Vài nét về tình hình nghiên cứu vấn đề ý thức trong thời gian gần đây

09:31 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Mười Một, 2005

Hàng ngàn năm nay, vấn đề ý thức luôn là trung tâm chú ý của các nhà triết học. Từ nhiều thế kỷ trước công nguyên, các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã đặt vấn đề nghiên cứu ý thức và giờ đây vào thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề ý thức vẫn luôn là điểm nóng mà xung quanh nó đã nổ ra biết bao cuộc tranh luận chưa ngã ngũ.

Theo Lênin, phạm trù ý thức là một trong hai phạm trù rộng lớn nhất của triết học. Tuy nhiên nó chưa phải là toàn bộ khó khăn mà các triết học gặp phải khi nghiên cứu vấn đề này. Ý thức - cái đặc trưng vốn có của con người - vừa là thuộc tính của kết cấu vật chất được tổ chức cao nhất, lại vừa mang bản chất xã hội sâu sắc. Sự phát triển của hoạt động con người mang lại cho ý thức những thay đổi, tiến hóa theo hướng đa đạng và phức tạp hơn. Bởi vậy mà nhiều bí mật của ý thức vẫn chưa được khám phá.

Khi nghiên cứu các tài liệu xung quanh vấn đề ý thức, chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều ý kiến khác nhau. Khác nhau về cách tiếp cận, về mối quan hệ của nói với qúa trình sinh lý của cơ thể con người, về quan hệ của nó với xã hội… và do đó, ngay bản thân khái niệm ý thức cũng chưa được xác định một cách chắc chắn. Trong sách giáo khoa triết học Mác – Lênin (Phần duy vật biện chứng, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1988), trong khi xác định một cách rõ ràng các khái niệm như vật chất, chất lượng, và các phạm trù cơ bản khác với các định nghĩa của nó được in nghiêng, chúng ta vẫn chưa thấy sự xác định tương đương phần trình bày về ý thức. Điều đó cũng khẳng định rằng nghiên cứu ý thức là công việc khó khăn và đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các nhà triết học cũng như các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực có liên quan.

Bước vào tìm hiểu vấn đề ý thức, chúng ta bắt gặp ngay phạm trù “cái tinh thần”. Trong các từ điển, ý thức và cái tinh thần đều được bàn đến. Vậy chúng khác nhau hay là đồng nhất?

Trong Đại bách khoa Xô viết có viết: "Trong triết học, với việc giải thích duy vật vấn đề cơ bản của triết học, ý thức được xem như là một thuộc tính của vật chất có tổ chức cao, nó bao hàm sự phản ánh có tính chất tâm lý đối với hiện thực cả với tư cách là tồn tại được nhận thức, hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, cả với tư cách là cái tinh thần trong sự đối lập với cái vật chất và trong sự thống nhất với cái vật chất (l).

Còn cái tinh thần được hiểu: như là một cái gì đó không phải tồn tại trong hiện thực mà chỉ trong ý thức, là phương thức tồn tại của đối tượng được phần ánh vào trong ý thức: trên bình diện đó, cái tinh thần được đối lập với cái hiện thực,

Là kết quả được tư tưởng hóa, là khách thể trừu tượng,

- Là cái gì đó hợp với lý tưởng (2)

Và cũng ở đây đưa ra cách hiểu của chủ nghĩa duy vật về cái tinh thần như là một hiện tượng có tính lịch sử xã hội về bản chất và nguồn gốc của nó... Cái tinh thần là một khía cạnh nhất định của ý thức con người đặc trưng cho phương thức tồn tại đặc biệt của nó, không thể qui nó vào những hiện tượng và qúa trình vật chất của não.

Như vậy chúng ta có thể rút ra nhận xét là: cái tinh thần và ý thức là hai phạm trù không đồng nhất hoàn toàn, giữa chúng có các điểm khác nhau:

+ Cái tinh thần được xem như một mặt, một khía cạnh của ý thức.

+Cái tinh thần được xác định ở đây như là cái đặc trưng phân biệt ýthức trong sự đối lập và thống nhất với vật chất, như là cái đặc trưng cho phương thức tồn tại đặc biệt của ýthức.

+Khi nói về cái tinh thần, người ta thường ít chú ý đến nguồn gốc và bản chất có tính tự nhiên của nó hơn là khi chúng ta nói về ý thức.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà việc các tác giả sử dụng thuật ngữ này hay thuật ngữ kia đã thể hiện phần nào quan điểm của họ khi tiếp cận vấn đề. Chẳng hạn E.V.Ilencốv sư dụngnhiều thuật ngữ “ý thức” (ở phần sau sẽ làm rõ hơn”

Tuy có điểm khác nhau như vậy, giữa hai phạm trù này có một sự gần gũi rất lớn:

Trong Từ điển triết họcdo Rôdentan chủ biên, cái tinh thần theo nghĩa rộng là một khái niệm đồng nhất với cái quan niệm, với ý thức là hình thức hoạt động tâm lý cao nhất, còn theo nghĩa hẹp của từ thì đồng nhất với khái niệm tư duy (4).

Suy cho cùng đây là hai phạm trù rất gần gũi với nhau. Nó đếu có bản chất là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, đều là cơ sở cho hoạt động có tính định hướng của cơ thể môi trường bên ngoài. Chính vì vậy trong một số trường hợp người ta dung hai phạm trù này với nghĩa như nhau. Do đó, khi xem xét quan điểm của các tác giả về cái tinh thần, ta cũng có thể hiểu được quan niệm của họ về ý thức và ngược lại.

Lịch sử hàng ngàn năm của vấn đề ý thức với tên tuổi các nhà triết học như Hêraclit, Platôn, Đêcác, Spinôda, Kant, Hêgen…đã tạo ra một cơ sở mà nhờ việc kế thừa và phát triển cở sở đó, các nhà triết học macxit đã phần nào vạch ra điều bí ẩn xung quanh vấn đề ý thức.

Nhưng trong khi nhất trí giải quyết những vấn đề then chốt về bản chất cái tinh thần, ý thức trong việc phê phán những quan điểm nhị nguyên duy tâm về ý thức… các nhà triết học macxit lại có sự khác nhau trong việc giải thích những vấn đề liên quan đến nội dung của các phạm trù ý thức và tinh thần.

Một số tác giả nhấn mạnh tư tưởng về bản chất có tính phản ánh của cái tinh thần và quan hệ tất yếu của nó với các quá trình hoạt động của bộ não.

Trong Đại bách khoa Xô viết: “… ý thức được xem là một thuộc tính của vật chất có tổ chức cao, nó bao hàm sự phản ánh có tính chất tâm lý đối với hiện thực…” (5).

P.V. Copnhin coi nét đặc trưng của cái tinh thần là sự phản ánh hiện thực ở các hình thức hoạt động của con người, ý thức và ý chí của con người, đây không phải là vật có tính tinh thần bị làm mất hết nội dung, mà là khả năng của con người trong hoạt động có tính tinh thần của mình., trong tư tưởng, ý chí, nhu cầu đã tái sản sinh vật thể nhờ các hình ảnh (6).

Còn A.G.Xpirkin, khi phê phán khuynh hướng muốn làm “hòa tan’ cái tinh thần vào hiện thực sự vật đã nhấn mạnh: “Cái tinh thần, đây không phải là bản thân hiện thực có tính đối tượng, mà chỉ là khía cạnh tinh thần của hiện thực này” (7). V.C. Chukhơchin khẳng định một cách rõ ràng rằng, cái tinh thần chỉ liên quan với các quá trình tâm lý, ý thức của con người và được xem là thuộc tính cơ bản của những hệ thống vật chất được tổ chức cao, là chức năng của bộ não. Ông còn cho rằng, cái tinh thần có thểvà cần được giải thích từ phương diện khoa học tự nhiên, trên cở sở liên hệ qua lại của các nhân tố về cơ bản có tính vật chất, như là thuộc tính có chức năng cơ bản thống nhất các yếu tố đó. (8)

Ở khuynh hướng này cũng xuất hiện một số tác giả khi quá nhấn mạnh vào việc nghiên cứu dưới góc độ khoa học tự nhiên các hiện tượng tâm lý, đã cố gắng luận chứng cho quan niệm xem ý thức là thuộc tính của vật chất được tổ chức cao, là chức năng của bộ óc. Bằng cách đó, họ đi tới quan điểm cho rằng, phạm trù “cái tinh thần” có đặc trưng cho ý thức chỉ ở khía cạnh nhận thức luận, còn ở khía cạnh bàn thể luận thì phạm trù này mất ý nghĩa. Nghĩa là ý thức chỉ là cái tinh thần ở khía cạnh nhận thức luận và ý thức là cái có tính vật chất ở khía cạnh bàn thể luận (9).

Quan điểm cực đoan này đã bị các nhà triết học khác phản bác mạnh mẽ. Theo Dubrôpxki, khái niệm bản thể luận chỉ ra sự tồn tại của một cái gì đó. Nhưng tồn tại nói chung không có ý nghĩa xác định, nếu như không chỉ ra là nói về hiện thực nào, hiện thực chủ quan hay khách quan. Và khi trả lời câu hỏi này nó dẫn đến mâu thuẫn với bản thân mình (ý thức là hiện thực chủ quan, thuộc vào cái tinh thần). Cần phải đặt vấn đề theo hướng là bất kỳ phạm trù nào của CNDV về ý thức, trong nội dung của mình đều mang sự thống nhất các khía cạnh nhận thức luận và bản thể luận. Bởi vì, thực ra nội dung mỗi phạm trù đó vừa có nghĩa là khách thể của sự mô tả, vừa là sự mô tả khách thể(10).

Ở đây phạm trù “cái tinh thần” được hiểu là cái tương tự với tất cả các hình thức mang tính phổ biến và tất yếu của hoạt động tinh thần. Những hình thức đó được thể hiện trong đời sống xã hội và trong các quan hệ xã hội, trong các giá trị được xã hội thừa nhận, trong cấu trúc của ngôn ngữ, của tư duy.

Các đại biểu theo khuynh hướng này đều hướng sự giải thích “cái tinh thần’ chủ yếu vào các vấn đề thuộc chủ nghĩa duy vật lịch sử, mỹ học, đạo đức, văn học… với người đại diện tiêu biểu là E.V.Ilencốp.

Trong Bách khoa triết học, llencốp cho rằng cái tinh thần không phải là một sự kiện có tính chất sinh lý mà là một sự kiện có tính chất lịch sử - xã hội, nó là sản phẩm và hình thức sản xuất về mọi mặt tinh thần (11).

Ở các tác phẩm của Ilencốp, chúng ta chưa thấy ông khẳng định quan điểm coi cái tinh thần là hiện thực chủ quan là sai lầm. Nhưng trong thực tế ông đã bác bỏ nóvà gọi cái tinh thần là hiện thực khách quan. Ilencốp gắn cái tinh thần chủ yếu với kết quả hoạt động, do đó, cái tinh thần trở thành cái không thể tách rời với một lớp các khách thể vật chất mang đặc trưng xã hội. Ông cho rằng trong ngôn ngữ triết học được xác lập có tính lịch sử, cái tinh thần nói chung là đặc trưng của những hình ảnh đã được cố định lại về mặt vật chất của nền văn hóa xã hội của con người nghĩa là của phương pháp đã được thiết lập trong hoạt động xã hội của con người, những phương pháp đó đối lập cá nhân với ý thức, ý chí của nó với tư cách là một hiện thực khách quan siêu tự nhiên đặc biệt, với tư cách là một đối tượng đặc biệt được so sánh với hiện thực vật chất và đối tượng đó nằm trong cùng một không gian với hiện thực vật chất ấy (12).

Khác với Chukhơchin và các tác giả khác như đã trình bày ở trên, Ilencốp coi cái tinh thần biểu hiện mối quan hệ chức năng siêu cá nhân, bên ngoài cá nhân, mối quan hệ đó được thực hiện không phải trong đầu óc con người mà trong vật thể xã hội.

Theo Ilencốp chủ nghĩa duy vật hiểu cái tinh thần là một mối quan hệ chặt chẽ và riêng biệt giữa hai khách thể vật chất mà trong đó, một khách thể vật chất đóng vai trò là cái đại diện cho khách thể kia nói một cách chính xác hơn, đóng vai trò là bản chất hình thức phổ biến và quy luật của khách thể đó (13). Ông cho rằngchính mối quan hệ này là dấu hiệu có tính quyết định cái tinh thần. Ilencốp đã nhấn mạnh điều này khi xem xét quan hệ giá trị trao đổi. Trong lúc nói về trường hợp hình thức tự nhiên của một hàng hóa trở thành hình thức giá trị của một hàng hóa khác, ông đi tới kết luận: “Như vậy, không biết vì lý do gì đó mà hình thức giá trị mang tính tư tưởn, có nghĩa là nó là một cái gì đó hoàn toàn khác với hình thức vật thể của bản thân sự vật mà nó đại diện…” (14). Từ chỗ cho rằng hình thức giá trị mang tính tư tưởng dù nó tồn tại bên ngoài ý thức con người và không phụ thuộc vào ý thức đó, nó tồn tại trong sự vật nghĩa là trong bản thân hàng hóa, llencốp khẳng định: “Cái tinh thần tồn tại bên ngoài bộ óc và bên ngoài ý thức con người, đó là một hiện thực hoàn toàn khách quan (15).

Như vậy llencốp dùng khái niệm tinh thần như là cái bao trùm tất cả những gì thuộc về ý thức, tư tưởng… nó không đồng nhất với ý thức cá nhân và nó tồn tại như một tầng ý thức xã hội mà mỗi cá nhân phải tiếp thu nó. Tuy nhiên ông cũng không gọi hẳn nó là ý thức xã hội. Theo ông, trong con người thì phần ý thức trực tiếp thu từ cái ý thức xã hội như vậy là cái quyết định.

Quan niệm của Ilencốp cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều tác giả khác, chẳng hạn quan điểm được trình bày trong chương “ý thức” của cuốn “Nhập môn triết học” do Phrôlôp chủ biên. Ở đây, bên cạnh việc khẳng định ý thức như là thuộc tính của vật chất có tổ chức cao thì theo tác giả, ý thức là cái mà trong đó định hình kế hoạch hoạt động có tính cộng đồng dưới dạng các quan điểm, tiêu chuẩn, sự định hướng nghĩa là những cái điều chỉnh chương trình hóa hoạt động bên ngoài. Tác giả coi ý thức là điều kiện của sự chương trình hóa hoạt động cộng đồng thông qua các hình thức văn hóa, nó thực hiện chức năng trí nhớ xã hội của loài người khi tạo ra sơ đồ… của sự tái sản sinh kinh nghiệm được tích lũy. Và vì vậy, con người có tư duy hợp lý có khả năng xem xét thế giới bằng “con mắt xã hội” qua lăng kính được tạo ra nhờ sự trừu tượng hóa và nhận thức của con người.

Từ những phân tích trên đây, chúng ta đã có thể hình dung được hai khuynh hướng khác nhau một cách căn bản trong việc tiếp cận ý thức, tinh thần.

+ Khuynh hướng thứ nhất thể hiện vấn đề có tính cổ điển, vấn đề mối quan hệ giữa cái tinh thần và cái vật thể, ý thức và quá trình của bộ não, căn nguyên của cái tâm lý.

Những tác giả của khuynh hướng này giải thích bản chất và chức năng nhờ sự giúp đỡ của tri thức các khoa học của tự nhiên, tâm lý, thần kin học…

+ Khuynh hướng thứ hai chú trọng trước hết đến việc giải thích bản chất và chức năng của ý thức xã hội, của các giá trị có tính văn hóa… Ở đây cái tinh thần chủ yếu được xem xét qua lăng kính của hoạt động xã hội.

Ngoài ra, trong sách báo macxit còn nổi bật lên một khuynh hướng thứ ba với các tác giả như Đ.I. Đubrôpxki, A.G.Xpirkin…

Theo Đubrôpxki, nếu chỉ dừng ở một trong hai cách tiếp cận nêu trên thì sẽ không giải quyết được vấn đề. Trong thực tế, những kế hoạch có tính khoa học tự nhiên và nhân văn có sự chế định qua lại với nhau. Do đó cần có cách tiếp cận nào đó cho phép thống nhất cả hai phương diện trên (16).

Theo quan điểm của các ông, cái tinh thần, ý thức không thể tồn tại ở ngoài đầu óc con người và nó cũng không thể tách khỏi hoạt động xã hội. A.G.Xpirkin đưa ra định nghĩa về ý thức như sau: “Ý thức – đó là chức năng cao nhất của bộ óc, nó chỉ có ở con người và có liên quan với ngôn ngữ, chức năng này nằm trong sự phản ánh khái quát và có tính hướng đích rõ ràng đối với hiện thực trong việc xây dựng hành động có tính dự đoán trước những kết qủa của nó, trong sự điều chỉnh hợp lý và tự kiểm tra hành vi của con người” (17).

Việc các tác giả của khuynh hướng tiếp cận này chú trọng tới cả hai mặt của vấn đề ý thức: mặt tự nhiên và mặt xã hội của nó đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà triết học khác. Ta có thể tìm thấy cách tiếp cận tương tự trong Từ điển Bách khoa triết học (18), Đại Bách khoa Xô viết (19). Trong cuốn “Những cơ sở triết học của điều khiển học” (20), N.I. Giucốp nêu ra ba mặt đặc trưng của ý thức: ý thức là sản phẩm của lịch sử phát triển xã hội (bao gồm cả lịch sử tự nhiên và xã hội), ý thức là sự phản ánh thế giới bên ngoài, ý thức là chức năng của bộ óc.

Ngoài ra, theo Giucốp khi nghiên cứu ý thức phải chú ý cả đặc điểm của mối liên hệ giữa cái tâm lý và cái sinh lý, đặc trưng của cái tinh thần, sự thốngnhất hoạt động bên trong và bên ngoài…

Thật khó có thể nhận xét trong ba khuynh hướng trên, cái nào chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý hơn, cái nào thu được nhiều thành quả hơn. Nhưng theo chúng tôi, dù giữa ba khuynh hướng trên có sự khác nhau cơ bản trong cách tiếp cận nhưng chúng không loại trừ nhau. Bởi vì chỉ có thể bằng bước tiến của tất cả các khuynh hướng này, chúng ta mới mong vén lên bức màn bí ẩn về bản chất của ý thức. Và cũng bởi vì nhận thức của chúng ta bao giờ cũng đi từ trừu tượng đến cụ thể.


(1) Xem Đại Bách khoa xô viết, Nxb Bách khoa xô viết, tập 24, quyển 1,, 1976, tr. 129.

(2) Xem Đại Bách khoa xô viết, tập 10, 1972, tr. 37.

(3) Xem Đại Bách khoa xô viết, tập 10, 1972, tr. 37.

(4) Từ điển triết học, Nxb Sự thật,Hà Nội, 1986, tr.711.

(5) Đại Bách khoa xô viết, Nxb Bách khoa xô viết, tập 24, 1.1, 1976, tr.129.

(6) Côpnhin P.V. Những cở sở nhận thức luận và logic của khoa học, M, 1974,tr.109.

(7) Xpirkin A.G.Ý thức và tự ý thức, M, 1972, tr.65.

(8) Chukhochin. Phản ánh, hệ thống , cibecnhetic, M, 1972, tr.211.

(9) Các tác giả của quan điểm này: Ponomarốp la A. Tâm lý học sáng tạo. Phần III, Maxkva, Kogatocki VN. Cái vật chất và cái tinh thần như là những đặc điểm của ý thức. Chiumen, 1968.

(10) Đubrôpxki. Đ.I. Vấn đề cái tinh thần, Nxb tư tưởng Maxkva 1983, tr. 32. Khác với quan điểm của các tác giả nêu trên, một số tác giả khác cần ý thức theo một hướng khác. Họ nhấn mạnh khía cạnh văn hóa và xã hội của vấn đề và chú ý đến khả năng cũng như tính đúng đắn của việc nghiên cứu mối liên hệ giữa “cái tinh thần và hoạt động của bộ não.

(11) Bách khoa triết học, Nxb Bách khoa xô viết, 1962, tr. 219.

(12) Ilencốp E.V.Vấn đề cái tinh thần. Những vấn đề triết học, 1979, N0 6, tr. 139 - 140.

(13) Ilencốp E.V. Vấn đề cái tinh thần, những vấn đề triết học, 1979, N06, tr. 131.

(14) Ilencốp E.V. Sđđ. N0 7, tr. 148.

(15) llencốp E.V. Sđđ. N0 6, tr. 136.

(16) Đubrôpxki Đ.I.Vấn đề cái tinh thần, Nxb - Tư tưởng, Moxkva, 1983, tr. 5- 6.

(17) Xpirkin A.G. Những cơ sở của triết học, Moxkva,1988, tr. 132.

(18) Từ điển Bách khoa triết học, Nxb Bách khoa xô viết,1983, tr. 197.

(19) Đại Bách khoa xô viết, Tập 10, Nxb Bách khoa xô viết,1972, tr. 37.

(20) Giucốp N.I. Những cơ sở triết học của điều khiển học, Minxcơ, 1973.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Cái tôi" của người Việt Nam qua một giai đoạn phát triển

    08/06/2016Những nghiên cứu về “cái tôi”, “tôi - không tôi”, “tôi - chúng ta”, “tôi - tôi”, cũng như tính cộng đồng và tính cá nhân đã được tiến hành trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Bằng phương pháp phân tích các cứ liệu ngôn ngữ(*), tác giả đã chỉ ra “cái tôi” - sự tự ý thức của mình trong quan hệ với người xung quanh. Qua đó, chúng ta cũng hiểu thêm về nhân cách người Việt...
  • Ảnh hưởng triết học phương Tây trong quan niệm của Phan Bội Châu về con người

    22/10/2005Đỗ Thị Hoà HớiPhan Bội Châu là người có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông được coi như chiêc cầu nối giữa truyền thông và hiện đại. Trong tác phẩm Nhân sinh Triết học, về nền học vấn của phương Đông, trên cơ sở những giá trị dân tộc, Phan Bội Châu đã biết cách tiếp nhận những giá trị hiện đại của triết học phương Tây, đặc biệt là vấn đề phương pháp để làm mới quan niệm về con người. Trong tác phẩm này, nghiên cứu về con người của ông được sử dụng qua các khái niệm nhân thể, nhân tính, nhân dục, nhân cách, nhân sự. Qua đó, ông khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, đồng thời, kêu gọi nhân dân biết cách giữ lấy giá trị truyền thông cũng như tiếp nhận những giá trị mới phù hợp của thời đại để đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển đất nước

    18/10/2005Hồ Sĩ QuýĐặt trong tương quan với những hiểu biết về các đối tượng khác, nhất là, đặt trong tương quan với những nhu cầu của sự phát triển đất nước, của sự phát triển bản thân con người trước thách thức của thế kỷ XXI, thì nhiệm vụ này thực ra là mới mẻ, cấp bách, và nói thật chính xác thì vấn đề con người trong xã hội hiện đại khác khá xa với vấn đề con người mà nhận thức truyền thống đã từng lý giải. Đây là điều cần lưu ý khi tiến hành những nghiên cứu về con người, đặc biệt là nghiên cứu lý luận...
  • Tìm hiểu bản chất của ý thức

    12/10/2005GS. Đoàn Xuân MượuTừ khi loài người hình thành, tiến hóa, biết lao động kiếm sống, ý thức phát triển song song với khả năng giao tiếp, ngôn ngữ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều triết thuyết của phương Đông và phương Tây bằng con đường minh triết và duy lý, về quá trình phát sinh của ý thức...
  • Tiếp cận tính toàn vẹn về con người và thế giới con người

    19/07/2005Đỗ HuyCon người và thế giới con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều nghành khoa học khác nhau, như tâm lý học, xã hội học, lịch sử, văn hoá học…Song, theo chúng tôi, chỉ có triết học và triết học Mácxít chư không phải triết học Cantơ, Hêgen, Phoiơbắc hay những trào lưu triết học sau này như chủ nghĩa Tômát mới, chủ nghĩa hiện sinh mới có cách giải quyết đúng đắn vấn đề này. Làm được điều này, các nhà triết học Mácxít đã dựa trên quan điểm thực tiễn vật chất - tinh thần, trong đó, tâm điểm của nó là lao động của con người.
  • Giữa con người và con vật khác nhau ở điểm nào?

    21/07/2005Từ thời Darwin, quan điểm ngược lại đã trở nên phổ biến, không chỉ giữa các nhà khoa học, mà cả trong các tầng lớp học thức nói chung. Học thuyết của Darwin về nguồn gốc con người cho rằng con người và loài vượn người đã thừa hưởng từ một dạng tổ tiên chung; và cùng với quan điểm về nguồn gốc tiến hóa của con người này là quan điểm cho rằng con người và những loài động vật có vú cao cấp chỉ khác nhau về mức độ. ...
  • xem toàn bộ