỉ USD lên 3,7 tỉ USD tại Mỹ Latinh; từ 1,5 tỉ USD lên 43,5 tỉ USD tại châu Á). Tuy nhiên, sự lớn mạnh và bành trướng những thương vụ đầu tư nước ngoài không tỉ lệ thuận với thái độ trân trọng của một số nước dành cho thương nhân Trung Quốc. Tháng 8/2009, loạt xích mích giữa người địa phương Algeria với giới đầu tư Trung Quốc đã biến thành bạo động (nhiều cửa hàng Trung Quốc bị đập phá và giới thương gia địa phương còn tung chiến dịch tẩy chay Trung Quốc).
Tại Papua New Guinea, tháng 5/2009, làn sóng bài Trung Quốc thậm chí nghiêm trọng hơn với sự tham gia của hàng ngàn người địa phương (một người quá khích thậm chí nói rằng, nếu có một nhóm được thành lập với mục đích tống khứ người Hoa khỏi lãnh thổ mình, anh ta sẽ là người đầu tiên nhập cuộc. Theo Time 7/12/2009). Năm 2006, khu phố Tàu tại Honiara (Solomon Islands) đã bị tấn công dữ dội. Trong cùng thời gian, loạt bạo động nhằm vào người Hoa cũng bùng nổ ở Lusaka (Zambia)...
Tại sao xảy ra những vụ đụng độ trên? Vấn đề ở chỗ giới đầu tư Trung Quốc luôn mang theo những binh đoàn lao động từ nước mình đến, đã bị cáo buộc làm rối loạn tình hình lao động địa phương khiến gây thất nghiệp; và nếu có sử dụng lao động địa phương, họ lại chèn ép tiền lương và bóc lột trắng trợn bất chấp luật lao động sở tại... Trong một số trường hợp, giới đầu tư Trung Quốc cũng bị lên án việc hối lộ giới chức chính phủ để được trúng thầu. Những cuộc đi đêm như thế thậm chí dẫn đến không ít vụ can thiệp bí mật mang tính khuynh loát giới chính trị sở tại cốt để được sở đắc quyền lợi kinh tế...
Vị trí hạng 2 thế giới về kinh tế của Trung Quốc qua biếm họa nhiều ý nghĩa trên một tờ báo chính thống nước này (China Daily).
Bất luận thế nào, Trung Quốc vẫn muốn chứng tỏ, bằng cách này hay cách kia, rằng họ có thể làm được tất cả, nhờ vào tư thế của vị trí siêu cường kinh tế (sức mạnh kinh tế ở thế giới toàn cầu ngày nay đồng nghĩa với sức mạnh chính trị). Và do vậy, từ thời điểm này, họ đã bắt đầu học (và hành) cách ứng xử như một siêu cường. Điều đó đã thể hiện ở tư duy bá chủ trong “Trung Quốc mộng”, trong những bài xã luận của giới báo chí Trung Quốc (chẳng hạn cây bút bình luận Lý Hồng Mai của tờ Nhân dân nhật báo, người mà mới đây, trong bài viết ngày 17/8, đã "khuyên" Việt Nam không nên "chơi với lửa" khi quốc tế hóa vấn đề biển Đông), trong những phát biểu này nọ tại các hội thảo hay trên những diễn đàn Internet... Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nội lực kinh tế Trung Quốc vẫn còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết khiến giấc mơ siêu cường thật sự vẫn còn nằm ở "giai đoạn" mộng mị hoang tưởng...
Trước mắt, những gì người ta đang thấy về sự phát triển mất cân đối của kinh tế Trung Quốc thật cũng chẳng khác mấy so với hình ảnh những em bé với cái đầu phình to quái dị do dùng sữa bột dỏm từng hoành hành nước này...
Nguồn:An Ninh Thế Giới
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá