Tôi “sợ” Trung quốc

01:24 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Bảy, 2011
Không phủ nhận nền văn minh Trung hoa cũng là một trong ba nền văn minh sớm nhất của nhân loại, xuất hiện cách đây chừng 3000 năm. Người Trung hoa đã sáng chế ra nhiều những phát minh cống hiến cho con người: họ biết đến hệ số thập phân; phân số, quan hệ của 3 cạnh trong một tam giác vuông…Họ vẽ được bản đồ của 800 vì sao; làm ra lịch can-chi; sáng tạo ra súng, la bàn, nghề in…Và tuyệt vời là châm cứu và đông y mà ngày nay người Việt vẫn rất ưa thích dùng chữa bệnh… Nhân loại chưa bao giờ quên điều đó.

Nhưng chưa bao giờ đất nước này tạo cho tôi một cảm hứng, xúc động hay gì gì đó lay động tâm hồn, tình cảm của tôi? Không phải đến lúc này khi họ giở trò tiểu nhân trên biển Đông. Tôi cũng đã đến Trung quốc 3 lần trước đây, nhưng chả lần nào đi về mà thấy lưu luyến, kể cả chuyến hành hương viếng thăm mấy ngôi chùa cổ? Sao vậy nhỉ? Tất cả những gì tôi sắp liệt kê dưới đây hoàn toàn cá nhân nên đừng ai cố thuyết phục tôi là đúng hay sai. Tình cảm, suy nghĩ tự nhiên, không vụ lợi, vậy thôi.

Tôi không thích và rất ít xem phim lịch sử Trung quốc. Tôi không học lịch sử bằng cách đó. Vì sao? Cứ xem thì thấy đất nước được TQ được mở rộng và viết nên trang sử của dân tộc mình từ những cuộc nội chiến tương tàn, xâm chiếm, tự mãn, tàn ác với kẻ yếu, hèn nhát với kẻ mạnh. Tôi không muốn chứng kiến cái vẻ tự mãn của các nhân vật lịch sử luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ và được phép tàn sát các dân tộc khác tràn ngập trên màn ảnh. Người Trung Quốc cổ đại gọi các tộc lạc hậu ở phía nam là Man, ở phía đông là Di, ở phía tây là Nhung và ở phía bắc là Địch. Còn họ là quốc gia văn minh ở giữa nên được gọi là Trung Hoa hay Trung Quốc. Họ tát bôm bốp vào mặt mình để chứng tỏ sự trung thành, nhưng sẵn sàng trở mặt khi người ta vừa quay lưng. Cái đó đầy trên phim ảnh, tôi chả nói điêu. Còn nữa, trên phim đầy rẫy những thủ đoạn tàn độc nơi triều chính, cách con người trả thù nhau mà nhiều người ngộ nhận là những bài học về cách đối nhân xử thế nơi chính trường hay trong cuộc sống. Những loại phim đó không bao giờ mang lại mĩ cảm cho khán giả mà chỉ giúp họ thêm lọc lõi, thủ đoạn đối phó ở ngoài đời.

Những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của TQ thời cổ đại như Tam quốc chí, Thủy hử đều viết về các cuộc chiến tranh giành quyền lực với vô vàn thủ đoạn và dậy con người nuôi chí báo thù theo kiểu “oán phải trả” và “quân tử trả thù mười năm chưa muộn”…Tiếc là lại làm say mê bao người đọc ở Việt nam. Tính gây hấn và mưu mô nhiều không sao kể xiết ngấm vào tâm hồn người đọc lúc nào không hay. Tôi không khuyến khích các cháu tôi đọc những thứ này khi còn bé.



Vào năm 211 TCN được coi là mốc TQ bắt đầu thống nhất, trở thành một đế chế rộng lớn do công của Tần Thủy Hoàng. Bắt đầu thời điểm này nền văn minh TQ được xác lập với ý thức hệ tư tưởng dựa trên Khổng giáo. Nhà Tần tận dụng học thuyết của Pháp gia (là một nhánh của Nho gia) để đặt trọng tâm vào sự tôn trọng tuyệt đối hệ thống pháp luật và quyền lực tuyệt đối của hoàng đế. Nhà Tần dùng những biện pháp tàn bạo để dẹp yên chống đối, thậm chí gồm cả việc đốt sách, chôn nho. Kết quả thật bạo tàn, nhưng những sáng tạo của phái Pháp gia nhà Tần đã được các triều đình Trung Hoa sau đó áp dụng. Cùng thời điểm này ở Ấn độ có vua Ashoka. Sau thời gian chinh chiến 9 năm, đã nhận ra sự vô nghĩa, tàn ác làm máu đổ quá nhiều nên quay đầu sám hối, lãnh đạo nước Ma kiệt đà bằng giáo lí từ bi của Đức Phật. Ông đã làm rạng danh trang sử cổ đại của Ấn độ. Dân chủ không bao giờ là vấn đề đối với người Trung Quốc như nó đã từng có ở các nền văn minh khác vào khoảng năm 200 TCN, đến giờ càng không…Đối với Hán Cao Tổ (Lưu Bang), triều đình tốt là triều đình có thể duy trì sự phục tùng đầy đủ của quan lại và dân chúng. “Cậy” có nguồn gốc nông dân, Lưu Bang tỏ thái độ khinh thị trí thức bằng cách đái vào trong mũ của một trí thức trong triều. Kinh chưa?

Năm 108 TCN vì muốn kiểm soát vùng đông bắc, Hán Vũ Đế chinh phục cả phía bắc lẫn phía nam. Về phía nam, theo quân đội là những người di cư Trung Quốc. Sau những trận chiến lớn, đội quân của Vũ Đế chinh phục phía bắc Việt nam, một vùng mà người Trung Quốc gọi là Annam hay “miền nam yên ổn”. Dân Trung Quốc kéo đến đây, một số đóng đô ở gần vùng núi miền trung Việt Nam. Chính người Việt Nam dạy người Trung Quốc dùng trâu, dùng cày kim loại và các công cụ khác(*), cách trồng lúa nước. Trung Quốc đã xoá bỏ chữ viết người Việt, mang đến chữ viết của mình(*). Tuy nhiên về tiếng nói, người Trung Quốc không thể đồng hóa được người Việt Nam. Và cứ thế rất nhiều thế kỉ sau, giữa VN và TQ đã xảy ra những cuộc thư hùng và lần nào VN cũng chiến thắng. Nhiều lắm, chả kể hết được đâu…Đến giờ vẫn chưa thôi tham vọng đó.

Tôi vẫn không thuyết phục mình được rằng TQ có các nhà triết học và nền triết học, kể cả Khổng Tử lừng danh mà TQ tự hào. Họ chỉ có các nhà tư tưởng chính trị, đạo đức. Khó có thể coi thuyết Âm-dương, Ngũ hành, Bát quái lại là triết học. Chỉ để bói toán là hợp nhất. Còn lấy đó để giải thích sự biến động của xã hội, lịch sử thì thấy mịt mờ tăng tít, dễ đưa vào mê trận chẳng biết lối ra, dễ tẩu hỏa, tư biện, giảo ngôn…Vậy mà trước đó, xa hơn cả nền văn minh Hoàng hà, trước cả thời Đức Phật đến hàng ngàn năm thì Ấn độ đã có Mamabharata và Ramayana, sau đó là Áo nghĩa thư, những tác phẩm tuyệt vời không chỉ dành cho người Ấn giáo mà còn chứa đựng những tư tưởng triết học sâu sa. Tiếp sau đó, những chân lí Giác ngộ của Đức Phật làm phong phú thêm kho tàng minh triết của đất nước hiền hòa này…

Một thứ người TQ cất công xây dựng thành một thành tố của văn hóa mà người tây chả mấy quan trọng là ẩm thực, để lấy đó làm tự hào. Vua chúa thời xưa bao giờ cũng có trên bàn ăn mấy chục đến hàng trăm món ăn sơn hào hải vị. Tôi có xem phim về cuộc chiến tranh nha phiến thì phải…Việc nhà Thanh đầu hàng năm 1842 đánh dấu một tai họa mang tính quyết định và nhục nhã của Trung Quốc khi buộc phải chấp nhận thua trận và thừa nhận các yêu cầu của Anh, chấp nhận buôn bán với họ, đồng ý mức thuế quan “đúng mức và ổn định”, mở cửa các cảng ở Quảng châu, Hạ môn, Phúc châu, Ninh ba và Thượng hải cho các thương nhân nước ngoài. Họ trao cho người Anh bất kỳ sự nhượng bộ nào mà Trung Quốc đã từng trao cho các cường quốc khác. Trung Quốc chấp nhận trả cho Anh Quốc một khoản bồi thường 20.000.000 đô la bạc và nhượng đảo Hồng Kông cho Anh. Cuộc chiến tranh nha phiến lần 2 lại là một thất bại nặng nề khác của Trung Quốc. Người Anh ngỗ ngược yêu cầu tất cả các tài liệu chính thức của Trung Quốc phải viết bằng tiếng Anh và cho phép các tàu chiến Anh được đi lại không hạn chế trên các sông ngòi Trung Quốc. Nhưng tôi nhớ nhất một chi tiết trong phim mà quên tiệt cả phim. Số là trong một bữa tiệc chiêu đãi sứ giả Anh, nhà vua TQ chê bai miếng bít tết của người Anh sống sít như của kẻ man di. Hãy nhìn mâm cao cỗ đầy của họ để chớ mà coi thường. Sứ giả Anh cả cười mà rằng, trong lúc cả TQ tập trung trí tuệ để làm ra các món ăn thì họ dùng thời gian và trí thông minh chế tạo tàu chiến, súng ống, những thứ đã giúp người Anh chiến thắng TQ…Nẫu chưa? Còn người Ấn độ thì chưa bao giờ nặng nhẹ miếng ăn. Ăn chay với những món đơn giản, sống khổ hạnh, khiêm cung, không chìm đắm trong lạc dục vật chất là lẽ sống của họ.



Tôi chưa bao giờ “yêu” và đánh giá cao Khổng Tử cùng thuyết Nho gia do cụ sáng lập. Dù cụ có sống lại tôi vẫn nói như vậy mà không mong cụ tha thứ. Nho học chưa bao giờ là tôn giáo, càng chưa bao giờ là triết học. Đó chỉ là những tư tưởng, học thuyết về đạo đức, chính trị. Ông sinh ra muộn hơn Đức Phật ít năm, coi như hai người là cùng thời đại. Nhưng Đức Phật đã chứng ngộ Chân lý mà đến giờ vẫn thích hợp với thời hiện đại, không cần thay đổi, chỉnh sửa lại. Nho giáo không thể có vị trí đó.

Tôi không thích Nho giáo vì lẽ:

- Khổng Tử chủ trương cai trị quốc gia bằng Đức trị. Lí lụân về đức của ông nghe rất hay nhưng chả biết là làm cách nào để con người có đức? Chỉ nói là phải có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Rồi mỗi thứ trong “Ngũ thường” đó lại là những luận lí hình thức, sáo rỗng. Ông kêu gọi làm người phải có đức mà nhân là gốc. Người cầm quyền phải lấy đức mà trị dân…Nói thế ai cũng nói được. Nhưng nâng lên thành “i-dờ-mờ” (ism) thì chỉ có Khổng Tử. Không thuyết phục. Còn Đức Phật nói về việc này giản dị mà nhiều kiếp chắc chưa tu nổi: con người nên dẹp bỏ tham-sân-si để trước hết sống được an lạc. Muốn dẹp bỏ thì hãy để tâm lắng xuống. Muốn tâm lắng xuống thì nên thiền định. Thiền định của Đức Phật là 16 hơi thở. Có cả đích đến lẫn con đường để bạn tự đi…Tâm bình thì thế giới bình. Giản dị như hơi thở.

- Nho giáo chấp nhận ý tưởng về số phận, hoặc “mệnh”, gọi là Thiên mệnh. Nhà vua là Thiên tử. Vua nhà Chu là Vũ Vương đã viện dẫn khái niệm Thiên mệnh để hợp pháp hóa vai trò cai trị của mình, một khái niệm đã ảnh hưởng đến mọi triều đại kế tiếp. Thảo nào dân đen cứ bị đè đầu cưỡi cổ cho đến lúc này mà cấm được phản đối? Có ai đi cãi với ông trời bao giờ…Còn Đức Phật bác bỏ thần thánh, thượng đế, bác bỏ người này cao hơn người kia. Bác bỏ có một thượng đế nào đó sinh ra và chi phối vạn vật, nhất là con người. Ngài đặt con người vào trung tâm của mối quan tâm.

- Còn con người nên chấp nhận Định mệnh. Với Nho giáo, định mệnh đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi Phật giáo xem các biến cố xảy ra trong kiếp người là tạo tác của nghiệp cá nhân hay cộng nghiệp của tập thể, thì Nho giáo xem các biến cố ấy được quyết định bởi định mệnh, chứ không là kết quả của tình trạng có hay không có đạo đức. Đức Phật đề cao sự tự chủ cuộc sống của con người. Hai chủ thuyết như đêm và ngày, quá dễ thấy cái nào dở, cái nào hay…

- Nhà Nho thì nhất định phải lập danh – Chính danh. Khổng nói: “khi người quân tử xưng danh, danh ấy phải xứng đáng với phận của mình; người quân tử rất dè dặt trong lời nói, không tùy tiện nói theo ý thích của mình”. Có khác gì khuyên chớ nên nói thật? Lại nữa: “Người quân tử sợ ba điều: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân”. Thế thì với người bình thường, quân tử có thể cư xử sao cũng được ư? Dường như các chuẩn mực dùng để thẩm định hành động của cá nhân không dựa vào việc tạo hay không tạo phúc lợi xã hội…Càng tự tôn chính danh, con người càng chìm sâu vào bản ngã, không bao giờ hồn nhiên, tự tại, chân thật như khi thực tập Vô ngã mà Đức Phật đã chỉ ra. Theo Khổng Tử, quân tử “chẳng lo không có địa vị, chỉ lo sao không đủ tài đức để được địa vị đó. Chẳng lo không ai biết tới, chỉ mong làm thế nào đáng cho người đời biết tới”. Đến đây thì chán không muốn hầu chuyện cụ nữa…



- Xem cái Lễ (bao gồm quyền hành của người trị nước và cách tiết chế hành vi của người dân) của Khổng Tử nhé…Lễ được diễn tả trong năm vòng quan hệ của người đời, được tượng hình bằng năm vòng tròn vây bọc: quân thần (vua tôi); phụ tử (cha con); phu phụ (vợ chồng); huynh đệ (anh em); bằng hữu (bầu bạn). Ngoài Ngũ luân, Khổng Tử còn phân biệt dân chúng bậc trung thành hai hạng khác nhau: người quân tử và kẻ tiểu nhân. Ðó là sự phân biệt không chỉ liên quan tới địa vị xã hội mà còn bởi ý tưởng cho rằng có những người này phải sống theo các định chuẩn đạo đức cao hơn những kẻ kia. Còn Đức Phật xóa bỏ mọi định kiến giai cấp, coi con người đều bình đẳng. Ai cũng có Phật tính. Đức Phật là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành…Khổng nói miên man về Lễ, Phật giáo chỉ đúc kết Từ - Bi – Hỉ - Xả và lấy đó mà cư xử, đối đãi với bất cứ ai, khỏi cần phân biệt cao thấp, địa vị.

- Nho giáo hạ thấp vai trò của đàn bà và coi thường tính dục (ở bề mặt). Với Nho giáo, tình dục có giá trị ứng dụng duy nhất là sinh con đẻ cái, đặc biệt con trai để nối dõi tông đường, làm vẻ vang dòng họ và cúng giỗ ông bà tổ tiên cha mẹ mà Nho giáo đặc biệt đề cao. Đủ thứ qui định cho nam nữ để tránh “thụ thụ bất thân” với việc hạ thấp người đàn bà. Nhưng ai cũng biết, vua chúa TQ thì ăn chơi tàn bạo thế nào biết rồi. Đám hoàng hậu, mỹ nữ, cung phi loạn luân ra sao cũng kể nhiều ở các phim lịch sử rồi…Có lẽ hiếm có đất nước nào lại nhiều mỹ nữ “quái chiêu” nổi tiếng trong lịch sử như ở TQ: mối tình hoang dâm giữa Triệu Cơ và Lao Ái. Đát Kỷ bất hòa với thân thuộc của vua là Tỷ Can, bắt ông này phải moi tim ra cho bà xem. Bà này bị coi là yêu cơ. Hạ Cơ thì sử sách thuật lại là có thuật “hoàn tân” sau khi ăn nằm với ai và còn có cả bí quyết “hấp tinh đại pháp”. Võ Tắc Thiên là hoàng hậu duy nhất của lịch sử TQ thì tàn ác thôi rồi. Vì ác nên dù Khổng giáo cấm đàn bà làm việc bên ngoài mà bà ta vẫn thu quyền bính về tay mình. Bao Tự thì chỉ thích nghe xé lụa và đốt lửa để mua vui khiến tan nhà nát cửa…Sau này thì có Từ Hy Thái Hậu và thời hiện đại thì có Giang Thanh. Đều kinh khiếp hãi cả. Vậy thì những qui định Nho giáo kia thực chất là vô giá trị, nó chỉ áp dụng khi người ta cần, nhất là giới cai trị. Còn thì người ta giả dối và tìm cách che dấu…Thế mà thời Đức Phật còn tại thế, Ấn độ đã có hàng ngàn nữ tu xuất gia theo Ngài sống đời phạm hạnh. Bên tăng có 10 vị đại đệ tử của Đức Phật thì bên ni cũng có như vậy. Có tác phẩm “Trưởng lão tăng kệ” thì bên ni cũng có “Trưởng lão ni kệ” còn đến ngày nay.

- Ai cần Nho giáo? Nho giáo trọng lễ giáo, đề xướng “quân quân thần thần”, tức ai nấy nên tôn ti trật tự, chớ “vượt rào”, nên giới cai trị thích và cần Nho giáo nhất. Khổng Tử nói rằng: “Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua”. Thế thì ông quan cai trị nào mà chẳng thích? Còn lấy lễ để sai khiến như thế nào thì chịu?…Có sao cứ đổ là Thiên tử nên phải tuân theo Thiên mệnh là xong…

…ect (nhiều quá không thể kể hết)

Văn minh Trung hoa như đứa trẻ vừa mở mắt chào đời thì đã được nuôi nấng bằng dòng sữa của Nho học nên mọi tính nết sai trái như giả dối, ích kỉ, độc ác, chuyên quyền, mù quáng, tự phụ, ngụy biện, gây hấn, tranh đua…từ đó lộ diện và phát triển. Tiếc cho tư tưởng của Mặc Tử (coi như cùng thời với Khổng Tử) đã không chen chân vào được xã hội này. Biết đâu nhờ thế TQ phát triển sẽ theo một hướng khác tốt hơn? Vì Mặc Tử tiệm cận gần hơn với quan điểm Phật giáo hiền hòa. Ðối với người theo Mặc gia, cái thiện cao nhất là hiến thân cho mọi người. Họ biện hộ lối sống kham khổ và hoàn toàn chống đối chiến tranh cùng mọi hình thức gây hấn. Tuy sẵn sàng liều chết bảo vệ thành trì, chống lại kẻ xâm lăng, nhưng họ kiên quyết không chấp nhận bất cứ hành động xâm lấn nào. May mà Phật giáo đã du nhập vào TQ (tuy muộn hơn VN) nhưng đã góp phần làm tan loãng chút ít “dòng sữa” đặc quánh Khổng giáo đã kết thành cặn, bám chắc trong suy nghĩ và hành xử của người TQ từ bao đời.

Cuối cùng tôi thử điểm lại một số hành động vô cùng “quái dị” và “độc chiêu” của người TQ từ cổ chí kim xem sao:

- Đốt sách, chôn nho của Tần Thủy Hoàng…

- Đái vào mũ của người trí thức trong triều của Lưu Bang…

- Đàn bà có tục bó chân để gợi tình đời Tống…Bàn chân bé đến quái dị.

- Để “show hàng” với Trịêu Cơ, Lã Bất Vi sai Lao Ái sỏ dương vật của lỗ bánh xe để chạy…

…ect…(dài rồi không kể nữa)

- Sau này có cải cách ruộng đất, giết rất nhiều những nông dân làm ăn giỏi mà họ gọi là địa chủ.

- Đại cách mạng văn hóa: tiêu diệt trí thức; xóa bỏ truyền thống…

- Bắt và diệt chim sẻ…

- Cả nước làm gang thép…

- Xui Khơ me đỏ diệt chủng trên quê hương họ. Mới đây đám này bị đưa ra xét xử. Chả thấy người khởi xướng là TQ nói gì nhỉ?

- Thích cao giọng dạy người yếu thế hơn mình “một bài học” khi họ còn chưa thoát khỏi vô minh và nhiều sự lầm lẫn do ảnh hưởng quá lâu của Nho giáo.

- Sang VN làm ăn nhưng lại cư xử như đang ở cánh đồng riêng của mình…Nhậu nhẹt say sưa rồi đứng trước cửa nhà người ta đái bậy, hò hét chả coi ai ra gì, dân nói lại thì chửi (ở Ninh Bình vừa qua); đánh nhau với ở dân bản địa (Thanh hóa); thuê công nhân VN nhưng thích là nện...

- Ý quên...Dùng cả đội quân có trang bị súng và xe tăng bắn vào đoàn biểu tình ôn hòa của sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989 khiến nhiều người thiệt mạng. Không biết những oan hồn ngày ấy nay đã siêu thoát chưa?

...ect...Còn nhiều lắm, viết mỏi tay cũng chưa hết...Chán rùi...

Haizzz...Thế là thế nào? Tôi không hiểu? Ai hiểu nói giùm…
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế kỷ của những chuyển dịch văn hóa

    03/04/2018Nguyễn HòaĐối với Việt Nam, thế kỷ XX là thế kỷ của các biến động chính trị - xã hội. Để giành lại độc lập, dân tộc đã phải hao tổn quá nhiều xương máu và nước mắt. Những biến thiên ngoắt ngoéo của lịch sử đã đẩy văn hóa dân tộc vào tình thế chỉ trong một thế kỷ, đã phải chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa rất khác nhau, trong các tình thế khác nhau...
  • Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 2)

    24/06/2014Trần KhuêTrước khi có hiện tượng 5 con rồng thì tình hình các nước ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương là sàn sàn nhau, nghĩa là cùng trì trệ và lạc hậu ngang nhau; chỉ riêng có Nhật Bản từ năm 1867 dưới triều Minh Trị đã biết mở cửa sớm để giao lưu với phương Tây nên phát triển sớm hơn. Đáng tiếc họ lại đi theo con đường quân phiệt hoá nên hầu như bị phá sản và kiệt quệ sau Thế chiến thứ hai. Chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây, Nhật Bản rồi tiếp theo là Hongkong, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore đã làm những chuyện thần kỳ về kinh tế khiến thế giới kinh ngạc.
  • Nho giáo và sự phát triển của Việt Nam (Phần 1)

    24/06/2014Trần KhuêKhổng Tử đã từng dạy “Ôn cố tri tân”. Và chính các bậc hậu nho cũng luôn nhắc nhở điều này. Thế nhưng không hiểu các vị học giả hiện nay lại hình như quên mất cái “cổ” (cái gốc cũ) của đạo Nho, làm như đây là một học thuyết vạn năng...
  • Bá quyền văn hóa kiểu Trung Quốc

    05/07/2011Đoan TrangNhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị “đồng hóa” bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa - một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.
  • Phản biện bài báo của Hoàng Công Minh đăng trên Vietnamnet

    26/06/2011Hoa HòeDưới đây là 21 phát đại bác mà bác Hoe Hòe (hình như là cựu chiến binh) đã bắn vào VietNamnet và tác giả Hoàng Công Minh viết bài báo: "Cần nhìn lại giá trị phim Lý Công Uẩn". Bác Hoa Hòe đăng tải ở phần comments, nhưng Nguyễn Xuân Diện thấy nó dài tới hơn 3000 chữ, lại trình bày rất nhiều vấn đề, vậy nên tách ra thành một bài...
  • Phỏng vấn Giáo sư Lê Văn Lan: Tôi kiên quyết phản đối việc phát sóng bộ phim

    26/06/2011Nguyễn Xuân DiệnHôm qua, khi chúng tôi đăng tải ý kiến của GS. Lê Văn Lan kịch liệt phản đối chiếu bộ phim "Đường tới thành Thăng Long" trên sóng của Đài truyền hình quốc gia, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. GS. Lê Văn Lan đang đi làm phim về Hoa Lư với đoàn phim Niu-Di -Lân ở Ninh Bình, đã về Hà Nội ngay trong đêm qua và đã dành cho Nguyễn Xuân Diện-Blog cuộc gặp và phỏng vấn sáng nay...
  • Trao đổi với ông Phan Ngọc về vấn đề Nho giáo

    01/05/2011Trần KhuêGần đây vấn đề Nho giáo được bùng lên như một vấn đề thời sự về học thuật ở nước ta và lôi cuốn khá đông các nhà nghiên cứu tham gia: Phan Ngọc, Trần Đình Hượu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Huỳnh Minh Đức, Phan Văn Các, Cao Tự Thanh, Mai Quốc Liên, Tạ Ngọc Liễn... Trong những bài nghiên cứu đó, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến đúng rất đáng tham khảo và cũng không ít ý kiến sai cần trao đổi để tránh sự ngộ nhận...
  • xem toàn bộ