Thông thái

08:05 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Ba, 2016

Quốc gia nào càng nhiều nhà thông thái thì quốc gia đó càng cường thịnh. Cơ quan nào càng nhiều nhà thông thái thì càng… “không biết đâu mà lần”.

Ơn giời, cơ quan tôi chỉ có mỗi một nhà thông thái. Nhà thông thái của cơ quan tôi thì ri rỉ rì ri cái gì cũng biết, từ chuyện bé như cây kim đến chuyện to như dự án thủy điện Sơn La anh ta cũng tỏ tường. Vì thế mà anh có mặt ở đâu là trung tâm tri thức cơ quan ở đó, đấy là nói theo góc hẹp, còn theo góc rộng thì anh ta có mặt ở đâu thì trung tâm tri thức thế giới ở đó. Hễ rỗi là anh ta lân la đi các phòng để nói chuyện. Loại cơ quan nhà nước như cơ quan tôi thì người ta có rất nhiều thời gian rỗi, vì thế tài năng của nhà thông thái mới có dịp thi thố.

Hôm nay, nhà thông thái sang phòng bên trái trước tiên. Phòng này phần lớn người ta khoái bàn tới máy móc động cơ, bàn một cách say mê. Khi anh vào thì mọi người đang bàn về động cơ bay. Anh ta liền xà xuống, chẳng cần tìm hiểu mô tê gì cũng bắt ngay được vào câu chuyện. Anh bảo nó bay bằng động cơ Đi ê zen. Một người vặc lại, cái gì bay bằng động cơ Đi ê zen? Anh bảo, cái mà bọn ông đang nói chứ cái gì nữa. Người kia cười mũi, bọn tôi đang nói về tàu vũ trụ con thoi của Mỹ cơ mà. Anh thoáng lúng túng nhưng rồi cũng trấn tĩnh lại được, nói dõng dạc, con thoi hay con thỏi thì về cơ bản cũng bay bằng động cơ Đi ê zen chứ sao nữa. Sau đó anh lướt đi.

Sang phòng bên phải, nơi có nhiều cựu chiến binh ngồi bàn trà ôn chuyện đánh Mỹ anh cũng đập xuống. Con mắt tinh anh hóm hỉnh của anh nhấp nháy. Lần này anh cảnh giác hơn, giỏng tai nghe thủng chủ đề câu chuyện rồi mới liếm mép tham gia. Chủ đề của đám cựu binh là hổ vùng Tây Nguyên. Anh kêu lên như một phát hiện, ái chà, vùng ấy thì còn phải nói, hổ nhiều bô khể, nhiều hơn cả người. Đến mùa động đực, chúng nó kéo nhau đi đen kịt cả vùng ấy chứ lị. Vài ba kẻ đưa mắt nhìn nhau vẻ hoang mang vì họ biết rõ ràng là chưa bao giờ anh bén mảng tới Tây Nguyên, còn hổ, nếu có thì bất lắm anh cũng chỉ thấy ở vườn bách thú. Sao mà anh nói cứ vanh vách là thế nào nhỉ? Thấy mọi người sửng sốt, anh càng phấn chấn hơn, nói liên hồi kỳ trận. anh bảo hổ Tây Nguyên nó khác các con hổ khác ở chỗ bàn chân của nó có… có… thường thì hổ nó có mấy ngón ấy nhỉ? Anh buột miệng hỏi gã bên cạnh. Gã này thủng thẳng đáp, bảy ngón. Thế là anh ré lên, đúng rồi, hổ Tây Nguyên nó khác các hổ khác ở chỗ chân của nó có tám ngón, eo ơi, ngón nào cũng dài dài là, nó mà vồ một phát thì đi đứt. Rồi không chờ mọi người kịp phản ứng, anh lại cất cánh bay sang phòng khác.

Phòng này âm thịnh dương suy, chỉ có hai cậu con trai còn lại có tới năm cô gái nên chủ đề là chuyện ăn uống. Anh vào thì mọi người đang chìm đắm say sưa nghe một cô gái xoe xóe ca ngợi món búng bung ở phố Tạ Hiện. Anh chưa kịp ngồi xuống đã lập tức phủ định luôn, bún bung ở Tạ Hiện mà ngon á, thế cũng đòi gọi là sành ăn. Cô gái vênh mặt hỏi lại, anh bảo ở đâu ngon? Anh nói ngay tắp lự, bún bung ở Phan Bội Châu mới ngon. Không quan tâm tới nét mặt những người xung quanh, anh thao thao bất tuyệt về các món ăn. Cứ theo cách nói của anh thì không dám nói rộng, chứ nói hẹp thì ở cơ quan này từ đàn ông tới đàn bà, chả ai có thể bì với anh về khoản thưởng thức các món ăn. Anh bảo anh ăn từ Nam ra Bắc, từ miền núi xuống đồng bằng, từ thịt voi cho tới thịt cá mập cũng xơi tất. Chờ khi anh ngưng lời lấy hơi, cô gái mới vặn hỏi, thôi không nói xa xôi, thế anh đã ăn bún bung chưa? Anh kiêu hãnh gật đầu. Cô gái hỏi bún bung nó thế nào? Anh cười khinh khỉnh nói, bún bung thực chất là làm bún nó nở bung ra như ngô rang chứ có gì lạ đâu. Đừng có mà giở trò kiểm tra anh em ạ. Anh đây ăn món ấy từ hồi cởi truồng ở quê cơ. Đám đàn bà con gái dựng tóc lên mà cười, cười như vỡ chợ. Anh nghi hình như mình có sai sót, hớ hênh gì thì phải nên vội nói vớt vài câu rồi nhanh chân chuồn ngay.

