Tản mạn một chữ... tình
Dân tộc Việt Nam ta, cùng với truyền thống yêu nước đã có từ ngàn đời nay, không thể không nhắc đến truyền thống đoàn kết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, nhất là trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Đã có biết bao câu ca dao, tục ngữ nói về đức tính quý báu này của người Việt Nam mà không phải quốc gia, nền văn hoá nào cũng có được. Trong hoạn nạn khó khăn tình người càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết.
Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, tình yêu thương đất nước gắn bó với tình đồng chí, đồng đội, đã làm nên sức mạnh phi thường, tạo niềm tin lạc quan và hy vọng vào ngày chiến thắng.
Người ta thường nói người Việt Nam duy tình, điều đó quả là không sai. Bất cứ biểu hiện nào trong đời sống xã hội, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ công sở đến gia đình, cộng đồng… ở đâu cũng có thể thấy bóng dáng của việc “tình đi trước lý”, trong quan hệ xã hội, hoạt động chính quyền, thậm chí trong khuôn khổ pháp luậtv.v… thì thường vẫn là vận động, giáo dục, khuyên bảo rồi mới đến răn đe, xử phạt, cưỡng chế…
Thế nhưng, khi đời sống vật chất được cải thiện đáng kể, khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, thì có lúc có nơi tình người đã bị phai nhạt đi, không còn thân tình như trước kia khi còn khó khăn, mà sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, tính cộng đồng, sự giúp đỡ lẫn nhau không còn phổ biến nữa, mà xen vào đó đôi lúc là sự toan tính, thấy có lợi cho bản thân mới giúp, mới quan tâm hỏi han…
Không ai phủ nhận cái tình người, một tài sản vô hình nhưng cũng vô giá, nó không chỉ là biểu hiện của tính nhân đạo đơn thuần mà còn là thể hiện của bản sắc văn hoá, nhân văn, nhân bản rất đặc trưng của người Việt Nam.
Tuy nhiên, nó sẽ thật sự quý báu, mang đúng nghĩa chữ TÌNH khi người ta không để nó lấn át hết lý trí, khi để nó hiện diện trong những biểu hiện của sự xuê xoa, vị nể, “giơ cao đánh khẽ” mà trong công việc và cuộc sống đời thường của chúng ta hiện nay rất dễ bắt gặp.
Có những điều, nếu ở nước ngoài người ta cứ theo lý, theo luật mà làm thì có thể đối tượng nào đó bị thiệt nhưng bù lại sẽ có tác dụng giáo dục, đem lại cái lợi cho cộng đồng, cho xã hội. Còn ở ta, đôi khi cái tình với cái lý cứ vương vấn, đan xen lẫn lộn, dẫn đến những kết quả không theo kỷ cương nào cả.
Đất nước đang trong giai đoạn tiến lên văn minh hiện đại, hoà nhập và mở cửa, điều đó không đồng nghĩa với việc không xem trọng chuyện tình nghĩa. Tình người phải được bảo tồn và phát huy, không để vật chất, đồng tiền làm lu mờ.
Nhưng bên cạnh đó, cũng phải làm quen với tính chuyên nghiệp, với những quy định của luật pháp hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nếu không muốn bị tụt hậu so với thế giới.
Khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” không chỉ là câu nói cửa miệng mà là sự nhắc nhở mọi người sống chung với sự nghiêm minh của pháp luật, tình lý phải rõ ràng, phân minh, tất cả là để hướng đến cái chung tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải với một ai đó mà làm thiệt hại cho cái chung. Tính cả nể là biểu hiện đầu tiên của việc chữ tình bị lạm dụng.
Trong mối quan hệ mang tính nhà nước, hay còn gọi là công việc, thỉnh thoảng, người ta thường hay nhắc đến từ “tội” mỗi khi có chuyện phê bình, kỷ luật xử lý một cá nhân nào đó, chữ tình hay được xét đến đầu tiên sau đó mới đến lý, mới đến quy định, pháp luật.
Chưa nói đến chỗ thân quen, là bà con họ hàng thân thích v.v... là đối tượng bị xử lý mà chỉ vì mối quan hệ thân tình nào đó, người ta thường nương tay hoặc cho qua những lỗi lầm, những vi phạm của ai đó. Ngay cả việc xử phạt - không tính đến chuyện tiêu cực - vẫn có những trường hợp vì “ thấy tội” mà nương nhẹ thậm chí bỏ qua cho người phạm lỗi lầm, khuyết điểm.
Cứ như vậy, sẽ có những sự châm chước, lách tránh, che chở cho những người có hành vi, vi phạm thể hiện rõ nét. Trong các buổi họp xét thi đua khen thưởng, không phải lúc nào cũng “ngang ngay sổ thẳng” căn cứ theo quy định, hồ sơ để xét mà còn có những nhận xét liên quan đến yếu tố “dễ thương”, “tội”, “hiền”, “chơi được”.
Ngược lại, trong xét kỷ luật cũng đôi khi có những tình huống tương tự cũng được ai đó nêu ra để giảm nhẹ mức độ kỷ luật. Trong xử phạt hành chính, vi phạm luật lệ nào đó v.v… có đôi khi chỉ vì những lời năn nỉ, van nài, và cả nước mắt mà người thi hành công vụ lại mềm lòng, không nỡ xử phạt, hoặc chỉ phạt ở mức thấp nhất, phạt tượng trưng… Dẫn đến người ta lợi dụng chữ tình để vi phạm luật lệ ở các lần tiếp theo.
Vì tình mà kỷ cương phép nước không nghiêm, trên bảo dưới không nghe hoặc nghe nhưng không chấp hành vì họ không bị xử phạt một cách nghiêm minh, không theo quy định của pháp luật. Sự khoan dung, độ lượng trong cuộc sống là quý và cần thiết nhưng phải tùy trường hợp, tùy tình huống. Quan trọng là làm chủ được cái lý, vận dụng được cái tình một cách đúng lúc.
Cái cần phát huy, giữ gìn và tôn vinh là cái tình người như trong câu chuyện nóng hổi vừa mới đây thể hiện ở tấm lòng đồng bào cả nước đối với các nạn nhân cơn bão Chanchu hay hàng chục người tình nguyện hiến thận cho huấn luyện viên Alfred Riedl mà như lời vị HLV này thốt lên “ở châu Âu chắc không ai tưởng tượng chuyện này là có thật!”.
Đó là cái TÌNH đáng trân trọng, làm cho bản chất của người Việt Nam thêm toả sáng. Điều đó không đồng nghĩa với những loại tình của sự vụ lợi, cơ hội cũng như của sự nhu nhược, nể nang nhất là trong những vấn đề có ý nghĩa vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển đi lên của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng