Thuốc chữa cho mọi bệnh của xã hội

08:28 SA @ Thứ Sáu - 21 Tháng Tư, 2017

Sách là một trong những công cụ truyền tải tri thức hữu hiệu nhất và là công cụ phục vụ giáo dục đại chúng. Sở dĩ, các nan đề đã và đang tồn tại trong xã hội chúng ta có một phần là hệ quả của sự thiếu vắng tư duy vĩ mô về thư viện...

LTS: Dành trọn thời gian và trí lực theo đuổi mục tiêu: làm tủ sách cho nông thôn vì "Đẳng cấp quốc gia không thể có trong ngày một ngày hai mà nó được hình thành trên nền tảng tinh thần dân tộc, công cuộc khai trí và các chính sách phát triển vĩ mô đúng quy luật và sáng tạo trong mỗi bước đi. Một trong những yếu tố chính quan đó là phát triển hệ thống thưviện, khuyến khích người dân đọc sách nhằm kiến tạo văn hóa đọc trên bình diện xã hội"

Ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng chia sẻ tâm tư cùng Tuần Việt Nam.

Liều thuốc cho xã hội

- Công cuộc xây dựng hệ thống thư viện của ông khởi nguồn từ thời điểm nào? Đến nay ông đã xây dựng được bao nhiêu tủ sách?

Tủ sách dòng họ đầu tiên được xây dựng vào tháng 3 năm 2007 là bước khởi đầu cho hệ thống thư viện dân sự ở nông thôn. Sự khởi đầu đó là kết quả sau 10 năm nghiên cứu và thiết kế kiến tạo chiến lược tổng thể nhằm tạo nên hệ thống thư viện do người dân tự xây dựng và tự phục vụ. Hệ thống thư viện dân sự được kỳ vọng sẽ là thư viện vệ tinh cho cho các thư viện công cộng ở cấp xã và thư viện nhà trường.

Đến nay, sau 6 năm nối kết và thúc đẩy các nguồn lực xã hội, hơn 1.100 tủ sách đã được xây dựng ở 24 tỉnh khác nhau, gồm: 101 tủ sách dòng họ, 1.000 tủ sách phụ huynh và Tủ sách lớp em (tủ sách đặt tại lớp học), và 30 tủ sách giáo xứ do cộng đồng công giáo tự xây dựng.

- Không mệt mỏi theo đuổi, ông nhìn ra được những hiện trạng gì trong xã hội, và kỳ vọng sách có thể thay đổi được hiện trạng đó; cũng như những lực cản trên con đường ấy?

Thật khó để khái quát một bức tranh đầy đủ về một xã hội. Tuy nhiên, trong quá 16 năm đeo đuổi việc đưa sách về nông thôn từ lý thuyết đến áp dụng thực địa, tôi thấy rằng xã hội ta ngày càng có quá nhiều nan đề, điển hình là sự dối trá, bệnh vô cảm, bệnh hình thức, thương mại hóa thần phật, nghèo nàn các giá trị sống cơ bản, cổ vũ tham nhũng, lấy ăn nhậu làm đẳng cấp, thiếu vắng đẳng cấp tinh thần trong nhiều công dân...

Theo tôi, tri thức là thuốc chữa cho tất cả các loại bệnh của xã hội. Mà sách là một trong những công cụ truyền tải tri thức hữu hiệu nhất và là công cụ phục vụ giáo dục đại chúng. Sở dĩ, các nan đề đã và đang tồn tại trong xã hội chúng ta có một phần là hệ quả của sự thiếu vắng tư duy vĩ mô về thư viện.

Trong khi đó, thư viện là xương sống cho sự phát triển của một quốc gia. Bởi thế, tôi kỳ vọng rằng khi có một hệ thống thư viện do dân tự xây dựng và tự phục vụ sẽ góp phần giải quyết thiếu sách ở nông thôn, hình thành văn hóa đọc...Hơn nữa, trong tương lai không xa, thư viện dân sự sẽ là thư viện vệ tinh cho hệ thống thư viện của nhà nước.

Bức tường ít đọc sách của xã hội ta vừa dày vừa cao. Nhận thức về tầm quan trọng của thư viện trên bình diện xã hội còn rất hạn chế. Bởi thế, sự đọc sách của con trẻ đến nay vẫn bị ngăn trở đến nỗi tôi phải nói với với một số thầy cô giáo rằng "Ở trường, trẻ không được đọc sách là lỗi của thầy cô giáo. Ở nhà, trẻ không đọc sách là lỗi của bố mẹ".


Ông Nguyễn Quang Thạch (giữa) trong Ngày hội sách. Ảnh nhân vật cung cấp

Để các thư viện không chỉ là kho chứa sách

- "Đẳng cấp quốc gia không thể có trong ngày một ngày hai mà nó được hình thành trên nền tảng tinh thần dân tộc, công cuộc khai trí và các chính sách phát triển vĩ mô đúng quy luật và sáng tạo" - như ông nói - liên hệ trực tiếp như thế nào đến việc xây dựng tủ sách. Theo quan sát trực tiếp, ông thấy kết quả "khai trí" diễn ra như thế nào, tác động đến những người đón nhận nó ra sao?

Để có cái nhìn tổng quan về kết quả khai trí mà chúng tôi đạt được trong thời gian qua, tôi xin chia sẻ bức tranh của đất nước ta như sau: Việt Nam- một đất nước mà cách đây 70 năm với hơn 90% dân số mù chữ.

Cả ngàn năm dưới chế độ phong kiến, người biết chữ trở thành ông cử, ông nghè, ông cống chưa đến 5% dân số thì chưa thể có văn hóa đọc. Từ 1945 đến nay, hơn 30 năm chiến tranh và nhiều thập niên đói kém, người biết chữ tăng lên nhưng hệ thống thư viện còn rất nghèo nàn. Hệ thống giáo dục còn nhiều yếu khuyết. Không gian tự do tạo nền tảng cho khoa học phát triển đang rất hạn chế.

Nông thôn Việt Nam - nơi dân chúng chiếm phần đa, hệ thống thư viện cấp xã hầu như không có, hệ thống thư viện tại các trường cấp 1, 2 và 3 phần nhiều chỉ là kho chứa sách. Tìm được trong một gia đình nông dân khoảng 5 cuốn sách truyện là điều khó.

Bởi thế, chiến lược vừa xây dựng tủ sách ở các địa phương vừa truyền thông về vấn đề thiếu sách ở nông thôn để thay đổi nhận thức của cộng đồng, chúng tôi đã chuyển hóa ý tưởng của cá nhân thành sở hữu của xã hội.

Với những tác động và kết quả đã được như trên, nếu có sự tương hỗ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội khuyến học, Ban Tôn giáo chính phủ, thì hàng trăm ngàn Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách dòng họ, Tủ sách giáo xứ...sẽ được xây dựng trong bảy năm tới bởi hàng triệu người dân.

"Những con người lơ lửng không ràng buộc bởi niềm tin và tri thức, sẽ là tiềm ẩn nhiều bi kịch cho chính họ, và những người xung quanh họ" Ai đó đã nói như vậy, khi văn hóa đọc biến mất, ngu tối đồng hành với tội ác sẽ lên ngôi; chúng ta có liên hệ gì giữa sự thờ ơ trống rỗng tri thức trong một bộ phận người trẻ, với sự gia tăng của sự suy mòn đạo đức, rạn vỡ niềm tin cũng như tội ác ngày càng trở nên bức xúc hay không?

Văn hóa đọc là biểu thị thói quen đọc sách thường xuyên của đại chúng trên một quốc gia bởi vậy văn hóa đọc là dân trí một quốc gia. Khi người ta ít đọc thì bức tường tự kháng với các xấu cái mỏng đi và họ trở nên dễ bị xâm nhập bởi cái xấu, cái ác...

Như tôi đã nêu trên, chúng ta gần như thờ ơ với sự đọc, đặc biệt là của con trẻ. Trẻ nông thôn vốn dĩ đã ít sách lại không được khuyến đọc. Tôi đã đi phỏng vấn ngẫu nhiên rất nhiều sinh viên gốc nông thôn. Hầu hết các em cho biết rằng những năm tháng học trò các em không có sách để đọc.

Thực tế cho thấy rằng từ lớp một đến lớp sáu mà ít đọc sách thì lớn lên các em sẽ rất ít đọc. Tội phạm gia tăng và bất công xã hội dâng cao là đầu ra nghiễm nhiên ở một quốc gia mà tìm trên 60 chuyến xe buýt trong 2 tháng mới thấy được một sinh viên đọc sách.

Bởi thế, chúng ta phải hành động vì sách cho mọi người để xây dựng niềm tin cho mỗi cá thể trong xã hội và niềm tin vào một xã hội tốt đẹp hơn.


Ông Nguyễn Quang Thạch trong một lần mang sách về nông thôn. Ảnh nhân vật cung cấp

...và xã hội không quay về thời kỳ hỗn mang

Với Những người khốn khổ, Victo Hugo đã tạo ra những nhân cách cao cả, thành hình tượng về nhân phẩm con người, ngay cả khi họ ở những hoàn cảnh bần cùng nhất. Qua câu chuyện của những con dế, Tô Hoài dựng nên những bài học cuộc sống, cách để con người trưởng thành... Khi những hình tượng đó bị xa lánh, "bỏ rơi", điều gì sẽ xảy ra?

Giá trị và tính cách nội thân của một con người được xây dựng bởi giá trị và nền tảng ngoại tại thông qua các tương tác gần là bố mẹ, họ hàng, bạn bè, thầy cô giáo.

Bên cạnh đó, những Giăng Van Giăng, những chú dế, những Robinson hay những con người thực như Thomas Edison, James Watt là những dữ liệu đầu vào hình thành phẩm giá, khát vọng, sự cần cù, sáng tạo...thiếu những hình tượng về nhân cách, đồng nghĩa với chúng ta đang kiến tạo tội ác cho hiện tại và lũy tích vô số cái ác trong tương lai. Xã hội sẽ quay về thời kỳ hỗn mang.

Liên hệ giữa văn hóa đọc với mô hình giáo dục hiện nay, ông có nhận định gì?

Giáo dục của chúng ta thiếu tính khai phóng. Bản chất giáo dục là khai phóng tư tưởng để sáng tạo và hình thành các giá trị tinh thần tịnh tiến đến đẳng cấp tinh thần.

Thế nhưng, dường như giáo dục của chúng ta chưa vượt được giáo dục phong kiến là bao bởi thế hệ trước và sau chúng tôi vẫn là những chiếc rô bốt ọc ạch không có sáng tạo và thiếu khát vọng dân tộc.

Một nền giáo dục thiếu thực hành thì người làm giỏi ít mà người nói giỏi rất nhiều. Người trung thực nhận lỗi về mình thì hiếm hoi mà kẻ dối trá dốt nát giỏi đổ lỗi thì nhiều vô kể.

Ngay trong cả giáo dục lịch sử lẫn văn học, chúng ta đã không phản ánh đúng nhiều sự kiện lịch sử, không dạy cho học trò đối mặt với thất bại như lịch sử đã diễn ra như thế.

Chúng ta phổ biến những thứ phi giáo dục như chuyện Tấm Cám, chuyện An Dương Vương giết con gái của mình. Trong khi đó, bản chất giáo dục là nhằm hình bức tường tự kháng nhân văn và hòa bình.

Và chúng ta vẫn tiếp tục tạo nên những hình người khi ở nhà thì sợ bố mẹ mà không dám lên tiếng, ở trường học thì sự đúng thuộc về thầy cô, và khi ở cơ quan cái đúng thuộc về cấp trên.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy về giáo dục. Hãy để giáo dục thoát thai chính trị để làm nền tảng xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh tạo dựng sự phồn thịnh cho đất nước.

- Ông kỳ vọng gì vào sự "khai phóng tư tưởng" từ công việc này, kết quả sẽ đến trong bao lâu?

Khai phóng tư tưởng công dân là trách nhiệm của toàn xã hội trong đó có tôi. Tôi tin chắc rằng việc nối kết và thúc đẩy các nguồn lực xã hội để tăng cơ hội tiếp cận sách cho người dân nông thôn nói chung và trẻ em ở đây nói riêng sẽ tạo nên những thay đổi căn bản sau 30 năm.

Nếu được đọc từ 500-1.000 cuốn sách có hàm lượng giáo dục, kích thích khát vọng và sáng tạo, kích thích cần cù nghiên cứu...trong quãng đời học sinh từ lớp 1 đến 12, chắc chắn rằng hàng chục triệu đứa trẻ nông thôn sẽ tự khai phóng và tự sáng trong tương lại. Lúc đó, dân tộc Việt Nam bừng sáng và được tôn trọng. Nông dân Việt Nam sẽ bắt tay bình đẳng với nông dân Nhật Bản, Mỹ, Israel...

Dân tộc chúng ta chỉ bừng sáng khi chúng ta hành động chia sẻ tri thức cho tất cả mọi người bằng sự trong sáng và tận tâm ngay từ hôm nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái…

    13/08/2015Minh Nguyễn thực hiệnMột nền giáo dục khai phóng, là mở ra những chân trời rộng lớn, ở đó con người tự do, tự chủ. Đó là mục đích của một nền giáo dục đích thực, bất cứ thời nào và nơi nào. Đất nước có thể “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, “sánh vai với cường quốc năm châu” được không, nếu thiếu điều đó? Nhưng hiện nay và ở ta con đường đi đến nền giáo dục khai phóng còn xa ngái!
  • Tự do học thuật: Sinh lộ của một nền văn minh

    26/01/2019Bùi Văn Nam Sơn"Tư cách người trí thức" theo nghĩa rộng, chỉ những ai được thụ hưởng nền giáo dục đại học và "có năng lực diễn đạt ý kiến dưới hình thức văn bản". Vì thế, môi trường đại học là nơi thể hiện quyền tự do này một cách tập trung và đậm đặc nhất...
  • Chúng ta có thể học gì từ người Nhật?

    17/10/2017Nguyễn Trần BạtTrong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới khủng hoảng, đất nước gặp nhiều khó khăn, chúng ta buộc phải có những thay đổi căn bản và quyết liệt. Nhìn nhận lại những bài học từ Nhật Bản là một việc giúp chúng ta có cái nhìn thực tiễn để bắt đầu cho sự đổi mới sâu sắc, toàn diện...
  • Nền giáo dục khai phóng là gì?

    03/06/2017Dr. Mortimer J.AdlerLiệu một nền giáo dục các môn học khai phóng chẳng phải là một thứ xa xỉ hiếm có trong thế giới ngày nay sao? Các sinh viên đại học của chúng ta nên nghiên cứu vật lý, toán và những khoa học khác thay vì triết học văn chương và âm nhạc. Chúng ta cần những người trẻ tuổi được đào tạo về các môn khoa học chứ không phải những con người có thể trò chuyện hấp dẫn về “văn hóa”. Ngày nay phải chăng bất kỳ ai cũng có thể biện hộ cho giá trị của một nền giáo dục khai phóng?
  • Thư viện, văn hóa đọc và đẳng cấp quốc gia

    21/04/2017Nguyễn Quang ThạchĐẳng cấp của một quốc gia được đo bằng các sản phẩm khoa học, sức mạnh kinh tế và quân sự được thừa nhận. Chẳng hạn, thế kỷ 19, khi Jame Watt chế tạo ra máy hơi nước, mở đường cho công nghiệp nặng và chinh phục đại dương, nước Anh trở thành cường quốc hàng hải và xâm chiếm thuộc địa...
  • "Nhiều giáo sư ở Việt Nam chỉ có giá trị trong thư viện"

    30/12/2016Khánh NgọcTrước trào lưu học hàm học vị hiện nay, bác sĩ Lê Thị Kim Dung thẳng thắn nhìn nhận: Việt Nam có quá nhiều giáo sư nhưng công trình của họ đi vào thực tế quá ít ỏi mà chỉ có giá trị trong thư viện...
  • Tinh thần khai phóng

    17/03/2016TS. Nguyễn Thị Từ HuyBài viết này chia sẻ một vài suy nghĩ về một nền giáo dục khai phóng và một nền chính trị khai phóng- các điều kiện cho sự hình thành tinh thần khai phóng cho các thành viên trong xã hội.
  • Giáo dục khai phóng- đâu phải nói cho "sang"

    07/03/2016Nguyễn Trọng BìnhỞ phương diện này, GD khai phóng phải làm sao trả cái đầu lại cho cái đầu của con người.
  • Để có một nền giáo dục - khoa học hiện đại, cần một nền văn hóa khai phóng

    09/10/2015Phan Thắng (thực hiện)Là một nhà khoa học, đồng thời là nhà giáo, người am hiểu và quan tâm nhiều đến đời sống văn hóa, nền văn hóa của đất nước, lại làm việc ở Paris – một trung tâm văn hóa lớn của thế giới, xin đề nghị giáo sư phân tích mối liên hệ hữu cơ của ba nhân tố này trong tổng thể một nền văn hóa? Yếu tố nào có vai trò tiên phong, định hướng sự vận động của nền văn hóa? Và yếu tố nào đóng vai trò động lực, chi phối sự vận động của nền văn hóa, của xã hội?
  • Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội

    15/07/2014Cẩm TúSách giúp người ta thoát được những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi...
  • Nền giáo dục khai phóng

    16/01/2014Andrew ChruckyVới cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục...
  • Ước mơ về một thư viện online khổng lồ

    05/02/2006GS. Ngô Quang HưngThành lập một nguồn tài nguyên phong phú cho nền học thuật nước nhà, từ cấp vỡ lòng đến chuyên sâu. Từ đó, làm cho Internet hữu ích hơn là một cỗ máy game và chat. Dưới đây là một ước mơ của GS Ngô Quang Hưng (khoa Khoa học máy tính, Đại học bang New York ở Buffalo - Mỹ)...
  • xem toàn bộ