Thư của người gửi trâu-bò-gà
Các em thân mến!
Ta đã đọc kỹ ba lá thư của ba em gửi cho nhau. Xin các em đừng giận, không có gì mà người không dám làm, kể cả việc đọc trộm thư.
Tuy mỗi em một tâm trạng, nhưng nhìn chung ba lá thư ấy đều toát lên vẻ trách móc người, buồn vì người, thất vọng cho danh hiệu làm người.
Các em dễ thương của ta ơi!
Ta không muốn thanh minh, cũng không muốn bào chữa. Đúng là người có quá nhiều điều không đẹp, và việc pha mê-la-min vào thức ăn của các em chỉ là một ví dụ con con.
Nhưng các em hãy hiểu cho ta. Có một lý do để ta xấu xa như thế: Đấy là làm người khổ lắm.
Các em chỉ nhìn thấy người cưỡi trâu, cưỡi bò, bắt gà bắt vịt, chứ các em có bao giờ nhìn rộng ra xem người trong các tư thế khác chưa?
Cuộc sống của các em thật đơn giản. Trâu, bò chỉ đủng đỉnh gặm cỏ, thỉnh thoảng vui quá thì rống lên một tiếng. Gà qué chỉ tung tăng đào bới, thỉnh thoảng lại cục tác lên vui vẻ. Thế thôi và chỉ thế thôi.
Nhưng người có ăn cỏ không? Người có ăn giun không? Rõ ràng không. Người ăn cơm, bánh mì, chè đậu, bún ốc, bún bò, phở gà...
Những thứ đó phải mua. Muốn mua phải có tiền. Muốn có tiền phải đi làm. Nhưng than ôi, dù làm quần quật, làm như trâu, bò cũng có đủ đâu. Miếng ăn bao giờ cũng khó khăn cả.
Đấy là chưa kể các em không mặc quần áo. Suốt đời các em khỏa thân hoặc mặc toàn lông. Chả ai dám nói câu nào. Chưa bao giờ trâu, bò, gà bị phê bình là hở hang hay “sex”.
Nhưng ta thì khác. Ta chỉ cần ít mặc là có chuyện ngay. Ta sẽ lập tức bị coi là đồi trụy hoặc câu khách rẻ tiền. Cho nên nhìn chung ta phải suốt đời đeo trang phục vào mình, thậm chí đến tắm cũng phải có thứ gọi là đồ tắm. Mà trang phục thì như các em đã biết, phải mua. Phải có tiền.
Rồi các em ở đâu cũng được. Thậm chí mất bò mới lo làm chuồng là chuyện thường. Nhưng người phải có nhà. Nhà thì phải mua, và mua đắt kinh khủng. Để mua được chỉ một cánh cửa, có khi phải bán hàng trăm con gà hay vài con bò, con trâu.
Chưa kể bao nhiêu những thứ linh tinh khác mà ta không tiện kể ra đây. Các em chưa khi nào phải đóng tiền đổ rác, tiền học thêm, tiền bảo hiểm xe gắn máy... Còn người thì đóng luôn luôn. Đó là chưa tính tiền tiêm phòng các loại cúm, trong đó có cúm gà.
Mua-mua-mua. Tiền-tiền-tiền... Những âm thanh ấy cứ suốt ngày vang lên trong đầu ta, khiến ta nhiều lúc phát điên phát rồ. Nếu trâu điên hay bò điên, chúng chỉ việc chạy lồng lên hoặc húc lung tung. Nhưng người dù điên vẫn không được làm thế, vẫn phải tươi cười, phải tỏ ra lịch sự và vẫn phải không ngừng mua. Đó là bi kịch khổng lồ.
Nhưng ngần ấy chuyện đâu phải là khổ nhất, các em yêu quý của ta ơi. Còn bao nhiêu nỗi ưu phiền khác nữa đang giang tay chào đón kiếp người.
Đã có trâu, bò hay gà bị kẹt xe chưa? Bị lô cốt ngăn không cho đi làm đúng giờ chưa? Đã có trâu, bò hay gà nào bị cúp điện không báo trước chưa, bị xem phải những bộ phim truyền hình dài lê thê giống hệt nhau hoặc bị ép đến mỏng dính khi xếp hàng mua vé tàu Tết chưa?
Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, còn ta chả húc ai cả tự nhiên có những tháng ruồi muỗi bay đầy nhà. Và các em cũng đâu bị tai nạn giao thông hoặc bị ít vô cùng, trong khi người thường xuyên. Các em cũng chả khi nào phải mua xăng đong thiếu, mua thuốc quá đát và mua phải nước tương có chất gây bệnh ung thư.
Các em ngoan của ta!
Người nhiều nỗi khổ đau như thế, nhiều tai nạn như thế nên việc người thỉnh thoảng trở nên ích kỷ, tham lam và ranh vặt cũng có thể tha thứ được, các em ạ.
Ta không muốn bào chữa cho hành động pha mê-la-min nhưng xin các em hiểu rằng có một số người vừa làm như vậy vừa khóc. Do họ khổ quá các em ơi. Nếu các em có đọc tiểu thuyết Những người khốn khổ các em sẽ hiểu rằng chẳng phải ai thiếu thốn cũng trở thành Giăng-văn-giăng. Họ còn trở thành Tê-nác-đi-ê nữa.
Lên án người, chỉ trích người là việc dễ, không có các em thì xưa nay lịch sử loài người cũng là lịch sử của việc người này chỉ trích người kia. Đồng cam cộng khổ với người, thông cảm cho người mới khó, nhưng nếu trâu, bò làm được, những loài khác cũng phải làm được.
Trong thư của gà có nói về sự bình đẳng. Gà khẳng định với một lập trường trước sau như một rằng chính sự thiếu bình đẳng mới dẫn đến việc người đối xử tệ với gia súc, gia cầm. Nhưng các em ơi, làm gì có sự bình đẳng chung chung. Điều an ủi duy nhất của các em, đúng như gà nói, là ở chỗ người đối xử với người còn lâu mới hoàn hảo, nói chi đối xử với trâu-bò. Xin các em đừng giận cũng đừng bi quan. Loài người tuy còn nhiều hạn chế, nhưng cũng là loài duy nhất biết cách nuôi trâu, bò, gà theo lối công nghiệp, cải tạo giống và nâng chúng lên một tầm cao mới.
Xin các em hãy cùng ta bước tiếp trên con đường gian nan, gập ghềnh của việc hoàn thiện thế giới và hoàn thiện muôn loài.
Bạn của các em.
Người nhà quê.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005