Thơ Xuân & tự do
Một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Người xưa thường nói “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thâu, đông tàn” nghĩa là mùa xuân vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa hạ trưởng thành, mùa thu dừng lại, mùa đông ẩn giấu. Trần Thái Tông xem bốn mùa trong năm như bốn nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử của đời người: “Con người sinh ra bắt đầu từ mùa xuân” (Nhân chi sinh tướng tuế nãi xuân thì), “con người khi về già cũng như mùa hạ trong năm” (Nhân chi lão tướng tuế nãi hạ thì), “con người khi bị bệnh tật cũng giống như mùa thu trong năm” (Nhân chi bệnh tướng tuế nãi thu thì), “con người khi chết đi cũng giống như mùa đông trong năm” (Nhân chi tử tướng tuế nãi đông thì).
Mùa xuân về, Trần Nhân Tông thăm Chiêu Lăng (Lăng Trần Thái Tông), tức cảnh thành thơ, nhưng trong thơ chẳng thấy “hồn bướm, mơ hoa”, chẳng thấy “vạn mộc xuân vinh” đâu cả mà chỉ thấy tái hiện giấc mơ về chiến công oanh liệt chống ngoại xâm ngày nào:
Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng cãng thuyết Nguyên Phong
Xuân nhật yết Chiêu Lăng
Người lính già bạc đầu hãy còn đó,
Luôn kể lại chuyện Nguyên Phong.
Ngày xuân thăm Chiếu Lăng
Mùa xuân đất trời làm cho chính trị, quân sự hoá thành thơ, hay là bản thân chính trị, quân sự cũng là bài trường ca của một dân tộc anh hùng ba lần đại phá quân Nguyên, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Ai mà không biết Thượng tướng Trần Quang Khải với khúc ca Đoạt sáo Chương Dương độ. Ấy vậy mà xuân đến…xuân đi cũng có nỗi niềm riêng của mình:
Bán phần xuân sắc nhàn sai quá,
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri
(Xuân nhật hữu cảm) I
Dịch thơ:
Nửa phần sắc xuân đã hờ hững trôi đi,
Năm mươi tuổi tự biết mình suy yếu.
Nguyệt sắc vi vi dạ hướng lan,
Đông phong đắc địa khởi xuân hàn
(Xuân nhật hữu cảm) II
Dịch thơ:
Bóng trăng mờ mờ đêm đã gần tàn,
Gió Đông đột ngột khơi dậy cái rét mùa xuân.
Khử sầu lại hữu tam bôi tửu,
Phù kiếm du du ức cố san
(Xuân nhật hữu cảm) II
Dịch thơ:
Tiêu sầu với vài chén rượu,
Vỗ kiếm vời vợ nhớ non xưa.
Như vậy, xuân cũng có xuân vui, xuân buồn, xuân cũng có xuân hướng về tương lai phới phới, cũng có xuân hồi ức, cảm hoài…Tuy nhiên, xuân vẫn là “ngoại cảnh”, là “đời”, vui, buồn, hồi ức, cảm hoài… mới là “tâm”. Có ai đó đã thương thay cho con người trước sau cũng chỉ là con rối của cuộc đời, bởi vì “lòng ta là con rối, đời là kẻ giật dây”.
Thiền là giải thoát là “đối cảnh vô tâm” mà lại để cho đời, cho ngoại cảnh giật dây thì còn gì là Thiền. Kinh Lăng nghiêm chẳng phải có câu “nhược năng chuyển cảnh tắc đồng Như lai” (nếu nội tâm làm cho ngoại cảnh chuyển hoá thì đó chính là Như Lai). “Cảnh” ở đây không phải là phong cảnh mà còn bao gồm cả thiên nhiên lẫn cuộc đời (xã hội). Con người có hai thuộc tính: tự nhiên và xã hội, con người làm thế nào mà không bị tự nhiên và xã hội chi phối được? Mùa hè chẳng nhẽ không biết nóng, mùa đông không biết rét? Xã hội khen hay chê, động hay tĩnh chẳng lẽ lại bảo rằng “ ông đã điếc cả hai tai” hay sao? Cho nên “tuỳ duyên” (Hetupratyaya) là quan niệm của Phật giáo nhằm giải quyết quan hệ biện chứng về tính hữu hạn và vô hạn của con người trong quan hệ với tự nhiên và xã hội.
“Lung linh đáy nước in trời”, mặt nước càng phẳng bao nhiêu thì “in trời” càng rõ bấy nhiêu. Mặt nước đầy sóng động thì làm sao hiển hiện cái cảnh “thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”? “Tâm” có tĩnh thì xuân sắc mới hiện ra cảnh đẹp như nó vốn có:
Thuỵ khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy,
Nhất song bạch hồ điệp,
Sách sách sấn hoa phi
Xuân hiểu, Trần Nhân Tông
Dịch thơ:
Ngủ dậy mở cánh cửa sổ,
Không ngờ mùa xuân đã về,
Một đôi bướm trắng,
Phần phật cánh bay đến với hoa.
