Thanh niên với quốc văn (2)

10:48 SA @ Chủ Nhật - 13 Tháng Ba, 2016

Xem thêm: Phần 1

III.
Phần thứ ba của câu chuyện này, tôi sẽ xin phác họa vài nguyên tắc. Bây giờ anh em đã đồng lòng làm việc cho quốc văn cả rồi, thì ta theo những ý định nào, những khuynh hướng nào khả dĩ có lợi nhất cho quốc văn?
.
Sống, tức là chọn lựa. Không thể đi nước đôi được, nhất là khi văn học Việt Nam còn ấu trĩ. Vậy rất sơ sài, tôi xin trình ra đây gọi là sáu nguyên tắc. Những nguyên tắc ấy có thế bàn cãi rất dài dòng; chúng nó không phải là tuyệt đối; có thể người ta bất đồng ý, có thể người ta cho là chật hẹp. Nhưng tôi quả quyết rằng: đó là những nguyên tắc cứu cho quốc văn.

Sáu nguyên tắc ấy tạm kể sau này:
Một là phán những tật xấu trong tinh thần Á Đông.
Hai là phán những tật xấu của riêng người Việt Nam.
Ba là chuộng sự thật.
Bốn là chuộng sự lành mạnh.
Năm là chuộng sự sáng sủa.
Sáu là chuộng sáng tác.
Điều thứ nhất: những tật xấu trong tinh thần Á Đông ta là những gì?

Thưa các bạn, tật đầu số là tật lười, tật làm biếng.

Lười suy nghĩ, thích nhàn nhã, thich ngồi không. Cái quan niệm của Lão Tử, Trang Tử, nào là thanh tịnh, nào là vô vi, thật là hợp với sức máu chạy của người Đông Á. Nếu máu chúng ta chạy mạnh thì tất chúng ta phải xung xăng làm cái này cái nọ, chú vô vi thì chịu sao nổi.

Vậy thì trong văn học Việt Nam, thôi ta đừng dùng cái khẩu khí hát cô đầu nữa; đừng cho cuộc sống là hư vô nữa, đừng “học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp”, đừng “khúc Cổ Bồn ca gõ hát chơi” nữa; mà phải thế này: cúc cung, tận tụy.
Tật thứ hai là tật “một tấc đến giời”. Ngồi mà thanh tịnh vô vi, thì dễ hiểu vũ trụ lắm. Ta cho vũ trụ là thế nào thì vũ trụ sẽ thế ấy chớ chi. Nhưng sự thật là ta phải đi nghiên cứu, tìm tòi mới hiểu vũ trụ được, chứ không thể ngồi mà phóng đại. Vậy thì làm việc gì, cũng phải “chăm chắm, nơm nớp”, coi là phải tận cùng quan sát mới được.

Một tật nữa là não huyễn hoặc, não chuộng thần quyền. Gần đây, trong thơ văn có cái mốt nói chuyện Liêu trai. Có những thi sĩ nhất định lấy hồ ly làm vợ; và nếu buông cụ Bồ Tùng Linh ra thì họ không biết nói gì. Cái tinh thần huyễn hoặc của Á Đông đã lộ ra trong sự theo hùa ấy. Nó còn chuộng thần, chuộng thánh, nên nóbịa ra những giấc mơ tiên, nên nhiều nhà văn phí thì giờ tả cung điện ở trên trời. Thiên đường chỉ ở trên trái đất này thôi; biết sửa đổi sự vật, thì sự vật hóa ra thiên đường, chứ hà tất phải xem chuyện quỷ, phải yêu nhữngma tinh, hay phải mơ những nàng tiên nữ.

Bức ảnh nhà thơ Xuân Diệu đề tặng nhà phê bình Hồng Diệu

Còn những tật xấu riêng của người Việt ta là tật gì?

Thưa các bạn, chỉ cần kế ra đây một cái tật đại biểu.