Tất nhiên nhà thông thái là người phải có mặt ở tất cả mọi nơi, phải tham gia và giải đáp tất cả mọi câu hỏi, mọi vấn đề vì thế thay vì về phòng mình, anh lại sang phòng thứ tư, phòng hành chính. Cái phòng này được mang hỗn danh là phòng đầu chày đít thớt vì việc gì cũng tới tay. Không khí phòng đầu chày đít thớt cũng rôm rả chả kém gì các phòng khác, mà chủ đề thì còn có vẻ hung tợn: lên án tính côn đồ của bọn choai choai ngày nay. Anh lao ngay vào cướp diễn đàn, nói sùi bọt mép, vung chân vung ta trông giống như đang diễn thuyết tranh cử tổng thống. Anh bảo, chuyện này cứ là phải hỏi tôi. Với bọn trẻ bây giờ thì phải có phương pháp giáo dục vừa khoa học vừa nghiêm khắc thì mới ăn thua. Chả nói đâu xa, như thằng con nhà tôi đấy, trước suốt ngày chơi bời, lêu lổng, tôi trị cho đến nơi đến chốn, riềng ra riềng, mẻ ra mẻ, giờ cu cậu cứ là nghiêm văn chỉnh nhất phố. Thế đấy, không đơn giản như các ông nghĩ đâu, phải hiểu biết hơn chúng nó, phải cao tay hơn chúng nó mới trị được chúng nó. Tay trưởng ban hành chính, nghĩa là trưởng ban của đầu chày đít thớt, nghiến răng ghé tai anh nói nhỏ, ông đã lấy vợ đếch đâu mà con với chả cái? Anh ngẩn người sực nhớ liền gãi tai cười xòa, ừ nhỉ, bỏ mẹ nhỉ, thế mà mình lại chưa biết chuyện ấy. Và nhà thông thái của cơ quan tôi lướt ra khỏi phòng đầu chày đít thớt như một cánh buồm vượt trùng khơi trước những ánh mắt nhìn theo rất khó diễn tả của mọi người.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa “tán”

    28/12/2015Lê Thị Liên HoanCó lẽ trên đời này không có gì quan trọng mà lại mờ ảo như văn hóa. Ngay cả định nghĩa thế nào là văn hóa cũng mông lung. Văn học, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc… là văn hóa đã đành. Thời trang, ẩm thực, du lịch… là văn hóa cũng đành, đến đi bộ, ngủ, uống trà, xỉa răng đôi khi cũng là văn hóa nốt!
  • Tám xuyên lục địa

    13/02/2008Nguyễn Vĩnh NguyênChuyện trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã hay. Tám vặt sở thành một dịch bệnh của người trẻ công sở. Tại sao người trẻ lại thích tám như thế?
  • Tám

    07/03/2007Nguyễn Thị Ngọc HảiNhững câu chuyện cứ nối nhau mãi không dứt, nói theo ngôn ngữ của đời sống gia đình, nơi phát ngôn tự do nhất, những điều hay điều dở, đúng sai cứ “thoải mái”. Cái “tám” được xả ngày nay cũng được nhận xét là có “ưu điểm” khi người “tám” stress. Những lời bình cũng vào loại thật thà nhất, vì chẳng có ai “kiểm duyệt”...
  • 6 đề tài đừng đem ra “tán” ở công sở

    08/10/2006Có những đề tài hoàn toàn không thích hợp để đem ra tâm sự với đồng nghiệp cùng cơ quan, cho dù bạn và những người ấy có thân thiết đến mức nào. Nếu cố tình lờ đi những “giới hạn” sau, bạn chẳng những tự rước tiếng xấu vào mình mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp sau bao nhiêu năm phấn đầu mới có được...
  • Cái tánh di truyền của dân tộc ta

    31/08/2005X.T.T. (Tiếng Dân, số 179, ngày 15-05-1929)Trong mục “Lật chồng báo cũ” chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu với độc giả trích đoạn các bình luận về đạo đức xã hội của các nhà văn hóa thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám 1945 trên các báo chí công khai. Trước hết là một số bài của báo Tiếng Dân do nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút...