Tolstoi và Dostoievski - vĩnh viễn không thấu cảm
Lời người dịch:
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Dostoievski ( 11/11/1821-11/11/2021) , đăng lại một bài viết thú vị về 2 người khổng lồ của văn học Nga: “Tolstoi và Dostoievski - vĩnh viễn không thấu cảm”(tên nguyên bản: “Tolstoi ou Dostoievski, Histoire d’un incompréhenion” , bài của Karen Haddad-Wotling, đăng trên tạp chí Le Magazine Littéraire, số chuyên đề về Tolstoi, tháng 11 năm 2010. Dương Thắng dịch. Tựa đề tiếng Việt do người dịch đặt)
Trong cuốn sách nổi tiếng “Tolstoi và Dostoievski” (1959), sau khi đã triển khai rất nhiều vấn đề, George Steiner đã đưa ra một công thức mang tính “ chốt hạ” để xác lập “quy tắc” của cuộc chơi : “ Việc lựa chọn giữa Tolstoi và Dostoievski đã dự báo trước về cái mà những nhà hiện sinh sau này gọi đó là sự dấn thân”. Việc đánh giá và so sánh hai người khổng lồ này của văn học Nga từ lâu đã trở thành một vấn đề mang tính biểu tượng kinh điển, nếu không muốn nói là hàng đầu của phê bình văn học. Hơn thế nữa, như Steiner đã chỉ ra, những người hâm mộ cả hai tiểu thuyết gia này sẽ phải nhanh chóng lựa chọn một thái độ ( dứt khoát) , bởi vì : “ Hãy cho tôi biết bạn tôn sùng Tolstoi hay Dostoievski, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai”.
Họ là hai nhà văn của cùng một thời đại. Dostoievski, nhiều hơn bảy tuổi và ra đi trước Tolstoi 30 năm, nhưng những tác phẩm lớn nhất của cả hai người đều ra đời trong cùng một thời kỳ- từ 1840 đến 1880- Thời kỳ mang tính quyết định trong quá trình “thay hình đổi dạng” của nước Nga và cũng được xem như là “kỷ nguyên vàng” của nền văn học Nga. Hai người đàn ông này chưa một lần trực tiếp giáp mặt nhau và bề ngoài dường như đối lập nhau về mọi phương diện. Họ không chỉ đại diện cho hai gương mặt hoàn toàn khác biệt của cùng một nước Nga, mà lối sống và những hoạt động nghệ thuật của họ cũng hoàn toàn trái ngược nhau.
1. Bất Bình Đẳng Xã Hội
Một bên là ngài bá tước, một điền chủ giầu có, sinh ra trong giới thượng lưu nhàn hạ, người đã dành cả đời để giải thoát khỏi những trói buộc của của cải vật chất, để cuối cùng trở thành người rao giảng cho một đức tin Cơ đốc giáo khổ hạnh và , khắc kỷ, không khoan nhượng, một người theo chủ nghĩa hòa bình và bất bạo động.
Bên kia là một chàng sinh viên nghèo, một kẻ đã từng bị kết án treo cổ, cả cuộc đời đã phải trả giá cho những cam kết bồng bột thời trẻ, những cam kết rành buộc với chủ nghĩa xã hội. Người mà sau khi ra khỏi nhà tù đã trở thành một kẻ bảo vệ nhiệt thành Chính thống giáo và là một kẻ “phản động”, căm ghét cách mạng, nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa quốc gia. Một người ( Tolstoi) thì đã chung sống hơn 40 năm và có tới 13 người con với cùng một người phụ nữ, nhưng rồi lại từ bỏ tất cả, chối bỏ hôn nhân, gia đình, những chung đụng xác thịt. “Bản Xô nát ở Kreutzer”, tác phẩm cuối cùng viết trước khi chết, trên hành trình chạy trốn khỏi gia đình và người thân, là cuốn tiểu thuyết mỏng nhất nhưng lại cay nghiệt nhất mà ông đã từng viết ra để phê phán phụ nữ. Người kia ( Dostoievski) đã trải qua những mối tình đầy bão tố, rồi sau đó đã trở thành một người cha đầy yêu thương của gia đình. Nỗi đau của những đứa con chính là bệ đỡ giúp ông xây dựng nên toàn bộ những tác phẩm của mình. Một người thích những lễ hội mùa màng, những buổi săn gấu, thích lao động chân tay và yêu mến những người nông dân. Người kia đắm mình trong màn sương mù của những đô thị hiện đại, thế giới của những kẻ say xỉn, tội phạm và các cô gái điếm.
Tuy vậy, hai người không lồ này không ngừng quan sát nhau, đo lường nhau, đánh giá nhau từ những khoảng cách xa. Khi còn sống, những uất ức về một sự bất bình đẳng xã hội luôn sục sôi tuôn trào trong những lời nhận xét của Dostoievski về Tolstoi, “ nhà văn đàn em” ít hơn ông 7 tuổi. Dostoievski không ngừng phàn nàn rằng Tolstoi luôn được trả công, được đãi ngộ cao hơn ông. Ông bị coi thường, bị rẻ rúm bởi vì ông là nhà văn phải sống bằng lao động, phải sống bằng ngòi bút của mình. Dostoievski cũng cho rằng, khi ngồi viết tiểu thuyết Tolstoi chưa bao giờ phải nếm trải những điều kiện sống bi đát như mình. Rất nhiều lần, bị các chủ nợ xiết cổ, ông đã phải bán “ lúa non” các tác phẩm của mình, thậm chí ngay cả khi chúng còn chưa được viết ra, chính vì thế ông luôn phải vội vã viết và hoàn thành tác phẩm nhanh nhất có thể, giá phải trả là những thành quả (tác phẩm) luôn làm ông không cảm thấy hài lòng, luôn cảm thấy hối tiếc. Trong khi đó Tolstoi viết rất chậm rãi khoan thai, đôi khi ngừng hẳn công việc viết lách để chăm lo cho ngôi trường mà ông đã dựng nên hay tập trung vào việc quản lý tài sản của mình. Thế nhưng Tolstoi vẫn luôn luôn được các nhà xuất bản săn đón và công chúng nồng nhiệt chào đón mỗi khi ra mắt tác phẩm. Lịch sử thật trớ trêu,Dostoievski đã ra đi quá sớm để có thể tận mắt chứng kiến đoạn cuối trong hành trình cuộc đời của Tolstoi, chứng kiến những chuyển biến nội tâm ngày càng triệt để của nhà văn vĩ đại này: Khước từ tiền bạc và tài sản, khước từ gia đình và người thân, rời khỏi nhà như một kẻ nghèo khó , vất vưởng và chết tại một nhà ga heo hút trên đất nước Nga mênh mông.
Sự oán hận của Dostoievski chắc chắn đã làm cho những lời kết án, những lời chỉ trích gay gắt của ông trở nên thiên lệch và bất công. Khi cuốn Anna Karenina ra mắt (1875) ông nói : “...Vẫn là những biên niên sử của một gia đình quý tộc”, trong con mắt của Dostoievski , Tolstoi chẳng viết thêm được cái gì mới kể từ cuốn “Chiến tranh và Hòa bình”. Nhận xét này của Dostoievski hiển nhiên là sai lệch bởi cuốn tiểu thuyết này đã đề cập đến một chủ đề gay góc, nóng bỏng : sự chung sống trong một xã hội Nga đang trải qua một thời kỳ đầy biến động, trong hôn nhân, trong gia đình, nhưng mối quan hệ khó khăn giữa những người nông dân và những lãnh chúa, những nhà quý tộc. Cùng thời gian đó, Dostoievski đang viết cuốn “Đầu xanh tuổi trẻ” (Adolescent), cũng giống như cuốn “Anh em nhà Karamazov” được xuất bản sau này, cuốn sách đề cập đến sự tồn tại của một kiểu gia đình mới, những “gia đình tình cờ”, một điềm báo trước sự tan rã của xã hội Nga. Đối với Dostoievski, Tolstoi chỉ đơn thuần là một nhà sử học chứ không phải là một tiểu thuyết gia, những xã hội mà ông mô tả trong các tác phẩm của mình đã không còn tồn tại. Tuy nhiên Dostoievski cũng thừa nhận rằng Anna Kareninalà “xmột vết bỏng nhức nhối của thời đại” , nhưng phát biểu này, thật ra cũng chỉ là cách bày tỏ sự phản đối dữ dội của Dostoievski với những quan điểm chính trị mà Tolstoi trình bày trong tác phẩm , đặc biệt là với chủ nghĩa chống quân phiệt ngày càng tăng ở Tolstoi.
Về phía Tolstoi, người ta cũng nhận thấy không ít những suy nghĩ tiêu cực của ông đối với Dostoievski. Khi Dostoievski qua đời vào năm 1881, lần đầu tiên Tolstoi công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình: “khi ông mất, tôi đã nhận ra rằng tôi cần đến ông xiết bao, rằng ông rất gần gũi và cũng rất quý giá đối với tôi”. Tolstoi cũng khẳng định rằng ông không bao giờ coi Dostoievski như là một đối thủ, “Tôi không bao giờ có ý định so sánh mình với ông ấy- không bao giờ”. Nhưng ngay sau đó Tolstoi lại ném ra những phán xét đầy cay nghiệt : “Người ta đã tôn sùng như một nhà tiên tri, đã phong thánh cho một kẻ đã gục ngã trong giai đoạn gay cấn nhất của cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác. Những cuốn sách này có thể gây xúc động, có thể rất hấp dẫn...nhưng người ta không thể đặt lên bệ để thờ, lấy ra làm tấm gương cho hậu thế một kẻ hiếu chiến, chỉ thích gây hấn”. Mối ác cảm này , theo thời gian càng ngày chỉ càng tăng thêm. Nếu như cuốn “Anh em nhà Karamazov” cũng như tập tiểu luận của Montaigne là những cuốn sách cuối cùng còn ở lại bên cạnh Tolstoi vào giây phú ông lìa đời trong căn nhà nhỏ của ông trưởng ga Astapovo thì những tuyên bố cuối cùng của Tolstoi (ngay trước khi chết) về Dostoievski vẫn không hề dịu bớt đi những sắc thái gay gắt: “ Tôi không thể vượt quá được mối ác cảm với những thứ phản-văn-học này, khối mâu thuẫn này, cách xử lý rất giả tạo với những chủ đề quan trọng, thậm chí là nghiêm trọng hàng đầu này”. Những gì mà Tolstoi đánh giá cao ở Dostoievski , đó là những tác phẩm hồi trẻ của ông , những tác phẩm mà nội dung xã hội của chúng đã gây những ấn tượng rất mạnh mẽ như “Ghi chép từ Ngôi nhà chết” (1862) hay “Những kẻ tủi nhục” (1961).
Liệu có tồn tại một cuộc đối thoại trí tuệ, công khai hoặc ngấm ngầm, giữa hai người khổng lồ này của nền văn học Nga?
Bề ngoài thì những tác phẩm của họ không có vẻ gì là một sự phản hồi, một sự đáp lại những thách thức, một câu trả lời trực tiếp cho những vấn đề đặt ra trong những tác phẩm của người kia. Tuy nhiên khi lùi ra xa, nhìn mọi thứ trong toàn cảnh của nó thì các tác phẩm và hành trình của cả hai người, dường như là để trả lời cho những câu hỏi giống nhau: văn học và cuộc sống, đức tin và hành động chính trị. Tolstoi, ngay từ năm 1859 đã mở trường học cho nông dân của điền trang Iasnaia Poliana, ông cũng dành nhiều tâm trí để nghĩ về giáo dục, càng ngày ông càng nghiêng về thái độ phủ nhận vai trò của văn học và nghệ thuật nói chung bởi ông cho rằng chúng hoàn toàn vô ích đối với nhân dân ( những dự cảm trước về những lý thuyết văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa xuất hiện về sau này ?). Trong tác phẩm “ Lời thú tội” rất nổi tiếng của mình, Tolstoi đã đi đến chỗ lên án chính những hoạt động văn học của mình: “ Tôi nhận ra rằng, những việc tôi đã làm không có gì là cao quý và cũng chẳng khác biệt gì mấy với những cô gái chân trần nhảy múa, quấn lấy nhau trong một vở ba lê nào đó”. Về cuối đời Tolstoi chỉ viết những câu chuyện cổ tích hay thần thoại cho thiếu nhi, nhưng bản năng một nhà văn lớn đã ép buộc (hay thôi thúc?) ông ngồi viết ra một cuốn “ tiểu thuyết vĩ đại” cuối cùng, đó là cuốn “ Phục Sinh” (1899), một cuốn tiểu thuyết mang tính giáo huấn nhưng không hề kém phần lãng mạn. Một số người thì xem rằng tác phẩm này như là một lời đáp trả cuốn “ Ghi chép từ Ngôi nhà chết” của Dostoievski.
Hoàn toàn trái ngược với Tolstoi, Dostoievski là người bảo vệ nhiệt thành cho vai trò của văn học. Bằng hư cấu, đặc biệt là trong tiểu thuyết, tất cả mọi quan điểm có cơ may được cọ sát, đối đầu nhau. Ở đó mọi câu hỏi bức thiết, mọi vấn đề nóng bỏng của xã hội đều có thể đề cập đến. Tất cả mọi người, đặc biệt là giới trí thức sẽ luôn cần đến văn học trong toàn bộ những chiều kích phức tạp của nó.
2/ Đồng Phục Xe Cút Kít
Chắc chắn rằng cuộc đối đầu giữa Dostoievski và Tolstoi, hai người khổng lồ của nước Nga sẽ dữ dội và khốc liệt nhất là ở trên bình diện ý thức hệ (nó sẽ còn kéo dài và mức độ gay gắt sẽ ngày một tăng cao hơn nữa nếu như Dostoievki đã không ra đi quá sớm đến thế). Cái gọi là chủ nghĩa Tolstoi, đó là việc hòa trộn giữa khuynh hướng quay về với cội nguồn của đức tin, của Mặc khải với chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa Tolstoi muốn phá vỡ hệ thống tôn giáo chính thống đang tồn tại , phá vỡ mọi thang bậc. Tất cả những điều đó đã gây phẫn nộ cho Dostoievski, người mà cho đến tận cuối đời, vẫn không ngừng bảo vệ cho Chính Thống Giáo Nga, coi đó là bản sắc, thậm chí là sự cứu rỗi của nước Nga. Hơn thế nữa , sau khi từ chốn ngục tù trở về, Dostoievski bằng những lời chỉ trích quyết liệt, đã quất những ngọn roi tàn nhẫn vào những điều mà ông gọi là “ không tưởng cách mạng” , về những tín điều độc ác nhân danh chủ nghĩa xã hội, nhân danh tự do. Trong tác phẩm “ Lũ người quỷ ám” , ông lên án những thành viên cách mạng theo trào lưu “ hư vô chủ nghĩa”. Những luận điểm này khiến Dostoievski bị ghẻ lạnh và bị tẩy chay suốt một thời gian dài dưới chế độ Xô Viết.
Về phần mình, Tolstoi đã nhiệt thành ủng hộ cuộc cách mạng Nga 1905, chính điều này khiến ông đã được suy tôn ( bằng một sự ngộ nhận và cách hiểu sai lạc hay một biện pháp tuyên truyền? ) là “ tấm gương phản chiếu của cuộc cách mạng Nga” ( Lê Nin)
Dostoievski cho đến tận lúc chết, cũng chỉ biết đến một nhà văn qúy tộc Tolstoi, một nhà văn địa chủ đầy mâu thuẫn, một nhà văn được tôn sùng và ngưỡng mộ của đông đảo người dân Nga. Dostoievski chưa hề được chứng kiến một nhà văn xã hội chủ nghĩa Tolstoi. Nhưng trong bài báo bàn về tác phẩm Anna Kerenina, khi đề cập đến những người đang day dứt với những đặc quyền mà mình được hưởng, những người đang trong hành trình “ về với nhân dân”, bằng cách diễn đạt “ thời thượng” lúc đó , Dostoievski đã khuyến nghị : “ Nếu bạn cản thấy thật kinh khủng khi chỉ sống để “ ăn, uống, đi săn mà không phải làm gì cả”, nếu thực sự bạn cảm thấy xót xa cho những người nghèo khổ, một tầng lớp dân cư đông đảo, vậy thì hãy trao cho họ tài sản của bạn, hy sinh bản thân vì lợi ích chung, xắn tay áo lên lao động, đổ mồ hôi vì lợi ích chung” . Nhưng ngay lập tức tác giả của “ Anh em nhà Karamazov” đã dội tiếp luôn một xô nước lạnh “nhưng cũng đừng bắt chước những kẻ mơ mộng viển vông, những người ngay lập tức túm lấy một chiếc xe cút kít và hô to : “ tôi không phải là lãnh chúa, tôi muốn làm việc như một muzhik”. Xe cút kit ở đây thật ra cũng chỉ là một đồng phục, một thứ đồng phục tệ hại”.
Dostoievski đã không có cơ hội để biết rằng, 25 năm sau đó, người mơ ước trở thành một muzhik đã túm lấy một chiếc xe cút kít và từ bỏ gia đình, điền trang, tài sản để đón nhận cái chết trong cô độc tại một nhà ga Astapovo xa xôi nào đó, nhưng cho đến lúc chết , ông vẫn cứ là “ bá tước Lev Tolstoi”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)