Cái tật to lớn nhất, rõ rệt nhất, có hại nhất, là cái tinh thần mà tôi gọi là: tinh thần voi nan. Phải, những con voi to lớn lắm, có đủ chân đủ vòi, nhưng nó ở trong bằng nan, ở ngoài bằng giấy. Trong kinh tế, những cái Imprimerie hay Boulangerie universelle chẳng hạn, là những cái nhà có dăm mươi thợ làm; những đại thương cục là những hiệu bán một ít khăn quàng, bit tất; thì trong văn chương, cố nhiên những quyển Chu Manh Trinh hay Nguyễn Trãi chẳng hạn là những sự bôi phết qua loa, nào đủ tài liệu gì, nào nói ra được cái gì mới lạ. Mấy năm nay, các bạn chắc cũng đã bị cái mà khảo cứu nó đánh lừa; mua quyển sách về, được cái bìa là có ý nghĩa!

Một bản dịch Ly Tao mà đem điệu Sở Tư dịch qua loa ra lục bát hay song thất lục bát: voi nan. Một tập sách nói nhảm dông dài mà gọi là tiểu thuyết; một cuốn hát Dặm Nghệ Tĩnh mà chỉ góp những bài hát dặm vài huyện Nghi Xuân, Can Lộc tại Hà Tĩnh, chứ chẳng thấy tỉnh Nghệ An ở đâu: đều là voi nan cả... Voi nan để lừa độc giả, voi nan để làm tiền; kể làm sao xiết voi nan...

Trái với tinh thần giả dối, lừa lọc, muốn để ăn kia, ta phải có tinh thần làm thật. Khảo cứu là khảo cứu thật; văn sĩ là có tài thật; xuất bản là xuất bản thật những sách hay đáng với đồng tiền.

Viết một quyển sách tắt là nó phải khá dày, số trang cho khả dĩ làm một quyển. Chủ những tác phẩm bốn năm mươi trang giấy, thì thật là trò đùa. Người Việt ta có một chỗ kém là sự ngắn hơi. Sách của ta phần nhiều ngắn hơi cả. Trừ những truyện trường thiên hai ba nghìn câu thơ như Hoa tiên, Truyện Kiều, những tác phẩm khác tỏ rằng cái sinh lực của tác giả ít ỏi, nghèo nàn. Trong văn học Tàu, một bộ Hồng lâu mộng chẳng hạn, gồm có mấy mươi quyển, ta muốn dịch kỹ trong vài năm họa mới xong. Còn trong văn học Pháp, những tác phẩm lớn lao không cần phải kể. Đến như trên trường văn thế giới hiện giờ, một quyển tiểu thuyết hay cũng từ năm trăm trang giấy trở lên. Những tác phẩm mai sau của văn học ta cũng phải có lượng mới được, để tỏ rằng cái năng lực sáng tạo của ta cũng dồi dào, chảy ào ạt trong bảy tám trăm trang sách.

Đành rằng, lời tục có nói: “Văn hay chẳng luận viết dài”. Nhưng văn đã hay mà lại nhiều, thì cái hay nó trăm hình nghìn vẻ. Nó như cả một buổi sớm mai gồm trăm hoa, nghìn lá, một van con chim, chứ không phải chỉ là vài giọt sương hoa. Cái hay có kèm theo cái nhiều thì mới thật là bắt chước tài của tạo hóa. Tạo hóa bày ra nào sông, nào núi, nào sóng, nào mây, nào muôn loài, chứ cóphải lèo tèo ít ỏi như trong những bài thơ Đường đâu!

Mà trong sự dài hơi ấy, ta vẫn cứ không cẩu thả. Văn thì chăm sóc từng câu; thơ thì sát hạch từng chữ. Sao cho trong một bài văn, bài thơ đều có cái tính cách hoàn thành. Mỗi chữ, mỗi câu, đều như những tên lính ở trong một đạo quân; chữ nào, câu nào đứng ở chỗ nào, là nó có cái lý do, cái phận sự của nó ở chỗ ấy.

Những nguyên tắc phá hoại đã phác sơ qua. Giờ đến những nguyên tắc kiến thiết.

Nguyên tắc cốt yếu là chuộng sự thật. Có những linh hồn thật (des âmes uraies) và có những linh hồn giả (des âmes fausses). Những linh hồn thật thì ăn nói tự nhiên, thành thật với mình, thành thật với người khác; viết văn ra không khi nào đóng tuồng.

Còn những linh hồn giả là những linh hồn thích dáng điệu, thích kiểu cách, lúc nào cũng mơ những cái khung định sẵn, và gắng làm theo như cái khung ấy. Những linh hồn giả sẽ ẩn trong chủ nghĩa nghệ thuật để ăn hút cho thỏa thích, rồi bịa đặt ra thuyết này, thuyết nọ. Nhưng chỉ có một cái thuyết quan hệ nhất: là phải có tài!

Chuộng sự thật ta sẽ không sợ sự thật. Sự thật có xấu xa, ta cũng nhìn; có nhìn kỹ thì mới sửa đổi được. Nếu ta trốn cái sự thật thì cái sự thật nó cũng cứ. đuổi theo ta; cũng như Boileau nói: nếu anh đuổi cái tự nhiên, cái tự nhiên sẽ cứ sống sộc chạy trở lại.

Viết văn thật, là ta không quên những điều kiện xã hội, những sự cần thiết của muôn người chung quanh ta.

Ta không nói những chuyện ở trên mù sương, mà ta ở giữa cái đời, nhận những tiếng dội của đời và cũng tung ra cho đời những tiếng của ta, bắt đời phải đội. Văn thật, là cái văn xây đắp, bồi bổ cho sự sống, cho đời người. Tất cả cái gì của nhân loại mà lại không “vị nhân sinh?”. Bổn phận nhà văn là đưa tay đẩy cho cái bánh xe đời chứ không thể tách riêng ra ở ẩn. Nếu ở ẩn, thì viết văn rồi cũng nên đốt cháy ra tro bụi chứ còn in ra làm gì! Làm sao cho cuộc đời hay thêm lên, phải thêm lên, đẹp thêm lên, là viết văn thật. Còn như cái văn chương truyện kỳ quái đản vẫn thông dụng ở Á Đông ta, thì phải cho nó hết thời!

Nguyên tắc xây dựng thứ hai là chuộng sự lành mạnh chuộng sức khỏe. Trong văn học ta gần đây, mới nhập càng được cái quan niệm “nghệ sĩ”. Quan niệm khốc hại ấy từ phần cuối thế kỷ mười chín bên Pháp truyền lại. Nó cũ lắm, chứ có mới mẻ gì; mà chúng ta, sắp ở nửa thế kỷ thứ hai của thế kỳ hai mươi; chúng ta “lại khăng khăng vớt lấy một phần đuôi”? Những đồ đệ của quan niệm nghệsĩ há lại không nhớ rằng từ lúc quan niệm ấy phát sinh đến nay, nhân loại đã trải qua hai trận chiến tranh, trận 1914 - 1918 và trận 1989 hiện nay. Những cái phản tiến bộ còn phải sụp đổ với hai trận chiến tranh, nữa là quan niệm nghệ sĩ.

Quan niệm ấy ngày xưa cũng có, có từ ba bốn nghìn năm kia. Nhưng người Tàu và người Việt gọi nó bằng một cái tên phong nhã hơn: “TÀI TỬ”. Cái tên đã phong nhã hơn, mà cái ý niệm cũng phong nhã hơn thật. “Tài tử” là người có tài. Có tài và có tình. Có tình và có ý; có biết cái hay, cái đẹp ở đời. Bọn văn sĩ thi gia là “tài tử” mà mặc khách tao nhân cũng là “tài tử”. Tài tử miệng gấm lòng châu. Tài tử biết:

“Cảm trời đất vô cùng - Một mình tuôn giọt lệ”.

Nhưng gió xa thổi đến, chúng ta đã bỏ cái quan niệm tài tử mà thay cái quan niệm nghệ sĩ vào. Nghệ sĩ là kẻ đi tìm cái thú ở đời, tìm mà hưởng cùng tận cái đời. Hưởng cái sống xong, họ hưởng qua cả cái chết. Hưởng bằng sự vặn cái sức khỏe cho thành ra sự bệnh hoạn. Hưởng bằng cách làm cho khác đời. “Tài tử” khác đời ở chỗ đời trọc mà mình thanh. Nghệ sĩ khác đời ở chỗ đời khỏe mà mình ốm. Tài tử cho đời là mê, mà có lẽ mình có một phần giác ngộ. Nghệ sĩ cho đời là thường nên mình phải điên. Tài tử thì “cầm, kỳ, thi, họa”. Nghệ sĩthì rượu và thuốc phiện. Tài tử thì yêu giai nhân. Còn nghệ sĩ thì tất là phải yêu những gái đĩ.

Tôi tư hỏi: sự hút thuốc phiện, người thường còn cho là chẳng đẹp, nên cũng hút trong một góc phòng riêng. Mà có sao bọn văn sĩ, đáng lẽ, phải trong sạch, cao đạo hơn người thường, lại lõa lô mang nó ra, đem nó vào nằm trong văn chương cho mọi người xem? Còn có cái thời nào trơ trẽn cho bằng thời này nữa không? Người ta cho cái xấu là cái tuyệt đẹp, dám huênh hoang tự đắcvì cái dọc tẩu của mình. Dường như cái ác ý của họ là mình đã trụy lạc rồi, thì vung tóe cái trụy lạc ấy để người khác mắc phải, cho có bạn với họ. Cho đến nôi một bọn thiêu niên mới xanh mái tóc, vì xem gương họ, màphải mắc cái bả phù dung. Họ ca tụng rằng:
Khói huyền lên! Khói huyền lên!…

Thưa các bạn, đó là khói nấu cơm của dân làng nằm bẹp. 1)

Họ nói rằng:
Nhớ quê sầu trắng một đêm nay!

Quê đây là cái quê nâu của họ, của một bọn người chán chưởng không còn quê hương nào để phụng thờ nữa cả, cho nên phải lấy thuốc phiện làm quê hương.

Viết văn là một sự làm việc. Muốn làm việc thì phải có tinh thần khỏe mạnh, phải ghét sư bệnh hoạn, phải ghét cái xấu xa của trụy lạc. Hoặc giả có đôi bậc thiên tài họ có tật, thì đó cũng chỉ là những điều đáng tiếc; những điều mà xã hội làm ngơ đi cho, chứ có phải những điều để làm gương đâu. Có những người học thuộc lòng câu phương ngôn: “Có tài thì có tật”. Thế là họ có tật trước, tật rượu chè, thuốc phiện, cô đầu. Còn như cái tài, thì nó chạy trốn ở đâu mất.

Hay là họ bảo: hút thuốc phiện để tìm hứng? Vậy thì cái văn thơ họ làm ra đó là văn thơ của thuốc phiện làm chứ họ có làm ra đâu. Còn người mạnh thì uống nước lã cũng cứ làm thơ hay được như thường. Với tình thể văn học Việt Nam bây giờ, đã nhận trách nhiệm làm văn sĩ, thi sĩ, thì đáng lẽ chỉ ăn cơm hẩm, uống nước vối mà làm việc cho văn chương mới phải, đáng lẽ phải sống kiêng khem như một người tu, để làm việc cho được lâu bền mới phải. Chứ lại mê ăn mê hút mà trốn vào cái quan niệm nghệ sĩ hay sao?
Chú thích:

1)Ở đây, tác giả xin để những tình riêng lại một bên, không thấy người viết, mà chỉ thấy thơ đã viết.
Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thanh niên với quốc văn

    11/03/2016Xuân DiệuĐây là bài nói chuyện của Xuân Diệu với các sinh viên, học sinh Việt Nam tại trường Đại học ngày 4-2-1945. Trong phạm vi diễn thuyết Xuân Diệu đã nói sơ qua những quan niệm cần có để gột rửa cái óc nô lệ của người mình trước văn hóa dân tộc...
  • Cái học quẩn quanh

    09/02/2016Xuân DiệuCái học mới ta chưa lĩnh hội được bao nhiêu, ta chưa tạo ra được máy móc gì, mà đúng một cái, chúng ta đã trở về với “trời bến Phong Kiều” hay “thu sông Xích Bích”. Phong Kiều hay Xích Bích đi nữa, thì chúng nó cũng chẳng phải là Hoành Sơn hay Nhị Hà! Mới trở lại học chữ Hán được vài năm, mà ta chui ngay vào cái vòng nô lệ cũ...
  • Hàng bia Văn Miếu

    02/02/2016Xuân DiệuƠ kìa, bạn ở Hà Nội mà không biết trong Văn Miếu có hai hàng bia, khắc tên các vị khoa giáp ngày trước?