Xuân ở trong lòng cho nên xuân đến cũng không biết xuân đi cũng không hay. Một đôi bướm trắng và một cành hoa chẳng phải xuân là gì? “Tâm” tĩnh thì “cảnh” mới hiện, nhưng đó chỉ mới là “tuỳ duyên bất biến” của Bồ tát chứ chưa phải “bất biến tuỳ duyên” “nhược năng chuyển cảnh” của Như Lai. Bài thơ Xuân muộn của Trần Nhân Tông mới là “bất biến tuỳ duyên”:
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung,
Như kim khám phá Đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng
Xuân vãn (Trần Nhân Tông)
Thời trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không”,
Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa,
Ngày nay đã khá phá bộ mặt của chúa Xuân
Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cảnh hoa rụng.
Thiền không để cho cái đầu và trái tim của mình ràng buộc mình, càng không để cho cái đầu và trái tim của kẻ khác thay thế cho cái đầu và trái tim của chính mình. Trái tim “nhầm chỗ” để trên đầu đã là tai hại rồi, nhưng dẫu sao cũng chỉ là nhầm vị trí. Nếu không phải của mình mà “nhầm” là của mình thì đó là cái “nhầm” nô lệ chứ không phải cái “nhầm” tự do.
Thiền là giải thoát, là tự do. Xét đến cùng, “tự do” mới chính là bản chất của con người, là giá trị nhân bản cao nhất của nhân loại. Hồ Chí Minh chỉ nói “không có gì quý hơn độc lập và tự do” chứ chưa bao giờ lại nói không có gì quý hơn “giàu, mạnh” cả. Nói đến dân chủ và tự do, không ít người có thói quen cho đó là thứ hàng nhập khẩu từ phương Tây xa lạ nào đó. Thực ra giá trị của tự do (giải thoát) vốn là hàng nội địa truyền thống của phương Đông. Đó chẳng phải là một thứ “quốc bảo” thời Đông Á hay sao? Nó hoàn toàn có thể giải thích vì sao ba lần quân Nguyên hùng hổ tràn sang, ba lần đều tháo chạy tan tác. Chạy tan tác nhưng có lẽ cho đến khi chết vẫn chưa hiểu tại sao lại thua. Làm sao mà có thể hiểu được rằng một dân tộc khi mà giá trị tự do đã hoà tan vào tinh thần dân tộc khi dân tộc đó là một dân tộc bất khả chiến bại.
Độc lập và tự do như hình với bóng. Tuyên ngôn độc lập cũng là Tuyên ngôn tự do:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và đôc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Dân tộc Việt Nam có Hồ Chí Minh bởi vì dân tộc Việt Nam đã từng có Nguyễn Trãi, dân tộc Việt Nam có Nguyễn Trãi bởi vì dân tộc Việt Nam có Trần Nhân Tông…Giá trị tự do đã được đặt đúng vị trí của nó cho nên vua Tự Đức triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, cũng phải ca ngợi hết lời:
“Công đức nhà Trần thật là to lớn vô cùng, kể từ đời họ Hồng Bàng trở xuống, chưa bao giờ nước ta được thịnh trị như đời Trần Nhân Tông vậy” (Ngự chế Việt sử tổng vịnh).
Vua Tự Đức đánh giá cao công đức của nhà Trần nhưng không nói nhiều về nguyên nhân. Minh viên Huỳnh Thúc Kháng lại rất tán thưởng “không khí tự do” thời Trần:
“Tín giáo được tự do nên tư tưởng có chiều phát triển, trên lịch sử nước Nam ta về đời Trần, không những võ công trác tuyệt (đánh đuổi quân Hồ- Nguyên) mà nói đến học giới có vẻ cao hơn Tống Nho nhiều”.
“Bởi thế nên tư tưởng còn tự do, mà nhân tài đủ cả các vẻ. Nếu cứ thế mà tiến lên thời có lẽ không nhường gì học giới Nhật Bản” (Lối học khoa cử và lối học của Tống Nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?).
Tự do không thể thiếu đối với kinh tế thị trường nhưng tự do càng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Xuân là “tuỳ duyên” mà “tuỳ duyên” cũng là “giải thoát” cũng là “tự do”. Xuân làm cho thế gian vui mà cũng làm cho thế gian buồn. Xuân chóng đến mà xuân cũng chóng đi…cho nên mọi sự đời âu cũng nên thoang thoáng thì hơn! Thoang thoáng thơ xuân, thoang thoáng hương vị giá trị tự do của một thời Đông Á huyền thoại.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý