Một món quà của văn hào Lev Tolstoi

04:20 CH @ Thứ Bảy - 01 Tháng Ba, 2014

"Tôi đã nhận được rất nhiều món quà trong chuyến đến thăm ngôi nhà của ông. Những món quà hữu hình và vô hình. Nhưng món quà vô giá mà ông kín đáo gửi cho một số người trong đó có tôi. Đó là khi biết được cuộc sống giản dị và sự sáng tạo khổng lồ của ông, chúng ta bỗng thấy xấu hổ khi nhìn lại bản thân mình".

LTS:Trong chuyến ngao du bảy ngày ở nước Nga, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tới thăm điền trang của nhà văn vĩ đại Lev Tolstoi. Xúc động trước cuộc sống bình dị của một nhân cách lớn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết thế này: "Tất cả những gì có trong khu điền trang của Lev Tolstoi cũng trở nên thiêng liêng. Bởi tất cả những thứ đó đã chứng kiến cuộc sống của một con người vĩ đại. Những con đường chứng kiến bước đi của ông. Những cánh rừng chứng kiến sự cô đơn của ông. Những giá nến chứng kiến khi ông ngồi viết. Những căn phòng chứng kiến những đêm mất ngủ của ông. Chiếc gối chứng kiến những giấc mơ của ông. Ông đã viết những tác phẩm vĩ đại trong ngôi nhà này sau những giờ phút làm việc như những người nô bộc của mình.Món quà vô giá mà ông kín đáo gửi cho một số người trong đó có tôi. Đó là khi biết được cuộc sống giản dị và sự sáng tạo khổng lồ của ông, chúng ta bỗng thấy xấu hổ khi nhìn lại bản thân mình".

Người nông dân trong điền trang. Ảnh Nguyễn Quang Thiều.

Chúng tôi rời khách sạn rất sớm để lên đường đến thăm nơi sống và làm việc của tác giả Chiến tranh và Hòa bình: nhà văn Lev Tolstoi, một trong những người khổng lồ của nước Nga. Sau chuyến thăm nhà ông, một nhà thơ nói với tôi rằng: Nếu nước Nga có những bước đi chậm trễ so với thế giới thì cũng không khó hiểu. Bởi dân tộc này phải được nghỉ ngơi một thời gian dài sau khi sinh ra Lev Tolstoi (trong khi đó nước Nga đã sinh ra không ít những người khổng lồ). Bởi để sinh ra một người khổng lồ cho nhân loại thì một dân tộc phải lao động một cách nặng nhọc và hết mình và phải có một thời gian chuẩn bị rất lâu và vô cùng kỹ lưỡng.

Câu nói này làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Và tôi hiểu rằng có những dân tộc đã quá lâu không sinh ra được những người khổng lồ là hợp lý. Bởi mỗi người của dân tộc đó đã không hề có ý thức để sinh ra những người khổng lồ cho dân tộc mình.

Khoảng một nửa thế kỷ trước, nhà thơ Chế Lan Viên có viết: Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà con đổ bóng xuống tâm hồn. Và đến bây giờ, câu thơ ấy có lẽ lại càng đúng . Chúng ta vẫn không làm sao thoát khỏi những "giấc mơ con" như thế. Vì vậy, nhiều khát vọng của chúng ta về bản thân mình hoặc về dân tộc mình trở nên vô lý và đầy ảo tưởng.

Chỉ một chặng đường xe chạy chừng bốn tiếng đồng hồ đã làm tôi ngập trong cảm giác về một nước Nga rộng lớn đến vô tận. Xe như chạy trong ý nghĩ không thể thoát ra khỏi những cánh rừng và những thảo nguyên còn mờ sương buổi sớm không bóng người. Vì sự rộng lớn của nước Nga và cũng vì sự chật hẹp của mảnh đất chữ S chúng ta mà tôi mang cảm giác đó. Từ thủ đô Hà Nội, đi mãi và đi mãi đến các tỉnh khác vẫn thấy ngạt thở vì chật chội và ngột ngạt bởi sự bừa bộn không có quy hoạch. Nếu cứ để người dân xây dựng ngẫu hứng và tùy tiện như bây giờ thì chúng ta không bao giờ có được dù chỉ là một con phố đẹp. Thêm vào đó, chúng ta cứ từng ngày xâm lấn thêm những hồ nước, giết chết thêm những cánh rừng và đầu độc các dòng sông.

