Tâm sự người đi hội thảo

09:40 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Tư, 2017

Sắp đến lễ kỷ nịêm 25 năm ngày mất của một nhà thơ nọ. Sinh thời ông được coi như một trong những nhà văn hàng đầu của đời sống văn học nên lẽ tự nhiên là đơn vị sở tại nơi nhà thơ này công tác lo làm một cuộc hội thảo, một việc rất hợp lòng người.

Về mặt cá nhân mà nói, tuy không có một văn bản nào quy định sẵn, song ai cũng hiểu thời nay được mời dự một cuộc hội thảo nào đó tức là một phen tên tuổi người làm khoa học được khẳng định.

Có lẽ vì vậy mà nhà nghiên cứu X. bạn tôi không khỏi đau khổ khi buộc phải từ chối tham dự cuộc hội thảo sắp tới. Anh tìm đến tôi để than thở:

­ Khổ lắm, ngày giỗ kề tận nơi thì người ta mới đến mời, làm như là lúc nào mình cũng rỗi, và chỉ ngồi vào bàn khoắng bút là xong. Kiểu mời như vậy tức đã coi các báo cáo chẳng ra gì rồi. Đến lúc mình vừa gãi đầu gãi tai nghĩ ngợi thì lại được ngay một câu thúc giục : Xin anh quyết định ngay cho nếu không còn mời người khác. Chỉ còn thiếu cách nói trắng ra rằng chẳng qua tôi nể anh nên mời thôi, chứ không có anh đã có người khác, vậy thì còn gì mà không từ chối phắt.

Ra thế ! Trông vẻ đau khổ của bạn, tôi đành yên lặng chứ không dám nói gì thêm, trong bụng thầm nghĩ không ngờ bạn mình lạc hậu quá : thời nay người ta làm hội thảo để lấy thành tích và đi hội thảo cho vui chứ mấy ai tính chuyện chất lượng mà anh lo. Còn như quan niệm về người báo cáo ấy ư ? Chỉ có trật tự duy nhất là trật tự quan chức hoặc học hàm học vị ngoài ra không cô thì chợ cũng đông, và điều quan trọng nhất: Anh đòi anh được công nhận như một tiếng nói buộc phải có nếu không thì không ra hội thảo ư ? Nói thật nhé , cái ý nghĩ loại đó không bao giờ có trong đầu chúng tôi.

Không rõ hôm ấy tôi khéo đóng kịch ra sao mà anh bạn quá tin, còn tiếp tục dốc bầu tâm sự:

- Khi thấy mình lưỡng lự, người đến mời không quên bổ sung, rằng hôm ấy có TV về quay, nói xong tỏ vẻ thương hại rằng ngon lành như thế cơ mà, lẽ nào một người có lý trí bình thường lại bỏ qua . Thì ra họ coi mình là loại đi họp chỉ thích nhoi lên hàng đầu để máy quay lia qua vài giây, về nhà doạ vợ con, thế là cái máu tự trọng dở hơi nổi lên, nhất định cám ơn tạm biệt.

Cái may cuả anh bạn tôi là vẫn còn một chút tỉnh táo, nên mới tự nhận là mình dở hơi, và thú thực rằng mình thấy tiếc. Nhưng dẫu sao anh đã không nhận lời, tức đã nhất quyết là mình. Cá nhân anh còn thế , thử hỏi những người tổ chức hội thảo làm sao họ thay đổi quan niệm vẫn có, nào là chuẩn bị thật chu đáo nào là mời bằng được người nọ người kia phát biểu, toàn những việc làm phiền cho họ chứ không thể giúp họ sang trọng hơn ? Rồi họp hành lộn xộn chẳng ai nghe ai, rồi có những người đi họp chỉ vì phong bì (có ban tổ chức chỉ thích phong bì thật nhẹ để mời được rộng ; khi thế bắt buộc phong bì phải tương đối nặng thì người ta chỉ dành giấy mời cho những người cánh hẩu ) — làm sao liệt kê hết ra đây những điều lạ lùng quanh ta ? Có điều một năm có bao nhiêu cuộc hội thảo tương tự như hội thảo về nhà thơ nọ, tôi biết rằng không đi đám này rồi bạn tôi với tất cả sự nhạy cảm của mình sau cơn bực bội lại phải có mặt trong đám khác, chắc anh không đủ sức mà từ chối mãi. Bởi có một câu mà người ta thường nói với nhau và tôi đoán trong bữa cơm chiều trong gia đình vợ con anh cũng nói với anh, khi nghe từ chuyện tham nhũng, chuyện cháy rừng, tới chuyện ngộ độc thức ăn:

- Thời buổi này, nước nào chẳng thế!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chuyện cái phong bì xưa và nay

    11/11/2009Lê HàCùng với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt là công nghệ thông tin, chiếc phong bì dường như đã chấm dứt “sứ mạng” lịch sử của nó. Không diệt vong, nhưng lại chuyển hóa sang một hình thức khác, một chức năng khác tinh vi hơn, đáng bàn hơn và cũng đáng suy nghĩ hơn.
  • Hội thảo về sự “xấu xí” của người Việt

    23/03/2009Tùng NguyênDù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí...