Tiêu chuẩn đánh giá sự vật, hiện tượng
Giới thiệu sách"Mạn đàm nhân sinh" với huyền thoại Panasonic
Bất kể điều gì cũng có nhiều cách nhìn nhận, suy nghĩ về chúng khác nhau. Tôi nghĩ, tùy vào việc đạt quy chuẩn cho cách nhìn nhận, đánh giá đó vào đâu mà sẽ làm thay đổi hành động cũng như thành quả thu được của mình sau đó.
Radio có thật là thứ dễ hỏng không?
Chuyện xảy ra cách đây 60 năm, tức là khi công ty tôi mới bắt đầu sản xuất và bán radio. Nói như vậy, nhưng thực tế lúc đó chỗ tôi vẫn chưa có kỹ thuật sản xuất radio, phải nhờ một hãng tin cậy giúp về kỹ thuật. Thực ra, loại radio đó rất hay hỏng hóc, bị khách hàng trả lại liên tục. Tôi vô cùng ngạc nhiên và lập tức điều tra nguyên nhân, thì phát hiện ra một điều hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng của mình. Nguyên nhân lại là ở khâu bán hàng. Cho đến khi ấy, radio thường được bán ở các cửa hàng chuyên môn và các kỹ sư lường trước vấn đề là radio sẽ hỏng hóc đâu đó, nên khi bán ra họ thử rất cẩn thận. Cách làm của họ là: Nếu có chỗ hỏng sẽ sửa ngay tại cửa hàng, sau đó mới trao cho khách.
Thế nhưng, mạng lưới bán hàng của chúng tôi phần nhiều là những cửa hàng điện dân dụng bình thường, ít người biết kỹ thuật chuyên môn về radio. Bởi vậy, khách hàng mua về và bỏ ra khỏi hộp mà không thấy kêu, hay ngay cả chuyện nhỏ như ống chân không hơi rung là họ cũng coi đó như hàng lỗi và đem trả lại. Kết cục, việc bán radio ở các cửa hàng điện dân dụng bình thường là rất khó. Bởi vậy tôi mới bảo: "Chúng ta cần phải thay đổi thiết kế cơ bản để không bao giờ xảy ra sự cố hỏng hóc nữa!". Nhưng người có trách nhiệm của hãng cung cấp kỹ thuật trả lời rằng: "Radio thời đại này không thể nói tuyệt đối không hỏng được. Ông nên đem bán cho các cửa hàng chuyên về radio thì hơn!" Thấy vậy tôi mới bảo: "Nếu cứ bị ràng buộc bởi quan niệm radio là thứ dễ hỏng thì không bao giờ có thể sản xuất ra chiếc radio tốt được! Ngay cả chiếc máy phức tạp và nhỏ như đồng hồ mà vẫn chạy chính xác đến như vậy. Nếu cứ cho rằng radio là thứ không thể hỏng và dụng công làm thế nào đề tạo ra được chiếc radio như vậy thì nhất định sẽ thành công!". Và tôi đã ra lệnh cho bộ phận nghiên cứu của tôi sáng chế ra loại radio lý tưởng, độc đáo của riêng công ty sau chuyện kể trên một thời gian.
Hẹp hay rộng?
Người ta thường hay cho rằng, vào thời kỳ đảo lộn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản của chúng ta không được trời phú cho những điều kiện phát triển kinh tế. Lãnh thổ đất nước thì chật hẹp, người lại đông, tài nguyên thiên nhiên khan hiếm v.v...Tuy nhiên, có một chuyện tôi được nghe từ thời đó, mà ấn tượng đến mức vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ.
Có một chính trị gia đi du lịch bằng tàu hỏa cùng người bạn ngoại quốc. Họ vừa ngắm phong cảnh ngoài cửa số vừa nói chuyện phiếm thì câu chuyện chuyển sang vấn đề lãnh thổ. Ông chính khách bảo: Nhật Bản chật hẹp, nên khó mà tự lập được. Nghe thấy vậy người nước ngoài liền kéo chiếc khăn tay từ trong túi ra, túm phần chính giữa giơ lên và lại đặt lên đùi, bảo:
Lãnh thổ của Nhật Bản nói cho dễ hiểu là thế đấy! Nếu chỉ nhìn vào phần góc sẽ nói là chật hẹp. Nhưng nếu trải thẳng cả chiếc khăn ấy ra sẽ thấy rộng hơn gấp ba, bốn lần. Chẳng phải là không hề hẹp chút nào hay sao? Ông thử nghĩ một cách lập thể về sự vật, hiện tượng xem sao? Bảo rằng không thể tự lập được vì trên một lãnh thổ hẹp mà có những tám mươi, chín mươi triệu người, nhưng nếu thay đổi suy nghĩ, cách nhìn thì cùng một lãnh thổ ấy nhưng sẽ thấy rộng hơn, mà môi trường hoạt động cũng sẽ lớn hơn.
Nghe xong, ông chính trị gia đó gật đầu tán thưởng: "Thật là chí lý! Nghĩ như thế được đấy!". Một mặt thì ông tỏ ra thán phục, nhưng đồng thời chắc là rất xấu hổ.
Bởi vậy, dù thế nào cũng không nên chỉ đứng trên nhìn nhận mà vội bi quan. Khi bi quan, đầu óc người ta sẽ trở nên bí bách, không thể sản sinh ra những ý tưởng hay. Bởi vậy, cách nhìn nhận của người nước ngoài kia là rất cần thiết. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ở một mức độ nhất định người Nhật đã đứng trên cách nhìn nhận này mà có được sự phát triển như ngày hôm nay.
Người có thể trở nên hạnh phúc
Tôi bắt đầu mở cơ sở nghiên cứu PHP cũng là vào thời kỳ đảo lộn sau Chiến tranh thế giới thứ hai này. Nguyên vật liệu nghèo nàn, nhân tâm rã rời, trật tự xã hội đảo lộn. Nói chung xã hội ở vào tình trạng vô cùng hỗn loạn. Từ những quan sát thế sự và trăn trở vì mình cũng ở vào tình trạng đó, tôi băn khoăn không hiểu bản tính con người có phải thực là như vậy không.
Và thế là tôi suy nghĩ mông lung, tự tra vấn mình. Cuối cùng đã đi đến kết luận rằng, trong con người vốn có một tính cách vĩ đại là có thể sinh ra hạnh phúc, hòa bình và sự phồn vinh. Mặc dù vậy, con người vẫn đấu tranh, làm tổn thương nhau, hoặc trăn trở với nghèo nàn, đau khổ. Nguyên nhân chẳng phải là do người ta nhìn nhận và suy nghĩ sai về nhau đó sao? Bởi vậy, tôi rất muốn đi tìm cách lý giải về sự vật, hiện tượng để có thể làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Có thể sẽ xảy ra tranh cãi giữa hai cách nghĩ xem con người có được ban cho hạnh phúc, hòa bình và phồn vinh hay không. Nhưng khi phải cân nhắc xem đứng ở lập trường nào sẽ mang lại được hạnh phúc cho nhân loại, thì tôi nghĩ câu trả lời đã quá rõ ràng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005