Nhưng có một cảm giác về nước Nga mà tôi chưa rũ bỏ được. Đó là cảm giác về một đất nước yên ắng và cô đơn với một nhịp điệu đời sống khá chậm. Nó khác hẳn với nghịp điệu đời sống của nước Mỹ. Có người ví nước Mỹ hiếu động và năng nổ như một chàng trai, còn nước Nga dè dặt như một người đã có tuổi. Có người lại nói: tương lai đang hiện diện ở nước Mỹ còn quá khứ đang trú ngụ ở nước Nga.

Một buổi chiều chúng tôi đến phố Arabat. Một con phố mà trước đó ai cũng hình dung thật đông đúc và sống động. Nhưng đó là một con phố khá buồn tẻ. Những con phố như vậy ở Mỹ hay ở một nước châu Á như Hàn Quốc thì hoàn toàn ngược lại.

Dù thế nào thì những con phố cũng cho thấy hơi thở và nhịp điệu sống của thành phố đó. Khi tôi nói ra điều này, một người cùng đoàn với tôi nhận xét: sự đứng dậy của người khổng lồ bao giờ cũng chậm hơn người bình thường, nhưng khi người khổng lồ bước đi đúng nhịp của mình thì mọi chuyện hoàn toàn khác.

Tôi đồng ý với nhận xét này. Và tôi tin dân tộc Nga đã có những bước đi đầu tiên đúng nhịp về tương lai của mình.

Lối vào điền trang của nhà văn Lev Tolstoi. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều.

Khu điền trang của nhà văn Lev Tolstoi hiện ra với màu vàng rực rỡ của những cây sồi và cây phong. Chúng tôi kêu lên trước khung cảnh huy hoàng đó. Hầu hết mọi người trong đoàn lần đầu tiên được chứng kiến mùa thu vàng của nước Nga. Những phụ nữ bỗng đánh mất tuổi tác của mình. Họ bắt đầu làm duyên như những cô gái chớm tuổi dậy thì để chụp ảnh. Họ chạy đi nhặt những chiếc lá vàng rụng thành một lớp thảm trên mặt đất. Họ nghiêng đầu, đánh mắt. Họ đội những chiếc vương miện bằng lá phong rực rỡ. Họ như những nàng công chúa ngủ quên trong rừng chợt thức dậy. Thiên nhiên vĩ đại và lộng lẫy như làm cho giới tính của họ chợt hoàn thiện.

Tôi vừa nghe một tin xấu: Đà Lạt đang bê tông hóa thiên nhiên của mình. Nếu đúng thì đây là một tin rất xấu cho dù không hề bất ngờ. Bởi chúng ta từng chứng kiến sự tham lam và ngốc nghếch của mình. Chúng ta vẫn chưa mở được con mắt thật để nhìn đời sống này. Chúng ta mới chỉ biết nhìn vào cái ghế ngồi, cái bát ăn và cái giường ngủ của mình. Đây là một cái nhìn tội nghiệp và tội lỗi.

Cái nhìn này đã trở thành hội chứng của cả xã hội ở trong mọi lĩnh vực. Cái nhìn đó cho thấy độ nông cạn của tâm hồn và trí tuệ chúng ta. Nước Nga tuy có những sai lầm và những trì trệ, nhưng họ luôn luôn giữ được những nguyên lý cơ bản trong quan hệ giữa con người và vũ trụ.

Tôi tách khỏi những nhóm người du lịch và lang thang một mình. Tôi muốn hình dung trong tĩnh lặng trong khu rừng ngập tràn sắc vàng về những năm tháng Tolstoi sống ở đây. Một nhà báo đi cùng tôi khi vừa đến đây đã kêu lên: Đến đây mới biết Levitan đã thất bại. Tất nhiên đó chỉ là một cách nói. Nhưng nó cho thấy sự sáng tạo dù kỳ diệu đến đâu cũng không bao giờ vượt qua được đời sống.

Tôi đã quan niệm từ lâu rằng: sáng tạo của nghệ sỹ không phải sáng tạo ra một vẻ đẹp mới, một thế giới mới mà chỉ là sự phục hồi ký ức về những vẻ đẹp và một thế giới đã từng hiển hiện giờ đã và đang mất đi mà thôi. Đời sống này chứa đựng tất cả những gì có trong trí tưởng tượng của chúng ta nhưng đã bị chúng ta giết chết.

Ngôi nhà của nhà quí tộc Lev Tolstoi thực sự không lớn như suy nghĩ của nhiều người về ngôi nhà của một quí tộc và của một nhà văn vĩ đại. Chúng tôi đi qua những căn phòng trong ngôi nhà. Tất cả đều nhỏ nhắn và giản dị lạ thường.

Tôi dừng lại rất lâu ở phòng khách mà Tolstoi thường tiếp bạn bè. Tại căn phòng nhỏ bé nhưng ấm áp đó, những người con ưu tú của nước Nga đã nói về dân tộc họ, về nghệ thuật và sự sáng tạo. Còn hầu hết chúng ta lao đến các quán bia hơi và ngồi lì hàng giờ đồng hồ ở đó với đủ chuyện tầm phào. Chúng ta quá ít chuẩn bị cho mình những gì để sáng tạo. Bởi thế, chúng ta vẫn chưa thể nào đến được những gì chúng ta mong muốn. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian săn tìm sự lộ diện của người khác và giấu tên trên các trang web để xỉ vả lẫn nhau như để thỏa mãn thói ích kỷ của mình. Chúng ta đe nẹt và bắt bẻ nhau bằng những lý do đôi lúc ngớ ngẩn. Chúng ta giống những cái cây đã thoái hóa trở nên cằn cỗi và tội nghiệp.

Người hướng dẫn nói với chúng tôi về đời sống giản dị của Lev Tolstoi. Ông đã sống cùng những người nô bộc trong khu điền trang rộng lớn này. Bên cạnh ngôi nhà của ông là khu nhà của những người nô bộc. Cho đến bây giờ, sau một thế kỷ ông mất, vẫn có cháu chắt của những người nô bộc sống và lao động trong khu điền trang. Mảnh đất này đã trở thành đất thiêng của họ.

Nấm mộ cỏ khiêm nhường của văn hào Lev Tolstoi. Ảnh: Phong Doanh

Rất nhiều người đã lặng người trước nấm mộ của Lev Tolstoi. Một nấm cỏ khiêm nhường trước một thiên nhiên hùng vĩ. Phía bên kia trong một ranh giới ước lệ là những lâu đài, những cung điện, những lăng mộ của các vua chúa, còn phía bên này là của những người như Lev Tolstoi. Ngày ngày, du khách vẫn đến cả hai nơi. Họ đến phía bên kia để nhắm nhìn những công trình kiến trúc. Còn họ đến nơi này để cúi đầu trước linh hồn của những con người vĩ đại.

Sự thật là như thế. Nhân loại sớm hay muộn cũng sẽ gọi đúng tên lịch sử và nhân vật của mình cho dù có những lúc những cái tên đó bị đánh tráo.

Như một sự tự nhiên, tôi lại nhớ đến những nghĩa địa bây giờ ở Việt Nam. Những nghĩa địa diêm dúa với những ngôi mộ được ốp bóng loáng bởi các loại gạch men hoặc đá xẻ. Chỉ nhìn những ngôi mộ diêm dúa và trọc phú đó, chúng ta đã hiểu được độ nông sâu trong tâm hồn của những kẻ đang sống. Lỗi không phải của những người đã khuất. Lỗi của những kẻ đang sống.

Ở một tỉnh phía Bắc, có một kẻ giàu có đã xây sẵn khu lăng mộ cho mình giống một khu giải trí mà báo chí đã từng nói đến đã làm không ít người suýt xoa thán phục. Kẻ đó đang sống mà đã chết lâu rồi. Khi tôi xây mộ cho ông nội tôi thì có những người xì xào chê tôi tiếc tiền. Còn cha tôi khi còn sống nhìn thấy mộ ông nội tôi đã nói: Con đã hiểu được một phần ông nội con.

Tất cả những gì có trong khu điền trang của Lev Tolstoi cũng trở nên thiêng liêng. Bởi tất cả những thứ đó đã chứng kiến cuộc sống của một con người vĩ đại. Những con đường chứng kiến bước đi của ông. Những cánh rừng chứng kiến sự cô đơn của ông. Những giá nến chứng kiến khi ông ngồi viết. Những căn phòng chứng kiến những đêm mất ngủ của ông. Chiếc gối chứng kiến những giấc mơ của ông. Ông đã viết những tác phẩm vĩ đại trong ngôi nhà này sau những giờ phút làm việc như những người nô bộc của mình.

Và một đêm giá lạnh của năm 1910, ông đã lặng lẽ rời bỏ ngôi nhà ấy, cánh rừng ấy ra đi. Đấy là lần cuối cùng những cái cây nhìn thấy ông. Ông đã mất sau đó một tuần bởi bệnh viêm phổi. Người ta đã thực hiện nguyện ước của ông được yên nghỉ vĩnh hằng trong cánh rừng rực rỡ mỗi khi mùa thu tới và tĩnh lặng huy hoàng khi tuyết phủ. Những lá cỏ như những bàn tay trẻ con nhỏ bé xòe trên ngực ông.

Con mèo trong khu điền trang. Ảnh: Nguyễn Quang Thiều.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn muốn biết sự thật về chuyến đi đó. Vì sao ông bỏ ngôi nhà ấy ra khi đã già và sức khỏe đã rất yếu. Ông đã lặng lẽ rời bỏ ngôi nhà ra đi trong đêm để không muốn ai nhìn thấy chuyến đi ấy của ông và đừng ai ngăn cản ông.

Ông là một người khổng lồ và vì thế nỗi tuyệt vọng của ông về một điều gì đó trong cuộc sống cũng là nỗi tuyệt vọng khổng lồ. Những người Nga nói chính họ cũng không biết được vì sao ông lại rời bỏ một nơi ông gắn bó đến nhường ấy ra đi. Có rất nhiều lý giải. Nhưng với tôi, chuyến đi ấy của ông là chuyến đi của sự tuyệt vọng. Có thể lúc đó ông đã nhận ra rằng ông đã không đủ sức cải biến được thế gian hoặc cải biến được một con người nào đó và thậm chí đó là chính cá nhân mình.

Nhưng cho dù chúng ta không hiểu được lý do của chuyến đi bí ẩn và lặng lẽ ấy của ông thì nó cũng làm cho chúng ta cúi đầu suy ngẫm dù chỉ là trong một giây khắc sau bất tận những ngày chúng ta đã sống quá ồn ã và tội nghiệp.

Tôi đã nhận được rất nhiều món quà trong chuyến đến thăm ngôi nhà của ông. Những món quà hữu hình và vô hình. Nhưng món quà vô giá mà ông kín đáo gửi cho một số người trong đó có tôi, đó là khi biết được cuộc sống giản dị và sự sáng tạo khổng lồ của ông, chúng ta bỗng thấy xấu hổ khi nhìn lại bản thân mình.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nước Nga tuyệt đẹp của Levitan

    06/11/2019Trịnh ChuThế kỷ XIX được mệnh danh là thế kỷ của những người khổng lồ. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, từ tự nhiên đến xã hội đều xuất hiện những thiên tài kiệt xuất. Nền hội họa Nga tự hào với Levitan (30/8/1860 - 4/8/1900).
  • Lev Tolstoi nói về đức tin

    23/11/2017Tôi tất yếu bị dẫn đến chỗ phải thừa nhận một loại kiến thức khác, một loại phi thuần lý, mà tất cả nhân loại đều có: đức tin, là cái cung cấp cho chúng ta khả tính (possibility) của sự sống...
  • Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay

    29/12/2014Phạm Vĩnh CưMột trăm năm về trước, khi nhà văn Nga Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910) qua đời trong niềm thương tiếc của nhiều triệu con người trên khắp mọi châu lục, công luận thế giới, đánh giá sự nghiệp của ông, chúng khẩu đồng từ đặt tên tuổi ông lên cạnh không chỉ Homère, Shakespeare, Goethe mà còn Phật Đà, Kitô, Lüther. Một trong những nghệ sĩ ngôn từ lớn nhất của loài người và đồng thời một nhà cải cách tôn giáo đã sáng lập một học thuyết tôn giáo mới cũng dành cho toàn thể loài người, không phân biệt dân tộc, quốc gia, đẳng cấp xã hội như đạo Phật và đạo Kitô...
  • Tolstoi bàn về hạnh phúc

    16/02/2013Chu HảoCó thể nói Lev Tolstoi đã đi trước thời đại hàng thế kỷ. Tư tưởng vì hòa bình, bất bạo động; tư tưởng vì nhân dân, tất cả cho hạnh phúc của conngười... của ông được thể hiện trong các tác phẩm văn học kỳ vĩ và các nghị luận uyên thâm, mãi mãi là nguồn sáng cho đường sống của nhân loại. Một trong những triết lý sâu sắc và thấm đượm tính nhân văn nhất của ông là triết lý về Hạnh phúc...
  • Bản sonata Kreutzer

    04/03/2012Nguyễn Quang DiệuBản sonata Kreutzer - một tác phẩm gây xôn xao dư luận từ khi còn là bản thảo, đưa ra những vấn đề chưa bao giờ được nói đến công khai thông qua nghệ thuật mô tả, phân tích tâm lý con người của ngòi bút bậc thầy Lev Tolstoy. Sách vừa được Phương Nam Book tái bản 07/2011 trong dự án Tủ sách tinh hoa văn học với sự chủ trì của Dịch giả - Nhà Nghiên cứu Nhật Chiêu. Sau đây là một vài tóm tắt của người đọc...
  • Gửi các nhà hoạt động chính trị

    15/01/2011Lev Tolstoi (1903)Trong lời kêu gọi nhân dân lao động của mình tôi đã phát biểu ý tưởng về việc những người lao động muốn thoát khỏi áp bức thì cần phải chấm dứt sống như họ đang sống, tức là đấu tranh với đồng loại vì lợi ích cá nhân của mình, mà phải sống theo nguyên tắc của kinh Phúc Âm – “đối xử với người như ta muốn người đối xử với ta”...
  • L.N.Tonxtôi với câu hỏi: “Đời tôi là gì ?”

    26/11/2005Thanh ThảoMỗi nhà văn đích thực đều là mỗi nhà không tưởng ở những mức độ khác nhau. Tônxtôi là nhà văn vĩ đại, đồng thời là nhà không tưởng vĩ đại. Sự vĩ đại bắt đầu ở chỗ tất cả những tư tưởng những dằn vặt những đau đớn khắc khoải của ông đều bắt nguồn từ một câu hỏi nó bật ra tự thâm tâm ông khi đã trải đời và...
  • xem toàn bộ