Thay đổi cho đại học thế kỷ 21
Những thay đổi của xã hội hiện đại đòi hỏi cách tiếp cận mới đối với đại học (ĐH) thế kỷ 21. Cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “ĐH nào cho thế kỷ 21?” do Trung tâm giáo dục Trí Việt tổ chức trong hai ngày 16 và17-10 tại TP.HCM đi tìm câu trả lời...
“ĐH thế kỷ 21 nên tập trung vào con người, có trách nhiệm với xã hội và thể hiện sự gắn kết với cộng đồng”. Đó là quan điểm của ông Pierre Calame, giám đốc Quỹ Charles Leopold Mayer vì sự phát triển của nhân loại (FPH), về mô hình ĐH thế kỷ 21 trong bài phát biểu qua truyền hình tại hội thảo. Theo ông, mô hình ĐH ngày nay (vốn có từ thế kỷ 19) đã lạc hậu so với thực tế của thế kỷ 21 và cần có cách tiếp cận mới với xã hội phức hợp ngày nay.
Xã hội phức hợp
Đồng ý quan điểm này, TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng ĐH thế kỷ 21 phải dạy sinh viên quản lý được một xã hội ngày càng phức hợp, bản thân các trường ĐH phải nhận thức được thực tế của xã hội phức hợp đó.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - giám đốc Trung tâm Trí Việt, đơn vị tổ chức hội nghị - cho rằng chúng ta đang ở trong một xã hội phức hợp mà thách thức chính là sự biến đổi. “Điều sợ nhất chính là sự biến đổi đang diễn ra quá nhanh và ĐH phải có trách nhiệm giúp sinh viên khả năng thích nghi với những biến đổi đó”. Theo bà Ninh, dù VN đề cập nhiều đến hội nhập và quốc tế hóa nhưng chính trong các trường ĐH lại ít suy nghĩ tới vấn đề này.
Với sự tham gia của trên 70 khách mời từ hơn mười nước như Mỹ, Chile, Colombia, Brazil, Canada, Campuchia, VN... các học giả lần lượt đưa ra những góc độ tiếp cận khác nhau từ xã hội của mình.
Ông Hector Zuniga Salinas, phó hiệu trưởng ĐH Universidad del Mar (Chile), cho rằng ĐH mới cần vừa đảm bảo cải thiện chất lượng cuộc sống vừa là cách tạo phúc lợi xã hội, dân chủ và công bằng thông qua việc học khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa. Ông Kristali, hiệu trưởng ĐH luật Trường Tirana (Albania), cho rằng trong bối cảnh mới, các chức năng của ĐH cũng cần được thay đổi.
ĐH thế kỷ 21: giáo dục đa ngành
Trước những thay đổi mới, các học giả đều đồng ý rằng giáo dục ĐH hiện đại không thể tiếp tục chỉ là đơn ngành mà cần mang yếu tố đa ngành để sinh viên ra trường có khả năng xoay xở trong cuộc sống hiện đại.
Nhấn mạnh khả năng làm việc với những môi trường khác biệt, ông Brian Murphy - hiệu trưởng Trường ĐH cộng đồng De Anza (Mỹ) - nói: “Sinh viên tốt nghiệp giờ phải thông hiểu rộng, có khả năng phân tích và tư duy phản biện, đủ khả năng làm việc hiệu quả với những người khác biệt với mình”.
Theo ông, các trường phải đào tạo được các sinh viên có “khả năng tự học lại các kỹ năng cơ bản, có thể nhanh chóng nắm bắt các kiến thức học mới... và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp đa ngành”. “Sinh viên cần có khả năng phân tích, phản biện, sức mạnh về cảm xúc và trí tuệ để tư duy vượt những gì mình học”.
Nói như ông Calame của Quỹ Charles Leopold Mayer thì “cần một nền giáo dục có tính đa ngành, một cách tiếp cận phức hợp... Chúng ta dành quá nhiều thời gian cho những tài liệu học tập khô khan, đưa ra những lập luận cứng nhắc thay vì tìm cách kết nối các vấn đề lại thành một tổng thể”.
Chia sẻ những thay đổi của các ĐH lớn trên thế giới, bà Susan Hoffman của ĐH California Berkeley cho biết hiện những ĐH lớn như MIT, Yale... đã cho ghi hình bài giảng thành các video clip tải lên mạng để sinh viên có thể coi miễn phí.
Về định hướng một ĐH mới, ông Richard Petris - giám đốc chương trình Trường học vì hòa bình của FPH - cho rằng “giáo dục và đào tạo phải phục vụ những con người sẽ góp phần đặt con người trở lại vào trọng tâm của xã hội”. Ông Trần Thượng Tuấn, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nói ĐH mới “cần phải mở rộng ra thế giới bên ngoài” và “tìm kiếm một mô hình quản trị mới dựa trên các công dân”. Với thực tế VN, ông Tuấn cho rằng ĐH phải có “tầm nhìn hướng đến tương lai chứ không phải theo nếp nghĩ của ngày hôm qua”.
Hội thảo về “ĐH nào cho thế kỷ 21?” sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay với phần định hướng về các mô hình ĐH mới.
Trong khoảng hai thập niên qua, giáo dục ĐH VN đã phát triển rất nhanh về quy mô nhưng vẫn trong tình trạng yếu kém so với nền giáo dục của khu vực và thế giới, cũng như so với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa. Sự gia tăng quá nhanh về quy mô cùng với sự ra đời của hàng loạt trường ĐH, dù còn xa mới đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, làm chất lượng đào tạo của cả hệ thống càng giảm sút. Tư duy xơ cứng về cấu trúc chương trình đào tạo ĐH mà VN theo đuổi từ nửa thế kỷ qua ngày càng tỏ rõ nhiều bất cập do thiên về chuyên ngành hẹp, ít gắn kết với thực tế xã hội, vừa nặng (với số giờ lên lớp nhiều hơn khoảng 1,5 lần so với chương trình của các nước phát triển), nhưng lại thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng thiết yếu, tính nhân văn và nhất là năng lực tự học để không ngừng tự bổ túc cho mình những kiến thức mà nhà trường không dạy hoặc không thể dạy khi tham gia thị trường lao động. Chương trình đào tạo quá nặng và tĩnh cản trở việc đưa thêm các môn học mới nhằm đáp ứng yêu cầu của một thế giới động. (Trích bài phát biểu “Quản trị ĐH trước yêu cầu phát triển bền vững” của TS TRẦN THƯỢNG TUẤN, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá